Được mùa ngô mà vẫn nghèo

Phát triển cây ngô đã đem lại giá trị kinh tế cao, thế nhưng nhiều hộ dân trồng ngô ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La sau nhiều năm gắn bó với cây ngô lại nghèo đi.

Với trên 132.000 ha diện tích, sản lượng ước đạt hơn 500.000 tấn ngô hạt, năm nay Sơn La sẽ tiếp tục là địa phương có diện tích, sản lượng ngô lớn nhất của cả nước.

Con đường từ ngã 3 Cò Nòi - trên quốc lộ 6 vào trung tâm xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn dài 7 km bây giờ đã đầy những ổ voi, ổ gà. Mỗi ngày có hàng trăm xe tải Zin 131 từ thời Liên Xô cũ, mà dân buôn ngô thường gọi là “con 3 chân”, cõng từ 15 đến 20 tấn ngô trên thùng cầy xéo đêm ngày.

Cùng với một số xã khác, như Chiềng Pằn, Chiềng Sung, Cò Nòi, xã Chiềng Lương là vựa ngô của vùng trọng điểm ngô Mai Sơn. Xã có hơn 1.500 hộ chủ yếu sống nhờ vào 1.300 héc ta ngô. Thời điểm này ở Chiềng Lương, nhà nhà, người người tất tưởi lên nương bẻ ngô.

Cái vòng luẩn quẩn

Trong ngôi nhà bạt mới dựng tạm ở góc nương chứa những bắp ngô vàng- đỏ tươi, hạt đều tăm tắp, ông Hà Văn San, ở bản Mờn cho biết: Với 2 héc ta đất trồng ngô, năm nay gia đình ông thu được khoảng 8 tấn ngô hạt. Với giá hơn 3.200 đồng một kg ngô hạt tươi lãi khoảng 12 triệu đồng. Số tiền này đủ đong gạo nuôi 5 miệng ăn trong một năm. Thế nhưng, gia đình ông San đang còn món nợ do vay nặng lãi để mua giống, phân bón đầu tư trồng ngô từ mấy năm trước chưa trả được. Cộng với số tiền vay để chữa bệnh cho con hồi đầu năm, đến nay số nợ đã lên đến 30 triệu đồng. Bởi vậy, dù năm nay ngô được mùa to, đủ ăn đến vụ sau, nhưng ông Hà Văn San bày tỏ lo lắng: “Gia đình tôi vay 10 triệu nhưng chưa trả được. Tháng 3 năm tới sẽ đến hạn phải trả. Tôi rất lo vì bây giờ chưa có số tiền ấy. Bán hết ngô cả vụ này cũng không chắc có thể đủ được. Gia đình đang có 2 con trâu. Nếu bán ngô không đủ trả nợ thì sẽ phải bán 1 con đi để trả nợ thôi”.

Trường hợp của vợ chồng chị Quàng Thị Kẻo và anh Hà Văn Sáng cùng ở bản Mờn còn khó khăn vất vả hơn. Lấy nhau được 20 năm và có thâm niên 10 năm trồng ngô, nhưng gia đình chị vẫn phải ở trong ngôi nhà tạm trống hơ, trống hoác. Tất cả là vì làm ngô không có vốn, phải ứng trước (mà người dân ở đây thường gọi là đi "cắm") không chỉ ngô giống, phân bón mà cả từ hạt muối, mớ rau của chủ buôn ngô ở thị tứ Cò Nòi. Hàng ứng được quy thành tiền, tính lãi suất 3% tháng, gấp 10 lần lãi suất ngân hàng chính sách xã hội cho hộ nghèo vay và gấp gần 3 lần lãi suất thông thường của các ngân hàng thương mại. Mỗi vụ thu hoạch ngô, gia đình chị thu đến đâu bán trả nợ đến đó là vừa hết. Mọi ăn uống sinh hoạt và đầu tư ngô vụ tới lại “cắm”. Cứ thế năm này qua năm khác gia đình chị trong vòng nợ nần lẩn quẩn, chẳng bao giờ dám nghĩ chuyện làm nhà.

Nghèo vẫn hoàn nghèo           

Chủ tịch xã Chiềng Lương Lường Văn Hoá cho biết: Cả xã Chiềng Lương có hơn một nửa số gia đình phải đi “cắm” trước phân bón, ngô giống theo kiểu vay nặng lãi, rồi đến vụ thu hoạch lại trả bằng ngô. Thế nên mặc dù sản lượng ngô ở xã ngày một tăng, nhưng đời sống của người trồng ngô không khá lên được. Lợi ích nghề trồng ngô đều vào tay đầu nậu thu mua vừa là chủ cho vay nặng lãi. Bởi thế mà là vùng trọng điểm ngô- cây thế mạnh, nhưng xã Chiềng Lương hiện còn tới gần 40% số hộ thuộc diện đói nghèo. Ông Lường Văn Hoá, chủ tịch UBND xã Chiềng Lương đưa ra phép tính rất đơn giản: “Làm ngô được mùa mà vẫn nghèo bởi vì những hộ phải đi “cắm” vốn thì cứ vay 10 triệu, khi thu hoạch xong vụ ngô lại thêm 3 triệu ở phần lãi 3% nữa, nên phải trả nợ hết 13 triệu. Việc đầu tư cho một ha ngô hết một nửa vốn, ví dụ phải chi đến 10 triệu nhưng thực tế chỉ đầu tư hết khoảng 5 triệu, cộng trả lãi suất cao nữa thành 7,5 triệu. Vì thế, thu được 10 triệu thì gia đình chỉ còn giữ lại được 2,5 triệu. Làm ngô vẫn nghèo là vì như thế”.

Dẫu sao xã Chiềng Lương huyện Mai Sơn vẫn còn gần quốc lộ 6, thuận lợi về giao thông, nhiều chủ đầu tư mua ngô cạnh tranh nhau cho dân “cắm” nên giá các loại vật tư, phân bón phục vụ cho sản xuất ngô chỉ cao hơn giá thị trường một chút. Còn tại các xã Mường Chùm, Tạ Bú, huyện Mường La; hay Bó Mười, Muổi Nọi huyện Thuận Châu xa đường giao thông, mỗi vùng ngô như một sân riêng của vài đầu nậu. Sản lượng ngô hàng năm của các xã này trung bình từ 1.200 đến 1.500 tấn, nhưng dân nghèo vẫn nghèo. Do giao thông khó khăn, người dân “cắm” phân bón, ngô giống của các chủ mua ngô phải chịu lãi suất cao hơn hẳn.

Chưa hết, giá các nhu yếu phẩm khi “cắm” cũng bị tính cao gấp rưỡi giá thực tế. Ví dụ, một kg ngô giống LVN-10 giá thị trường 50.000 đồng, bà con phải “cắm” 70.000 đến 75.000 đồng. Cắm nợ giá cao phải chịu lãi suất lớn, đến vụ thu hoạch ngô lại phải bán vội cho đầu nậu, bị chẹt giá, nên ngô được mùa mà người trồng không được lợi. Trong khi đó, người trồng ngô vùng sâu vùng xa ở Sơn La chưa bao giờ tiếp cận được với các nguồn vốn dành cho người nghèo vay với lãi suất thấp và gần đây là các nguồn vốn cho vay theo chương trình kích cầu của Chính phủ.

Đá quả bóng trách nhiệm?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La rất lạc quan. Hiện nay nước ta vẫn phải nhập ngô phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì thế đầu ra cho ngô Sơn La, vựa ngô lớn nhất cả nước luôn rộng mở, không có gì đáng lo ngại. Về giá bán thấp, ông cho rằng đa số nông dân thu hoạch ngô xong là bán ngay, nên không được giá. Còn chuyện người trồng ngô ở nhiều vùng vẫn nghèo ông Ngọc lại quy lỗi do chính họ: “Bản thân người nông dân một số rất lười lao động. Do thói quen, người ta cứ chờ và ỷ lại vào Nhà nước. Có nhiều mô hình tốt rồi nhưng họ vẫn không chịu nhân rộng ra mà cứ chờ Nhà nước hỗ trợ chút nào đó mới làm. Thế còn việc ngân hàng cho vay hay không đó là trách nhiệm của ngành ngân hàng”.

Tuy nhiên thực tế lại khác. Sản lượng ngô ở Sơn La hàng năm chiếm khoảng 80% sản lượng lương thực có hạt của tỉnh. Thế nhưng, toàn tỉnh chỉ có hơn 100 cơ sở là doanh nghiệp tư nhân đầu tư lò sấy và kho dự trữ. Các kho này chỉ dự trữ được vài chục ngàn tấn ngô nên phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Vì thế, tuy là vùng ngô lớn nhất cả nước, nhưng đầu ra cho ngô Sơn La rất bị động. Nhiều cơ sở thu mua ngô làm ăn theo kiểu bắt chẹt dân, cho người trồng ngô vùng sâu, vùng xa “cắm” vật tư phân bón giá cao, chịu lãi suất “cắt cổ”. Trong khi đó thì các cấp chính quyền ở các địa phương thờ ơ, nên các nguồn vốn cho vay hộ nghèo, vay vốn theo chương trình kích cầu của Chính phủ thời gian gần đây không đến được với dân.

Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời đã rõ. Việc triển khai không hiệu quả chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ sản xuất đã làm người trồng ngô ở vùng sâu vùng xa tỉnh Sơn La nghèo vẫn hoàn nghèo./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên