Dị nhân vớt xác giữa trùng khơi
Biển nhân từ cho ngư dân tôm cá nhưng cũng có lúc dậy sóng dữ dằn cuốn vùi bao số phận. Có một ngư dân nghĩa hiệp ngày đêm bám biển, “nhặt nhạnh” những linh hồn, mang họ từ trùng khơi lạnh giá về với đất liền
Một đời nghĩa hiệp
Người dân phố biển không khỏi ngỡ ngàng trước những việc nghĩa của gã “dị nhân” Lê Hữu Tây (54 tuổi, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế). Gã uống rượu không nhiều nhưng ngày nào cũng phải có một đôi ly, lý do mà gã đưa ra là để “chế ngự” cảm giác ghê rợn khi ẵm trên tay thi thể trôi dạt nhiều ngày trên biển. Nhắc đến nghiệp cứu người, từng mảng ký ức ngồn ngộn dội về như trùng điệp lớp sóng…
25 năm, lặng thầm “nhặt” xác, cứu người trên biển, mang những phận người về đất liền chôn cất, hương khói, gã đã không còn nhớ rõ bao nhiêu lần “dám” vượt qua lời nguyền của những ngư dân đi biển. Từ giã đời ngư phủ, trở lại với đất liền lấy nghề chăn dê mưu sinh. Thế nhưng, hễ nhận được tin báo có người nào chết đuối hay phát hiện thi thể trôi trên biển, cái máu nghĩa hiệp trong người lại thôi thúc, khiến gã không ngần ngại xông ra biển ứng cứu.
Nhấp ngụm rượu, gã kể: “Lần đầu tiên tui vớt được người trên biển là vào tháng 10 năm 1987, khi tui cùng nhiều bạn thuyền ra khơi đánh cá. Hôm đó gặp mưa gió lớn, vừa kéo xong mẻ cá, anh em mang rượu ra nhắm cho đỡ lạnh thì từ phía đuôi tàu, tôi phát hiện 2 thi thể trôi dạt, anh em ai nấy mặt xanh như tàu lá chuối. Nghĩ mình đi biển cả đời, gặp người không may đắm tàu thuyền hay chết bão mà ngó lơ thì cái tội đó không tha thứ được. Tôi chuẩn bị xuống thuyền vớt xác thì anh em bạn thuyền can ngăn: “Mi vớt xác lên thì nay mai đi biển mi sẽ đền mạng đó!”
Nghe vậy, gã cũng “ngán” thiệt, nhưng lại tặc lưỡi: “Đền mạng thì… đền, ai trong đời không một lần chết.” Lúc vớt lên, hai thi thể đã trong trạng thái phân hủy. Trong đêm, gã cùng mấy anh em dong thuyền vào bờ để mai táng. Bỏ nửa chừng chuyến đi biển, mang xác vào bờ, gã lại tự tay khâm liệm, mai táng tại cồn cát thôn Hải Bình. Thư từ và giấy tờ cá nhân trên 2 thi thể cho thấy họ đều là người ở Hà Nội, đi trên tàu Vĩnh Dương. 3 ngày sau, người nhà nghe tin ở biển Thuận An có người vớt được xác liền tất tả vào Huế tìm. Cho đến giờ, gã vẫn nhớ như in cái ngày khiến đời mình gắn với nghiệp vớt xác ấy…
Ông Tây đã trở thành ân nhân của những vong hồn lưu lạc |
“Có thấm ít rượu vào tui mới dám kể lại chuyện này, không phải vì tui không muốn kể mà sợ người nghe sẽ…kinh hãi!” -gã bảo. Câu chuyện thứ hai xảy ra vào khoảng đầu năm 2010. Khi gã đang ngồi thái chuối cho dê ăn thì đứa con trai lớn hớt ha hớt hãi chạy vào thông báo ngoài khu vực biển An Hải có xác một “con gì” không đầu, không tay. Kinh nghiệm tiếp cận với thi thể trôi dạt trên biển cho gã biết ngay đó là…xác người! Bỏ dở công việc, theo hướng chỉ tay của cậu con trai, gã lao ra biển.
… Bồng trên tay thi thể không tay, không đầu, mang về đến khu vực cồn cát thôn An Hải để mai táng, cả thôn lúc đó đều…bỏ chạy vì mùi xú uế và kinh hãi. Giữa chiều hôm, chỉ có gã với thi thể lạnh tanh, lầm lũi đi về phía cồn cát. Đặt thi thể xuống đất, gã nhớ mãi hình ảnh trên người nạn nhân nam xấu số chỉ mặc đúng cái quần lót màu đỏ, trên cổ có đeo mảnh tượng phật. Khoảng một giờ sau, chính quyền, bộ đội biên phòng có mặt hỗ trợ 3 triệu đồng mua quan tài an táng. Mấy tháng sau, chính đôi bàn tay nghĩa hiệp ấy đã gom thêm được 3,5 triệu đồng xây mộ cho người quá cố.
Rượu và “tuyệt kỹ” mắm nêm…
Thán thán phục trước lòng can đảm của gã, song nhiều người không thể biết gã làm cách nào tiếp xúc với những thi thể trương phình, cải táng xác chết mà không dùng đến một thiết bị hỗ trợ nào về mặt y tế. Gã tâm sự, rượu đã giúp gã đánh lừa cảm giác sợ hãi của bản thân mình. Sau mỗi lần ra tay nghĩa hiệp, nhặt xác người trôi dạt, gã lại dùng đến rượu như một thứ “thần dược” giúp sát trùng, rửa cho thi thể người chết sạch bụi trần.
Ngoài rượu ra, “tuyệt kỹ mắm nêm” cũng được gã ứng dụng rất nhiều lần để cứu vớt xác chết. Gã mang khẩu trang “kẹp” theo rất nhiều mắm nêm, mùi của mắm nêm sẽ lấn át, làm cho gã quên đi mùi xú uế phát ra từ cơ thể đang phân hủy.
Gã kể: “Ba năm trước, có một bệnh nhân nam ở tỉnh Quảng Trị bị ung thư giai đoạn cuối, vì quá tuyệt vọng mà người bệnh tìm đến cái chết. Lần đó nhờ mắm nêm mà mình đã đưa được người ta vô bờ chôn cất đang hoàng!”.
Địa điểm phát hiện thi thể ở cầu Thuận An. Không một ai dám xuống vớt thi thể, khi người dân báo lên chính quyền, lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì gã đã có mặt. Quệt mắm nêm vào mũi, với đôi tay trần, gã lặn xuống biển đưa thi thể lên bờ, lúc đó đã chạng vạng. Loay hoay chạy mua quan tài, vận động bà con ủng hộ, đến rạng sáng hôm sau, thi thể mới được mang về an táng tại cồn cát thôn An Hải. Một tuần sau, thân nhân của bệnh nhân xấu số vào Huế nhận, chính tay gã lại cải táng, giúp người nhà nhận dạng rồi mang thi thể về quê an táng.
Rất nhiều gia đình có người xấu số chết, được gã mai táng cẩn thận tìm cách trả ơn gã bằng tiền, quà, gã đều từ chối, chỉ lấy đôi lít rượu. Lý do mà gã đưa ra rất đơn giản “Làm phúc mà chờ báo đáp thì…mang tội đó”.
Lâu dần thành quen, cái hình ảnh “quấn” mắm nêm chặt mũi, thậm chí bôi lên cả người để vớt thi thể người chết đã khiến gã trở thành một dị nhân ở phố biển. Nhưng trong lòng người dân Thuận An, ai cũng hiểu đó là một “dị nhân” làm việc nghĩa!
“Nghĩa trang” vô danh
Câu chuyện khiến ông Hữu Tây trăn trở nhất là về số phận một con người đã yên nghỉ mấy chục năm trong lòng đất bỗng chốc bị lật tung sau trận bão lớn. Một buổi chiều, người dân ở biển Thuận An bàng hoàng khi phát hiện có “tấm ván” lớn lòi ra, bị sóng đánh tan tành sắp cuốn ra biển. Thấy thế ông Tây liền ra dùng đá, đất chèn lại chờ bão ngớt sẽ cất bốc mai táng. Đến chiều tối sóng quật nghiêng ngã khiến chiếc quan tài trôi ra biển. Tình thế nguy cấp, không quản hiểm nguy, ông băng ra trước sóng dữ nhưng chỉ kịp giữ lại tấm vải chứa hài cốt và phần bia mộ ghi thông tin “Phạm Văn Hai phụng lập”. Hằng năm, ngày bão lớn 6/10 được lấy làm ngày kỵ húy của người phụ nữ xấu số…
25 năm lặng lẽ gom góp những linh hồn về cồn cát trước thôn An Hải mai táng, cho đến nay, trước căn nhà đơn sơ của ông Hữu Tây là cả một quần thể những nấm mồ vô danh. Từ trùng khơi sóng gió, những con người xấu số đã được tụ họp về đây. Ông hương khói quanh năm, sưởi ấm những vong hồn cô quạnh!
Ông tự nguyện chăm sóc những nấm mồ vô danh |
Trên cồn cát đơn sơ, khu mộ chung được chính tay ông Hữu Tây gom góp tiền xây dựng khá khang trang. Chỉ tay ra hướng cồn cát trước thôn An Hải, giọng người đàn ông buồn buồn xa thẳm: “Ngoài đó đến nay đã mấy chục nấm mộ rồi. Có người có tên tuổi đàng hoàng nhưng chẳng thấy ai đến nhận; có người không có thông tin gì ngoài tấm bia vô danh chỉ được ghi ngày tháng phụng lập. Mong sao qua báo đài, người thân họ có thể về đây bốc nắm xương tàn đưa về cố hương!”