Phần 2

Cùng thắp lên hy vọng

Mọi khoảng cách giữa người bệnh, tình nguyện viên và bác sĩ ở Khoa Ung Bướu được xóa nhòa, nhường chỗ cho sự sẻ chia và cảm thông. Ai cũng xem nỗi đau của những em bé bị ung thư là nỗi đau của chính mình

>> Phần 1: Nơi tận cùng nỗi đau

>> “Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em”

Cùng chia sớt nỗi đau

Gian sảnh chỉ rộng hơn 10m2 ngay tại Khoa Ung bướu là nơi tập trung, vui chơi của các bệnh nhi ung thư. Ở đây, cũng là nơi mà mỗi buổi chiều trong tuần, các tình nguyện viên lại đến để xoa dịu nỗi đau của các bé.

 

Các tình nguyện viên đang dạy các bé học vẽ

Nhìn những tình nguyện viên là các em học sinh cấp 3 trường PTTH Amsterdam chơi cùng các bệnh nhi ung thư, người thân của các bé như dịu bớt nỗi đau. Các tình nguyện viên cùng bò, trườn, cắt, dán… và làm bất cứ việc gì để các bé vui. Người thì cùng các bé miệt mài tô tranh, người dạy bé ê a đọc chữ, kể chuyện … Tiếng reo cười thích thú của các bé đã xua tan đi không khí ảm đạm thường trực ở nơi đây.

Còn đối với những bệnh nhi đang phải nằm bẹp trên giường vì truyền hóa chất, các tình nguyện viên đến tận giường để trò chuyện xoa dịu cơn đau.

Tình nguyện viên Lê Thảo Hương, lớp 10 chuyên Tin trường PTTH Amsterdam cho biết, nhóm của em có khoảng 60 người, ai cũng hào hứng khi tham gia công tác này. Được trò chuyện cùng các em, Hương muốn làm gì đó thật nhiều để các em vơi đi nỗi đau. “Chứng kiến nghị lực của nhiều em bé bị ung thư, em thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bố mẹ em cũng hoàn toàn ủng hộ việc làm của em. Em sẽ dành nhiều thời gian để đến với các em”- Hương tâm sự.

Tiến sĩ Phùng Tuyết Lan, Phó Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hầu như tất cả các ngày trong tuần, trong khoa lúc nào cũng có các tình nguyện viên. Họ đến kể chuyện, dạy cho các em học, cùng trò chuyện để các em quên đi đau đớn.

Tình nguyện viên đến từng giường bệnh để chăm sóc các bé

Qua báo, đài, nhiều người qua biết được ở đây có những hoàn cảnh khó khăn đã đem tiền đến ủng hộ. Những ngày Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6, các em cũng được nhóm tình nguyện “Chắp cánh ước mơ” và các nhóm tình nguyện trẻ mang quà đến tổ chức cùng chung vui. Ở bệnh viện, cũng có đu quay, cầu trượt cho các cháu vui chơi. Vào ngày Tết cổ truyền, bệnh viện cũng tổ chức cho các cháu được đón Tết…

Được mục sở thị đội ngũ y bác sĩ nơi đây làm việc, chúng tôi thầm hỏi sao họ lại sức khỏe dẻo dai đến vậy. Có lẽ do thường xuyên phải làm quen với tiếng gọi thất thanh của cha mẹ bệnh nhi, thậm chí sự cào cấu của các bệnh nhi trong cơn đau đớn nên ai cũng nhẹ nhàng làm tròn trách nhiệm của mình. Một phần bởi lẽ ở đây, các y, bác sĩ đều coi nỗi đau của mọi người là nỗi đau chung của không chỉ gia đình bệnh nhân mà của cả những người thầy thuốc. Họ đau lòng mỗi khi nhìn thấy một sinh linh bé nhỏ phải lìa bỏ cuộc sống. “Cũng là những người làm cha làm mẹ, chúng tôi hiểu nỗi đau của cha mẹ bệnh nhi. Ai cũng muốn làm mọi điều có thể để cứu các cháu. Nhưng nhiều lúc chỉ biết nuốt nước mắt, bất lực nhìn các cháu ra đi ngay tại Khoa. Nhiều cháu gia đình khó khăn quá, khi biết con bị bệnh nan y đã trốn về, không chữa chạy nữa. Chúng tôi rất mong mọi người quan tâm nhiều đến căn bệnh này ở trẻ, dù nó chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1% trẻ là bệnh nhi), để cùng chia sẻ với các bé, giúp các bé có thêm điều kiện để chữa bệnh”- Bác sỹ Tuyết Lan tâm sự.

Khi nhắc đến các bác sĩ, anh Nguyễn Sỹ Tú, bố bệnh nhi Nguyễn Tùng Lâm nói rằng, nếu không có các bác sỹ thì chắc chắn con của anh đã không qua khỏi. Sự tận tình, chu đáo của các bác sĩ đã tiếp thêm nghị lực cho bệnh nhi và gia đình họ yên tâm điều trị.

Hãy thắp lên hy vọng

Hầu như các bậc cha mẹ khi nghe nói con mình bị ung thư đều nghĩ rằng vô phương cứu chữa. Tiến sỹ, bác sĩ Phùng Tuyết Lan- Phó Trưởng khoa Ung bướu, một trong những người đầu tiên nghiên cứu và khảo sát về tình hình ung thư ở trẻ em khẳng định: Theo nghiên cứu của nước ngoài, có tới 75% bệnh nhi ung thư có thể được chữa khỏi. Tuy ở Viện Nhi chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng có rất nhiều bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa được, nếu được phát hiện sớm, như ung thư thận, gan... Có cháu sự hồi phục đạt trên 90%. Vì thế cha mẹ cần phát hiện sớm bệnh ở con mình và đưa đi khám kịp thời.

Theo bác sĩ Lan, ngoài việc đưa con đi khám định kỳ, cha mẹ thường xuyên quan tâm, nếu thấy con mình có một số biểu hiện như: chảy máu nhiều ở chân răng, mũi, trẻ sốt thất thường, đau xương hoặc đi tập tễnh; mắt có đốm trắng ở tròng đen mắt, trẻ tự nhiên sụt cân hoặc lên cân, bụng to và sờ thấy u… Khi thấy con mình có những biểu hiện như vậy, tốt nhất đưa con đi khám ở các chuyên khoa và làm các xét nghiệm. Khi phát hiện sớm thì việc điều trị cũng đơn giản và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.

Tiến sỹ, bác sĩ Phùng Tuyết Lan- Phó Trưởng khoa Ung bướu

Một điều đáng buồn là bệnh nhi ở Bệnh viện chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, vùng núi và những gia đình này hầu hết đều rất nghèo. Khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, nên việc chữa trị rất khó khăn và tốn kém. “Hiện nay, ở nhiều bệnh viện tuyến dưới cũng đã có các thiết bị phát hiện ung thư sớm, các bậc cha mẹ nên cho con đi khám để chẩn đoán bệnh sớm. Ung thư tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng không loại trừ bất cứ ai. Khi phát hiện sớm, việc chữa trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều”- Bác sĩ Lan cho biết.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, để nói về nguyên nhân sâu xa của căn bệnh ung thư cũng thật khó. Có đến 65% trẻ có tế bào ung thư từ ngay trong bụng mẹ. Việc điều trị từ trong bụng mẹ cũng rất khó khăn. Nhưng đây cũng là một căn cứ để phát hiện sớm bệnh ung thư ở trẻ.

Để điều trị bệnh ung thư, thuốc đặc trị cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào thuốc. Thông tin của bác sĩ Tuyết Lan có lẽ cũng là niềm hy vọng đối với những gia đình có con bị bệnh ung thư: Chỉ trong năm ngoái, ở bệnh viện, thuốc đặc trị còn rất thiếu, nhưng đến năm nay có tới 90% loại thuốc đặc trị đã có mặt ở tủ thuốc bệnh viện. Chỉ một số ít trường hợp có phác đồ điều trị đặc biệt thì mới không có loại thuốc đặc trị để điều trị.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được mượn lời bác sĩ Tuyết Lan: “Để chữa bệnh hiệu quả, ngoài thuốc đặc trị, rất cần sự quan tâm của cộng đồng. Có rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh ung thư nhi, ngay đến cả một số đồng nghiệp của tôi cũng cho rằng ung thư là hết hy vọng. Mọi người hãy cùng tìm hiểu hơn nữa về căn bệnh này, để ngoài việc phòng bệnh cho người thân còn có sự chia sẻ với những người không may mắn mắc phải. Có như vậy việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư mới thực sự có hiệu quả”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên