Chênh vênh Phú Sơn

Mất trắng đất sản xuất, 160 hộ dân Phú Sơn hiện vẫn đang sống nhờ hạt gạo cứu đói. Bên cạnh nỗi lo không biết lấy gì để làm, để ăn, còn thường trực nỗi lo về sinh mạng. Tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào khi họ vẫn đang phải ở tạm bên những hố nước hình thành sau lũ…

Nằm cách không xa Xóm Trường (xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân, Phú Yên) - nơi được biết đến bị cơn lũ hồi cuối năm 2009 tàn phá khiến 18 người chết, 42 ngôi nhà bị sập, 160 hộ dân thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) cũng bị thiệt hại nặng nề do hậu quả cơn lũ này. Hiện nay người dân đang phải vật lộn từng ngày với cuộc sống và đối mặt với nỗi lo không có đất sản xuất vì tất cả đồng ruộng đã biến thành bãi bồi.

Khi dân mất đất, mất làng

Tuy không có thiệt hại về người nhưng cơn lũ cuối năm 2009 đã bồi lấp hoàn toàn 107ha đất sản xuất nông nghiệp của 160 hộ dân Phú Sơn. Toàn bộ những ruộng mía, rẫy sắn của cả thôn Phú Sơn đều bị bồi cát và đất đá bồi lấp với độ sâu từ hơn 1m đến gần 3m, không thể khôi phục được bằng sức người. Lúc này đang là mùa xuống giống các cây trồng cạn nhưng nhân dân nơi đây phải bó gối, trong khi vò gạo cứu đói đã cạn.

Cảnh sống tạm bợ của người dân Phú Sơn

Bà Nguyễn Thị Phi, thôn Phú Sơn than thở: “Trăn trở không có ruộng trồng mà không biết làm cách nào cả. Mấy tháng nay ăn nhờ mấy hột gạo Nhà nước cho, giờ ai có sức thì đi xứ khác làm mướn. Ai mướn gì làm nấy. Mấy đứa nhỏ ở nhà tui cũng đi làm ăn xa hết, chứ giờ ở nhà không có đất biết lấy gì để làm, để ăn. Còn con nít và người già ở nhà, vất vả lay lắt qua ngày!”

Chúng tôi đến thôn Phú Sơn giữa những ngày mùa, cả thôn có 160 hộ với hơn 500 nhân khẩu nhưng số người có mặt tại nhà lúc này không quá 100 người. Ông Nguyễn Đình Hiệp, trưởng thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 thở dài: “Kiểu này mùa sau chắc Phú Sơn đói to! Dân Phú Sơn lại phải sống nhờ gạo cứu đói của Chính phủ mất thôi!”

Một nỗi lo khác là nhà ở. Cùng nằm ở tả ngạn sông Kỳ Lộ, khi lũ ùa về, bà con đã kịp chạy thoát thân lên núi. Tuy nhiên 15 ngôi nhà cũng đã sập hoàn toàn, số còn lại thì quá nửa bị hư hại nặng. Sau lũ, bà con làng xóm cưu mang nhau vượt qua hoạn nạn, trước Tết họ cũng dựng những túp lều ở tạm. Nhưng khác với khu nhà bạt được dựng ngăn nắp ở Xóm Trường, ở đây địa phương chưa xây dựng được mặt bằng nên 15 hộ bị nhà sập hoàn toàn phải dựng lều tạm trên nền cũ. Trên các hố nước sâu cạnh những túp lều, các cháu nhỏ hụp lặn dưới các vũng nước đọng vì nóng. Hỏi ra được biết chúng ở nhà trông nhà, cứ 2, 3 ngày cha mẹ đi làm mới về một lần.

Những ngày này người còn sức đã đi nơi khác làm thuê kiếm sống, chỉ còn người già và trẻ em sống tạm trong những túp lều được dựng chênh vênh trên nền đất mấp mô, cạnh đó là các hố nước sâu do lũ để lại (!). Nhìn những đứa trẻ và người già phải dò từng bước chân đến các vực nước, chỉ cần sảy chân, bất cẩn là có thể bị tai nạn, chúng tôi thực sự thấy ái ngại.

Bà Nguyễn Thị Nhành đã 74 tuổi đang sống cùng người con trai bị nhiễm chất độc da cam trong túp lều nói như mếu: “Từ sau đợt lũ tới giờ, trời cứ nắng chang chang. Không có nhà bạt, bà lấy vỏ bao xi măng may lại che chắn tạm, chờ Nhà nước ủi đất nơi mới. Nhưng khổ cái, nóng quá không chịu được, nóng đến khô người cháu ơi! Cứ chỉ mong trời mau tối để thở. Ban ngày có dám ở trong lều đâu, cứ dưới gốc cây mà ngồi. Còn thằng nhỏ nó cứ xuống hầm nước dầm ở dưới mà nói kiểu nào cũng không chịu lên...”. Nói xong, bà Nhành chỉ tay về phía hầm nước đục ngầu, sâu hoắm, vừa hình thành sau trận lũ, nơi người con trai ngớ ngẩn đang hụp lặn cùng lũ nhóc trong thôn.

Bao giờ dân Phú Sơn có đất, có nhà?

Chúng tôi đến đồng Thác Dài, cánh đồng lớn nhất của thôn Phú Sơn với 34 ha được chia cho dân theo Nghị định 64. Mọi năm tầm này trên cánh đồng đã nhộn nhịp cảnh thu hoạch mía và sắn. Nhưng lúc này cả cánh đồng là một bãi bồi khổng lồ cao từ 1,5 đến gần 3m với cát và đá nằm im lìm bên mé sông. Phía trên, cánh đồng Gò Ổi và Phú Sơn cũng nằm trong cảnh tương tự. Chuyện sản xuất lúc này là không thể.

Dòng thác Dài chỉ còn trơ đá

Khác với các thôn khác, Phú Sơn không có đất ruộng, cuộc sống của 160 hộ dân nơi đây từ trước đến nay chủ yếu sản xuất cây trồng cạn, chủ yếu là trồng mía, sắn và đậu đỗ các loại... Trong khi với mức độ bồi lấp nặng hơn cả Xóm Trường thì việc giải phóng bằng sức người là không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Tâm, người dân thôn Phú Sơn cho biết: “May ra Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện về đất đai ở nơi khác, hoặc huy động cơ giới giải phóng sa bồi thì bà con mới có đất sản xuất để làm. Lúc đó cuộc sống mới có thể ổn định và giảm gánh nặng cho Nhà nước.”

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Ngọc Liên - Bí thư huyện ủy Đồng Xuân thừa nhận: “Tuy không có người chết nhưng thiệt hại về nhà ở và đất sản xuất ở Phú Sơn nặng hơn Xóm Trường. Tuy nhiên do tính cấp bách của Xóm Trường là đất ruộng nên huyện ưu tiên đầu tư kinh phí giải phóng trước cho nhân dân có đất sản xuất vụ Đông Xuân mới tính tiếp đến đất sản xuất ở Phú Sơn. Tuy nhiên, với diện tích bị bồi lấp chiếm đến 100% của Phú Sơn, trong khi nguồn kinh phí khắc phục còn phụ thuộc vào tỉnh và Trung ương nên chúng tôi chưa thể xác định thời gian nào mới tiến hành giải phóng bồi lấp diện tích này và liệu giải phóng có được không. Trường hợp vượt quá khả năng của huyện, chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh cho tạo quỹ đất sản xuất ở nơi khác để giúp bà con có đất sản xuất trước mắt. Riêng về đất nhà ở cho các hộ dân ở Phú Sơn bị sập nhà, huyện Đồng Xuân đã lựa chọn nơi tái định cư và sẽ tiến hành san ủi để cấp phát cho bà con trong thời gian sớm nhất có thể.”  

Với nông dân, mảnh ruộng, con trâu là đầu cơ nghiệp. Tình trạng 100% hộ dân ở Phú Sơn bị mất trắng đất sản xuất và 15 hộ dân đang sống trong cảnh tạm bợ đòi hỏi chính quyền địa phương phải nhanh chóng có những giải pháp giải quyết, giúp nhân dân ổn định đời sống, không thể để cuộc sống chênh vênh ở Phú Sơn kéo dài thêm nữa./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên