Có những điều kỳ diệu

Hành trình thầm lặng đi tìm ân nhân trong quá khứ của một người lính trong quân đội Lào và nữ y tá Việt Nam đã dệt nên một câu chuyện đẹp về tình người, về sự sắt son, chung thủy giữa những người đồng chí.

Hơn 30 năm sau chiến tranh, người lính năm xưa vẫn không thể quên nữ y tá đã cứu sống mình và giúp ông hồi sinh từ “nhà vĩnh biệt”. Đó là câu chuyện của vị tướng quân đội Lào Khăm Xỉ và cô y tá Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc.

Hồi sinh từ “nhà vĩnh biệt”

Năm 1972, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trạm T20 ở Anh Sơn, Nghệ An là điểm tiếp nhận thương bệnh binh của cả bộ đội Lào và bộ đội Việt Nam. Do số lượng thương bệnh binh quá lớn nên Trạm phải nhờ đến sự trợ giúp của Bệnh viện huyện Anh Sơn. Y tá Nguyễn Thị Ngọc là một người trong đoàn cán bộ tiếp viện ấy.

Một đêm, Trạm T20 tiếp nhận 3 chiến sỹ bộ đội Pa-thét Lào: hai người bị thương nặng và một người bị sốt rét ác tính đã tắt thở. Người này được đưa thẳng vào nhà xác. Khăm Xỉ chính là người bị sốt rét ấy. Chẳng hiểu linh tính mách bảo gì mà chị Ngọc lại tự dưng đi vào “nhà vĩnh biệt” xem lại xác chết.

Khi kiểm tra, chị phát hiện người nằm đó đồng tử còn chưa giãn hết, thân thể vẫn còn chút hơi ấm. Một thoáng suy nghĩ táo bạo đến hồn nhiên ập về: cứ cõng anh ấy về, điều trị thử, nếu không được thì cõng trả lại nhà xác cũng không sao.

Rồi chị cõng anh về phòng bệnh, tiêm một mũi thuốc B1, đổ nước cháo, nước chanh vào miệng. Mượn chăn của bệnh nhân xung quanh nhưng ai dám cho mượn chăn đắp cho người chết, và chị Ngọc phải cam đoan là nếu cái xác không sống lại được thì chị phải mua chăn mới mà đền.

Thật không thể tin được, niềm tin mong manh của cô y tá trẻ ngày đó lại thành hiện thực: 3 giờ sáng, “cái xác” bỗng mấp máy đôi môi khô nẻ. Mấy đêm liên tiếp sau đó, hầu như không đêm nào Ngọc ngủ và gần như thường trực chăm sóc, cấp cứu cho chiến sỹ này. Vài ngày sau, “cái xác” tỉnh dậy trong niềm vui khôn tả của cả trạm T20, nhất là các đồng đội người Lào.

Tướng Khăm Xỉ và chị Ngọc trong chuyến thăm Vientiane – Lào
Sau khi Khăm Xỉ tỉnh dậy, chị Ngọc bàn giao lại bệnh nhân rồi lại theo đoàn tiếp viện đi làm nhiệm vụ và Khăm Xỉ không thể gặp được người đã cứu mình. Chỉ loáng thoáng trong ký ức lúc tỉnh lúc mê anh nhớ được một chị tóc dài, búi hai bên, có đôi mắt to và tình cảm. Những người đồng đội người Lào vào cấp cứu cùng đợt kể lại cho anh chuyện anh đã vào nhà xác và cũng chỉ nhớ được cho anh tên ân nhân là “chị Ngọc”. Từ đó cho đến suốt mấy chục năm sau, thứ duy nhất mà Khăm Xỉ mang theo trong hành trình đi tìm ân nhân chỉ là trí nhớ về: “Chị Ngọc”, tóc dài, có đôi mắt to...

Vài ngày sau, theo dòng chuyển thương, Khăm Xỉ được về an dưỡng ở Bệnh viện Quân khu 4 rồi quay về tiếp tục chiến đấu ở Lào. Sau này, ông là Thiếu tướng, từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng Lào và hiện là Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội Lào.

Còn nữ y tá Ngọc sau khi kết thúc đợt tiếp viện lại quay về làm việc tại Bệnh viện Anh Sơn, sau đó, chị chuyển công tác về Viện điều dưỡng ở Cửa Lò (Nghệ An). Đến năm 1996, cuộc sống quá khó khăn, chị đã xin về nghỉ mất sức để có điều kiện chăm sóc gia đình.

Hành trình đi tìm ân nhân sau 30 năm

Nặng nghĩa với ân nhân, những năm sau chiến tranh, Khăm Xỉ đã cố dò la thông tin về chị Ngọc nhưng không thành. Rồi Khăm Xỉ lên đường sang Nga đi học, sau đó lại về học ở Hà Nội nên không có điều kiện đi tìm. Đến năm 2000, khi công việc ở Bộ Quốc phòng Lào dần ổn định, ông mới bắt đầu hành trình đi tìm ân nhân của mình.

Hàng chục lần Khăm Xỉ bỏ thời gian tự lái ô tô sang Việt Nam tìm chị Ngọc nhưng lần nào cũng thất vọng trở về.

Có lần, ông tự lái xe lên vùng miền núi Anh Sơn, cách thành phố Vinh hàng trăm km nhưng rồi lại thất vọng trở về vì trạm T20 đã giải thể từ lâu. May thay có người dân sống gần trạm có biết chị Ngọc là người của Bệnh viện Anh Sơn, nên bảo ông xuống đó mà hỏi. Ông lại tìm đến Bệnh viện Anh Sơn nhưng chị Ngọc đã chuyển đi từ lâu và bệnh viện cũng không có thêm thông tin gì.

Trong một lần về Nghệ An tìm kiếm ân nhân, một nhân viên bảo vệ ở nhà khách Bưu điện Nghệ An đã giúp ông đăng tin tìm kiếm lên Đài truyền hình tỉnh. Những mẩu tin của ông đã không đến được với chị Ngọc chỉ vì lý do rất oái oăm: trước khi ông đăng tin vài ngày, chiếc tivi đen trắng của gia đình chị bị hỏng, phải đưa đi sửa chữa.

May thay, trong xã có một cán bộ hưu trí tình cờ xem được mẩu tin trên tivi, ghi lại và mang đến cho gia đình chị. Khi biết tin có một người Lào đang tìm chị, chị vẫn không nghĩ được rằng, đó là người được chị hồi sinh thuở trước bởi những năm chiến tranh liên miên, chị đã cấp cứu không biết bao nhiêu thương bệnh binh người Lào.

Số phận lại như trò chơi đuổi bắt, trong cái ngày chị Ngọc nhận được mẩu tin và gọi điện cho Khăm Xỉ thì cũng là ngày Khăm Xỉ sau một thời gian tìm kiếm rồi trở về Lào trong thất vọng và ông đã tháo chiếc sim điện thoại di động của Việt Nam nên không liên lạc được.

Tướng Khăm Xỉ và gia đình chị Ngọc

May thay, anh Nam - con trai bà Ngọc - chiều hôm đó lại có việc phải xuống thành phố Vinh nên ghé qua nơi Khăm Xỉ hay ở là Nhà khách Bưu điện Nghệ An để xác minh thông tin. Sau khi được nhân viên bảo vệ ở đây nói đúng là có một người Lào tìm kiếm như vậy nhưng không biết mục đích gì và yêu cầu anh cũng để lại địa chỉ, số điện thoại.

Nhân viên bảo vệ ở đây đã nhờ bưu điện Nghệ An tìm cách liên lạc sang Lào thông báo cho Khăm Xỉ. Nhận được tin, Khăm Xỉ lập tức thu xếp công việc, lái xe từ Lào về Nghệ An.

Một buổi sáng, bà Ngọc thấy hàng xóm gọi sang nghe điện thoại: bảo vệ bưu điện tỉnh báo tin có người Lào đến thăm gia đình chị.

Chiếc xe con dừng lại ở bờ đê, cả nhà bà Ngọc ra thềm nhà đón khách, một người đàn ông to lớn bước ra và ông đi như chạy từ trên triền đê vào nhà: “Chị Ngọc, đúng là chị Ngọc rồi. Em nhận ra chị rồi”.

Bà Ngọc vẫn ngơ ngác chưa nhận ra.

Câu chuyện tưởng đã kết thúc ở đó như hàng vạn câu chuyện ân tình quân dân khác trong những năm tháng chiến tranh. Người cứu nạn nhân thậm chí chẳng nhớ, nhưng người chịu ơn thì cứ mãi đi tìm. Và rồi, người thương binh năm xưa và nữ y tá đã được gặp lại nhau trong niềm vui và xúc động nghẹn ngào sau 30 năm...

“Em là Khăm Xỉ, em là người mà ngày xưa chị cõng trong nhà xác ra, năm 1972 ở Trạm T20. Chị không nhận ra em là phải, ngày xưa em ốm yếu chỉ 36 cân, giờ em gần 1 tạ rồi”.

Câu chuyện hơn 30 năm về trước được nhắc lại và cho đến lúc này, bà Ngọc mới nhớ được chuyện ngày xưa đã cõng một xác chết người Lào ra từ “nhà vĩnh biệt”.

Và rồi, hai người kết nghĩa chị em. Khăm Xỉ nhiều lần đưa vợ ở Lào sang thăm gia đình chị Ngọc và mời chị sang Vientiane chơi với gia đình ông. Từ đó đến nay, Khăm Xỉ vẫn qua lại gia đình bà như một người thân trong gia đình.

Đã 6 năm trôi qua từ cuộc gặp gỡ ấy, tất cả vẫn như một ký ức đẹp. Nó làm sống lại nguyên vẹn cả một câu chuyện cảm động cách đó đã 30 năm, câu chuyện mà người nữ y tá năm xưa tưởng như đã gần quên lãng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên