Chạy lũ trên cao nguyên Di Linh

Sau 36 ngày thủy điện Đồng Nai 3 chính thức ngăn dòng tích nước, 58 hộ dân sinh sống nơi đây đang bị mắc kẹt, sống chơi vơi giữa 5 ốc đảo. Mỗi khi trời đổ mưa, nước lòng hồ dâng cao, họ lại nháo nhào chạy lũ…

5 ốc đảo giữa rừng

Thuê chiếc xuồng bơi đi đến các khu vực đã bị chìm sâu trong nước, chúng tôi nhận ra quốc lộ 28 chạy qua địa phận thôn 5, xã Đinh Trang Thượng, thuộc cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) bị ngập sâu nhiều đoạn. Bơi vào sâu hơn thì thấy cả thảy có đến năm cụm dân cư bị biến thành 5 hòn đảo nổi. Tiếng người gọi nhau í ới, lợn kêu eng éc, chó tru vì đói rét… vang khắp nơi.

Tại một hòn đảo nổi, nơi có gần chục túp lều bạt đang nằm co cụm, bà Vương Thị Trạm trong chiếc áo mưa rách tơi tả kể: “Cứ mỗi lần nước lên nhanh thì bà con ở đây chỉ kịp thu dọn quần áo, nồi xoong rồi dắt díu bỏ chạy lên chỗ đất cao hơn để tránh nước. Gia tài gần như bị con nước dữ nuốt mất rồi, gạo muối cũng không kịp mang theo nên giờ chưa biết tính sao”.

Túp lều che bạt của vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ đã 7 lần chạy nước.     

Trong cảnh nháo nhào của lần chạy lũ lụt, mới nhất hôm 23/10, trước túp lều bạt vừa dựng tạm trên quốc lộ 28, chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn 5, xã Đinh Trang Thượng vừa lúi húi cạo lông con lợn chết nước than khóc: “Gia tài được 4 con lợn nái đã chết 1, còn lại 3 con không biết chạy đâu, cả người lẫn lợn mạnh ai nấy chạy thoát thân tránh lũ”. Đến hôm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ đã trải qua 7 lần di chuyển chỗ ở, cứ hễ nước dâng đến đâu thì căn lều tạm lại được xê dịch đến đó, tìm lên chỗ còn chưa ngập. Những ngày trời nắng khô thì sống bình yên, khi có mưa là phập phồng lo nước về.

Cũng rơi vào thảm cảnh bị con nước rượt đuổi phải bỏ lại khối tài sản lớn, gồm gồm 5ha cà phê, gần 100 con gà, vịt và 3 ao cá sắp sửa cho thu hoạch… ông Đào Khắc Quý cho biết: “Nước dâng cao quá nhanh nên tôi và nhiều hộ khác chỉ kịp thu dọn quần áo, nồi xoong di dời lên chỗ đất cao để tránh. Chúng tôi phải sống trong mưa gió, vô gia cư…”. Hộ nào vớ được tấm nhựa mang theo thì dựng lấy lều, che bạt sống tạm.

Ngôi nhà của một hộ dân chỉ còn lại nóc

Hầu hết không tìm được chỗ dựng lều nên đành dựng tạm trên quốc lộ 28, một số khác bí quá làm liều dựng bừa trên đất của người khác dẫn đến xảy ra tranh chấp. Đã có trường hợp đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán chỉ vì chen chúc, tranh giành một vị trí thuận lợi để che tạm túp lều bạt tránh nắng, núp mưa.

Ông Vũ Quang Vinh, trụ cột của gia đình 11 khẩu có nhà ở bị ngập chìm trong nước, bức xúc: “Từ lúc thủy điện ngăn dòng tích nước, bà con nơi đây sống với đúng nghĩa ốc đảo, với không chỗ định cư, không điện thắp sáng, không nước sạch để uống, không chỗ bán hàng để mua gạo muối… Người lớn thì còn sức để chống chọi, nhưng trẻ con làm sao chịu được mưa gió thế này? Đã có hàng chục cháu bị cảm lạnh, số khác đã phải bỏ học giữa chừng”.

Gia súc, gia cầm bị chết và chìm trong lũ

Theo ông Đào Khắc Quý, xảy ra thảm cảnh này là do hiện khoảng 100 hộ dân ở thôn 5 vẫn chưa được các cơ quan giải quyết dứt điểm việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. “Tại buổi họp vào ngày 6/9, người dân đã kiến nghị với Ban quản lý Dự án thủy điện 6 là trước khi chưa thỏa thuận xong các phương án bồi thường tái định cư thì không được tích nước lòng hồ nên bà con an tâm. Ai ngờ nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 lại tích nước vào chiều 17/9 khiến bà con trở tay không kịp”.

“Tự bơi” đến bao giờ?!

Chúng tôi đi đến từng hộ tìm hiểu, thì hầu hết đều cho hay: “Đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào tiền đền bù”.

Ông K’Wẹ - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết: “Hiện xã đang rất lúng túng nên chỉ biết vận động bà con di dời ra khỏi vùng bị ngập và cho phép bà con dựng lều tạm ở bất kỳ vị trí nào trên địa bàn xã. Chúng tôi đã liên tục điện thoại báo cáo tình hình cho Ban đền bù giải phóng mặt bằng của huyện và UBND huyện Di Linh về tình cảnh của người dân ở thôn 5”.

QL28 bị ngập chìm sâu trong nước.

Cũng theo ông K’Wẹ, hầu hết người dân đều ủng hộ chủ trương xây dựng công trình thủy điện này, do việc tiến hành các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do Ban đền bù giải phóng mặt bằng của huyện thực hiện rất chậm, lại không rõ ràng nên người dân bức xúc. Hiện vẫn còn một số hộ chưa có quyết định thu hồi đất. Ngay cả khu tái định cư cũng chỉ được có 8 suất nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong.

Theo Ban đền bù giải phóng mặt huyện Di Linh, nguyên nhân bồi thường giải phóng mặt bằng chậm là do Ban quản lý Dự án thủy điện 6 (đơn vị chủ đầu tư) thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện chí hợp tác với địa phương. Cụ thể chủ đầu tư chậm cung cấp bản đồ đo đạc để xác định chính xác diện tích cần đền bù, giải phóng mặt bằng, mặt khác có sự sai lệch nghiêm trọng con số thống kê trên bản vẽ (do Ban quản lý Dự án thủy điện 6 thuê một đơn vị dịch vụ của Lâm Đồng đo đạc) và thực địa nên không thể giải phóng mặt bằng được. Cũng theo đơn vị này, đến nay chỉ mới chi trả xong tiền đền bù cho 163 hộ, còn có tới 127 hộ chưa được bền bù do chưa hoàn tất hồ sơ.

Người dân dùng xuồng tiếp tế lương thực đến các ốc đảo

Trong khi đó, khi liên lạc với UBND huyện Di Linh, thì ông Lê Viết Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nói tỉnh queo: “Việc tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở xã Đinh Trang Thượng đã cơ bản xong, tổng cộng có 184 hộ và họ cũng đã thực hiện di dời từ trước”?!.

Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng, đến 11h30’ ngày 22/10, tức sau hơn 1 tháng kể từ ngày thủy điện Đồng Nai 3 đóng cống dẫn dòng tích nước, cao trình mặt nước tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã tới trên 550m. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được cam kết về các phương án phòng chống lụt bão, các thông tin về mực nước dâng ở lòng hồ từ phía Ban quản lý dự án thủy điện 6.

Trước tình cảnh người dân bị con nước rượt đuổi từng ngày, ông K’Tồng, nguyên Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng lắc đầu ngao ngán: “Đã nửa tháng qua đi, kể từ khi đợt mưa lũ dồn dập đổ xuống, tấn công vào làng xóm, nhà cửa thì dân nơi đây chỉ biết tự nỗ lực chống chọi với con nước dữ để cứu lấy mình. Họ tự than khóc… cho nhau nghe mà thôi. Chưa thấy có bóng dáng của bất kỳ cán bộ huyện, tỉnh, thậm chí là xã về thăm hỏi, động viên lấy một câu. Cuộc sống của 240 con người phải đối mặt với cảnh sinh hoạt thiếu thốn trăm bề này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc?!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên