Đội bóng chốn cửa thiền

Chuyện các nhà sư đá bóng vốn xưa nay hiếm, thế mà ở chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, TP Huế), các đệ tử nhà phật lại chọn môn thể thao “vua” này để rèn luyện sức khỏe.  

Chồn thiền tự ấy, bóng đá không chỉ là hoạt động thể thao mà nó mang ý nghĩa tu học sâu sắc.

Đội bóng của những… Ronaldo

Tôi háo hức, tò mò tìm về chùa Từ Hiếu khi một đồng nghiệp kháo rằng các nhà sư ở đây chơi bóng chuyên nghiệp không kém… V. League. Từ đường Lê Ngô Cát, một con hẻm khá rộng, hai bên rợp bóng thông cổ thụ như không gian cổ tích, dẫn vào chùa. 16 giờ, ánh mặt trời dần khuất trên đỉnh núi Dương Xuân, khuôn viên chùa Từ hiếu trở nên sôi nổi bởi trận bóng đá mà cầu thủ trên sân là các nhà sư với áo nâu và đầu nhẵn bóng. Xung quanh sân, đông đảo các sư nam, sư nữ, phật tử và du khách cổ vũ nồng nhiệt cho các cầu thủ.

Trên sân bóng khá rộng, các sư thầy trong bóng áo nâu thi nhau lướt bóng. Họ như những cao thủ tung mình giữa sân để “xuất chiêu” những đường bóng điệu nghệ. Sau một đường rê dắt tuyệt kỹ, sư thầy Thích Mãn Hạnh, một trong những người chơi bóng hay nhất của chùa đã thực hiện một cú vô lê điệu nghệ vào khung thành đối phương trước sự khâm phục của khán giả.

Ở chùa đây, bóng đá không chỉ là hoạt động thể thao mà nó mang ý nghĩa tu học sâu sắc (Ảnh:K.Photo)

Đáng chú ý là sự cổ vũ nồng nhiệt bằng những tráng pháo tay của các sư nữ trong áo nâu thoát tục sau mỗi bàn thắng hay một pha xử lý bóng điêu luyện của các sư thầy. Ni cô Chân Không, một trong hàng chục ni cô cổ vũ cho trận đấu, kể rằng, ngày nào cô và các ni cô khác trong chùa cũng dành thời gian để cổ vũ cho các trận đấu của sư nam. Đứng xen vào đội ngũ cổ động viên nhà sư là đông đảo phật tử và du khách đến vãn cảnh chùa. Máy ảnh, máy quay phim của du khách thi nhau giương lên theo những đường chuyền, những cú đánh đầu và ghi bàn đẹp.

Sư thầy Thích Mãn Dung nâng vạt áo nâu lau mồ hôi sau một đường đi bóng tuyệt kỹ tranh thủ kể: “Đá bóng sau giờ kinh kệ từ lâu đã trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu hàng ngày của các nhà sư trong chùa. Ước gì có một giải bóng đá đá dành cho các chùa để các nhà sư có cơ hội trổ tài với quả bóng thì thật thú vị”.

Hiện chùa Từ Hiếu có 70 sư thầy và 40 sư cô. Các sư thầy thường chia nhau thành các đội bóng, hàng ngày tự tổ chức thi đấu với nhau, còn các sư cô thì đóng vai trò là những cổ động viên cuồng nhiệt. Thi thoảng, thanh niên các địa phương lân cận hay sinh viên, học sinh các trường học trên địa bàn TP Huế vì ngưỡng mộ tài đá bóng của các nhà sư nên đến thi đấu giao hữu với các đội bóng nhà chùa.

Tranh cúp… nhà chùa

Hàng năm vào đầu mùa xuân, chùa Từ Hiếu lại tổ chức giải bóng đá cho các nhà sư trong chùa. Các nhà sư được chia thành 6 đội bóng thi đấu theo thể thức vòng tròn rồi chọn hai đội vào chung kết. Sư thầy Thích Mãn Pháp là người khởi xướng giải bóng đá này. “Giải bóng đã thu hút sự tham gia của tất cả các nhà sư trong chùa và được xem như là ngày hội thể thao hàng năm không thể thiếu đối với những đệ tử nhà Phật ở chùa Từ Hiếu” – thầy Pháp phấn khởi. Các giải đấu được tổ chức không khác gì những giải bóng đá chuyên nghiệp, có ban tổ chức (là ban điều hành của chùa), trọng tài, huấn luyện viên cho đến đông đảo cổ động viên.

Mặc dù giải đấu được tổ chức rất chuyên nghiệp nhưng giải thưởng của các giải đấu lại hết sức đơn giản. Có khi

Chùa Từ Hiếu ban đầu là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định dựng vào năm 1943.

Năm 1848, sau khi Hòa thượng viên tịch một năm, các vị thái giám và cung giám đã tổ chức tái thiết, mở rộng ngôi chùa. Chùa được Vua Tự Đức ban tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”.

giải thưởng cho đội vô địch là những bộ quần áo, có khi là một trái bóng, cũng có khi chỉ là những bịch nước mía để các nhà sư giải khát sau trận đấu. Đặc biệt, giải thưởng cho cầu thủ và thủ môn xuất sắc nhất là do các sư cô ở chùa bầu chọn bằng phiếu và người được nhận giải này được thưởng một đôi giày thể thao để luyện bóng mỗi ngày. Ở giải bóng này, giải thưởng trị giá như thế nào và thuộc về đội nào dường như không quan trọng bằng việc các đội thi đấu hết mình, thể hiện bản sắc của mỗi đội bóng.

Bên cạnh giải đấu chính được tổ chức đều đặn hàng năm, vào những ngày giỗ Tổ, chùa Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đưa đệ tử ra Huế thi đấu với chùa Từ Hiếu. Các đội bóng của chùa Bát Nhã vốn mạnh nổi tiếng và đã từng đá thắng đội bóng đá Lâm Đồng, nhưng khi đối đầu với các đội bóng chùa Từ Hiếu thì ngang tài ngang sức.

Một pha xử lý bóng điệu nghệ (Ảnh:K.Photo)

Không chỉ thường xuyên chơi bóng, mỗi nhà sư ở chùa Từ Hiếu còn là một nhà ái mộ bóng đá. Vì thế, vào những mùa giải bóng đá, thiền đường của chùa trở thành nơi để các sư thầy, sư nữ thưởng thức bóng đá qua tivi. Theo quy định của chùa, các nhà sư không được cổ vũ hay yêu thích một đội bóng, cầu thủ đơn lẻ, nhưng với những đội bóng, cầu thủ xuất sắc, các sư vẫn “phá lệ” để dành cho họ một sự yêu thích đặc biệt.

“Các đội bóng lớn của thế giới như Machester, Asenal, Chelsea hay các cầu thủ xuất sắc như Ronaldo, Ronaldinho, David Beckham… luôn được chúng tôi yêu thích nên thỉnh thoảng mang áo của những đội bóng này để chơi bóng. Đặc biệt, vì tinh thần dân tộc nên chúng tôi dành thời gian theo dõi, cổ vũ hầu hết các trận đấu của đội tuyển Việt Nam” – sư thầy Thích Pháp Chiêu kể.

Đá bóng để… tu hành

Điều thú vị của các trận đấu bóng của các đệ tử nhà Phật ở chùa Từ Hiếu là các đội bóng không bao giờ đặt yếu tố hơn thua lên hàng đầu. Ở mỗi trận đấu, trên sân các thầy mải chạy theo quả bóng, dường như chẳng ai quan tâm đến chuyện hơn được, thắng thua. Theo sư thầy Thích Pháp Giao, người từng nhiều lần được bình chọn là thủ môn xuất sắc nhất của nhà chùa, tất cả các đệ tử đều chơi với tinh thần đồng đạo, đồng môn, vì vậy chuyện thắng thua trong các trận đấu không còn quan trọng. “Các đệ tử đều đặt hai chữ hữu hảo của nhà Phật lên hàng đầu, chính vì vậy mà mỗi khi quả bóng lăn vào lưới bất cứ đội nào thì tất cả đều vỗ tay ăn mừng bàn thắng”.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng sự thầy Thích Chân Pháp Đăng, vị giáo thọ của chùa Từ hiếu còn rất tráng kiện bởi thầy cũng là một cầu thủ của nhà chùa. Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ thoát tục, vị giáo thọ bảo rằng, nhà chùa luôn khuyến khích và cổ vũ các nhà sư tham gia hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe. Bởi lẽ, thể thao sẽ giúp con người cân bằng cơ thể, tinh thần sảng khoái để dễ tu hành.

Chơi thể thao, giúp các đệ tử tăng cường tình hòa hảo, tương thân tương ái (Ảnh:K.photo)

Trong đó, hoạt động đá bóng được đông đảo nhà sư trong chùa tham gia và môn thể thao “vua” này đã giúp các đệ tử của nhà chùa hòa đồng với nhau, giao lưu với nhau để tăng cường tinh thần tương thân tương ái giữa các đệ tử. Vì lẽ đó, 4 năm trước nhà chùa đã đầu tư xây dựng sân bóng để làm nơi rèn luyện tinh thần, thân thể cho các đệ tử.

Thầy Đăng tâm sự: Từ và Hiếu là hai chất liệu không thể thiếu trong một con người xuất gia. Sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp người bớt khổ, đó là cách thể hiện lòng hiếu, lòng từ đúng nghĩa nhất. Điều này sẽ có được trọn vẹn nếu nhà sư tham gia vào các hoạt động thể thao để không những có sức khỏe và tinh thần sảng khoái để tu hành mà còn giúp các đệ tử tăng cường được tình hòa hảo, tương thân tương ái.

Theo Hòa thượng Thích Chín Mậu – trụ trì chùa Từ Hiếu – tất cả các hạnh lành đều biểu hiện trên nền tảng của tình thầy trò, nghĩa đệ huynh. Tình và nghĩa ấy có thể là một cái gì đó rõ ràng thể hiện thành hình tướng, hoặc chỉ là nguồn năng lượng giao cảm giữa thầy và trò. Và hiện nay, để tăng cường nền tảng của tình huynh đệ, nhà chùa đang làm nhiều cách trong đó có việc tăng cường, khuyến khích hoạt động thể thao trong các đệ tử, đặc biệt là bóng đá – môn thể thao gắn kết giữa người với người…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên