Dấu chân người lính trên dải biên cương Tây Bắc

Câu chuyện về công việc thầm lặng của y sỹ Lê Sỹ Nam và quân y Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn, Mường Nhé, Điện Biên là một ví dụ điển hình về tình quân dân ở nơi biên giới.

Chuẩn bị túi thuốc, bông băng, vượt đèo lội suối đến các bản làng thăm khám bệnh cho nhân dân, kết hợp giám sát phát hiện dịch bệnh gần như là công việc thường nhật của thiếu uý Lê Sỹ Nam, quân y sỹ Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn, đứng chân ở địa bàn một xã của huyện vùng sâu vùng xa biên giới Mường Nhé, tỉnh  Điện Biên, nơi cực Tây của Tổ quốc.

Tốt nghiệp trường Trung cấp Y cuối năm 2007, Thiếu uý Lê Sỹ Nam xung phong lên nhận nhiệm vụ tại trạm quân y đồn. Không ít khó khăn với một sinh viên miền xuôi Thanh Hoá vừa tốt nghiệp ra trường như anh Nam trong những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ. Bởi trạm quân y nơi anh đóng quân phụ trách 2 xã Chung Chải, Leng Su Sìn đều là các xã đặc biệt khó khăn.

Trên 620 hộ, với trên 3.100 nhân khẩu của 2 xã này đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông di cư tự do đến chiếm tỷ lệ cao, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhưng cái khó nhất đối với anh Nam không phải là chuyện giao thông đi lại khó khăn, mà chính là ở việc anh chưa hiểu ngôn ngữ của đồng bào để vận động bà con không giữ tục sinh đẻ tại nhà, không giữ cái lý có bệnh phải nhờ thầy cúng.

Thiếu uý Lê Sỹ Nam tâm sự: “Tôi là người miền xuôi lên miền ngược. Do văn hoá khác nhau, dân di cư tự do vào địa bàn mang theo nhiều dịch bệnh nên rất khó trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Đồng bào dân tộc thiểu số trên này vẫn còn giữ phong tục, hủ tục, tập quán lạc hậu”.

Không bó tay, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại có kiến thức ngành y anh đã đến phục vụ đồng bào. Vừa thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bà con, anh Nam vừa tranh thủ học tiếng, tìm hiểu văn hoá và ngôn ngữ của các dân tộc để có thể giao tiếp, hướng dẫn bà con. Hơn 3 năm, bước chân anh Nam và đồng đội đã đi hầu hết các bản làng, lúc đi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, lúc đến tuyên truyền cho bà con cách phòng chống dịch bệnh, đến giúp bà con sản xuất.

Do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế nên anh và đồng đội phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, để bà con làm theo. Ngay cả trong những việc rất tế nhị như hướng dẫn kế hoạch hoá gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, thậm chí dùng bao cao su để thực hiện sinh để sinh đẻ có kế hoạch…. Anh phải hướng dẫn làm sao cho bà con dễ hiểu.

Thiếu uý Nam cho biết: “Tôi là người lính, được quân đội giao trách nhiệm, bản thân thường xuyên xuống địa bàn, cùng ăn, cùng ở cùng làm với bà con để bà con thấy được hiệu quả của mình. Và bà con sẽ dần dần tin yêu và nghe theo”.

Từ năm ngoái đến nay, anh Nam và các quân y sỹ Đồn 405 Leng Su Sìn đã tổ chức khám, chữa bệnh, điều trị cho gần 300 lượt người dân của các bản trên địa bàn. Các anh cũng cấp, phát thuốc miễn phí cho bà con, tổng trị giá tiền thuốc gần 5,3 triệu 300 đồng. Gần 20 ca bệnh nặng cũng đã được cấp cứu kịp thời. Quân y Đồn 405 thường xuyên phối hợp với trạm y tế 2 xã Leng Su Sìn và Chung Chải trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; phối hợp kiểm tra giám sát dịch bệnh.

Năm ngoái, trên địa bàn 2 xã đã có dịch sởi gây chết người. Nhờ sự phối hợp, giúp đỡ này mà đã khống chế được dịch, không để dịch lây lan. Anh Đôn Văn Đông, Trạm trưởng Trạm y tế xã Leng Su Sìn cho biết: Trạm y tế cũng thường xuyên phối kết hợp với quân dân y đồn 405 xuống cơ sở kết hợp với công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho toàn thể bà con, giám sát và phát hiện kịp thời các ổ dịch. Chúng tôi cũng khám sức khoẻ định kỳ cho bà con, giáo dục vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường.

Hai xã mà đơn vị anh Nam phụ trách những năm trước tỷ lệ sinh con thứ 3 rất cao, người dân ở đây vẫn có thói quen thả rông gia súc, hoặc nhốt gia súc dưới gầm sàn rất mất vệ sinh. Anh Nam và các cán bộ y tế  Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn đến tuyên truyền vận động, bà con đã biết ăn ở hợp vệ sinh, không còn thả rông gia súc, mà làm chuồng trại nhốt trâu bò ở cách xa nhà.

Trên 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ biết áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nên tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm so với trước. Có anh Nam và các anh bộ đội đến giúp, người già trẻ nhỏ trong các bản đều được khám chữa bệnh kịp thời.

Ông Sừng Sừng Giá, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn nói: “Bản thân tôi thường xuyên bị bệnh tật và nhờ vào đồn biên phòng giúp đỡ. Hiện tôi đã dần dân hồi phục sức khoẻ. Từ đó, tôi rất tin vào Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng”.

Với Thiếu uý quân y Lê Sỹ Nam cũng như cán bộ chiến sỹ quân y Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn, sự vất vả đã mang lại niềm vui là góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, được nhân dân tin yêu đùm bọc, đoàn kết cùng gìn giữ bình yên dải biên cương Tây Bắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên