Đón xuân trên đảo Vạn Gia

Qua những câu chuyện về mối quan hệ quân dân, chúng tôi cảm nhận được tình cảm gắn bó, gần gũi của người dân với các chiến sĩ. Hình ảnh của họ đã in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây.

“Năm nay, con trai của mẹ đã trưởng thành, trở thành người lính mang trên mình chiếc áo màu xanh. Con vô cùng vinh dự, tự hào được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trực chiến trong những ngày Tết để giữ gìn an ninh biển đảo Tổ quốc. Anh em ở đơn vị, mỗi người một phương song tình cảm gắn bó như ở gia đình. Tết này, chúng con cùng người dân trên đảo đón giao thừa. Năm mới chúc mẹ và gia đình mạnh khỏe. Con sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền đất nước”... Đó là tâm sự trong lá thư gửi mẹ của Nguyễn Thanh Sơn, lính biên phòng trẻ ở đồn Vạn Gia (Đồn 4), thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”

Đứng ở Mũi Ngọc trong khi chờ ca nô tới, ngân nga khúc hát: “Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời cao”… của nhạc sỹ Trần Hoàn, bỗng dưng, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trực chiến trong những ngày Tết giá lạnh hiện lên trong tâm trí của chúng tôi. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm háo hức vì chẳng mấy chốc nữa thôi, chúng tôi sẽ được gặp và giao lưu với các chiến sĩ biên cương ở đảo Vạn Gia. Bước chân lên ca nô, chúng tôi được anh Mão, người địa phương có kinh nghiệm hơn 10 năm đi tuyến biển Mũi Ngọc - Vạn Gia, dặn dò phải mặc thêm áo ấm không rất dễ cảm lạnh.

Có chúng tôi trên biển đảo thân yêu

Trước khi không khí lạnh từ phương Bắc tràn về, con đường ra đảo bị sương mờ giăng kín mặt biển, tầm nhìn hạn chế, khiến việc đi lại của những chiếc thuyền nhỏ không được trang bị la bàn vô cùng khó khăn. Người điều khiển ca nô nếu không thuộc luồng lạch rất dễ lạc vào những cồn cát nằm sát mặt nước, lúc đó ca nô sẽ chòng chành, thậm chí bị lật úp... May mắn thay, với tài “nhìn xuyên màn sương” của mình, mất chừng 40 phút di chuyển bằng ca nô, anh Mão đã đưa chúng tôi lên đảo Vạn Gia an toàn.

Đón chúng tôi là Trung tá Nguyễn Đức Đãn, Chính trị viên phó đồn cửa khẩu biên phòng Vạn Gia, quê Hải Dương, năm nay anh xung phong ở lại cùng các chiến sĩ trực Tết. Trên đảo Vạn Gia (thuộc thành phố Móng Cái) có 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thực với dân số trên 4.000 người. Mùa này, sương mờ nhiều, không khí ẩm, nền nhà ướt, thiết bị điện tử cũng dễ bị hỏng. Với người ở lâu năm trên đảo thì không sao, còn người mới đến sẽ có cảm giác khó chịu. “Năm nay, lãnh đạo Đồn 4 đã xây dựng kế hoạch cụ thể để anh em chiến sĩ vui xuân, đón Tết mà vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tận dụng nguồn rau khoai lang và cá biển bị loại, các chiến sĩ đã mát tay vỗ béo đàn lợn 5 con, mỗi con nặng gần 100kg để phục vụ ngày Tết. Rồi tăng gia rau xanh và nuôi được đàn gà. Chúng tôi đã chuẩn bị tiết mục văn nghệ đón xuân, chuẩn bị giao lưu bóng chuyền, bóng đá với lực lượng hải quan, người dân hai xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực” - anh Đãn hồ hởi.

Trước Tết khoảng 1 tháng, không khí Tết đã hiện hữu trên khắp hòn đảo này. Khuôn viên trụ sở đồn đã được dọn dẹp sạch sẽ, những khóm hoa trồng trong chậu đã bắt đầu hé nụ như báo hiệu một mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang về. Tết với những người lính biên phòng Đồn 4 là gắn với núi rừng, biển đảo. nhiều chiến sỹ trẻ khi được phân công nhiệm vụ trực chiến trong những ngày Tết cảm thấy rất vinh dự tự hào, dù không giấu nổi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

Binh nhất Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1990, nhà ở Đông Triều, Quảng Ninh cho biết, đây là năm đầu tiên anh xa gia đình, đón giao thừa cùng đồng đội. Qua chúng tôi, Sơn muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể gia đình. Cùng tâm trạng, binh nhất Đinh Quang Diệu, sinh năm 1989, quê ở Gia Lộc (Hải Dương) tâm sự, đã là người lính thì luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Ở đơn vị, anh em ai cũng yêu thương nhau, không khí lúc nào cũng vui vẻ như một gia đình, nỗi nhớ nhà của những người lính trẻ cũng vì thế mà vơi đi.

Thắm đượm tình quân dân

Biển, đảo giữ một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Với những chiến sĩ biên phòng trên biển, những người ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngoài việc thường xuyên rèn luyện đổ mồ hôi trên thao trường, nắm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, họ còn phải thường xuyên gần dân để xây dựng thế trận toàn dân trên biển.

Năm qua, đồn đã tích cực tham gia chương trình xóa nhà dột nát, xây dựng 7 nhà đoàn kết cho những hộ dân nằm trong diện chính sách với trị giá hàng trăm ngày công.

Vỗ béo lợn chuẩn bị cho ngày Tết

Theo Trung tá Đãn, cuộc sống của người dân trên đảo chủ yếu dựa vào trồng lúa và đánh bắt hải sản. Nhưng do khí hậu khắc nghiệt, đồng chua mặn nên sản lượng không cao, đời sống của người dân không mấy dư dả. Mải mưu sinh, chuyện học hành của con cái chưa được các gia đình quan tâm đúng mức. Bởi thế, cán bộ chính quyền và các chiến sĩ đã tích cực mở các lớp học, vận động các gia đình đưa con em mình đến trường. Trên đảo đã có lớp học tiểu học và trung học cơ sở, còn học trung học phổ thông các em phải vào tận TP. Móng Cái nên rất ít em có điều kiện theo học.

Khi Trung tá Đãn dẫn chúng tôi xuống xã Vĩnh Trung, người dân ở đây ai cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe, công tác và không khí chuẩn bị đón Tết của các chiến sĩ. Chúng tôi dừng chân ở nhà ông Đoàn Văn Bình, một gia đình có hai liệt sĩ. Ông Bình tỏ ra vui lắm, liên tục vồn vã mời chúng tôi uống nước. Trong căn nhà của ông có tình cảm và hơi ấm của những chiến sĩ đồn Vạn Gia. Ông Bình xúc động: “Nhờ các chiến sĩ và chính quyền đã dựng nhà đoàn kết nên ông không còn sợ cái nóng, cái lạnh nữa”.

Vài người dân quanh nhà ông Bình hay tin bộ đội về cũng sang thăm hỏi, góp chuyện làm căn nhà nhỏ của ông Bình ngập trong niềm vui, tiếng cười. Những người dân nhắc nhiều tới chuyện các chiến sĩ ở đồn biên phòng về khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân, tận tình hướng dẫn người dân cách dùng thuốc trị bệnh và phòng ngừa bệnh tật; rồi vận động các gia đình cho con em đến trường để học cái chữ; những buổi tập huấn cứu nạn trên biển…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên