Đường vào lòng dân

Để bà con dân tộc thiểu số La Hủ ở Lai Châu không bỏ bản di cư, những người lính biên phòng phải đến với dân bằng một con đường riêng biệt, con đường ấy không thể vẽ trên bản đồ như vẫn vạch thành đường tuần tra.

Người La Hủ chỉ sống ở 5 xã của huyện Mường Tè gồm: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở và Nậm Khao. Một buổi sớm tiếng vó ngựa của bộ đội biên phòng dừng trước sân những ngôi nhà của đồng bào La Hủ ở bản Hà Xi - Hà Nê của xã Pa Ủ, sau đó chuyển về Ka Lăng, Bum Tở...

Dân bản thấy lạ, họ đứng kín mép đường “xì xồ” bằng tiếng của dân tộc mình. Trong tiềm thức của đồng bào La Hủ nơi đây, bộ đội biên phòng là những người được khoác súng, ngày đêm cưỡi ngựa cho con đường nhỏ thành con đường lớn, leo lên núi sờ vào cái cột mốc thô ráp cho nó bóng thành cột đá nhẵn.

Nhưng lần này lại khác, trên lưng ngựa chở cán bộ, tre gỗ, tấm lợp và cả thùng nhựa to kềnh càng. Sau này bà con mới biết bộ đội chở tre, gỗ về để giúp dân bản La Hủ dựng nhà, chở thùng nhựa để đựng nước sạch thay cho phải dùng nước chảy từ trong khe núi ra rồi đọng lại ở một cái hố nhỏ.

Những cánh cửa vừa đóng ở bản Hà Xi - Hà Nê hôm trước, hôm sau lại được mở ra. Và hôm sau nữa, cứ thế cũng mở hết ở 4 xã còn lại để đón bộ đội vào.

Vùng đất nghèo, khắc nghiệt

Ngày ấy vùng này chỉ gói gọn trong 2 từ “đói nghèo”. Vùng đất nghèo đến mức cả xã Pa Vệ Sủ duy nhất có cái quán bán vài gói mỳ tôm, thêm mấy cân muối mà chủ hàng còn không đủ ăn phải về xuôi, nghe đâu quê anh ta tận Thái Bình.

Bộ đội biên phòng không chỉ giúp dân làm kinh tế mà còn gieo cái chữ cho trẻ em La Hủ

Còn nhà ở của dân bản lợp bằng cỏ, nhỏ xíu, nhưng cả gia đình trú ngụ, ngước lên thấy lỗ hổng nhiều hơn là cây nóc và đòn tay. Đi cả ngày đường chưa chắc đã tìm thấy một người nói được tiếng phổ thông. Chuyện cô gái vừa chẵn tuổi 20 Lò Phù Mé đang học lớp 7 ngoài trường huyện bị “bắt” về làm chủ tịch xã chẳng có gì là lạ. Muốn đến các thôn bản phải vạch cây rừng.

Đêm đêm ánh sáng bàn đèn trùm lên căn nhà ọp ẹp, trẻ em không gạo ăn, người lớn chung nhau manh áo, cả chuyện thương tâm kể về người cha vào rừng đào củ mài, đàn con ở nhà chờ mãi, chờ mãi không thấy tin cha. Dải đất nắng gió, khô hanh, cằn cỗi khó tôi luyện con người có một ý chí sắt đá để chống chọi với sự khắc nghiệt của cuộc sống.

Chuyện Đại tá Đào Quang Mạnh, Bí thư Đảng uỷ - Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh và những người lính mang quân hàm xanh ở đây thật hay. Khi chân các anh không chạm đất nghĩa là đang ngồi trên lưng ngựa. Lúc không ngồi trên lưng ngựa nghĩa là chân họ đã đến cửa nhà đồng bào. Chưa bao giờ những con người ấy chịu ngồi không một chỗ. Các anh đi, đi để biết, biết rồi lại suy nghĩ tìm hướng đi mới. Cái hướng mới không phải nghĩa đơn thuần là phương ngang, dọc hay chiều dài, rộng mà nếu thực hiện thành công sẽ cứu vãn được một tộc người ra khỏi hủ tục lạc hậu và đói nghèo triền miên.

Đó là một tộc người mang nhiều đặc điểm khác lạ. Trước đây họ có các tên gọi như Xá Toong Lương, Kha Quy, Xá Pươi, Khú Sung... La Hủ là tên tự gọi và nay đã trở thành tộc danh chính. Đây là dân tộc có số dân rất ít đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đồng bào không quen làm ruộng nên gần đó nhiều mảnh ruộng nước bỏ hoang. Bà con thích trồng ngô trên nương rẫy, hái lượm và săn bắn. Công cụ chủ yếu là con dao, cái quốc và cả cái cù ngoèo (là một cành cây dài có chạc ở đầu)...

... Lương thực và thức ăn chủ yếu vẫn do hái lượm mà có gồm các loại cây thân bột như cây báng, cây móc. Cũng vì quá lạc hậu như thế nên một số hộ đồng bào La Hủ không biết tìm cách gì để sống, mặc dù nơi họ ở là ngút ngàn rừng xanh, núi thẳm. Không gạo, không tiền, không còn thứ gì để bán thì người La Hủ phải di cư - bỏ lại đằng sau mảnh đất cha ông mà lòng quặn thắt nỗi đau.

Nhiều người còn đến sát đường biên nhìn sang phía tun hút bên kia mơ một cuộc sống đầy đủ trong mông lung, ảo vọng mà chẳng biết đích xác điểm nào có thể dừng chân để chặt cây dựng lán. Mảnh đất khó, trời lại không thuận chưa chắc đã có ngô, lúa để ăn. Thế mà kẻ xấu bảo: “Cứ di cư đi, nơi đó khác bản mình, không làm cũng no”.

Vì mưu sinh cuộc sống và nhận thức lệch lạc nên một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số La Hủ vùng cao Lai Châu “chia nhau” ý định đi đến một nơi nào đó mà còn rừng, còn đất để dựng lán, vỡ hoang, trồng ngô. Bước chân còn ngập ngừng ở lưng chừng con dốc đầu bản thì tiếng vó ngựa của bộ đội biên phòng chợt làm họ giật mình. Ngoảnh lại, bà con thấy chẳng nơi nào bằng Tổ quốc ta...

Đường vào lòng dân

Để cho bà con không bỏ bản di cư đi nơi khác hoặc vượt sang bên kia biên giới, các anh phải đến với dân bằng một con đường riêng biệt, con đường ấy không thể vẽ trên bản đồ như vẫn vạch thành đường tuần tra. Hôm bộ đội cho ngựa chở tre, tấm lợp là để dựng nhà cho dân theo chương trình xoá đói, giảm nghèo. Vì trước đó, các anh đã tham mưu, chủ trì xây dựng và triển khai đề án “Bộ đội biên phòng giúp đỡ đồng bào La Hủ định canh, định cư phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Lúc đầu bà con không hiểu, thấy bộ đội biên phòng “phi ngựa” đến thì đóng cửa. Sau hiểu rồi lại truyền tai nhau mở sang cả xã khác. Mở không phải mong đến lượt mình được nhà mà để đón nhận nghĩa cử cao đẹp và một chính sách mới của Đảng, Nhà nước đã đến với bà con.

Trong thời gian ngắn, ở vùng Pa Ủ, trên 30 căn nhà của bộ đội biên phòng dựng lên vững chắc thay thế lán, lều ọp ẹp. Đại tá Đào Quang Mạnh nói với anh Phản Lu Lô, Bí thư Đảng uỷ xã Pa Ủ: “Đây chính là mái ấm cho người nghèo nơi biên giới. Đảng đã đi vào dân rồi, Chính phủ cũng ở trong dân. Bà con ta phải ở lại giữ làng, giữ bản nhé”.

Phản Lu Lô không nói mà chỉ thấy đồng bào La Hủ ở một số xã bên cạnh đã đến từ lúc nào. Họ cùng dựa vai vào nhau nhìn bộ đội biên phòng, nhìn những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới. Và hình như trong đôi mắt ngỡ ngàng ấy chứa đầy sự cảm động khi biết tin trước đó những người lính mang quân hàm xanh đã cử cán bộ tăng cường tại 21 xã biên giới đặc biệt khó khăn, xây tặng 108 nhà đại đoàn kết. Các anh còn phối hợp với tập đoàn VNPT làm 24 nhà tình nghĩa tặng người có công với cách mạng...

Trước đây Pa Ủ “không điện - đường - trường - trạm”. Câu nói ấy nhiều người còn chưa nghe hết, thì bộ đội lại giúp dân dựng 2 lớp mẫu giáo, 3 công trình dân sinh phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp. Phong trào quyên góp, ủng hộ chương trình “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ nuôi 30 cháu thuộc con em đồng bào La Hủ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Pa Ủ có 5 mốc biên giới, giờ không còn vết tay tỳ của dân bản đứng để tìm đường di cư nữa. Họ đã có nhà, có điện - đường - trường - trạm và có cả niềm tin vững chắc đồng hành nơi tận cùng của nghèo đói.

Rồi đây, Dào San nắng gió hay Ka Lăng ngút ngàn dọc tuyến biên giới cũng sẽ thế. Đành rằng nhà ở mãi sẽ cũ, nước đổ vào thùng nhựa to bao nhiêu cũng đầy nhưng có một con đường mà đi mãi không bao giờ mòn, đó là đường vào lòng dân.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên