Đi qua bóng đêm

Chỉ còn mấy ngày nữa, người phụ nữ ấy sẽ lần đầu tiên được làm mẹ, nhưng tấm giấy xét nghiệm với kết quả HIV dương tính, như một tấm màn đen trùm lên cuộc đời chị.

Những giọt nước mắt trong đêm

“Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là cái chết, song đứa con trong bụng đã giúp tôi tiếp tục sống. Mới đấy mà đã năm năm rồi…”. Người phụ nữ 35 tuổi bắt đầu câu chuyện của đời mình như thế, khi nhớ lại ngày cuối đông định mệnh năm 2003…

Chị tên là Nguyễn Thị Diệu Hằng, tình nguyện viên Dự án Gipa (Dự án “Tăng cường sự tham gia của người sống chung và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UNV (Chương trình cộng đồng của LHQ tại Việt Nam) thực hiện. Cách đây vài tháng, tình cờ tôi được nghe chị diễn thuyết trong một hội thảo về phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con do Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Cách diễn thuyết tự tin, ánh mắt buồn và những trải lòng của người phụ nữ không may bị nhiễm HIV từ chồng đã thôi thúc tôi tìm gặp chị. Tuy nhiên, với vai trò tình nguyện viên cộng đồng của LHQ, những chuyến đi dài ngày tới các địa phương xa xôi của đất nước đã khiến lịch làm việc của chị luôn dày đặc.

Gặp lại Diệu Hằng trong một ngày xuân mịt mù mưa bụi. Có lẽ không gian ấy khiến ánh mắt chị dường như ưu tư hơn, dẫu những ấn tượng ban đầu về sự điềm đạm, tự tin của chị vẫn vẹn nguyên trong tôi. Câu chuyện gợi lại quá khứ buồn khiến không gian trở nên yên lặng đến tê lòng. Cuối chiều, dòng người ngoài đường phố vội vã để trở về với gia đình. Vào thời điểm ấy, những nỗi niềm của một người mẹ, người vợ trong chị càng cồn cào nhiều hơn. Hai lần sinh nở, hai đứa con gái bé bỏng đều lần lượt bỏ chị ra đi. Người chồng nghiện hút thì chưa một ngày tỉnh táo để biết rằng bên cạnh mình còn có một người vợ. Nỗi đau bấy lâu bị kìm nén, vỡ òa cùng nước mắt, vỡ òa cùng những giọt nước mưa lạnh lẽo đến vô tình…

Nhớ lại ngày cuối đông định mệnh năm ấy, chị vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau hơn 2 tiếng ngồi nói chuyện với các bác sỹ tư vấn ở Trung tâm Y tế dự phòng 50C Hàng Bài (Hà Nội), người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ là chị vẫn chưa hiểu mình bị bệnh gì. Chỉ đến khi cầm trong tay kết quả xét nghiệm HIV dương tính, chị  mới biết rằng mình đã nhiễm HIV. Người đầu tiên ôm chị vào lòng và chia sẻ nỗi đau ấy chính là mẹ chồng. Người đàn bà ở cái tuổi gần đất xa trời chẳng còn biết nói gì ngoài lời xin lỗi đứa con dâu bất hạnh. Nhưng nỗi đau càng nhân lên khi chị nghĩ tới đứa con trong bụng. Nó còn chưa kịp hưởng niềm vui chào đời. Và từ hôm ấy, chị sống lặng lẽ như một cái bóng. Đêm đến, nằm một mình trong căn phòng nhỏ, chị lại khóc đến cạn nước mắt. Không biết bao nhiêu lần chị nghĩ tới cái chết, nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng, chị lại cố gắng gượng. Và người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn cố sống với một niềm hy vọng, dù mong manh, rằng đứa con của mình sẽ không bị mắc căn bệnh ác nghiệt như cha mẹ nó.

Ngày đứa con gái đầu lòng của chị chào đời cũng là ngày cuối cùng của năm 2003. Ban đầu, có lẽ do nhầm lẫn mà người ta lại xếp chị nằm cùng phòng với những bệnh nhân bình thường. Chỉ đến khi mổ xong, đọc hồ sơ bệnh án của chị, họ mới giật mình và chuyển chị sang khoa của những người mắc bệnh truyền nhiễm. Ở đây, mẹ con chị bị cách ly hoàn toàn trong một phòng kín và phải nằm mỗi người một giường. Lúc này, thuốc tê đã hết, cơn đau lại hành hạ chị. Gần 2 ngày nằm viện, không ai hỏi han gì, chỉ thỉnh thoảng có y tá đến đưa thuốc và cũng chỉ đứng ở cửa ngoài ngó vào. Đứa bé mới chào đời khát sữa cứ khóc ngằn ngặt mà chị lại không thể ôm con vào lòng để dỗ dành. Những giọt nước mắt thay lời ru…

Khát khao làm mẹ…

Cho đến tận bây giờ, chị vẫn không quên được kỷ niệm lần đầu tiên đến với Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương, khi các cán bộ Chữ thập đỏ xuống tận cầu thang để đón và cầm tay dẫn chị lên phòng. Chính những cử chỉ thân tình ấy đã khiến chị cảm động và quyết định tham gia Câu lạc bộ. Ở đây, chị được học các kiến thức về bảo vệ sức khỏe cho bản thân và phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Không lâu sau, chị đã trở thành thành viên tích cực của Câu lạc bộ. Nhưng rồi, căn bệnh quái ác không chịu buông tha đứa con gái đầu lòng của chị. Niềm hy vọng mong manh bấy lâu chị vẫn cố bấu víu để gắng gượng sống giờ đã vụt tắt. Chưa đầy một tuổi, đứa con đầu lòng của chị đã qua đời. Nỗi đau mất con như xé lòng. Nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của các cán bộ Hội Phụ nữ Hà Nội, chị lại gượng dậy, cố khỏa lấp nỗi đau trong lòng bằng cách tham gia vào vị trí tình nguyện viên cho cộng đồng của Dự án Gipa, với mong muốn xua đi nỗi đau cho những người cùng cảnh ngộ như mình. Dường như từ ngày đến với Dự án, chị đã trở thành người hoàn toàn khác. Nhìn chị bây giờ, không ai nghĩ rằng, vài năm trước, chị chưa bao giờ biết đến những kỹ năng làm việc nhóm, không biết sử dụng máy tính và cũng không thể đủ tự tin để diễn thuyết trước đông người.

Hai đứa con gái bé bỏng đã lần lượt bỏ chị ra đi. Người chồng thì chưa một ngày tỉnh táo bởi sợi dây oan nghiệt của cái chết trắng để biết rằng bên cạnh mình còn có một người vợ. Và rồi nỗi đau bấy lâu bị kìm nén vỡ òa cùng nước mắt, vỡ òa cùng những giọt nước mưa lạnh lẽo đến vô tình…

Tưởng như sau những mất mát quá lớn, chị đã tìm lại được niềm vui trong hoạt động tình nguyện với việc tư vấn, đưa đón những người có HIV đi khám, giúp đỡ những trẻ em chịu ảnh hưởng của HIV. Nhưng người chồng vừa ra trại sau cái án 6 năm tù vẫn quay lại với ma túy, bất chấp những giọt nước mắt khuyên can của vợ. Càng đau đớn hơn khi đứa con gái thứ hai của chị vừa ra đời không lâu cũng mất vì HIV. Cũng từ đó, chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ lại làm mẹ lần thứ ba. Chỉ đôi lần nhìn thấy những bà mẹ trẻ dắt con đi học, khát khao làm mẹ lại dâng lên vò xé trái tim chị. Nhưng đó chỉ là một phút thoáng qua rồi vụt tắt, vì chị biết, định mệnh đã không cho chị quyền được làm mẹ.

…Và những kỷ niệm ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Không thể chăm sóc những đứa con của mình, chị dành hết tình cảm cho những đứa trẻ ở Khoa khám bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. Như một bản năng, chúng đều gọi chị với cái tên thân thuộc là “Mẹ Hằng”. Chị nhớ mãi kỷ niệm buồn với một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, được ông nội đưa xuống khám. Đứa trẻ mới 9 tuổi, bụng trướng đau, cứ cầm tay chị khóc gọi: “Mẹ ơi, con đau, mẹ bảo bác sỹ cho con uống thuốc gì đi. Con xin mẹ. Mẹ ơi!”. Khi ấy, chị chỉ biết ôm đứa bé vào lòng mà khóc, bởi linh cảm của một người mẹ mách bảo chị rằng, đứa con ấy cũng sắp bỏ chị mà đi. Cũng có lần, một cụ già ở tận Hà Giang đưa cháu xuống khám, không may trên đường đi bị mất trộm hết tiền, đứa bé khi ấy lại lên cơn đau dữ dội. Chỉ trong một buổi chiều, chị đã dùng tiền của mình và vận động mọi người quyên góp để có tiền chữa chạy cho đứa bé. Tối ấy, khi ở lại cùng đứa bé, chị đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh ông già gần 80 tuổi quay đi để cố giấu những giọt nước nơi khóe mắt đã nhăn nheo khi nhìn đứa cháu nhỏ… Những kỷ niệm ấy là động lực để chị vượt qua nỗi đau của bản thân, thôi thúc chị làm được nhiều hơn cho những người có có cùng cảnh ngộ như mình.

Chúng tôi chia tay nhau khi trời đã mờ tối. Nhìn bóng dáng nhỏ bé khuất dần trong mưa, tôi bỗng nhớ tới câu nói của chị: “Ước gì, ngày mai tỉnh dậy, mọi người sẽ nhìn những người có HIV như tôi như những người bình thường. Để bóng đêm của sự kỳ thị sẽ mãi mãi lùi xa…”. Còn tôi, tôi tin bóng đêm đã không còn vây quanh chị, bởi chính chị đã đem ánh sáng và niềm tin đến cho những người có chung một nỗi đau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên