Gian nan Gia Vấn

Không đường, không điện, đời sống tinh thần người dân nghèo nàn. Cả thôn chỉ có 1-2 ti vi, còn chủ yếu là nghe radio. Thôn được cấp một tờ báo Bình Định, một tờ báo Nhân Dân, nhưng phải mấy ngày mới đem vào một lần…

Theo chính sách giãn dân đi kinh tế mới, năm 1975, mấy chục hộ dân ở thôn Hội Khánh (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã hồ hởi vào truông Gia Vấn sinh sống và làm ăn với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, 35 năm đã qua, những yêu cầu cần thiết cho cuộc sống như: điện, đường… vẫn là nỗi khao khát của người dân ở đây.

Chỉ cách UBND xã Mỹ Hòa 7km nhưng đường vào truông Gia Vấn gập gềnh với những ổ voi, ổ trâu, những tảng đá lớn đầy mặt đường, nhiều đoạn đường dốc dựng đứng, xe máy phải cài số 1 mới leo lên được. Người đi xe máy mà không vững tay lái dễ ngã, thậm chí lao xuống vực.

Thung lũng Gia Vấn ở cuối con đường cheo leo, vắt vẻo lưng chừng núi. Thấy có khách, người dân Gia Vấn kéo tới bắt chuyện. Ông Nguyễn Trợ, 83 tuổi, một trong những người dân thuộc 28 hộ đầu tiên đi kinh tế mới vào Gia Vấn, kể: “Ở quê cũ, ruộng đất ít, tôi đưa gia đình vào đây với hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi vì đất đai nhiều. Nhưng đến bây giờ, điện không, mà đường cũng chưa được làm… nên vẫn còn vất vả lắm”.

Ở Gia Vấn, đất đai rộng mênh mông, nhưng dân không khá lên được vì thiếu nước. Lúa mỗi năm 2 vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Một điều thật trớ trêu, khi họ đang sống giữa 2 công trình thủy lợi lớn là hồ Hội Sơn (Phù Cát) và hồ Đá Trải (Mỹ Hòa, Phù Mỹ) mà vẫn "khát nước", vì không có điện để đưa nước về. Chị Mai Thị Hồng, 40 tuổi, cho biết: “Gia đình tui có 8 người, làm 10 sào ruộng, trời thương thì đủ ăn. Bằng không thương, mỗi mùa gặt một sào không được một bao lúa”. Nhiều gia đình ở đây tích luỹ được vốn liếng là nhờ… bò, chứ không phải làm rẫy.

Năm 2001, thôn Gia Vấn được đầu tư một trạm phát điện bằng dầu diezel để phục vụ thắp sáng. Từ năm 2006, Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng tiền dầu/năm, còn trước đó, dân phải đóng góp dầu để thắp. Mỗi hộ chỉ được phép dùng 2 bóng đèn (6 tấc) và điện cũng chỉ có được 3 tiếng (từ 18-21 giờ) trong ngày. Không có điện thì không có nước, không có các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Hàng hóa, sản phẩm làm ra luôn bị bán với giá thấp vì tư thương trừ chi phí vận chuyển quá lớn.

Đó là vào mùa hè, còn mùa mưa, đường bị chia cắt, cả thôn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tất cả đều tự cung, tự cấp. Đến khi thông đường thì giá nông sản đã hạ.

Chuyện học hành của trẻ em ở Gia Vấn quá đỗi gian nan. Trước bức xúc của dân, khoảng hơn chục năm trước, ngành GD-ĐT đã xây dựng ở đây 2 phòng học. Hiện nay, còn 2 lớp ghép (lớp 4+5 có 14 học sinh (HS), lớp 2+3 có 10 HS). Năm ngoái, thôn có lớp mẫu giáo nhưng đến năm học này, do chỉ có 2 HS trong độ tuổi đi học nên không mở được lớp. Lớp 1 cũng chỉ có 2 em, nên phải ra ngoài xã trọ học. Trẻ mẫu giáo, lớp 1 và ngay cả HS cấp 2, ra ngoài xã học thì phải có người đưa đón, trong khi đó không phải gia đình nào cũng có thể bỏ chuyện làm ăn để lo học cho con. Vậy nên, hầu hết trẻ em ở Gia Vấn chỉ học hết lớp 5, lên bậc THCS thì rơi rụng dần. Anh Phan Thanh Sơn, Trưởng thôn, cho biết: “34 năm qua, số HS ở đây học hết cấp 3 chỉ được khoảng 10 em. Hiện có 1 em đang học cao đẳng, 1 học xong trung cấp đã đi làm; chưa HS nào bước được chân vào ngưỡng cửa đại học...”.

Có chút vốn liếng, một số người dân Gia Vấn đã tính đường cho tương lai bằng cách mua đất, mua nhà ngoài xã. Trước mắt là có chỗ cho con, cháu trọ học, sau là tính chuyện lâu dài cho thế hệ tương lai.

Không đường, không điện, đời sống tinh thần người dân nghèo nàn. Cả thôn chỉ có 1-2 ti vi, còn chủ yếu là nghe radio. Thôn được cấp một tờ báo Bình Định, một tờ báo Nhân Dân, nhưng phải mấy ngày mới đem vào một lần… Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Gia Vấn là nơi khó khăn nhất huyện, đường sá đi lại khó khăn nhưng huyện cũng chưa có vốn xây dựng. Hằng năm, huyện chỉ hỗ trợ được khoảng 50-60 triệu đồng dọn sạt lở sau mùa mưa để bà con đi lại. Mới đây, Dự án RE2, vay vốn Ngân hàng Thế giới, cũng đã ghi nhận về việc đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để kéo điện về Gia Vấn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên