Đền bù, tái định cư ở Tân Lạc, Hòa Bình:

“Gắp” đất của dân “bỏ tay” cán bộ

Chuyện hy hữu này đã xảy ra tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan đi qua

Trong khi người dân có đất, có hoa màu bị gạt khỏi danh sách được bồi thường thì họ lại phát hiện ra gia đình cán bộ, dù không có đất nhưng vẫn lĩnh được tiền bồi thường. Cùng với chuyện “gắp” đất của dân “bỏ tay” cán bộ, chuyện đền bù, tái định cư đối với dự án quốc gia này ở huyện Tân Lạc còn có nhiều bất cập đến mức xã nào cũng có khiếu kiện.

Thấy vợ cán bộ đi lĩnh tiền, mới phát hiện ra…

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan đoạn qua xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được triển khai vào đầu tháng 4/2008. Sau quá trình thống kê, kiểm đếm và hoàn chỉnh hồ sơ, Hội đồng bồi thường tái định cư huyện Tân Lạc đã tiến hành giải ngân bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 27 hộ thuộc xã Ngọc Mỹ. Thấy các hộ hàng xóm ai cũng nhận được giấy báo lĩnh tiền bồi thường, trong khi mình cũng có đất và cây trồng tại khu vực đồi Kê từ năm 1991 - nơi dự án đường dây 500kV đi qua - mà không được đả động gì tới, ông Bùi Văn Sửn, ở xóm Cọi, xã Ngọc Mỹ mới hớt ha hớt hải chạy xe ngược xuôi đi dò hỏi nhưng vẫn mù mờ chẳng ai nói cho biết mình có được bồi thường hay không.

Hầu như làm giải phóng mặt bằng chỗ nào cũng phải có khúc mắc, khiếu kiện, cả về chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, cán bộ của Hội đồng làm công tác giải phóng mặt bằng chưa kỹ. Về khách quan, có những hộ dân cố tình khai khống tài sản nên có sự thắc mắc, khiếu kiện giữa các hộ…(Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc)

Bất ngờ vào lúc 16h chiều 11/9/2009, ông Sửn trông thấy bà Nguyễn Thị Sinh (vợ ông Bùi Văn Dưỡng, cán bộ địa chính xã Ngọc Mỹ) thủng thẳng đến nơi giải ngân nhận hơn 8 triệu đồng tiền bồi thường. Là người cùng xã, ông Sửn biết chắc chắn gia đình bà Sinh không có mảnh đất cắm dùi nào ở khu vực đường dây 500kV đi qua nên không thể được nhận tiền bồi thường.

Linh tính mách bảo ông Sửn có chuyện khuất tất đã xảy ra, khi nhớ ra bà Sinh là vợ cán bộ địa chính xã, ông liền cố công tìm hiểu. Phải mất hàng tháng “đấu tranh”, ông Sửn mới bóc mẽ được chân tướng vụ việc. Trong hồ sơ đền bù có ghi rõ diện tích đất và cây trồng trên đất của gia đình ông. Nhưng đáng lẽ là tên gia đình ông thì lại đứng tên gia đình bà Nguyễn Thị Sinh. Có nghĩa là gia đình cán bộ đã nẫng tay trên tiền bồi thường của gia đình ông.

“Tiền không thành vấn đề, nhưng đi cướp tiền của dân như thế là không được. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ người có mưu đồ tham ô, hại dân” - ông Sửn bức xúc nói. Theo ông Sửn, việc bồi thường đất và hoa màu trên đất này phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc đo đạc, rà soát… lên danh sách, rồi mới tiến hành giải ngân. Muốn nhận được tiền thì phải có xác nhận của thôn, địa chính xã. Vậy tại sao bà Sinh lại dễ dàng khai khống, lọt qua được từng ấy nấc kiểm soát, xác nhận nếu không có sự tiếp tay của những cán bộ có thẩm quyền? Trong khi đó, từ tháng 9/2009, gia đình ông đã có đơn kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dù xã, huyện đã tổ chức 2 lần họp dân. Tại 2 cuộc họp này, lãnh đạo xã, huyện đều yêu cầu ông Bùi Văn Dưỡng, cán bộ địa chính xã Ngọc Mỹ phải giải thích tại sao lại gạt ông Sửn ra khỏi danh sách bồi thường và đưa tên vợ mình vào, nhưng ông Dưỡng đã không trả lời được.

Ông Bùi Văn Sửn: "Tiền không thành vấn đề, nhưng đi cướp tiền của dân như thế là không được..."
Ngoài việc làm hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Sinh nhận số tiền bồi thường đất và cây trồng của gia đình ông Bùi Văn Sửn, theo phản ánh của dân, ông Dưỡng còn lập một hồ sơ khác mang tên ông Bùi Văn Tiến ở xóm Phung I để nhận số tiền bồi thường là 10.247.100 đồng trên diện tích đất và cây trồng mà gia đình bà Bùi Thị Chẳn (xóm Phung I) đã nhượng lại cho gia đình ông Đặng Xuân Khanh ở xóm La Văn Cầu.

Bên cạnh đó, 15 hộ dân khác trong xã cũng đã viết đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi các cấp, ngành của xã, của huyện và tỉnh, gồm các nội dung: Khiếu nại về đơn giá đền bù đất đai, cây cối hòa màu, về sự chênh lệch vô lý. Cùng một dự án, ở huyện Lạc Sơn là 3.000 đồng/m2, nhưng ở huyện Tân Lạc, cụ thể là xã Ngọc Mỹ, chỉ có 1.500 đồng/m2, chênh lệch 50%; Việc hành lang đường dây 500kV đi qua khu đất của hộ gia đình nhưng chưa được kiểm đếm bồi thường về đất và cây cối, hoa màu; Hội đồng bồi thường tái định cư huyện Tân Lạc tiến hành kiểm đếm diện tích đất và cây cối hoa màu chưa đúng với thực tế, còn thiếu so với hiện trạng.

Xã nào cũng có khiếu nại

Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Phó Trưởng ban Hội đồng bồi thường tái định cư huyện Tân Lạc cho hay: “Sau khi nắm được thông tin trên, Hội đồng bồi thường tái định cư đã thông báo cho các xã có đường dây điện 500kV chạy qua để rà soát, xem xét lại những thiếu sót, khiếm khuyết và những thắc mắc của dân kiến nghị. Hầu hết 9/9 xã có đường dây 500kV chạy qua đều có hiện tượng dân khiếu nại, thắc mắc, riêng xã Ngọc Mỹ số người khiếu nại nhiều hơn các xã khác (17/27 hộ - PV). Chúng tôi đang giao anh em đi rà soát, tổng hợp báo cáo chung cho huyện, nên chưa thể kết luận được”.

Lý giải về những khúc mắc, khiếu nại của dân, ông Bình thừa nhận “trong khâu tính toán có thiếu sót” và đây là chuyện bình thường khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án, công trình. “Hầu như làm giải phóng mặt bằng chỗ nào cũng phải có khúc mắc, khiếu kiện, cả về chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, cán bộ của Hội đồng làm công tác giải phóng mặt bằng chưa kỹ. Về khách quan, có những hộ dân cố tình khai khống tài sản nên có sự thắc mắc, khiếu kiện giữa các hộ…” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng đã thừa nhận việc vợ cán bộ khai khống, lĩnh tiền bồi thường cũng như những thiếu sót trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng ở xã Ngọc Mỹ là đúng sự thật. “Quan điểm xử lý vụ việc này của huyện cũng như Hội đồng bồi thường tái định cư là, đối tượng nào không có đất mà khai không thành có, cố tình làm sai thì phải nghiêm khắc xử lý” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, ông Vũ Văn Bình khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên