Chữ nhân trong lòng người lính đi tìm mộ đồng đội

Ông Vũ Văn Trấn nguyên là chính trị viên đại đội công binh BT36 đoàn 559, nhiều năm qua vẫn bền bỉ đi tìm đồng đội, những người tự tay ông chôn cất thời chiến tranh

Câu chuyện của người lính tuổi ngoại thất thập- ông Vũ Văn Trấn, nguyên chính trị viên đại đội công binh BT36 đoàn 559, nay ở số 16/55, ngõ 548 Đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên Hà Nội- về việc đi tìm mộ những đồng đội thân yêu khiến chúng tôi nghẹt thở vì xúc động.

Nghĩa tình trong những tháng năm chiến tranh ác liệt
Ông từng có mặt ở một trong những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, đơn vị ông có nhiệm vụ mở và bảo vệ đường vận chuyển qua đèo Bô Phiên, nằm giữa sông Bạc và sông KMán, tỉnh Tà Vèn Oọc Nam Lào. Vào khoảng năm 1968, ông đã chỉ huy chôn cất 70 liệt sĩ tại chân đèo phía Nam. Nhưng thật đau lòng, trong chiến tranh ác liệt không có điều kiện khâm liệm, cũng không có lọ Peliciline để ghi tên tuổi, địa chỉ liệt sĩ, chỉ dựa vào kỹ thuật và kinh nghiệm riêng của người lính.

Ông Trấn kể:“Ngay từ những năm 1966, chỉ đạo của trên là tất cả những anh em được chôn rải rác ở các nơi phải được đào lên chn lại (vào một nơi), sau này chiến thắng còn quy tập. Ngày đó lệnh với chúng tôi là không được đi găng tay, không được lót vải vào tay, phải trực tiếp bốc hài cốt liệt sĩ bằng tay. Điều thứ hai là khi chôn một ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi được đào tạo rất bài bản, phải xác định sơ đồ mộ liệt sĩ nằm ở góc phương vị là bao nhiêu, vì ở trong rừng. Cho nên khi chôn một hài cốt liệt sĩ chúng tôi đều vẽ sơ đồ suối thế nào, sông thế nào, góc phương vị là bao nhiêu, và sơ đồ được làm thành 2 bản, một bản gửi về Bộ tư lệnh, một bản gửi đâu tôi không được rõ, nhưng rồi sau này cũng bị thất lạc…”

Trải qua thời gian và bao thăng trầm, nhiều ngôi mộ liệt sĩ bị mất dấu tích, khó có thể quy tập. Song nặng tình đồng đội, nặng một chữ nhân, ông Trấn được bà con, gia đình ủng hộ đã tìm đến các nhà ngoại cảm kết hợp phương pháp này với kinh nghiệm nhiều năm trong quân ngũ để tìm mộ các đồng chí của mình.

Ngôi mộ đầu tiên ông tìm thành công là liệt sĩ Đinh Văn Bôn, sinh năm 1947, quê Bắc Ninh, hy sinh năm 1970 tại Khánh Hòa. Lúc hy sinh, liệt sĩ Bôn đang là một người lính trong đại đội do ông Trấn chỉ huy, cũng chính ông là người vuốt mắt, khâm liệm chiến sĩ của mình, đồng thời thực hiện lời trăng trối của liệt sĩ Bôn muốn ông khi hòa bình trở về lấy người chị ruột tên là Du. Ông Trấn đã làm đúng như vậy và giờ ông bà đã có hai cậu con trai khôn lớn, thành đạt. Yên ấm gia đình, ông Trấn luôn thấy nặng lòng với người đồng đội- người em vợ đã khuất, nên đã vượt qua rất nhiều gian nan mới tìm được mộ liệt sĩ Bôn vào năm 2004.

Tìm mộ người yêu xưa
Ông cũng đã tìm mộ người yêu, người đồng chí của mình- thanh niên xung phong Đào Thị Thành. Mối tình đầu của ông, cô thanh niên xung phong Đào Thị Thành, sinh năm 1947, quê Hưng Yên, hy sinh năm 1968 tại Quảng Bình.

Liệt sĩ Đào Thị Thành

Cùng quê, cùng cảnh nhà nghèo, họ thương yêu nhau nhưng chưa kịp kết hôn vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, họ cùng lên đường ra mặt trận.

Thế rồi, người con gái hy sinh tại đội điều trị cơ động đóng tại Hang Buồm, sau này công trình đường tàu Bắc Nam đã khiến phần mộ bị thất lạc.

Vẫn nặng chữ tình và tấm lòng nhân, ông Trấn quyết tâm đi tìm. Ông tâm sự: “Đến bây giờ tôi nóng thì có quạt, rét có chăn, làm sao để một người con gái ở ngoài rừng xanh núi đỏ không mang về được…”

Ban đầu chỉ tìm lại được một phần hài cốt của người con gái năm nào (nửa thân đầu đã bị lẫn trong nền của công trình đường tàu), song với lòng quyết tâm lớn của ông và sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm cùng bà con địa phương tại ga Lệ Sơn, Quảng Bình, ông Trấn đã tìm được phần hài cốt còn lại.

Ông thổn thức đọc mấy câu thơ từ đáy lòng mình:    

“Năm mươi năm ấy đã qua
Bao năm ân hận xót xa đi tìm
Em, người con gái đầu tiên
Cho mùi hoa bưởi, cho tim rộn ràng
Nếu anh ngã xuống chiến trường
Cái mùi hoa bưởi anh mang xuống mồ…

…Tin em ngã ở bến phà
Mộ em lại ở gần ga Hang Buồm
Đào lên trông thấy mà thương
Nửa đầu đã đắp nền đường Bắc-Nam…

…Tìm em không quản gió sương
Mang em về với địa phương quê nhà
Trọn tình vẹn nghĩa đôi ta
Vừa là đồng đội, vừa là tao khang…”
 

Nhân rộng tấm lòng nhân
Còn rất nhiều trường hợp khác ông Trấn đã chia sẻ kinh nghiệm và giúp các gia đình liệt sĩ tìm mộ thành công. Ông Lại Văn Giang ở Hà Nam, một trung đội trưởng trong đại đội do ông Trấn phụ trách năm xưa kể: “Anh Trấn là một người cán bộ hết sức là xông xáo, nhiệt tình, gương mẫu nên anh em chúng tôi ngày ấy rất yên tâm khi có người cán bộ như thế. Hòa bình, anh em chúng tôi mỗi người mỗi phương. Sau 40 năm anh em mới tìm lại nhau. Tôi thấy anh Trấn còn cùng các gia đình liệt sĩ đi tìm mộ của một số đồng chí do chính bàn tay của anh ấy chôn cất. Tôi cho rằng việc ấy hết sức nhiệt tình và chu đáo với đống chí, đồng đội…”

Những việc làm nghĩa tình của ông Trấn đã làm xúc động và lan tỏa sang thế hệ trẻ. Có những bạn trẻ nay đã trưởng thành vẫn không quên nhiều nghĩa cử của “chú Trấn hàng xóm” từng thắp sáng ngọn lửa niềm tin cho những đứa bé nghèo như suy nghĩ của chị Kim Oanh, nay đang làm việc và định cư tại Cộng hòa Pháp. Chị Oanh nói: “Trong thời thơ ấu nghèo khổ và nhiều cái gian nan vất vả, chú là người đã thắp sáng lên cho chúng tôi ngọn lửa của niềm tin cuộc sống, tin rằng trong cuộc đời này vẫn còn nhiều người tốt, vẫn còn những tâm hồn mà mãi mai sau này mình có đi xa bất cứ góc bể phương trời  nào mình vẫn không bao giờ quên được …”

Ông Trấn ngày xưa
... và bây giờ
Những người như ông Trấn là chỗ dựa vững chắc để thế hệ sau tiếp nối truyền thống anh hùng và nhân nghĩa của con người Việt Nam cho dù phải vượt qua nhiều cam go của chiến tranh và nghèo nàn lạc hậu. Riêng với ông Trấn vẫn một lòng tin rằng rất nhiều người đều như ông làm việc nghĩa để trả nợ những người đã khuất- những người đã hy sinh để chúng ta hưởng thành quả hạnh phúc hôm nay. Đó là truyền thống của người Việt Nam mà các thế hệ đều mãi mãi kế thừa.

Ông Trấn đúc kết lại: “Tôi nghĩ rằng là cái tố chất con người Việt Nam lúc nào cũng vậy, sẽ có rất nhiều người giống như tôi. Lớp CCB của chúng tôi có thể năm mười năm nữa sẽ ra đi hết. Cái mà lớp con cháu thế hệ sau này tiếp nối không phải hoàn toàn ở chúng tôi nữa mà là do truyền thống của dân tộc. Nó bắt nguồn từ lối sống, nếp sống của riêng Việt Nam ta. Cuộc sống dù rằng có thăng trầm thế nào chăng nữa, nhưng cái lõi, cái cốt cách của người Việt Nam vẫn còn. Đấy là lòng tự trọng, lòng tự hào dân tộc. Tôi tin rằng lớp trẻ sau này sẽ làm được như chúng tôi. Nếu như không may chiến tranh có xảy ra đi chăng nữa, họ sẽ sống như chúng tôi đã sống, bởi vì đất nước ta 4000 năm nay đã thế rồi chứ có phải riêng chúng tôi mới vậy đâu. Chúng tôi có thì con cháu chúng tôi sẽ có!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên