Gà 9 cựa bên bờ tuyệt chủng

Với sự hiếu kỳ và hấp dẫn của món ăn từ gà 9 cựa, du khách khi đến thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn thường vào bản tìm mua gà quý mang về làm quà.

Trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà 9 cựa là một trong số lễ vật “hiếm có khó tìm” mà Vua Hùng thách cưới tại cuộc kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Đó sẽ mãi là “huyền thoại” nếu cách đây khoảng 10 năm, người ta không phát hiện ra giống gia cầm quý hiếm này ở các bản làng nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn Phú Thọ. Sự phát hiện ấy cũng đã và đang “dồn” những “chúa kim kê” đến bến bờ… tuyệt chủng.

Sẽ chỉ còn trong truyền thuyết?

Do được ví như là “vương quốc gà 9 cựa”, mà bản Cỏi của người Dao ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được nhiều người biết đến. Từ một khu dân cư heo hút nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nay bản Cỏi biến thành địa điểm được nhiều thương lái đến lùng mua các “chúa gà” đưa về miền xuôi...

Ngót chục năm về trước, gà chín cựa nơi đây vẫn còn đông đúc. Nhưng hiện nay, giống gia cầm quý này đang đứng trước sự tuyệt chủng. Tấm biển quảng cáo ngay giữa gian trưng bày đôi gà 9 cựa của anh Nguyễn Hữu Hoà, thôn Nỗ Lực, xã Thuỵ Vân (Việt Trì) tại lễ hội Đền Hùng năm 2010 đã ghi: “Đây là một trong số những cặp gà 9 cựa cuối cùng ở bản Cỏi mà tôi cố gắng đem về cho du khách chiêm ngưỡng. Đồng thời, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu giúp tỉnh Phú Thọ bảo tồn và nhân giống gà quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này”.

Anh Nguyễn Minh Hải - chủ trang trại chăn nuôi lợn lửng, thỏ, gà nhiều cựa tại khu 4, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì trăn trở: “Quả thật, tôi không thể hình dung nổi một ngày giống gà 9 cựa của mình sẽ chỉ còn trong truyền thuyết. Nhưng điều đó đang xảy ra. Chương trình hỗ trợ của tổ chức DANIDA (Đan Mạch) giúp mỗi hộ trong bản Cỏi 5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi và nhân giống gà 9 cựa tuy đã được thực thi mấy năm nay, nhưng chỉ thấy đông đúc “kim kê” có 5 đến 8 cựa ra đời. Còn các “chúa gà” 9 cựa mọi người vẫn mỏi mòn chờ đợi.

Thấy được nguy cơ “thất truyền” giống gà quý, lãnh đạo và một số ban, ngành của huyện Tân Sơn đã khoanh vùng để cấp 90 triệu đồng hỗ trợ cho 30 gia đình người Dao và người Mường ở xã Xuân Sơn làm chuồng trại với hy vọng, gà 9 cựa sẽ xuất hiện nhiều như thuở nào…”.

Người Dao bản Cỏi ôm gà nhiều cựa múa trong lễ cấp sắc

Với người Dao Tiền ở bản Cỏi, bao đời nay loài gà 9 cựa vẫn gắn chặt với đời sống tâm linh của họ. Trong ngày lập tịch (lễ cấp sắc, hay còn gọi là lễ công nhận sự trưởng thành đối với cánh con trai) thì mọi gia đình nơi đây dù giàu hay nghèo, nhất thiết phải chuẩn bị những con gà nhiều cựa cho cánh nam giới ôm múa theo vũ điệu trào trèo để tỏ lòng biết ơn tổ tiên…

Âm thanh... buồn giữa núi rừng

Bác Lý Phúc Lâm - một trong số “chuyên gia” nuôi gà 9 cựa sinh sản có tiếng ở bản Cỏi, hào hứng kể: “Người Dao chúng tôi không biết gà 9 cựa có từ bao giờ. Song, một điều có thể dễ dàng lý giải vì sao giống gia cầm quý này được coi là đặc sản sánh ngang với cá anh vũ ở ngã ba sông Bạch Hạc là vì thịt của chúng rất săn chắc và thơm ngon. Thời điểm gia đình tôi nuôi gà nhiều nhất là năm 1995, khoảng trên 80 con gà nhiều cựa trong đó có đến 40 con gà 9 cựa, số còn lại từ 6 đến 8 cựa”.

Bác Lâm trầm ngâm nói tiếp: “Sở dĩ người Dao tôn sùng và coi trọng gà 9 cựa bởi nó là con của thần rừng, thần núi. Gà từ rừng hoang chạy ra sống với người, đuôi dài và cong vút như ngọn cây tre trên đỉnh thác Kẹm. Những con gà chúa 9 cựa sống lâu năm thì mào đỏ thắm. Mỗi sớm mai thức dậy, gà chúa thường ngạo nghễ nhảy lên ngọn đồi cao đón nắng rồi cất tiếng gáy kiêu hùng và độc tôn... Cũng chính vì lý do đó mà gà 9 cựa trong bản đã bị nhiều lái buôn và không ít khách du lịch ráo riết săn lùng mua bằng được với giá cao “ngất trời” để đưa về xuôi làm “quà”. Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc bóng dáng các “chúa gà” sẽ biến mất khỏi cộng đồng người Dao chúng tôi. Bởi thế, bây giờ muốn tìm “chúa gà” 9 cựa phải đỏ mắt lắm mới thấy vì bà con trong bản đang “bí mật” giữ gìn cẩn thận như là thứ “bảo bối” của ông cha để lại”.

Anh Đặng Vĩnh Phúc, Trưởng bản Cỏi cho chúng tôi biết thêm về đặc điểm của các “chúa gà” 9 cựa: “Giống gà quý này lúc nhỏ cũng bình thường như loại gà khác. Nhưng khi được vài tháng tuổi, hai chân chúng mới mọc ra nhiều cựa, số ngón chân “dị thường” có đặc điểm không giống với 4 ngón chân ban đầu như độ dài, cong queo hơn và rất cứng. Nếu như con gà trống nào mọc đủ 9 cựa thì rất hung hăng, hiếu chiến, khó thuần hóa. Chỉ cần gặp những con gà “cùng giới”, nhất là gà giống lạ thì “chúa gà” 9 cựa “chiến” rất hăng. Do vậy, ngoài cái tên gà 9 cựa, chúng còn được dân bản chúng tôi đặt cho biệt danh là “vua gà”. Với sự hiếu kỳ và hấp dẫn của món ăn từ gà 9 cựa nên du khách khi đến thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn thường vào bản tìm mua gà quý mang về làm quà”.

Thiết nghĩ, trước nguy cơ mai một giống gà quý hiếm có trong truyền thuyết của dân tộc, đã đến lúc chúng ta cần đưa gà 9 cựa vào danh mục động vật cần được bảo tồn khẩn cấp để tránh các hoạt động buôn bán trái phép. Có lẽ, ngày giỗ tổ Hùng Vương mỗi năm sẽ thêm phần long trọng và thiêng liêng hơn khi hàng vạn du khách được tận mắt chiêm ngưỡng một con vật từ trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh bước ra giữa nhịp đời hối hả…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên