Nhà văn Nguyễn Khắc Phục:

Danh và đời

Gắn bó với Hà Nội từ năm 1975, đến giờ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn là kẻ “không nhà” giữa đất Hà Thành

Ông được dư luận đánh giá là nhân vật của năm 2010 với nhiều kịch bản cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, điển hình là kịch bản Đêm nghệ thuật chào mừng Đại lễ 10/10/2010. Có lẽ bởi thế mà người ta đồn rằng, Nguyễn Khắc Phục năm nay “ăn đủ”!. Tôi chẳng biết ông “ăn đủ” thế nào mà đến giờ vẫn thấy ông “không nhà” giữa đất Hà Thành.

Nghe tôi nói về những tin đồn, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cười khà khà. Bảo rằng, tin đồn thì nhiều lắm nhưng ông mặc kệ, quan tâm làm gì, để thời gian làm những gì mình tâm huyết, mình muốn và hữu ích. Không chịu, tôi lại gặng, nghe nói nhuận bút cho kịch bản Đêm đại lễ 10/10 của ông đến… 500 triệu đồng. Ông lại hỏi ngược tôi, có luật nào của mình qui định nhuận bút thế không? Rồi lẳng lặng đi tìm cái hợp đồng kinh tế giữa ông với Sở VH,TT&DL cho tôi xem. Hợp đồng đã bị ông xé một góc phần giấy trắng, ghi rõ số tiền nhuận bút kịch bản đêm Đại lễ là 120 triệu đồng. Tay ông đưa hợp đồng, miệng bảo tôi, chỉ xem cho vui thôi, chứ đừng viết lách gì, bởi ông không thích ồn ào. Họ có đồn thế cũng được, không sao, nếu nhuận bút được 500 triệu đồng thật thì cũng xứng đáng, coi như ông góp phần nâng cao giá trị của người cầm bút.

“Không nhà” mà vui

Kể cũng lạ, gắn bó với Hà Nội từ năm 1975, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn là kẻ “không nhà” giữa đất Hà Thành. Bây giờ, ông không nhớ rõ Hà Nội có bao nhiêu quận, huyện, nhưng “tự hào” đã được ở trọ trên địa bàn 6 quận lớn: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, và hiện giờ là Tây Hồ. Lúc thì nhà văn thuê trọ ở phố Dã Tượng, lúc Xã Đàn, hay Kim Giang…, nơi đâu cũng gắn bó đến tận lúc chủ nhà lấy lại nhà ông mới chuyển đi. Ngẫm mà thấy ái ngại, bởi tuổi 64 rồi mà ông vẫn năm lần bảy lượt chuyển nhà… Nhưng xem ra nhà văn lại không lấy làm phiền lòng vì việc đó. Ông bảo, gom góp tiền để mua được một cái nhà theo ý mình ở đất Hà Thành này vất vả lắm, nên cứ đi thuê cho nó thanh nhàn, mà lại được ở nơi như ý mình.

Thật ra, gia đình nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở tận Nha Trang (Khánh Hòa). Vợ ông là giáo viên, giờ đã nghỉ hưu. Ba cô con gái của ông, một cô theo nghề mẹ đã xây dựng gia đình và sinh cho ông hai cháu ngoại, còn hai cô con gái (đầu và út) bây giờ vẫn chưa đả động gì đến chuyện chồng con, một cô làm ở báo Phụ nữ TP.HCM, cô lại theo nghiệp của cha, cũng viết văn, kịch bản. Mới đây, ông và cả gia đình đã lo chỗ trú chân cho hai chị em cô đầu và út trong TP.HCM, còn ở Khánh Hòa, vợ ông và cô con gái thứ hai cũng yên ấm. Hễ sắp xếp được công việc, ông lại bay về Khánh Hòa thăm vợ con và cháu ngoại. Một năm, cũng về 4-5 lần mà lần nào cũng chỉ được 1 đến 2 ngày là cùng. Đôi khi phải gác việc riêng vì việc chung…

Mới đây, Nguyễn Khắc Phục đã tạm ứng 50 triệu đồng tiền kịch bản Đêm Đại lễ 10/10 mang tặng trẻ em vùng lũ lụt tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, nhuận bút kịch bản “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam” tổ chức ở Đồng Mô được 39 triệu đồng, ông cũng dành toàn bộ cho các cháu dân tộc thiểu số Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum. Và nhuận bút chương trình “Khánh thành tháp chuông Đồng Lộc”, do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đêm 2/1/2011, nhà văn cũng dành cho trẻ em nơi đây…

Nhà văn Nguyễn khắc Phục chia sẻ: “Tôi có viết tiểu thuyết hay không viết thì cũng không làm được gì thiết thực cho trẻ em. Tôi có là nhà văn tài giỏi hay không cũng thế, chẳng giúp gì cho trẻ em. Tôi cần những đồng tiền thực tế để cho trẻ em, chứ lời âu yếm không thôi, cũng quý nhưng ít thiết thực. Do vậy, tôi cần phải làm việc...”. 

“Hư vô” để “tồn tại”

Có người bảo Nguyễn Khắc Phục khôn, có người lại cho rằng ông dại, toàn lo những chuyện đâu đâu. Tôi thì lại nghĩ khác. Phải chăng, có những người chọn cách sống “hư vô để tồn tại”? Chẳng biết điều này có đúng với trường hợp của ông không? Nhưng chắc chắn, ông có cái lý nào đó để làm những gì ông đã và đang làm...

Đến giờ, Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim nhựa, 81 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các “Lễ hội”, trong đó có 2 kịch bản diễn ra trong 10 ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: kịch bản chương trình “Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh” vào tối 3/10 ở sân khấu Tượng đài Lý Thái Tổ và Đêm hội văn hóa nghệ thuật 10/10 ở sân vận động Mỹ Đình. Nhìn sức làm việc của ông, ai cũng “choáng”. Thế nhưng nhà văn lại cho rằng, ông đang làm việc ở mức độ bình thường, làm mà chơi - chơi mà làm. Chứ làm mà kiệt sức thì ai còn muốn làm nữa.

Dẫu được bạn bè phong là “vua” kịch bản, ngay cả “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” ông được trao tặng cũng là nhờ những đóng góp của ông cho sân khấu, nhưng tiểu thuyết của ông mới thật tiêu biểu cho cung cách và phẩm chất nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ấy là chưa kể những truyện ngắn đầu tay của ông xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ cách đây hơn 40 năm (chẳng hạn kịch bản “Người từ giã cuối cùng” được thoát thai từ truyện ngắn “Hoa cúc biển” và được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể, làm phim “Những ngôi sao biển”...). Rồi “Ngã ba Vô Tình”, “Tiếng nói của biển”, “Chim mùa hè”, “Rừng non”... Gần đây, vào giữa năm 2010, khi đang bận rộn với các kịch bản cho Đại lễ, ông vẫn cho ra mắt công chúng bộ tiểu thuyết “Thăng Long ký”  khiến bao người ngạc nhiên. Chưa hết, nhà văn lại đang rục rịch cho ra mắt bộ tiểu thuyết gồm 3 tập mang tên “Hỗn độn”...

Đến thăm nơi nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở trọ tại một chung cư bình dân thuộc quận Tây Hồ, tôi thật ngạc nhiên khi thấy mấy chục bức tranh sơn dầu, sơn mài khổ lớn 2-3 mét xếp chất đống trong nhà. Hóa ra, Nguyễn Khắc Phục còn một thú đam mê lớn khác là hội họa: vẽ để chơi, vẽ để giải thoát nội tâm chứ không phải để trưng bày ở các phòng tranh. Tôi nhẩm tính, số tiền mua nguyên liệu dùng để vẽ số tranh sơn dầu trong nhà ông cũng lên tới trăm triệu đồng chứ chả ít. Nhưng ông không nghĩ đến việc bán chác... Vì đơn giản, ông muốn dành tặng khối tài sản này cho các cháu ngoại của mình.

Đó cũng là cái cách riêng của nhà văn, như cái việc ông vẫn đi ở trọ thuê, sống một mình lặng lẽ, cặm cụi viết kịch bản, tiểu thuyết và vẽ ở một xó xỉnh nào đó trong cái nội đô đầy sôi động của Hà Nội. Ngày, có khi chỉ cần 2 gói mỳ tôm, nhưng thuốc lá thì không thể thiếu, tối thiểu cũng phải 2 bao “Thăng Long”. Thỉnh thoảng lại đi bộ lang thang trên đường như một “ông điên”. Và cũng chính con người có mái tóc đã bạc phơ mà tâm hồn nhiều khi như trẻ nhỏ ấy, bao đêm ngồi lặng lẽ, trầm ngâm một mình cùng ấm trà nguội ngắt với bao nỗi ưu tư…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên