Gái công trường- những phận đời chìm nổi

Phụ nữ sinh ra ở đời vốn chịu nhiều thiệt thòi, người phụ nữ làm việc trên các công trường còn chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Trong nhiều thập kỷ qua, Tổng Công ty Sông Đà được Nhà nước tin tưởng giao cho xây dựng các công trình trọng điểm. Trên các công trình vĩ đại đó hàng nghìn, hàng vạn nam thanh, nữ tú từ các vùng quê được tuyển dụng đến, hăng say lao động. Nhiều người tìm được tình yêu từ nơi công trường gió bụi. Thuận buồm xuôi gió, nên vợ nên chồng cũng nhiều, nhưng cũng còn có những mảnh đời éo le mà thân gái công trường phải gánh chịu. 

Câu chuyện thứ nhất: Và con tim đã vui trở lại

Những năm 80 của thế kỷ trước, hàng vạn người đã đổ về làm việc tại đại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Đào Thị Yên, người con gái xứ Kinh Bắc đã có chồng cũng làm đơn tình nguyện đến công trường. Đi bộ đội năm 17 năm, có giọng hát trời cho, chị được tuyển dụng vào Đoàn văn công quân khu. Không yên lòng khi thấy con xinh đẹp bay nhảy, bố mẹ Yên đã ngầm ngầm nhận lời với ông chủ nhiệm hợp tác xã có cái nhà ngói to tướng ở đầu làng để làm thông gia. Mọi thủ tục hôn lễ được hai gia đình tiến hành chóng vánh. Hai ông thông gia cơm đùm cơm nắm lên đơn vị gặp lãnh đạo để xin bằng được cho Yên về gả chồng.

Sống với chồng được hơn một năm, không đói, không khát mà chị thấy buồn, thấy tủi. Người chồng bất đắc dĩ vốn là kẻ nát rượu, ham mê cờ bạc, ngày ngủ tối đi qua đêm. Chị đến công trường để giải thoát cuộc hôn nhân sắp đặt.

Nết na, chịu khó, sau một năm ở công trường chị được phân công làm tổ trưởng giao nhận xi măng. Rồi một ngày, chị đem lòng yêu anh Tô lái xe đường dài. Xưa có chồng mà không yêu, người phụ nữ ở độ tuổi “băm” bây giờ lại yêu đến cuồng nhiệt. Tấm lòng, tiền bạc tay hòm chìa khóa chị trao hết cho lái xe Tô. Đời chị đã đi qua một chuyến đò, lần này chị cẩn thận dò đường tìm về Nông Cống – Thanh Hóa, nơi chôn rau cắt rốn của Tô.

Từ Sông Đà qua hai ngày dài mới đến quê chàng, dừng ở quán nước bên đường hỏi thăm bà cụ bán hàng bún cua mới biết là Tô đã có vợ, có con. Vợ lái xe Tô đảm đang lắm, đang làm Chủ tịch hội phụ nữ xã. Đêm đó, nằm ở cái chõng tre của bà hàng bún chị không sao ngủ được. Biết làm sao bây giờ, cái thai trong bụng đã to…

Trở về công trường, chị đã tâm sự hết với Chủ tịch Công đoàn Bùi Văn Mô. Ở cái tuổi 50, trải qua nhiều công trường thấu hiểu và đã từng giải quyết nhiều vụ việc như thế, Chủ tịch Mô bàn với lãnh đạo đơn vị cho chị tạm về địa phương sinh nở.

Một năm sau, chị trở lại công trường với dáng vẻ “Gái một con” xinh đẹp, duyên dáng. Chị được điều động về công trường Yaly. Ngày ấy, công trường Yaly vắng bóng phụ nữ, chị Yên được coi như một bông hoa để các chàng trai tìm đến. Lựa chọn mãi, cuối cùng chị nhận lời với anh Phen – Đội trưởng đội trắc đạc. “Đứt gánh giữa đường” ở cái tuổi gần 40, anh Phen cũng đang cần tìm nửa phần đời còn lại. Ngày cưới của hai người, chủ tịch công đoàn Mô từ Sông Đà vào làm lễ cưới. Ông đem theo cả đứa con riêng của chị Yên. Điều vui nhất là anh Phen coi con chị như con chung, cho mang họ anh. Đứa trẻ đặt tên là Cống – kỷ niệm cái ngày chị về Thanh Hóa, và họ Trần của anh Phen – Trần Văn Cống vừa là kỷ niệm của quá khứ vừa là tương lai của đôi vợ chồng ấy. 

Câu chuyện thứ hai: Tình “chị em”

Sau những năm tháng phục vụ trong lực lượng thanh niên xung phong, rồi học và tốt nghiệp một trung cấp, chị Đàm Thị Liễu được nhận làm công tác thí nghiệm ở công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.

Nhan sắc không đến nỗi, phải cái tuổi đã cứng, lại làm nghề thí nghiệm khô khan, ít có điều kiện giao tiếp. Kỹ sư Chất mới ra trường kém chị 7 tuổi làm ở Xí nghiệp Bê tông. Thấy chị Liễu đứng đắn, hiền hậu nên hay gửi bản vẽ, kết quả thí nghiệm… Sau đó là gửi tiền lương, chìa khóa và những vật quý khác để chị giữ hộ. Sau vài lần lỡ bữa, kỹ sư Chất ăn ở lại nếm cơm dẻo canh ngọt chị nấu rồi góp gạo thổi cơm chung với “chị”.

Một lần, khu tập thể mất điện, chị Liễu loay hoay cả chiều để nấu bằng được bữa cơm cho “chú em”. Kỹ sư Chất ôm chầm lấy Liễu. Bấy lâu Liễu tin rằng người con trai đó đã đặt niềm tin vào chị, một tình yêu có thật. Có điều chuyện yêu đương của chị sẽ gặp không ít khó khăn. Ngày mai, những kẻ hay đàm tiếu sẽ gọi người bạn đời của chị là “Phi công trẻ”. Nhà chồng tương lai liệu có chấp nhận chị? Thế rồi, thật may mắn, bố chồng tương lai của chị- một ông giáo già, đã giải thích cho người trong họ rằng: tình yêu không phụ thuộc vào tuổi tác. Điều quan trọng cần cho người con trai là một người vợ biết lo toan gánh vác các công việc nhà chồng. Đám cưới của hai người tổ chức ở làng quê lúa Thái Bình. Chất đã có một tổ ấm lung linh hạnh phúc với hai đứa con kháu khỉnh và một người vợ biết lo toan vẹn toàn. 

Câu chuyện thứ ba: lạt mềm buộc chặt

Gái công trường, được yêu, được làm vợ đã không dễ. Nhưng để giữ được tổ ấm gia đình hạnh phúc với họ lại càng khó hơn. Phan Thị Hoài Hương là nhân viên Văn phòng ở một Công ty có địa điểm gần núi Đúng – Sông Đà. Da trắng, tóc dài, nhiều lắm các chàng trai với xe này, xe nọ đủ kiểu cứ lượn lờ quanh văn phòng nơi Hoài Hương làm việc. Nhưng chị đã nhận lời yêu Khu trưởng Toanh, chàng trai người dân tộc Tày quê ở Yên Bái. Chị bảo yêu Toanh vì anh là người hiền lành, chất phác. Đám cưới của họ được tổ chức tại công trường.

Từ ngày lấy vợ, Toanh như diều gặp gió, đường công danh thăng tiến vùn vụt. Phó Giám đốc rồi Giám đốc xí nghiệp. Cơ chế thị trường mở ra, kỹ sư Toanh được mời làm Giám đốc một Công ty lớn ở miền Nam. Ngày tiễn chồng đi nhận công việc mới, linh tính như mách báo có điều gì chẳng lành. Một năm, hai năm, số lần về thăm vợ, thăm con thưa dần. Chị Hoài Hương gửi hai con cho bà ngoại, lên đường vào Nam. Bao nhiêu năm làm vợ, bấy nhiêu năm làm tấm thảm, tấm chăn để đắp đầy yên ấm. Bây giờ làm sư tử đá, làm cái barie để chắn những kẻ dòm ngó muốn cướp chồng chị!. Nói thế thôi nhưng chị nghĩ muốn giữ được chồng phải “có chuyên môn”. Đó là tâm lý, lòng vị tha và chấp nhận sự thiệt thòi. Cuối cùng, nhờ nghị lực và tấm lòng của người con gái ấy, Giám đốc Toanh nhớ đường về ngôi nhà cũ. 

Phụ nữ là một nửa của thế giới. Nhân loại nhiều thập kỷ qua kêu gọi đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Trong đó có quyền được yêu, được làm vợ, làm mẹ. Phụ nữ sinh ra ở trên đời vốn chịu nhiều thiệt thòi, người phụ nữ ở các công trường còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Xin trân trọng và sẻ chia với các chị…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên