Ghập ghềnh tìm đường sáng cho con

4 lần trở dạ, thì có đến 3 lần bà Hiển chết đi sống lại bởi sinh ra những đứa con mù loà- di chứng của chất độc da cam/dioxin. Nuốt giọt đắng vào lòng, bà chắt chiu tháng ngày tìm lại ánh sáng cho con: Cả 3 đứa con tàn tật đều thi đỗ vào Đại học….

Đến đầu thôn Bắc Lãm, phường Phú Lương, Hà Đông, mặc dù có khá nhiều người biết gia đình ông bà Nguyễn Kim Khướng- Phùng Thị Hiển, nhưng tôi liên tục phải dừng lại để hỏi thăm. Đường đã nhiều ngõ ngách, lại hẹp đến nỗi mỗi khi hai xe tránh nhau thì một người phải tạt vào ngõ nào đấy để chờ. Nơi ở của gia đình bà Hiển cũng khá khiêm tốn, chỉ rộng chừng 14-15m2 nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Phía cao trên tường treo kín những Bằng khen, Huy chương của các cuộc thi dành cho người khuyết tật. Đó là phần thưởng của 3 đứa con khuyết tật của ông bà.

Hiện 2 trong số 3 người con khiếm thị của ông bà Khướng- Hiển đã tốt nghiệp Đại học, còn người con út đang học năm thứ 3 Học viện Âm nhạc Quốc gia. Những thành quả học tập của những người con khuyết tật hôm nay, đã phải đổi bằng không ít đắng cay, tủi cực của bố mẹ chúng.

Nuốt giọt đắng vào lòng

Năm 1971, khi mới 18 tuổi, cô thôn nữ Phùng Thị Hiển và anh trai làng Nguyễn Kim Khướng đã cùng “thề non, hẹn biển” sau này sẽ nên duyên chồng vợ. Trước ngày anh Khướng nhập ngũ, hai bên gia đình đã làm lễ ăn hỏi cho đôi trẻ. 7 năm sau, anh Khướng phục viên trở về, đám cưới của hai người được tổ chức trong niềm hân hoan của bà con hai họ.

Cuối năm 1978, hai vợ chồng trẻ Khướng-Hiển tràn ngập hạnh phúc đón đứa con trai đầu lòng Nguyễn Kim Ơn. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi Ơn được ba tháng, linh cảm người mẹ đã mách bảo bà Hiển, con trai của bà không bình thường như những đứa trẻ khác. Được 7 tháng, bé Ơn vẫn đặt đâu ngồi đấy, thờ ơ với mọi thứ đồ chơi. Khi ấy ông bà mới tá hoả đưa con đi khám và rụng rời khi nghe bác sĩ kết luận: Nguyễn Kim Ơn bị mù bẩm sinh. “Nghe tin dữ, tôi như khuỵ xuống. Lúc ấy tôi chỉ muốn không bao giờ mình tỉnh lại nữa. Nhưng tiếng khóc xé lòng của thằng bé đã kéo tôi trở lại với thực tại. Tôi tự nhủ phải sống để nuôi con”- Bà Hiển nghẹn ngào.

Nguyễn Kim Ơn (phải) trong ngày lễ tốt nghiệp

Hai vợ chồng bà bế con đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, nghe mách ở đâu có thể chữa được bệnh cho con là ông bà lại lặn lội tìm đến. Hàng tháng trời nằm ở bệnh viện tỉnh Hà Tây (cũ), rồi đến Viện Mắt Trung ương, ở đâu cũng nhận được câu trả lời là không chữa được. Mọi của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Bế đứa con tật nguyền trở về căn nhà trống hơ trống hoác, manh chiếu không có để nằm, ruột gan bà tan nát. Bà Hiển quyết định xin nghỉ dạy học ở trường tiểu học Phú Lương ra ngoài chạy chợ, mong có thêm thu nhập để nuôi con và trang trải nợ nần. Thấy vợ vất vả sớm tối, ông Khướng cũng xin thôi việc ở Nhà máy nước Hà Đông để về đỡ đần giúp vợ.

Năm 1980, bà có mang đứa con thứ hai trong niềm hy vọng. Nhưng ngày sinh cháu Nguyễn Thị Huyền cũng là ngày vợ chồng ông bà rơi vào tuyệt vọng, cháu bé lại cùng chung số phận với anh nó: không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Hai vợ chồng bà ôm nhau khóc. Rồi nghĩ đến cái chết. Nhưng nếu ông bà chết đi, những đứa bé vô tội sẽ sống ra sao. Vợ chồng bà lại động viên nhau để sống, để nuôi con.

Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Huyền và mẹ

Đưa tay lau những dòng nước mắt tuôn tràn trên gương mặt héo hắt, bà Hiển chua xót: “Lúc đó gia đình tôi khó khăn lắm, nhiều khi trong nhà không còn hạt gạo để nấu cho con bát cháo loãng. Hai đứa lại nay ốm mai đau, nhìn con mà tôi như đứt từng khúc ruột. Trong lúc túng quẫn, nhiều người không thông cảm, nói rằng nhà tôi ăn ở thất đức nên con cái phải gánh hậu quả”.

Lần thứ ba bà Hiển trở dạ, cả hai bên gia đình khấp khởi vừa lo, vừa mừng. Khi đứa bé vừa chào đời, việc đầu tiên của người mẹ là xem mắt mũi con mình thế nào. “Trời vẫn thương nên cho tôi một đứa con sáng mắt. Nó hoàn toàn bình thường. Vợ chồng tôi mừng khôn tả xiết. Chúng tôi bàn nhau sinh tiếp cháu nữa, may ra nó lành lặn để sau này chúng còn nương tựa vào nhau. Nhưng cuối cùng, may mắn cũng chỉ mỉm cười với chúng tôi một lần duy nhất. Cháu út cũng bị mù từ khi mới lọt lòng. Chúng tôi bàn với nhau không đẻ nữa, chịu khó làm ăn để nuôi các con”- Bà Hiển ngậm ngùi nhớ lại.

Tìm ánh sáng cho con

Nỗi đau âm ỉ của người mẹ có 3 con mù loà lại nhói buốt khi các con bắt đầu đến tuổi đi học. Bà Hiển chạy đôn đáo khắp nơi tìm trường, tìm lớp cho con nhưng chẳng nơi nào chịu nhận. Bà Hiển tâm sự: “Nghe nói ở đâu có nhận trẻ khuyết tật vào học là tôi đều đến để xin học cho các cháu. Các con tôi sinh ra đã không lành lặn, không được nhìn ánh sáng mặt trời thì chỉ có con đường học là ánh sáng cho cuộc đời các cháu sau này. Vợ chồng tôi bảo nhau, dù đói, dù nghèo đến mấy, cũng phải cố gắng để các con được học hành đến nơi, đến chốn”.

Mãi đến khi Ơn vào tuổi lên 9, lên 10, bà mới xin cho các con được vào học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Lúc ấy, nhiều người không hiểu, bảo bà sợ khó, sợ khổ, cho con vào trại trẻ mồ côi. Ơn và Huyền khi ấy còn bé, nghe nói thế nên nhất định không chịu đến trường. Phải gần nửa tháng trời giải thích, động viên, các con bà mới chịu nhập học. Hàng tháng, ông bà lại ra thăm và mang gạo vào trường để đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho các con. Thương bố mẹ, hai anh em Ơn, Huyền chăm chỉ học hành, luôn là học sinh giỏi.

Học hết cấp 2 ở trường Nguyễn Đình Chiểu, hai anh em chuyển sang học cấp 3 ở trường Nguyễn Văn Tố. Phải trọ học xa nhà, thiếu thốn đủ bề nhưng Ơn và Huyền không hề kêu ca, phàn nàn, chăm chỉ học hành để bố mẹ vui lòng. Ngay trong khi học PTTH, Ơn đã thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Còn Huyền một năm sau cũng thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nguyễn Kim Ơn (áo đen) sau một buổi biểu diễn
Bù đắp những bất hạnh của ông bà Khướng-Hiển, cả 4 đứa con của ông bà đều biết tự lập từ bé và rất thương bố mẹ. Giờ đây, Ơn và Huyền đã tốt nghiệp Đại học và có thể tự kiếm sống nuôi bản thân. Ơn đi diễn trong các chương trình dành cho người khuyết tật. Còn Huyền đang dạy ở Trung tâm Hội người mù Hà Đông. Cô út Nguyễn Kim Sen cũng không “thua kém” các anh chị, hiện nay đang học khoa đàn tranh, Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Người con lành lặn duy nhất của ông bà Khướng-Hiển đã lấy chồng và sinh được hai đứa con khoẻ mạnh, xinh xắn. Học hết cấp 2, thấy bố mẹ quá vất vả để lo cho các anh chị mù loà của mình, Xuân tự nguyện xin nghỉ học để phục giúp bố mẹ. Dù mới ngoài đôi mươi, nhưng suy nghĩ của Xuân như già trước tuổi: “Bố mẹ em vừa phải nuôi hai anh chị học đại học, vừa nuôi em Sen trọ học xa nhà đã là quá sức. Nhìn bố vất vả mưa nắng chạy xe ôm, mẹ nhặt nhạnh từng đồng trong các buổi chợ, em không muốn thêm gánh nặng cho bố mẹ. Em may mắn hơn các anh chị của mình, nên có học ít hơn một chút cũng không sao”.

Vẫn còn chồng chất nỗi lo

Đến năm 1986, khi đài, báo nói nhiều đến chất độc da cam/dioxin, ông Khướng mới đi khám và biết mình là nạn nhân của thứ chất độc chết người đó. “Năm 1972, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 29, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau đó tham gia giải phóng miền Nam. Lúc thanh niên trai tráng, có ai nghĩ mình nhiễm phải chất độc da cam. Nhiều lúc thấy ngột ngạt, khó thở thì cũng chỉ biết lấy khăn ướt dấp vào mặt. Ai ngờ con chúng tôi phải chịu hậu quả đau đớn đến như vậy”- Ông Khướng chua xót.

Bà Hiển đang chăm cháu ngoại

Giờ đây, khi đã có tuổi, ông Khướng liên tục bị chứng sốt rét hành hạ. Vừa dứt cơn sốt rét, lại đến đau dạ dày, cột sống…. do di chứng của chất độc da cam để lại. Nhưng ngày nắng cũng như mưa, ông đều có mặt ở bến xe Hà Đông để chạy xe ôm, bởi giờ đây, ông là trụ cột chính trong gia đình.

Vài năm lại đây, sức khoẻ bà Hiển giảm sút nhiều do hậu quả của những tháng ngày lăn lộn kiếm sống, bà bị chứng đau cột sống và đau đầu. Bà đã nghỉ chạy chợ và ở nhà làm việc lặt vặt và trông cháu ngoại. Nguồn sống của gia đình bà hiện nay chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp hơn 500.000 đồng/tháng của ông Khướng và 315.000 đồng/tháng cho mỗi đứa con mù loà. Còn nguồn thu từ việc chạy xe ôm thì không ổn định. Lúc ông khoẻ mạnh làm việc cả tháng, cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng.

Dù đã tốt nghiệp Đại học, nhưng Ơn vẫn chưa xin được việc làm. Mỗi khi nhắc đến tìm việc làm trong một cơ quan, đơn vị nào đó để ổn định, Ơn lại thở dài: “Em đã đi gõ cửa nhiều nơi, nhưng có nơi từ chối luôn, có nơi bảo phải chờ đợi. Đến nay, có nơi đã chờ cả 3 năm nhưng em chưa nhận được hồi âm. Em cũng buồn vì người khuyết tật đi xin việc còn khó khăn quá, kể cả khi đã có tấm bằng Đại học. Thu nhập của em khá bấp bênh, ai gọi đi diễn, đi xoa bóp thì có việc làm, còn không cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền. Em chỉ mong tìm được một công việc phù hợp với mình, để sau này không còn là gánh nặng cho bố mẹ em lúc tuổi già”.

Còn với ông Khướng, bà Hiển, tưởng chừng nỗi lo đã tạm nguôi ngoai vì các con đều đã vào Đại học, nhưng trái lại, nỗi lo ngày càng lớn hơn, khi ông bà tuổi ngày càng nhiều, sẽ đến lúc không làm được gì, không còn là nơi nương tựa của những đứa con tật nguyền.

Khi chia tay tôi, bà Hiển cứ ngập ngừng: “Liệu sau này các cơ quan có nhận người khuyết tật vào làm việc không hở cô?”. Tôi gật đầu để bà vui, nhưng trong lòng lại cảm thấy như người mắc lỗi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên