Đôi giày bẹ măng

Những cô gái dân tộc Giáy nào không biết làm giày hoặc vụng về, rất khó lấy được chồng.

Đôi giày Nhắng từ lâu là biểu tượng cho sự cần cù, đức hạnh của người phụ nữ dân tộc Giáy. Trong những đám hỏi, cho dù nhà gái thách cưới “trăm trâu, trăm bò” như thế nào thì nhà trai cũng chỉ yêu cầu mấy chục đôi giày Nhắng làm quà cho họ hàng.

Những đôi giày Nhắng trong ngày cưới

Đoàn người rước dâu xếp thành một hàng dài nối nhau đi vắt vẻo trên sườn đồi. Có người say rượu, khật khưỡng gánh hành lý cho cô dâu nhưng miệng vẫn tỉ ti hát bài hát mừng ngày vui. Chú rể Lò Văn Ngần, 22 tuổi (ở bản San Thàng 1, xã San Thàng, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu) nét mặt rạng rỡ, đỡ cô dâu từ trên lưng ngựa xuống rồi dắt đến trước cửa nhà.

Các cụ già trong họ đều đã có mặt đầy đủ, ngồi ra tận chái nhà để đón đoàn rước dâu về. Cô dâu Lò Thanh Quỳnh, 18 tuổi, người Dao, ở xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu thẹn thùng tiến lại xin phép, rồi ra giếng múc một chậu nước sạch. Quỳnh bưng chậu nước lên hè mời ông bà, cô, bác nhà chồng rửa chân tay mặt mũi.

Bà Phan Thị Kén - người duy nhất ở San Thàng còn khâu giày Nhắng

Cô dâu lần giở trong hộp lễ vật của nhà mình, lấy ra những đôi giày mới tinh, đủ loại màu sắc rồi lễ phép trao cho mọi người. Cụ trưởng họ tuyên bố: “Giày Nhắng đi đủ rồi, nhà này đã có con dâu mới”. Khi đó, Quỳnh mới được bước vào nhà làm lễ gia tiên, ra mắt họ hàng.

Dù cô dâu Lò Thanh Quỳnh không phải người Giáy nhưng lấy chồng người Giáy nên vẫn theo phong tục này. Ngày cưới, dù có váy áo lộng lẫy đến đâu, nhưng khi đã bước chân về nhà chồng rồi là phải thay áo, mặc áo cánh năm thân màu xanh nõn chuối, cài khuy lệch về một bên và đi đôi giày Nhắng mới.

“Người con gái dân tộc Giáy mà không biết làm giày Nhắng là không lấy được chồng đâu. Từ khi 12-13 tuổi, đứa con gái đã bắt đầu làm giày rồi”, bà Phan Thị Kẻn, 72 tuổi ở bản San Thàng 1, vừa nói vừa rót nước mời tôi. Bà Kẻn đã già, vết đồi mồi loang đầy trên mặt, thế nhưng khi gợi lại chuyện xưa, những ngày mà cô gái trẻ năm nào biết nhớ nhung chàng trai cuối bản, bà Kẻn vẫn còn ngượng ngùng lắm.

Thời ấy, Kẻn đẹp nhất bản. Kẻn được mẹ dạy cho làm giày Nhắng từ khi lên 10 tuổi, đến năm 16 tuổi đường thêu của Kẻn đẹp nức tiếng trong vùng. Những hôm theo mẹ xuống chợ, con trai hùa nhau trêu: “Kẻn ơi, về làm vợ anh nhé”, Kẻn lại ngượng ngùng nép mình vào bên mẹ. Ngượng ngùng là thế nhưng Kẻn đã âm thầm đi bóc bẹ măng trên rừng, khâu được 10 đôi giày Nhắng rồi giấu kỹ trong rương. Kẻn không dám khâu giày ban ngày vì sợ con trai nhìn thấy trêu ghẹo. Đến đêm, Kẻn mới dám đem kim chỉ ra hì hục khâu cho đến sáng. Nhìn đôi giày Nhắng dưới chân cô bé Kẻn, trai làng trên bản dưới đến đứng nhẵn đất dưới vườn. Thế nhưng, trong lòng Kẻn đã có “người thương, người nhớ” rồi. Khi lớp cây măng trên rừng đã hết mùa rơi bẹ, Kẻn về nhà chồng mang theo nghề làm giày Nhắng làm kế sinh nhai. Kẻn khâu giày cho bao nhiêu đám cưới, bao nhiêu người già, Kẻn cũng không nhớ được nữa. Tiền bán giày, Kẻn mua được nhiều vòng bạc, mua cả được một đôi trâu tốt.

Đôi giày Nhắng là vật tượng trưng cho đức hạnh của người con gái dân tộc Giáy. Người con gái có cần cù, khéo léo thì đôi giày Nhắng làm ra mới đẹp, mới chắc. Và cũng không biết tự bao giờ, giày Nhắng là vật không thể thiếu trong câu chuyện tình yêu, trong những đám cưới của các chàng trai cô gái người Nhắng.

Cũng không còn ai nhớ được đôi giày Nhắng có từ bao giờ. Bà Kẻn kể: “Từ lâu lắm rồi không còn ai nhớ nữa, những người Giáy đầu tiên vào đây khai sơn, phá thạch họ đều đi chân đất. Sợ con rắn, con nhím trên rừng, người ta lấy dây rừng bện lại thành đôi giày rọ để đi. Dần dần, có người phát hiện ra rằng, bẹ măng khô rất bền, mềm mà không ngấm nước, họ lấy bẹ măng khâu thành những đôi giày đi nhẹ mà rất ấm. Giày Nhắng ra đời từ đó”.

Nghệ thuật làm giày

Theo thời gian, giày Nhắng trở thành một vật dụng không thể thiếu trong trang phục của người Giáy. Bà Lò Thị Suông ở phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu, năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn đều đặn nhận hàng đặt từ các nơi. Những lúc có khách đặt nhiều giày, bà Suông cùng cô con dâu phải lên rừng từ sáng sớm để kiếm bẹ măng. Phải lấy những bẹ măng già về, ngâm nước một đêm rồi đem phơi khô. Bà Suông bảo: “Bẹ măng là thứ rất sẵn ở đây, nó vừa mềm, vừa dai lại rất ấm. Người đi giày không bị hôi chân, đau chân cũng nhờ thứ bẹ măng này”.

Đôi giày bẹ măng

Cái khó khi làm giày Nhắng là tất cả đều dựa vào đôi mắt của người làm. Người ta phải ướm chân bằng mắt, tạo nên hình hài đôi giày mà không cần đến bất cứ thứ “ruột gỗ” tạo dáng nào. Người phụ nữ có tinh mắt, có giỏi giang hay không được đánh giá rất nhiều ở khâu này.

Tốn nhiều công sức nhất là khâu đĩa giày. Bốn lớp bẹ măng xếp chồng lên nhau, bên ngoài bọc vải thật khít. Khâu làm sao cho đĩa giày thật vững chắc, nhưng cũng phải thật mềm mại. Kim khâu đĩa giày phải to và cứng, đầu kim mài sắc lẹm.

Điều đặc biệt là đôi giày Nhắng không dùng bất cứ thứ keo dán, nhựa cứng hay cao su nào. Tất cả chỉ có thổ cẩm, bẹ măng và chỉ khâu. Có thời điểm khách du lịch Sa Pa về đặt bà Kẻn làm 100 đôi giày Nhắng, thấy bà cặm cụi khâu may hàng tháng trời, đứa cháu gái bà rỉ tai: “Bà đem đĩa giày xuống chợ thuê người ta khâu máy cho, tội gì mà vất vả thế”. Bà trừng mắt nhìn cháu, thở dài rồi im lặng.

Đôi giày Nhắng chỉ đẹp được khi người ta khâu tay. Khâu máy có thể nhanh hơn, đều hơn nhưng đĩa giày không thể cứng và chắc được. Mỗi mũi khâu, người làm phải gồng tay nén cho bẹ măng thít chặt với vải tạo nên phần đĩa giày vừa vững chắc, vừa mềm mại. Điều này chưa máy móc nào làm được.

Mong ước cuối cùng của một đời người

Bà Suông đang nhanh tay đảo lại những bẹ măng phơi trên dây thì có tiếng gọi ở cổng. Anh Liều A Dia, 40 tuổi, ở bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng bước vào hớt hải nói: “Bà ơi, bà làm luôn cho mẹ con đôi giày bà nhé, mẹ con yếu lắm rồi”.

Anh Dia bảo tôi: “Từ xưa đến nay, cả nhà tôi chỉ thích đi giày Nhắng của bà Suông khâu. Mẹ tôi đau ốm đã gần một năm nay, ngày nào bà cũng giục tôi đi xuống đây đặt giày cho bà. Anh em chúng tôi không ai nỡ đi nhưng bây giờ có lẽ phải làm giày thật rồi”.

Người Giáy trước khi chết bao giờ cũng muốn mình có một đôi giày Nhắng thật đẹp để bỏ vào quan tài. Phải là giày Nhắng chứ không phải loại giày nào khác bởi người Giáy kiêng chôn theo người chết bất cứ loại nhựa nào. Ngay đến cái cúc áo bằng nhựa cũng chuyển thành cúc vải. Đôi giày Nhắng là một mong ước cuối cùng ở trần gian khi người ta sắp sửa vĩnh biệt cõi đời.

ở thị xã Lai Châu hiện nay chỉ còn ba nơi vẫn giữ được nghề làm giày Nhắng. Thế nhưng, những người phụ nữ làm giày bây giờ cũng đều đã lần lượt bỏ nghề. Cụ Kẻn than thở: “Bản này giờ còn mỗi tôi giữ được bộ kim khâu giày thôi. Con gái lớn lên bây giờ không thích làm giày Nhắng nữa vì nó lâu được tiền lắm”.

>> Ông Vũ Văn Bường,Phó Bí thư Đảng ủy xã San Thàng, thị xã Lai Châu: Người Giáy chiếm gần nửa dân số trong xã San Thàng. Cách đây khoảng 20 năm, nghề làm giày Nhắng là nghề chính đem lại thu nhập cho người dân. Thế nhưng, khoảng năm 1998 cho đến nay, nghề làm giày Nhắng lắng xuống và hiện nay đang có nguy cơ bị mai một.

Theo bà Kẻn, mỗi đôi giày Nhắng phải khâu trong vòng 1 tuần mới xong, bán cũng chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng. Với số tiền ấy, người ta xuống chợ huyện mua được mấy đôi giày vải Trung Quốc. Ngay mấy đứa cháu của bà Kẻn, chúng không còn thích đôi giày của bà khâu nữa, chúng thích đi giày da bóng hơn. Giày Nhắng bị vứt vào xó nhà, người nào quý lắm thì giặt giũ sạch sẽ rồi cất đi như là một vật kỷ niệm.

ở San Thàng hiện giờ chỉ còn duy nhất bà Kẻn vẫn còn khâu giày. Thế nhưng, bà Kẻn chỉ dám nhận khâu một vài đôi cho những người bạn già, còn những đám cưới hỏi với số lượng lớn, bà không dám nhận.

Ngày trước, cô con dâu của bà Suông cũng là một trong những người khâu giày đẹp nhất bản. Nhưng giờ chị đã bỏ nghề, chuyển hẳn sang nghề làm bánh bỏng bán ở chợ. Trong đám cưới, đôi giày Nhắng là lễ vật nhà gái tặng nhà trai cũng dần ít đi. Bà Suông bảo: “Giày Nhắng không thể thiếu được trong đám cưới nhưng giờ người ta chỉ tặng nhau vài đôi tượng trưng thôi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên