Gieo chữ trên cao nguyên đá

Sự hy sinh cao cả để ngày ngày gieo từng con chữ, đem văn hóa đến với bà con huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lắk của thầy, cô giáo nơi đây là không thể kể hết, mặc dù khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.  

Ngược Quốc lộ 27, chúng tôi về thăm trường Tiểu học Yang Mao- huyện Krong Bong. Một ngôi trường nằm treo leo trên vùng núi đá phía cực Nam của tỉnh Đắk Lắk. Vượt qua hơn 100km đường núi mới vào tới nơi, lớp học cách trung tâm huyện chừng 40 cây số. Yang Mao là nơi ngụ cư chủ yếu của bà con dân tộc M’Nông, Ê Đê và một phần rất ít bà con người Kinh.

Hành trình

Đây là xã vùng 3 của huyện miền núi nghèo Krong Bong. Hiện nay, cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào tự cung, tự cấp. Khi thời tiết thuận lợi thì đã đành, lúc mưa lũ thì lâm vào cảnh khốn khó. Cô Nguyễn Thị Lài, Hiệu trưởng trường Mầm non Yang Mao cho biết: Ở đây các cháu thiếu thốn lắm, có những cháu mặc một bộ quần áo đến cả ba, bốn tháng cũng không thay, thương nhưng chẳng biết phải làm thế nào.

Những ngày đầu đến cắm bản, thiếu thốn đủ thứ. Nhà ở không có, các thầy cô phải vào buôn mượn kho chứa lương thực của bà con bỏ hoang đã lâu không sử dụng. Không có người ở, mùi hôi, mốc bốc lên nồng nặc. Sống trong đó lâu dần cũng thành quen, xa buôn, nước không có, các cô phải chia nhau mỗi người vào nhà dân xin một xô nước mỗi ngày để chia nhau dùng chung.

Đem chữ lên non

Nay buôn và trường cũng đã đổi mới lên nhiều nhờ có sự đóng góp của các cô. Ðời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả, cho nên việc kiếm kế sinh nhai đã khiến họ quanh năm bán mặt cho nương rẫy, bán lưng cho núi rừng, còn đâu tâm trí để mặn mà với chuyện cái tiếng, con chữ ở trường. Nhưng rồi, sự nhiệt tình, lòng kiên trì và quyết tâm của những cô giáo ở điểm trường Yang Mao đã được bù đắp. Trẻ em người M’ Nông và Ê Đê vẫn còn một số ít học sinh bỏ học, nhưng việc vận động của cô giáo đã dễ dàng hơn.

Theo chân thầy Y Sang Niê, Hiệu trưởng trường THCS Yang Mao đến trường. Ngôi trường được xây dựng khá khang trang nằm trên ngọn núi M’ Năng Dơng xa xôi nấp dưới những mảng mây mù mỗi buổi chiều xuống.

Trường THCS Yang Mao có 21 giáo viên, trong đó có 5 cô. Phần lớn giáo viên từ nơi khác lên cắm bản. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1983 quê gốc tại Nghệ An, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tây Nguyên năm 2006, rồi được cử về đây dạy chữ cho trẻ. Hơn 3 năm dạy ở đây, cô giáo Hà đã lập gia đình và thấy mình yêu những đứa trẻ nơi đây như con của mình. Trong lớp, hơn 40 gương mặt ngây thơ ngồi chăm chú nghe cô Hà giảng như cố gắng nuốt lấy từng con chữ.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung, quê ở Bình Lục, Hà Nam vào đây dạy học đã trên 7 năm. Sinh ra và lớn lên ở miền xuôi, tuổi trẻ và khát vọng đã khiến cô tạm quên những mối lo toan riêng để đem tri thức mình được trang bị phục vụ đồng bào. Gắn bó lâu ngày với trường Yang Mao, nay cô đã coi đây là quê hương thứ hai của mình. Học sinh nơi đây, việc dạy và học tiếng Việt đã là một kỳ tích đáng nể, thế nhưng cô giáo Dung lại liều mình để dạy tiếng Anh cho đồng bào.

Lần đầu tiên lên cắm bản, mọi việc đều xa lạ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà kể: “Lúc đầu đến lớp, mình không biết tiếng, học sinh cũng chưa rõ tiếng Kinh, mình giảng bài một lúc, thấy học sinh cứ ngơ ngác. Hôm sau lớp học vắng hoe. Lúc ấy mình chạy lên báo cáo với ban giám hiệu và ngồi khóc”. Thế rồi gắn bó với núi rừng lâu ngày thành quen, nhìn đám học trò đang khát chữ mà lòng cô thắt lại, cô quyết tâm ở lại với núi rừng, với những đứa trẻ khát chữ. Để động viên các em đúng độ tuổi đến lớp, phổ cập xóa mù chữ, các thầy giáo, cô giáo luôn thay nhau đi khắp các thôn buôn, làm công tác dân vận với phụ huynh, động viên các em tới lớp học. Cô giáo Trần Thị Quế Minh cho biết, ngày thứ nhất đến nhà vận động rồi đèo học sinh đi học, cứ tưởng rằng hôm sau tự các em đi. Khi đến lớp không có học trò, mình lại phải vào bản, hóa ra học sinh chờ cô giáo đến đón đi học.

Còn nhiều trăn trở

Hầu hết, các thầy cô giáo trường mầm non và trường trung học cơ sở Yang Mao tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Không ít thầy cô giáo lo cho tương lai của bản thân mình vì sợ… “ế” giữa núi rừng hoang vu. Nhưng mỗi khi nghĩ về các em học sinh người M’ Nông, Ê Đê, các thầy cô lại thấy thương. Bỏ trường, bỏ lớp đi rồi còn ai ở lại dạy chữ cho các em. Các em học sinh nơi đây đã trở thành những người thân trong gia đình, gánh nặng cuộc sống cứ đè nặng lên đôi vai các thầy cô giáo trẻ với đồng lương ba cọc, ba đồng. Nếu không có lòng yêu nghề và một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng bao la thì tôi tin chắc rằng, các thầy cô giáo nơi đây sẽ không dám hy sinh cả tuổi xuân ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Tuổi trẻ, khát vọng, niềm tin và tình yêu nghề đã chiến thắng sự run sợ trước khó khăn, gian nan, và vất vả ở các thầy cô giáo trẻ - những người quyết tâm gieo chữ vào tận trong những bản làng xa xôi nhất của vùng cao Tây Nguyên.

Rời trường khi tiếng chim chiều đã bắt đầu gọi bạn về tổ, lớp học vẫn vang lên những âm thanh thân thuộc. Tôi hiểu để có thể đem lại con chữ cho đồng bào nơi đây, các giáo viên không chỉ đơn thuần là những thầy cô giáo, mà họ còn là những chiến binh đi khai phá và gieo mầm con chữ, phải là những người cha, người mẹ thân thương để các em xóa được mặc cảm khi sự bất đồng về ngôn ngữ vẫn ngày ngày hiện hữu bên lớp học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên