Chuyện người thanh niên lập nghiệp từ con dế

Dám đi trước mọi người, không sờn lòng khi thất bại, một thanh niên độ tuổi 20 đã có doanh thu mỗi tháng gần 100 triệu đồng ngay ở chính quê hương mình

Chúng tôi về thăm mô hình nuôi dế của anh Trần Huy Hợi ở xã Tống Phan, Phù Cừ, Hưng Yên. Ông chủ trẻ có nước da ngăm đen vì mấy năm dãi dầu mưa nắng bắt tay khách xởi lởi kể: “Học xong lớp 12 là mình vào miền Nam làm luôn nhưng thấy đi làm thuê không kiếm được bao nhiêu mà bấp bênh nên mình đã quyết chí học một nghề gì đấy để về quê lập nghiệp. Lúc đầu đi làm thuê cho một số trang trại nuôi ba ba, cá sấu ở Bình Dương. Sau lại đến làm ở trang trại nuôi dế. Làm ở trong đó đến 4, 5 năm mới về ngoài này”.

Theo lời kể của mẹ Hợi, lúc đầu Hợi định nuôi nhím nhưng gia đình không đồng ý vì giá nhím thương phẩm chỉ có 300.000đ/kg nhưng giá nhím giống những 9 triệu đồng/cặp.

Anh Trần Huy Hợi bên sản phẩm của mình

Sau khi tham khảo nhiều người, anh quyết định nuôi dế vì lúc ở trong Nam anh đã biết chút ít về nghề này. Công việc ban đầu có nhiều khó khăn anh chưa lường được. Hợi tâm sự: “Khi làm thuê trong Nam thấy người ta nuôi dế tưởng chừng dễ ợt, nhưng lúc mình bắt tay vào làm mới thấy có nhiều cái còn khó khăn. Mà sách vở kỹ thuật cũng gần như là không có gì. Mình còn nhớ lúc đó có lên mạng tra google.com nhưng không tìm được những điều cần thiết thế là phải tự mày mò học trong thực tế vậy”.

Đường đi đến thành công nào cũng trải qua nhiều thất bại. Đối với nghề nuôi dế của Hợi cũng thế. Có những lúc cả lứa dế chết sạch chỉ còn lại dụng cụ nuôi. Nhưng mỗi lần thất bại là một lần anh rút được những kinh nghiệm quý báu. Thất bại mà Hợi nhớ nhất là vào quãng năm 2007, anh đầu tư 15 triệu đồng mua 30 chậu dế (mỗi chậu nuôi 100 con). Sau mấy tháng nuôi, dế khỏe mạnh và nhân ra được 300 chậu nhưng đến mùa đông, trứng dế đẻ ra không nở được. Vậy là công cốc vì những con dế đã đẻ trứng xong là bắt đầu thoái hóa và kết thúc vòng đời của nó. Trong khi đó số trứng chúng đẻ ra lại không nở được.

Cũng chính sau lần đó, Hợi phải đi làm thuê một năm để trang trải nợ nần. anh bảo: “Tiền hết mà lại còn đang nợ, mình không muốn bố mẹ phải vay nợ tiếp nên xin đi bán gas thuê hơn 1 năm để lấy tiền trả nợ và nghiên cứu thêm”.

Có công mài sắt rồi cũng có ngày nên kim, anh thanh niên trẻ Trần Huy Hợi bắt đầu nuôi được những mẻ dế thương phẩm đầu tiên. Nhưng sự thành công chỉ là bắt đầu cho những khó khăn tiếp theo. Thị trường chưa quen với các món ăn chế biến từ côn trùng. Đặc biệt là con dế thì từ trước tới nay chưa thấy ai chế biến món ăn. Bởi thế, những ngày đi chào hàng khiến Hợi mệt nhọc hơn cả lúc mày mò nuôi dế. Vừa mới mất bao công sức mày mò để nuôi được con dế thành công xong, Hợi lại phải tiếp tục một cuộc lặn lội đi khắp các thành phố từ Hải Phòng, Hải Dương đến Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Mấy tháng liền mang dế đi chào hàng rồi lại mang về và phải hủy đi khi hết hạn sử dụng. Niềm vui lớn nhất khi anh nhận được đơn đặt hàng đầu tiên của một nhà hàng ở Hải Phòng với số lượng 50kg/tháng. Dần dần, số lượng đơn đặt hàng bắt đầu nhiều lên cũng là lúc người dân trong vùng nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi dế và muốn học theo. Tất cả đều được anh Hợi hướng dẫn tận tình từ kỹ thuật cho đến nguồn giống. Khi người dân bắt đầu nuôi được dế thì Hợi dành hết công đoạn nuôi dế cho người dân còn anh chuyển sang cung cấp nguồn giống và lo bao tiêu sản phẩm.

Cho đến nay đã có 34 hộ dân trong vùng nuôi dế với sản phẩm đạt trung bình 50kg/tháng. Một kg dế thương phẩm hiện nay có giá trung bình 250-300.000đ/kg. Nếu các hộ dân nắm vững kỹ thuật và chăm sóc tốt thì mỗi tháng có thu nhập khoảng trên dưới chục triệu đồng. So với ở nông thôn, đó là một thu nhập khá đáng kể.

Tất cả các sản phẩm của các hộ dân trong vùng đều được anh Hợi bao tiêu hết. Hiện mỗi tháng anh chế biến và bán cho các nhà hàng hơn 3 tạ dế thương phẩm thu về gần trăm triệu đồng. Tuy vậy ngôi nhà anh ở vẫn là cấp 4 cũ kỹ tuềnh toàng và chưa có ý định xây nhà cao tầng khang trang vì anh còn đang ấp ủ một hoài bão lớn: “Mình đang xây dựng xưởng chế biến quy mô lớn, cũng sắp xong rồi,  khi xưởng chế biến dế thương phẩm của mình làm xong chắc sẽ tạo điều kiện giúp cho nhiều người nữa cùng làm nghề này. Xa hơn mình muốn xây dựng một thương hiệu nuôi dế. Làm sao để nhắc đến nuôi dế là nhắc đến đất Phù Cừ, Hưng Yên”.

Dù chưa phải là một việc làm có tính đột phá nhưng tấm gương quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của Trần Huy Hợi rất đáng để cho chúng ta học tập. Việc đó chứng minh rằng ra thành phố không phải con đường duy nhất để làm giàu, đổi đời. Theo như lời anh Hợi: “Tôi nghĩ, nếu có ý chí thành công và quyết tâm thì không chỉ nuôi dế mà nuôi bất cứ con gì cũng thành công”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên