"Có về Xa Mạc với anh thì về..."

Rời chiến trường trở về quê hương năm 1979, cũng là lúc người đàn ông ấy bắt đầu công việc tưởng như “hâm”, như “dở”, đó là làm sống lại điệu chèo cổ quê hương - làn điệu chèo Xa Mạc có từ hàng trăm năm trước.

 Lặn lội thắp lửa chèo quê
Chạy xe theo con đường bê tông tả ngạn sông Hồng về phía Bắc, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Lược, người mà 30 năm qua luôn được người dân Xa Mạc (xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội) tự tin giới thiệu và gọi với cái tên trìu mến: Người thắp lửa chèo quê tôi. Trong căn nhà nằm ngay ngã tư của con đường liên xã vọng lại tiếng trống chèo, nhịp phách: “Hỡi cô mà thắt bao xanh, có về Xa Mạc với anh thì về / Xa Mạc cũng có cây Đề, có câu hát ví có nghề ươm tơ”.

Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược đúng vào lúc Câu lạc bộ chèo Xa Mạc đang tập. Câu hát mộc mạc cùng cách ngâm và giữ âm của làn điệu chèo Xa Mạc khiến chúng tôi ai cũng mê đắm.

Trong chén trà ấm, nghệ nhân Lược kể: “Tôi mê hát chèo từ ngày còn để chỏm, mỗi lần nghe tiếng trống chèo ngoài đình là trong lòng thấy nhộn nhịp. Đi bộ đội về thấy làng vắng đi tiếng chèo, say chèo quá, mê chèo quá nên tôi quyết tâm đi tìm và sưu tầm lại làn điệu chèo Xa Mạc”.

Những năm còn chiến đấu trong chiến trường, nhiều cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 205, Bộ Tư lệnh thông tin đã biết về giọng hát chèo của ông. “Nhiều đêm hành quân trong rừng, vừa đi tôi vừa nhẩm hát những làn điệu chèo quê mình cho đỡ mệt và đỡ nhớ chèo” - nghệ nhân Lược tâm sự.

Những năm bao cấp khó khăn, hai vợ chồng ông phải làm cật lực để nuôi năm người con, nhưng vẫn quyết tâm phục hồi lại chèo Xa Mạc. Tranh thủ buổi tối, ông đi đến từng nhà các cụ cao tuổi trong làng để hỏi và chép những làn điệu chèo truyền thống của Xa Mạc, đồng thời vừa sáng tác những làn điệu chèo mới. Sưu tầm rồi nhưng lấy ai hát, ai lưu giữ đây? Ông lại đến vận động các cụ, các đồng đội, đồng chí để cùng gìn giữ làn điệu chèo. Trời nắng hay mưa, ông cũng đi vận động, không gặp ngày thì tối ông lại đến. Bỏ ngoài tai những câu xì xào là “hâm”, là “dở”, ông vẫn miệt mài như con tằm kéo tơ. Cảm phục ông, nhiều người đã đến cùng ông tập hát chèo.

Hết mình cho đam mêVới nghề sửa xe đạp, tiền công chẳng đáng là bao nhưng trong số tiền ít ỏi kiếm được đó bao giờ ông cũng dành một phần để gom góp mong một ngày nào đó mua sắm dụng cụ, quần áo để phục vụ những buổi tập chèo. Lúc ông quyết định mua sắm vật dụng, quần áo để tập và hát chèo, ai cũng gàn. Ông bảo: “Hát chèo mà mình cứ hát “chay” mãi thì cũng không được, nhàm chán quá rồi có khi mọi người cũng bỏ chèo mà đi mất, tôi quyết định lấy 20 triệu đồng tiền dành dụm xây nhà để đầu tư mua sắm vật dụng để tập chèo”.  Hai mươi triệu đồng, những năm 90 thế kỷ trước đâu phải nhỏ. Có dụng cụ và quần áo cùng với giúp đỡ của chính quyền, năm 1998, ông thành lập Câu lạc bộ hát chèo truyền thống của Xa Mạc với 20 thành viên.

Ngày đầu khó khăn, những chi phí đi lại biểu diễn đều do tay ông cùng những thành viên trong CLB đóng góp. CLB tự tay viết hàng trăm bài hát chèo, hàng chục trường đoạn, ca cảnh tạo nên vở diễn. Càng diễn càng hay, “đoàn chèo” Xa Mạc do ông đứng đầu liên tục được mời đi diễn tại các hội nghị từ huyện, xã đến các ngày lễ Tết, cứ đâu mời là đi. “Chỉ mong mọi người biết và yêu chèo Xa Mạc thôi” - ông Lược tâm sự.

Năm 2005, có dịp vào chơi nhà con trai cả trong TP. Hồ Chí Minh, ông đã giới thiệu và thành lập CLB chèo tại khu phố 6, phường 13, quận Tân Bình. Có lẽ vì tình yêu chèo của ông quá lớn nên đã lan toả sang cả vợ, con ông. Vợ ông ngày nào còn mặt nặng mày nhẹ với ông vì chuyện yêu chèo hơn yêu vợ, yêu gia đình thì giờ cũng “say chèo” như chồng.

Điều lo lắng nhất của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược là: tre già nhưng măng chưa mọc. Dù tuổi ông chưa cao, nhưng những vết thương thời chiến tranh giờ cũng bắt đầu phát bệnh. Cái tuổi quá ngũ tuần không già nhưng cũng chẳng còn khoẻ như trước. Không biết nếu một mai ông nằm xuống, làn điệu chèo quê ông sẽ thế nào?

Ông không quên nhiệm vụ dạy hát chèo cho các em nhỏ trong làng. Dịp hè thì tuần 3 buổi tối các em đến tận nhà ông, đến khi vào năm học thì các em học vào mỗi buổi Chủ nhật. Phát hiện nhiều em có năng khiếu chèo, ông đến tận nhà xin phép bố mẹ các em cho các em đi tập hát cùng các cô các chú ngoài đình.

Hơn 30 năm nay, không lúc nào tình yêu chèo trong ông nguôi giảm, nhưng ước muốn lớn nhất với nghệ nhân Lược là “mong sao các cấp chính quyền quan tâm chăm lo phát triển làn điệu chèo Xa Mạc để nó ngày một bay xa, bay cao hơn nữa”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên