Đào quặng bừa bãi, dân gánh họa

Những cánh đồng bậc thang của bà con đồng bào Dao giờ đã nằm dưới lớp đất quặng dày đặc và không thể tái sinh

Hàng trăm hộ dân ở xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang đứng trước nguy cơ mất hết ruộng canh tác do việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để các chủ mỏ chỉ tập trung vào khai thác quặng mà “quên” bảo vệ môi trường... Không những vậy, tình trạng tranh chấp mỏ đang diễn ra phức tạp tại khu vực khai thác khiến tình hình càng thêm căng thẳng.

Dân mất đất

Giữa những quả đồi mơn mởn xanh cây cối của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái có hàng chục mỏ quặng sắt được mệnh danh là những “mỏ vàng”, nằm sâu dưới lớp đất màu mỡ. Ba năm trở lại đây, khi UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác mỏ cho một số doanh nghiệp (DN) thì những “mỏ vàng” này bỗng nhiên quay lưng lại với bà con dân bản hằng ngày vẫn cần mẫn lao động trên mảnh đất này.

Ruộng ở Nậm Búng bị xới tung vì quặng

Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Công an xã Nậm Búng đưa chúng tôi vượt đèo lên tới tận đỉnh Sài Lương - Nậm Chậu, nơi những chiếc xe xúc, xe ủi kềnh càng đang gầm rú xới tung từng mảng ruộng. Ông Hải nhíu mày: “Không thể trồng được gì nữa rồi các chú à! Rất nhiều khu ruộng đã bị bỏ hoang, đất đá từ trên cứ lao ầm ầm xuống ruộng, nguồn nước bị mất, bà con không canh tác được nữa”. Chúng tôi thắt lòng khi thấy những thửa ruộng bậc thang từng là “điểm đến” của những người săn ảnh đẹp nay lỗ chỗ, ngắt quãng bởi những đống đất đá thâm sì. Ông Hải nói: “Có những điểm mỏ khai thác suốt đêm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Đất đá lấp hết ruộng. Người dân kéo lên cãi vã, xô xát với nhân viên khu mỏ. Huyện phải cử tới 7 chiến sĩ công an lên đây để đảm bảo an ninh”.

Ở đỉnh Sài Lương, khu mỏ của DN Hoàn Thiện ngót nghét cũng có khoảng vài ngàn tấn quặng đã được “moi” khỏi mặt đất và đang nằm trơ giữa đồi để rồi khi mưa xuống, các chất thải cứ theo những dòng nước mà xối ào ào xuống nương rẫy phía lưng chừng đồi.

Theo thống kê, tỉnh Yên Bái hiện có hàng trăm điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở hầu khắp các huyện. Các chủ mỏ này để được cấp phép đều khai có thiết kế khai thác, bãi thải quặng… đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Nhưng thực tế lại không như vậy. Ở xã Nậm Búng hiện có 8 điểm mỏ. Không một điểm mỏ nào là không từng bị dân kéo lên phản đối vì làm tổn hại đến môi trường. Hoang tàn nhất là điểm mỏ Hoàn Thiện, Hùng Loan và HTX Tú Lệ.

Ông Phạm Bá Dư, Chủ tịch UBND xã Nậm Búng xác nhận: “Hai năm gần đây, cứ mỗi khi mưa xuống là đất đá lại lấp hết diện tích đất canh tác. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của nhân dân”. Ông Dư cũng tỏ ra bức xúc: “Không cho họ làm cũng không được vì họ đã được cấp phép, mà chúng tôi thì chẳng hay biết gì về chuyện này…”.

Bãi thải mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu nằm trên độ cao từ 500 - 800m, với độ dốc rất lớn. Hàng chục ngàn khối đất đá thải từ các khai trường sẽ đổ ập xuống ruộng của người dân khi mùa mưa đến là điều dễ xảy ra.

Ai chịu trách nhiệm?

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, phá hủy đất canh tác của bà con, hiện nay, tại khu vực khai thác mỏ đang xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự.

Những vạt đồi xã Nậm Búng bị đào bới “rách toác” lộ rõ một mảng màu nâu đỏ nham nhở, phơi mình dưới nắng gắt giữa màu xanh của đại ngàn. Dưới những vệt đào nham nhở ấy, những cánh đồng bậc thang của bà con đồng bào Dao giờ đã nằm dưới lớp đất quặng dày đặc và không thể tái sinh.

Tháng 6/2008, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép Công ty cổ phần xây dựng Hoàn Thiện (Công ty Hoàn Thiện), trụ sở tại xã Vân Phú, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được khai thác khoáng sản tại mỏ quặng sắt ở thôn Nậm Chậu (thôn Sài Lương, xã Nậm Búng). Tiếp đó, tháng 11/2008, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định 1856 thu hồi 306.001m2 đất nông nghiệp (đất ruộng bậc thang) của các hộ gia đình, cá nhân và đất đồi chưa sử dụng do UBND xã Nậm Búng quản lý tại thôn Sài Lương và thôn Nậm Chậu để cho Công ty Hoàn Thiện thuê đất để khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy chế biến, làm các công trình phụ trợ, bãi ém thải và hành lang an toàn… Trong quyết định này cũng quy định rõ trách nhiệm của Công ty Hoàn Thiện “Trong quá trình khai thác và hoạt động khoáng sản phải tuân thủ theo đúng thiết kế khai thác được phê duyệt, không được làm ảnh hưởng tới các thửa đất của các hộ dân canh tác liền kề…”.

Tuy nhiên, hơn 1 năm sau khi có giấy phép này, ngày 16/1/2010, Công ty Hoàn Thiện đã ký hợp đồng kinh tế với DN Dung Quang để khai thác mỏ quặng sắt Sài Lương - Nậm Chậu. Theo bản hợp đồng này, Công ty Hoàn Thiện đã cho đối tác được phép “đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, kho tàng, bến bãi, đường công vụ và các cơ sở vật chất khác để phục vụ công tác khai thác, chế biến trong suốt quá trình hoạt động của mỏ”. Đổi lại, Công ty Hoàn Thiện sẽ được chia 30% sản lượng thành phẩm, đối tác được 70%.

Sau khi DN Dung Quang đưa máy móc vào khu mỏ mở đường và tổ chức khai thác, do xảy ra mâu thuẫn nên cuối năm 2010, Công ty Hoàn Thiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, phía DN Dung Quang không chấp nhận yêu cầu này nên giữa hai DN đã xảy ra tranh chấp quyền khai thác mỏ sắt. Cho tới lúc này, trong khi Công ty Hoàn Thiện vẫn đang tranh cãi về quyền khai thác mỏ sắt thì hàng chục hộ dân ở xã Nậm Búng đã phải gánh hậu quả từ việc khai thác mỏ của họ gây ra. Nhiều người dân đã lên tận khu mỏ, tìm vào tận nơi khai thác để hỏi về việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Tuy nhiên, chủ mỏ thì ở tận đẩu tận đâu, chỉ có những người công nhân làm thuê ở đấy.

Ông Trần Văn Mộc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn nói như thế này: “Huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn. Chúng tôi không liên quan đến việc làm ăn của các DN. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh trên địa bàn. Đất đá lăn xuống ruộng, bà con kéo lên và xảy ra xô xát. Hiện chúng tôi đã yêu cầu các DN báo cáo, đồng thời nhắc nhở các DN giải quyết ổn thỏa, không gây mất trật tự, an ninh”.

Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai khi để tình trạng này xảy ra? Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Đã nắm được tình hình và thành lập tổ công tác. Nếu chuyển nhượng không được phép là sai phạm và sẽ thu hồi giấy phép”.

Tuy nhiên, khi hỏi về chuyện có hay không việc quản lý các khu mỏ sau khi đã được cấp phép, thì ông Khánh cho rằng: “Đây là việc làm của nhiều cơ quan, chính quyền chứ Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp phép, khi cấp phép cũng đã thẩm định các DN, họ đủ điều kiện thì mới cấp. Còn sau khi cấp phép, nếu có vi phạm thì phải thanh tra, kiểm tra xem mức độ vi phạm như thế nào…”.

Bạn có hài lòng trước câu trả lời này không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên