Chuyện ông giáo mù dạy nhạc

Hỏi đến dân chơi nhạc guitar cổ điển ở Hà Nội, không ai là không biết thầy  Trịnh Đình Thi

Thời gian qua kẽ tay, đã mấy chục năm rồi, trong ngôi nhà nằm ẩn sâu trong “phố nhỏ, ngõ nhỏ” ở số nhà 18 – Liên Việt – Tây Sơn – Hà Nội có một người thầy giáo mù cứ tựa cửa đứng trông, ngóng ngơ nghe mọi chuyện nhân gian.

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Thành, được sự giáo dục căn bản của gia đình, năm 17 tuổi, Thi đã thông thạo tiếng Anh, Pháp, nhạc lý.

Tương lai đang rộng mở trước cậu thì một tai nạn (nổ hóa học) năm 1961 đã cướp đi ánh sáng của cuộc đời Thi. Bao nhiêu mộng mơ, bao hoài bão giờ tan nhanh như mưa bong bóng. Không chịu ăn bám bố mẹ bởi “có định ăn cũng chẳng ăn được lâu”, Thi đã chọn cho mình một lối đi riêng.

Ông tâm sự: “Ngày xưa, khi tôi bị mù, thực sự đó là một cú sốc lớn trong đời. Cậu thử nghĩ một con người đang lành lặn, ngày ngày vẫn nhìn thấy mặt mẹ, mặt cha, bạn bè, trời xanh, hoa lá… vậy mà chỉ sau một tiếng “đùng” mọi thứ đều trở thành một màu đen thăm thẳm. Khi ấy phải làm gì? Ngồi khóc sao? Than thân trách phận mình bạc bẽo sao? Tôi không làm những việc đó, mà xác định rõ vấn đề: Mình đã bị mù. Tiếp tục sống hay kệ đời…? Câu trả lời là: Phải tiếp tục sống! Nhưng sống như thế nào?

Tôi nhìn lại mình, nhìn vào hoàn cảnh thực tại cũng như tương lai. Công việc đầu tiên tôi nghĩ tới đó là đi dạy Anh Văn hay Pháp Văn. Nhưng ngoại ngữ sẽ thay đổi theo thời gian, mình mù lòa sự là rất khó. Và tôi quyết định chọn dạy đàn để làm kế sinh nhai cho mình khi cha yếu mẹ già, các anh chị yên bề gia thất”.

Gặp nhiều khó khăn ở cái thuở bắt đầu học làm thầy. Trước hết ông xác định phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, để lúc giải lao thầy trò còn chuyện trò với nhau. Để tiếp thu thêm tri thức, chỉ còn cách học nhưng cách học của mỗi người khác nhau. Ngày đó sách chữ nổi ít nên ông phải nhờ học trò của mình đọc cho nghe. Trước hết đọc triết học để hiểu những quy luật của cuộc sống, sau đó muốn dạy học thì phải hiểu tâm lý học, lại tìm sách tâm lý để đọc…

Ông bảo: “Với người say mê học thì con đường học là vô cùng”.

Hàng vạn học viên đã từ căn nhà nhỏ của thầy mà tỏa đi mọi miền của đất nước. Với thầy Thi chỉ có nhạc cổ điển là vĩnh hằng, và thầy cũng chỉ chọn nghe, dạy mỗi dòng nhạc đó thôi.

Hơn 40 năm dạy đàn, chưa hôm nào học trò đến mà không thấy thầy. Các con ông đều thành đạt, cứ mỗi dịp nghỉ lễ là lại khuyên bố nên nghỉ để đi chơi đây đó nhưng ông không chịu đi. Hỏi ra mới biết: ông sợ mình đi vắng thì các học trò lại phải hoãn học!. Ông rất chú tâm đến công việc này. “Việc soạn giáo án mình phải cập nhật với trình độ của người học. Đối tượng tôi chọn dạy là sinh viên, mà sinh viên hầu như đều từ các tỉnh khác lên học nên học chỉ có khoảng 4 năm ở lại Hà Nội nên chương trình cũng nằm trong khoảng đó. Hơn nữa sinh viên không có nhiều thời gian nên mỗi buổi học phải phù hợp, ví như những sinh viên ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, các bạn chỉ có khoảng hơn 1 giờ được ra ngoài nên thời gian dạy chỉ 45 phút, còn đâu để các bạn tự luyện tại chỗ...”

Cao hứng với bản nhạc cổ  điển Nga

Những khi dạy đàn cho trò thì thôi, cứ rỗi lúc nào là ông lại ngồi thiền, và trồng cây chuối, ngoài ra còn tập Yoga. Bởi vậy, sức khoẻ của ông rất tốt. Hàng ngày nghiên cứu kinh thư, đọc nhiều nhiều loại sách và các vấn đề xã hội.

Giải lao

Có một điều đặc biệt, dẫu rằng vui tính, thích trò chuyện với học trò nhưng chưa một lần nào thầy nhận lời đi uống cafe với học trò bởi chỉ một điều đơn giản thôi: Người Việt mình hay có tính la cà, mà tôi thì quý thời gian lắm…
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên