Cháy thị trường mới ra... mặt lừa đảo!

Hành vi trục lợi, lừa đảo của một cá nhân đã làm ảnh hưởng, làm mất lòng tin của người LĐ với 1 cơ quan Nhà nước.

Sau hàng chục cuộc gọi của chúng tôi, gia đình nạn nhân và lãnh đạo Sở LĐTB&XH tới số máy của bà Ngọc, ban đầu có đổ chuông nhưng không bắt máy và cuối cùng là... ngoài vùng phủ sóng, chúng tôi lại tìm đến ngôi nhà 2 tầng khang trang của bà Ngọc. Lần này có ông Đức, Trưởng phòng Thị trường, người quản lý trực tiếp của bà Ngọc cùng đi. Sau 1 hồi chuông, người đàn ông tối qua tôi gặp (chồng bà Ngọc) vẫn điệp khúc cũ: Ngọc không có nhà.

Sau nhiều lần xin được vào nhà với hy vọng gọi bằng số máy của gia đình, bà Ngọc sẽ bắt máy nhưng mọi đề nghị của chúng tôi, kể cả can thiệp của giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm đều bị từ chối. Tia hy vọng cuối cùng có thể liên hệ với bà Ngọc tắt ngấm!

Ông Nguyễn Văn Vinh- Giám đốc Sở LĐTB&LĐ tỉnh Nam Định: Sốc, choáng...
Lừa đảo nhờ vỏ bọc tốt

“Sốc, choáng” - đó là tâm trạng của ông Nguyễn Văn Vinh- Giám đốc Sở LĐTB&LĐ tỉnh Nam Định và ông Đỗ Thanh Sơn- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Nam Định khi được chúng tôi cung cấp và chứng minh đầy đủ hành vi lừa đảo người LĐ của bà Ngọc.

Sàn giao dịch Việc làm tỉnh Nam Định được xây dựng khang trang và cũng đi vào hoạt động được ít lâu nhưng đã trở thành nơi người dân tỉnh nhà gửi gắm niềm tin, kết nối việc làm. Nhưng cũng chính cái nơi mà người LĐ tin tưởng nhất ấy lại là “vỏ bọc” tốt nhất để bà Ngọc thực hiện hành vi lừa đảo của mình.

Với thâm niên làm việc lâu năm (tháng 12 này bà Ngọc sẽ nhận quyết định hưu), theo nhận định của ông Đỗ Thanh Sơn, trong công việc bà Ngọc là người có trách nhiệm, gương mẫu... Thế nhưng khi lật giở những chứng cứ, bản thân ông Sơn cũng không thể cắt nghĩa được vì sao bà Ngọc lại có hành vi như vậy.

Ông Sơn khẳng định: “Chị Ngọc là nhân viên của Phòng Khai thác thị trường. Chị ấy được giao quản lý mảng doanh nghiệp. Tất cả các công việc liên quan đến XKLĐ chị Ngọc không được giao nhiệm vụ. Việc tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước và báo cho người LĐ chỉ có 2 người là tôi và cô Vũ Thị Ánh Tuyết theo dõi. Tôi không biết chị Ngọc lấy thông tin ở đâu để làm cái việc như vậy?!”

Càng ngạc nhiên hơn khi bà Ngọc còn có khả năng “bao trọn gói” từ tiếp nhận hồ sơ, dạy tiếng Hàn cho đến “điều phối” thị trường Hàn Quốc!? Dẫu không được giao nhiệm vụ thế nhưng bà Ngọc lại dễ dàng tiếp cận những LĐ đang khát khao đi XKLĐ Hàn Quốc, và không biết từ khi nào, bằng cái mác cán bộ của Trung tâm, bằng những lời quảng bá, khẳng định về những mối quen biết nào đó “đường dây” của bà đã “chiếm trọn” niềm tin của người LĐ bởi tiêu chí “đi nhanh”, “giá rẻ”!

Thị trường lao động Hàn Quốc có thu nhập khá, trở thành đích đến của nhiều người lao động

Theo quy định của chương trình EPS (chương trình thực hiện theo Luật cấp phép cho LĐ nước ngoài của Hàn Quốc), kinh phí mà người LĐ phải nộp chỉ hơn 600 USD, nhưng do nắm bắt khát khao được đi nhanh của không ít LĐ, bà Ngọc đã “quát” cái giá từ 6.000-11.000 USD (giá tùy từng thời điểm). Và điều nực cười là không chỉ chạy được đi nhanh, bà Ngọc còn có khả năng “trao đổi cập nhật” với giới chủ Hàn Quốc kiểu “Trường hợp của cháu tốt lắm rồi, ngon lành lắm rồi, nhưng hiện nay ông chủ đang bị ốm, chưa đưa sang được. Ít hôm nữa sẽ bay...”(!)

Theo quy trình của chương trình EPS, những thí sinh trúng tuyển kỳ thi tiếng Hàn, hồ sơ của họ sẽ được đưa lên mạng điện tử. Việc chọn ai, nhanh hay chậm hoàn toàn ở giới chủ sử dụng Hàn Quốc. Không biết thực hư của đường dây (qua khẳng định của bà Ngọc với người LĐ) quy mô, quyền lực tới đâu, thế nhưng chỉ với việc có được thông tin sớm về một LĐ nào (trước đó đã gửi trọn niềm tin và tiền bạc ở bà) được lựa chọn (mà đương nhiên bà khẳng định rằng việc đi được là cho đường dây của bà chạy chọt), bà ngọc bỏ túi số tiền cả trăm triệu/người nhẹ như không!

Nhiều năm ở cương vị giám đốc Sở LĐTB&XH, chuyện lừa đảo XKLĐ (nhất là thị trường Hàn Quốc) ông Nguyễn Văn Vinh cũng chẳng lạ, thế nhưng điều mà ông chẳng thể ngờ tới, sự tiêu cực ấy lại nằm ngay trong chính “nhà” mình. Hành vi lừa đảo của bà Ngọc đã rõ ràng. Sự thống khổ của người dân nghèo rơi vào cảnh nợ nần chồng chất cũng đã thấy rõ. Và điều nguy hiểm hơn cả là với hành vi trục lợi, lừa đảo của một cá nhân đã làm ảnh hưởng, làm mất lòng tin của người LĐ với 1 cơ quan công quyền.

Còn nhớ khi trao đổi với chúng tôi, ông Thuận đã uất ức thốt lên: “Là cán bộ của Sở LĐTB&XH  mà còn đi ăn chặn tiền, lừa đảo người dân thì chúng tôi chẳng còn biết tin vào ai nữa, tôi biết kêu cùng ai đây? Gia đình tôi đang yên ắng, từ khi xảy ra chuyện này chẳng có ngày nào yên. Mà lo nhất là sau khi vụ việc được nêu ra, chúng tôi rất sợ bị trả thù. Có thể khi có thông tin họ không thông báo cho chúng tôi hoặc họ có thể trả thù. Chúng tôi chỉ mong được bình yên…”

Hiện nay hành vi lừa đảo của bà Ngọc được lãnh đạo Sở LĐ cam kết điều tra làm rõ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phía sau bà Ngọc liệu còn có ai liên đới? Cái được gọi là “mối quan hệ lớn” của bà Ngọc chỉ là sự tự quảng cáo hay là sự thật và ai sẽ là người đứng ra bảo vệ những người dám lên tiếng tố cáo?

Với cương vị người đứng đầu Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Vinh cam kết “Quan điểm chúng tôi không dung túng, bao che cho những hành vi tiêu cực. Qua thông tin của Đài chúng tôi sẽ điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm. Ai liên quan phải chịu hoàn toàn trước pháp luật. Ai đó có biểu hiện dung túng sẽ xử lý cương quyết, bất kể là ai.. Chúng tôi cũng cam kết bảo sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người LĐ nói chung và 2 LĐ đã mạnh dạn tố cáo hành vi của chị Vũ Thị Bích Ngọc. Ngay sau đây chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết”.

Hé lộ thêm đường dây lừa đảo XKLĐ

Gần 7 năm thực hiện chương trình EPS, có lẽ chưa bao giờ tỷ lệ đỗ đạt tiếng Hàn của LĐ Nam Định lại cao như năm 2010. Với gần 2.000 LĐ đăng ký dự thi, thì 900 LĐ trúng tuyển. Và cho đến thời điểm hiện nay đã có trên 550 LĐ xuất cảnh, chạm đến ước mơ. Tuy nhiên từ đường dây nóng của Chương trình Phát thanh các vấn đề xã hội, Nam Định lại là địa phương có nhiều LĐ gọi điện phản ánh hiện tượng tiêu cực nhiều nhất.

Qua quá trình điều tra còn hé lộ một đường dây lừa đảo XKLĐ khác có liên quan đến một cán bộ của Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực Việt-Nhật (VITECH,JSC), số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Anh Trần Văn Hợp ở thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tố cáo:  “Anh ấy nói phải chi hết 6.000 USD. Bọn em đặt trước 2.000 USD, khi nào đi thì trả hết. Nhưng đến nay không đi được nữa bọn em đòi tiền nhưng anh ấy khất lần lữa... Chúng em là những LĐ nghèo, chỉ vì mong muốn thoát nghèo mà nhẹ dạ nghe theo người ta.  Mong Đài TNVN lên tiếng để bảo vệ cho những LĐ nghèo, trả lại tiền cho chúng em cho đỡ khó khăn...”

Bên cạnh việc mạnh dạn tố cáo hành vi của ông Nguyễn Văn khuyến, Trưởng phòng Thị trường Công ty cổ phần cung ứng nhân lực Việt-Nhật, ở số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Hợp còn gửi cho chúng tôi toàn bộ giấy tờ liên quan, trong đó có giấy nhận tiền với nội dung sau:

“Tên tôi là Nguyễn Văn Khuyến, có nhận của 2 em số tiền.

1.     Trần Văn Hợp- 1.700 USD + 5850 ngàn đồng

2.     Nguyễn Văn Thăng- 2000 USD về việc giúp làm thủ tục đi tu nghiệp tại Hàn Quốc. Số tiền trên được đảm bảo cho 2 em đi được. Nếu không được tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ.

Ngày 06/09/2010”

Ngoài việc cầm trước 2.000 USD của 2 LĐ nêu trên để lo lót cho kỳ thi tiếng Hàn thì Hợp và Thắng sẽ phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền 6.000 USD khi họ chính thức nhận được giấy báo xuất cảnh. Vậy thực chất ông Khuyến sẽ chạy theo cách nào, có hay chăng những kẽ hở trong kỳ thi tiếng Hàn?

Qua điều tra, ông Khuyến đã giúp chúng tôi trả lời câu hỏi này: “Thực ra nếu cứ đi đường thẳng thì chẳng ai đi được đâu! Là người thân quen nên tôi cũng chỉ đứng ra giúp các em. Mà tôi cũng không phải là người làm trực tiếp mà phải nhờ người ở bộ phận ấy, nói khó là người nhà người ta mới nhận. Từ việc lo cho các em mang điện thoại vào phòng thi rồi nhắn tin gửi đáp án, thế các em mới đỗ chứng chỉ chứ… Các em không đi được thì tôi cũng mất rất nhiều. Tôi hứa sẽ trả đầy đủ cho các em trong 1-2 tuần tới…”

Điều mà chúng tôi ghi nhận là ông Khuyến rất thiện chí và khẳng định trả toàn bộ số tiền cho các em (dẫu ông khuyến khẳng định đã chi tới 1.500 USD cho kỳ thi/mỗi LĐ). Tuy nhiên, kể từ ngày chúng tôi liên hệ với ông Khuyến đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng cũng như mọi lần trước, những LĐ nghèo vẫn dài cổ ngóng chờ. 6.000 USD, một khoản tiền vay kếch sù ngày ngày vẫn vận hành vòng quay lãi mẹ đẻ lãi con mà chẳng biết đến khi nào họ mới trả hết! Nỗi hoang mang, thất vọng của người LĐ lên đỉnh điểm!

Những tiếng thở dài, những lời kêu than và cả những nỗi uất ức âm ỷ trong cuộc sống vốn khốn khó của người dân nghèo khiến lòng chúng tôi nặng trĩu. Chẳng nhẽ ước vọng thoát nghèo, nỗ lực để có cuộc sống ổn hơn với họ lại khó khăn đến thế?! Rồi mai này cuộc sống của họ sẽ ra sao, niềm tin của họ biết gửi gắm vào chốn nào khi mà những khát khao chính đáng đó bị những kẻ xấu cưỡng đoạt?

Thông tin phản hồi sau khi phóng sự điều tra được phát sóng

Trước những bằng chứng khẳng định hành vi lừa đảo của bà Vũ Thị Bích Ngọc (Cán bộ TT giới thiệu việc làm Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định), ngay sau buổi làm việc của nhóm PV VOV, Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định đã tiến hành các bước xác minh và hoàn tất các thủ tục để tìm biện pháp khắc phục.

Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, đến nay bà Ngọc đã hoàn trả toàn bộ số tiền 2.000 USD cho gia đình anh Trần Phú Cường. Dù gia đình anh Cường cũng xác nhận điều này và có lời xin chúng tôi không đưa lên công luận song nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, cần được các cơ quan liên quan điều tra để làm sáng tỏ vấn đề: đứng sau bà Ngọc, ông Khuyến liệu còn có những người nào khác, liệu có không đường dây chạy XKLĐ?

Chúng tôi đã gửi công văn và toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) để 2 bên cùng phối hợp làm rõ vụ việc nêu trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới thính giả diễn biến của vụ việc này trong thời gian tới.

Và để rộng đường dư luận và góp phần bảo vệ quyền lợi của người LĐ, chúng tôi cũng mong nhận được thông tin của quý thính giả khắp cả nước có thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên cũng như những nguồn tin khác về hành vi tiêu cực trong XKLĐ hãy liên hệ với chương trình qua địa chỉ: Chương trình Các vấn đề xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam 41-43 Bà Triệu, Hà Nội. Hoặc số ĐT đường dây nóng: 0439386667./.

Còn nữa: Những ý kiến phản hồi.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên