Giữ gìn nhà làng - trái tim của làng

Nếu không biết cách làm, có khi chính chúng ta lại là người phá hoại đi tất cả những gì tốt đẹp của một miền đại ngàn hùng vĩ.

Trên cung đường Hồ Chí Minh vắt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam vẫn còn có những buôn làng người Cơ Tu, người Giẻ Triêng, M’nông, Xê Đăng... quần tụ như bao đời. Thế nhưng từ xa nhìn vào, có những nơi chỉ đìu hiu vài nóc nhà, mái gươl toang hoác, dấu hiệu về nếp sinh hoạt cộng đồng ở nhà làng truyền thống dần mờ nhạt trong ý thức cộng đồng…

Nhà Gươl làng A Sờ hiện nay

Nỗi buồn riêng chung

Gươl đối với mỗi người dân Cơ Tu như một thực thể của tâm linh. Ở đó, những đứa trẻ lớn lên được dạy về tính cố kết cộng đồng, tính cách sống gần với thiên nhiên và tôn kính thần linh, tổ tiên.

Làng Asờ vốn là Làng thanh niên lập nghiệp do Tỉnh đoàn làm chủ dự án, nhưng gươl của làng này giờ cũng thành quá vãng khi suốt 3 năm liền không có một hoạt động văn hóa cộng đồng nào diễn ra tại đây. Gươl không người ở, ngay cả bếp lửa cũng không ai buồn đốt lên vào mỗi dịp Tết.

Alăng Diên, Trưởng thôn A Bông cho biết: “Bão số 9 năm 2009 làm gươl bị tốc mái, đồng bào đã đi cắt lá về lợp lại và đó cũng là lần sửa duy nhất cho đến bây giờ. Đời sống khó khăn quá, bà con bỏ về A Vương, trong rừng Cut Chrun đó, làm rẫy và ở luôn làng cũ. Lâu ngày không có hơi người, gươl hư hết rồi. Đồng bào bỏ đi, ở đây giờ còn chủ yếu người Kinh thôi. Mà người Kinh thì thích làm nhà làng lợp tôn như dưới xuôi. Ngày xưa, ông cha mình dựng gươl phải cúng Giàng, rồi bảo trai làng vào ngủ, đốt lửa lên để giữ ấm. Có lửa, có hơi người thì mái gươl mới lâu hư!”. Một người bảo, muốn dựng lại gươl lắm nhưng người Kinh muốn lợp tôn, mà đồng bào thì ưng lợp lá. Thiếu sự đồng thuận trong dân nên khi UBND huyện Đông Giang hỗ trợ xã 10 triệu đồng để sửa chữa gươl, chính quyền thôn không ai dám nhận.

Hiếm hoi một ngôi nhà làng ở thôn Bhôông, xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam

Từ Asờ tiếp tục vượt Trường Sơn để đến với những bản làng khác. Nhà làng truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Quảng Nam là một chuỗi những câu chuyện với nhiều tình tiết thú vị. Sự tác động của xã hội khiến những ngôi nhà này rơi vào các “trào lưu” khác nhau. Những dôông (nhà làng của người Xê Đăng), triêng (nhà làng của đồng bào Giẻ Triêng) và gươl (của đồng bào Cơ Tu) đã có thời rơi vào chủ trương “kiên cố hóa”. Và hệ lụy chính là việc biến những không gian văn hóa của đồng bào trở thành những nhà làng “làm cảnh” mà thôi.

Thống kê của ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 280 nhà làng truyền thống. Trong đó, huyện Phước Sơn có 59 nhà làng, bình quân mỗi nhà làng huyện hỗ trợ 60 - 70 triệu đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các nhà làng tại Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My lợp tôn và cầu thang làm bằng bê tông chiếm khá nhiều.

Cách đây gần 3 năm, huyện Nam Giang đưa vào sử dụng nhà truyền thống các dân tộc Nam Giang mô phỏng theo kiến trúc và trang trí gươl của đồng bào Cơ Tu và “dôông” của đồng bào Giẻ Triêng. Đây là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Nhưng trớ trêu thay, nhà truyền thống lại làm bằng bê tông, mái nhà cũng được “kiên cố hóa” bằng bê tông. Đặc biệt, 2 chú sư tử đá nghiễm nhiên đặt trước bậc thang lên xuống. Không ai hiểu ý nghĩa của biểu tượng này như thế nào? Sau mỗi lần lễ hội, nhà truyền thống lại đóng cửa và bỏ không mà chẳng có ai chăm sóc, bảo dưỡng. Gần 3 tỷ đồng đổ vào một “không gian văn hóa” lai tạp để rồi thời gian đóng cửa nhiều hơn là thời gian hoạt động.

Chị Alăng Kim (tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) - người dẫn đường cho chúng tôi nói rằng: “Dân mình giờ ít sinh hoạt ở nhà làng mới lắm, họ thích vào nhà già làng hơn. Ở những bản xa thị trấn, đồng bào mới giữ được nhiều phong tục, trai chưa vợ mới ngủ ở gươl, còn ở chỗ mình thì hết rồi”. 

Hiện nay, đi tìm một nhà làng theo đúng mẫu truyền thống của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong là rất khó. Trong tổng số 41 nhà làng truyền thống của huyện Nam Trà My có đến 23 nhà hư hỏng nặng.

Ông Dương Trinh, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My cho biết, kiểu nhà dài ở Nam Trà My đã không còn do chủ trương tách hộ để được hỗ trợ hộ nghèo. Và mô hình nhà làng của dân tộc Ca Dong cũng không ai nhớ, chỉ còn mô hình của dân tộc Xê Đăng là rõ nét. Những nhà làng càng hiện đại thì càng vắng bóng người hơn. Đa số đồng bào khi được hỏi “tại sao không vào sinh hoạt ở nhà làng mới” đều nói, vì nhà làng mới không giống với nhà làng truyền thống.

Một nhà làng theo kiểu hiện đại ở Nam Giang

Kiến trúc nhà làng bị pha trộn khá nhiều. Nếu không giống của đồng bào Thái ở phía Bắc thì cũng hao hao nhà rông của đồng bào Tây Nguyên, mái tranh, lá bị thay bằng mái tôn, hoa văn và phù điêu trong nhà làng lại mang dáng dấp hiện đại. Những “nhà làng văn hóa” đã vô tình đánh mất tính chất tâm linh, tín ngưỡng đối với đồng bào.

Lỗ hổng chính sách

Tây Giang (huyện điểm xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh), chương trình này ảnh hưởng khá lớn đến việc bố trí, sắp xếp dân cư của huyện. Bởi, đã dời dân thì phải dời gươl, nhưng đồng bào yêu cầu gươl mới, trong khi trong chương trình nông thôn mới chỉ có quy hoạch bố trí đất chứ không có bố trí kinh phí để làm gươl. Một số thôn đã được huyện hỗ trợ kinh phí (5 triệu đồng) thì chưa có quỹ đất với sự bố trí vị trí phù hợp nên việc dựng gươl chưa thể tiến hành.

Ông Nguyễn Hai - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa (Sở VH-TT&DL Quảng Nam) cho rằng: Việc bố trí, sắp xếp dân cư ở những vùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã ảnh hưởng lớn đến bảo tồn và phát huy giá trị của nhà làng truyền thống. Chất liệu làm nhà làng truyền thống cũng đang ngày càng cạn kiệt. Tranh, lá ở các vùng núi cao hiếm dần, trong khi đó, mái tranh, lá sẽ nhanh hư hỏng nếu như không có người ở, không nhóm bếp thường xuyên.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, khi nhóm một bếp lửa, ngoài yếu tố tâm linh còn chứa yếu tố khoa học trong đó. Tàn than khi bám trên mái sẽ tạo nên độ dẻo dai và kéo dài tuổi thọ cho các mái tranh, lá. Tuy nhiên, tâm lý tạo sự bền vững cho các công trình văn hóa công cộng đã dẫn đến một số nơi lợp tôn hoặc bê tông hóa là điều khó tránh khỏi…

Việc đầu tư phục dựng và làm mới nhà làng ở một số địa phương như Phước Sơn, Nam - Bắc Trà My thiếu tính định hướng, bỏ quên những giá trị truyền thống, dẫn đến nhiều nhà làng tại đây đã thiếu vắng đi những nét truyền thống của bản làng.

Trưởng thôn Alăng Diên đang chia sẻ với phóng viên

Nỗi đau của những người quan tâm đến nhà làng truyền thống - bản sắc của đồng bào chính là phải chấp nhận xu thế tất yếu của xã hội đang tác động lên những mái gươl, dôông và triêng này. Vật tư để khai thác làm nhà làng ngày càng quá xa hoặc mất hẳn, dẫn đến một số nơi lợp tôn để tạo sự bền vững cho nhà làng là xu thế đã và đang diễn ra. Những người già, nghệ nhân có kinh nghiệm làm nhà làng ở các địa phương không còn, do vậy việc triển khai phục dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn… Và nếu có chương trình phục dựng thì phải chấp nhận việc bản sắc văn hóa của mỗi một bản làng đang bị lai tạp.

Những người tâm huyết với văn hóa các dân tộc ở Quảng Nam đều có chung một nỗi niềm. Vấn đề không phải là gìn giữ những ngôi nhà làng, tức văn hóa vật thể như thế nào, cái chính là không gian văn hóa xung quanh nhà làng - văn hóa phi vật thể - phải phát huy và giữ gìn ra sao mới là điều đáng bàn. Phải làm sao để người dân ở các bản làng giữ vững tính cố kết cộng đồng có từ nghìn đời. Từ tính cách đó, có thể quyết định đến việc một nhà làng truyền thống sẽ tồn tại như thế nào. Thêm vào đó, tính tộc họ của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi rất cao, phát huy tính tộc họ cũng là phương kế để nhà làng truyền thống không rơi vào tình trạng hoang vắng.

Già làng Bríu Pố (làng A Rớ, xã Lăng, huyện Tây Giang) nói rằng: Mỗi mặt nạ, bức tranh, phù điêu, thậm chí từng sợi lạt buộc ở nhà làng truyền thống đều gắn liền với những truyền thuyết. “Các già làng lớn tuổi đã chết gần hết. Sợ nhiều điều tốt đẹp trong nét sinh hoạt truyền thống của đồng bào Cơ Tu rồi sẽ bị lãng quên. Con cháu sau này nhìn vào đó mà cũng không biết giữ gìn nếp sống của cha ông nữa. Buồn lắm!”, già Pố đăm chiêu.

Một mô hình nhà truyền thống hiếm hoi còn lại ở Tây Giang

Giữ hồn cho đại ngàn

Già làng Bríu Brăm, thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang chia sẻ: “Ngày xưa, người Cơ Tu tập trung ở gươl, nhìn vào ngọn lửa đỏ bập bùng trên sàn và nuôi dưỡng những giấc mơ huyền thoại. Ngày hôm nay, để làm sống lại những giá trị tinh thần xưa cũ ấy, điều đầu tiên phải làm có lẽ là đưa họ trở về với chính huyền thoại của mình. Và huyền thoại đó cũng có lẽ chỉ xuất hiện ở những nơi bắt nhịp cho “trái tim” của làng”.

Một số già làng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cho rằng, việc thường xuyên tổ chức lễ hội và duy trì nhiều phong tục mang tính cộng đồng ở nhà làng là cách tốt nhất để kéo người dân về với nhà làng. Những lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đoàn kết của người Cơ Tu, cúng cầu mưa, cúng Giàng… là cầu nối để đưa người dân trở về với nhà làng truyền thống.

Việc lưu giữ những “bảo vật”, những giá trị nghệ thuật, văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể tại nhà làng truyền thống cũng là cách để người dân trân trọng và coi nhà làng là “nơi tự hào” của bản làng, tộc họ mình. Theo nhiều già làng, giá trị những nhà làng truyền thống có được duy trì và gìn giữ hay không có lẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ, lớp kế thừa của những nghệ nhân già.

“Thanh niên là người sẽ thay mình giữ gìn những phong tục tốt đẹp của bản. Sẽ có ý nghĩa hơn khi truyền cho thanh niên ý thức tộc họ, dạy họ cách đẽo, gọt những mặt nạ, phù điêu truyền thống và cách làm gươl… để khi mình chết đi, họ sẽ làm thay mình”, Già Zơrâm Đơ Hiêc (thôn A Dinh 3, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) nói.

Rời núi, chúng tôi vẫn còn ám ảnh câu nói của một già làng: “Những đứa trẻ Bhnoong mình lớn lên sẽ quên dần phong tục, truyền thống của người mình. Những tập tục sẽ mất dần thôi…”. Nếu không biết cách làm, có khi chính chúng ta lại là người phá hoại đi tất cả những gì tốt đẹp của một miền đại ngàn hùng vĩ ấy. Biết đâu!.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên