Chuyện “ết” miền sơn cước

Tình cảnh những ông bố, bà mẹ ngồi bên bậu cửa nhà sàn khóc cạn nước mắt vì mất con, những người vợ chưa đến ba mươi đã trở thành goá phụ và nhiều đứa trẻ vừa chào đời đã mồ côi cha, mẹ xuất hiện thường xuyên hơn ở các bản làng, phố núi.

Căn bệnh HIV/AIDS được phát hiện ở tỉnh Sơn La đã hơn mười năm, và những hệ lụy, những nỗi đau do “bão AIDS” tràn qua cứ ngày càng nhức nhối. 

Kỳ 1: Nỗi buồn phố núi

Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từng được mệnh danh là “thủ phủ” ngô của Tây Bắc. Giờ đây, phố núi sầm uất này còn có thêm “thành tích” đứng đầu tỉnh Sơn La về số người nhiễm HIV/AIDS. Những gia đình vợ mất chồng, mẹ mất con… do AIDS thật thương tâm.

Những ngôi nhà hoang lạnh

Theo chân chị Hoàng Thị Ngọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đồng cảm thị trấn Hát Lót, chúng tôi tới tiểu khu 17. Sự thiếu vắng những chàng trai trẻ khiến vùng phố núi vốn đã vắng vẻ nay càng hoang lạnh hơn.

Trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ, bà Lò Thị Thích năm nay hơn 60 tuổi, với dáng vẻ khắc khổ, gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ đang ngồi suy tư trước bàn thờ của người con trai cả còn rất trẻ mất cách đây 3 năm vì căn bệnh AIDS. Thật nghiệt ngã, sau cái chết của người con trai cả, người con trai thứ 2 cũng phát hiện bị lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý.

Bà kể về cuộc đời mình trong giọng nói nghẹn ngào, đứt đoạn, bởi nước mắt bà đã cạn khô trong 3 năm qua. Giờ đây, bà không còn ai bên cạnh để chăm sóc, an ủi lúc tuổi già vì người con thứ 3 của bà cũng bị ma tuý lôi kéo và đang cai nghiện tại trung tâm 05 - 06 của huyện.

“Thấy con cái như thế này, tôi xót xa lắm. Có lẽ không bao giờ tôi khóc được nữa, hết nước mắt rồi. Chồng mất, con mất, mất tất cả rồi” - bà Thích tâm sự. 

Ở thị trấn Hát Lót, chuyện nhà bà Thích chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện thương tâm về hậu quả của ma túy. Có những gia đình, chỉ trong vòng 1 tháng phải 2 lần đào huyệt chôn 2 người con trai tuổi đời còn rất trẻ. Lại có những gia đình, có từ 3 đến 4 người con trai nghiện ma tuý và đều bị “bão AIDS” cuốn đi. Gia đình bà Toàn ở tiểu khu 6 là một trong những gia đình như thế. Khi nghe tin 4 người con trai nghiện ma tuý, người cha đã chết vì không chịu nổi cú sốc này. 5 năm sau, lần lượt 4 người con trai cũng chết vì AIDS. Điều thương tâm hơn là bà Toàn, do trong quá trình chăm sóc các con chưa biết cách phòng tránh lây nhiễm, nên chỉ sau một thời gian ngắn bà cũng nhiễm căn bệnh thế kỷ này rồi chết.

Xót xa lòng mẹ

Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Thể nằm ở tiểu khu 2, ngay đầu thị trấn Hát Lót. Bà Thể tiếp chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi. Trên khuôn mặt khắc khổ của bà ẩn chứa nỗi buồn tê tái. “Số tôi như bị ông trời hành. Đã 60 tuổi rồi, như người ta thì được nhờ con nhờ cháu, còn tôi sống để hứng chịu nỗi đau” - bà Thể bắt đầu câu chuyện.

Cách đây hơn chục năm, bà cũng có một gia đình êm ấm. Vợ chồng làm cán bộ, với đồng lương ít ỏi, nhưng với tài xoay sở, bà vẫn lo đủ ba bữa cơm cho cả gia đình đông đúc. Ông bà sinh hạ được 4 người con, 3 trai 1 gái. Khi các con đang ở “tuổi ăn, tuổi lớn” thì chồng bà mất. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai bà. Ở nơi phố núi nghèo, bà còn thuê nương rẫy của người dân để trồng ngô. Cuộc sống còn nhiều khốn khó, nhưng nhìn thấy đàn con yên bề gia thất, bà phấn khởi lắm. Vui hơn cả là cô con dâu Lê Thị Mai (vợ của người con trai cả Lê Quốc Tuấn) sinh được một đứa cháu nội kháu khỉnh là Lê Anh Thư.

Đứa cháu nội - niềm hy vọng cuối cùng của bà Thể
Niềm vui của bà ngắn chẳng tày gang, từ ngày cháu Thư ra đời cũng là quãng thời gian bà nếm đủ những đắng cay của một kiếp người. Năm 2006, chị Mai đổ bệnh rồi mất. Cái chết tức tưởi của cô con dâu sau 4 năm về nhà chồng như báo hiệu một loạt tai hoạ đang ập đến nhà bà. Một năm sau, bố cháu Thư là anh Lê Quốc Tuấn cũng bị nhiễm AIDS. Anh trút hơi thở cuối cùng trong sự ăn năn, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.

Nỗi đau cứ liên tục đổ lên đầu bà. Vợ chồng Tuấn - Mai mất chưa lâu, bà lại tiếp tục chứng kiến những điều đau lòng mà không một người mẹ nào muốn. Vợ chồng đứa con trai thứ ba và cả đứa cháu nội có cái tên rất đẹp: Lê Nguyễn Bảo Long đã rời xa bà mãi mãi.

5 lần tiễn đưa người thân của mình về bên kia thế giới khiến bà Thể không còn nước mắt để khóc thương cho số phận của mình. Dù tuổi đã cao, nhưng người mẹ này hàng ngày vẫn sống âm thầm như cái bóng để chăm lo cho đứa cháu nội. Bao nhiêu tình thương bà dồn cả cho bé Thư. Vậy mà cái niềm hy vọng cuối cùng của bà cũng không trọn vẹn. Năm ngoái, bà đưa cháu Thư đi xét nghiệm thì Thư cũng bị nhiễm HIV. Biết tin này, bà muốn rụng rời chân tay. Niềm hy vọng duy nhất còn lại, chẳng bao lâu nữa cũng rời xa bà mãi mãi.

Hiện tại, mặc dù bé Thư đã 6 tuổi nhưng vẫn phải lủi thủi ở nhà cùng bà, một mình chơi đồ chơi và xem hoạt hình trên ti-vi mà không được đến trường như chúng bạn. “Trước khi bố mẹ cháu mất, nhà trường vẫn nhận cháu vào học bình thường. Nhưng khi biết tin bố, mẹ cháu ốm rồi mất thì các thầy cô ở trường mầm non thị trấn đến đề nghị gia đình cho cháu đi xét nghiệm. Cũng từ lúc đó, nhà trường từ chối nhận cháu vào học” - bà Thể cho biết.

Mong nỗi buồn chóng qua

Kể từ năm 1998, thị trấn Hát Lót phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, cho đến nay con số này đã là 300. Trong đó, quá nửa số này đã chết. Một thị trấn nhỏ bé với 16.000 dân mà có hơn 1.000 người nghiện ma tuý, liệu số người nhiễm HIV có dừng lại ở con số 300 này không? Thực tế, số người nhiễm HIV/AIDS chỉ được phát hiện khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ trong các vụ buôn bán, sử dụng ma tuý và đi cải tạo tập trung.

Giờ đây, người dân ở thị trấn Hát Lót đã thấy sợ. Họ hiểu về sự tàn khốc của căn bệnh thế kỷ hơn ai hết. Họ đã nghe tận tai, thấy tận mắt những câu chuyện khủng khiếp, con em của nhiều gia đình đã vĩnh viễn ra đi.

Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hiểu biết của người dân, 2 năm trở lại đây, thị trấn Hát Lót không phát sinh người nghiện mới. Thị trấn này cũng đã thành lập Câu lạc bộ đồng cảm để thu hút người nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ đến sinh hoạt, chia sẻ buồn vui và động viên họ vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên là những người nhiễm bệnh cũng đã đi phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các đối tượng nghiện ma tuý để phòng tránh lây nhiễm.

Chị Hoàng Thị Ngọ cho biết: “Câu lạc bộ thường xuyên cung cấp các tờ rơi tuyên truyền cho các gia đình về tác hại của ma tuý, cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS. Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho các thành viên của câu lạc bộ ở cơ sở mỗi khi có người ở địa bàn của mình do nghiện ma tuý, hay nhiễm HIV/AIDS qua đời phối hợp với chi hội phụ nữ đến giúp đỡ gia đình lo tang lễ. Khi có ai ốm đau thì các thành viên trong câu lạc bộ cũng đến thăm hỏi, động viên nhau”.

Những ông bố, bà mẹ, có người thân nhiễm HIV và chết vì AIDS ở thị trấn Hát Lót giờ gặp nhau không kể về những chuyện buồn nữa. Sự đồng cảm chia sẻ của cộng đồng, của bà con làng xóm và chính quyền địa phương đã giúp họ tự tin, vươn lên trong cuộc sống. Họ luôn mong muốn những chuyện buồn sẽ mau chóng qua đi, để thị trấn vốn yên bình này sẽ mãi mãi bình yên./.

Kỳ tới: Bản vắng thanh niên

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên