Giữ rừng mùa “gió chướng”
Gió chướng tràn đến đâu, không chỉ làm thời tiết khô hanh, cây cối héo rũ mà còn là “bạn đồng hành” của hoả hoạn vì đúng mùa làm nương, đốt rẫy. Vì thế, gió chướng (gió Lào) luôn là nỗi kinh hoàng của kiểm lâm Mộc Châu (Sơn La).
Chẳng phải bỗng dưng mà những cơn gió Lào, cách gọi dân dã đối với ngọn gió Tây từ phía nước Lào tràn qua, nay lại được người ta gán thêm một cái tên mới: gió chướng!
Kinh hoàng gió núi
Đặt chân lên đất Sơn La vào những ngày sau Tết Nguyên đán, đợt giá lạnh vừa rút hết, không khí tấp nập trên tuyến quốc lộ 6, những cánh rừng ban, cây cơm xôi bung hoa trắng xoá cùng với sắc xuân đang rạo rực trong những chợ đào chẳng làm dịu đi cảm giác khó chịu bởi những cơn gió Tây khô hanh đang ràn rạt thổi tới.
Trong ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói xi măng thấp lè tè bên bản Co Trạm, xã Lóng Luông (Mộc Châu, Sơn La), lão nông Vàng A Chư đang lúi húi lôi bó câu liêm, gậy buộc giẻ, dao dài... từ trong nhà ra ghếch chái nhà. “Hết Tết, hết rét rồi, cái gió Lào lại về, phải chuẩn bị chống cháy thôi. Gió Lào là bạn của hoả hoạn đấy, dễ cháy mà khó dập lửa lắm. Đi rừng gặp cháy gió Lào nguy hiểm như gặp phải con hổ đói tinh ranh...” - ông Chư cho hay.
Vùng thảo nguyên Mộc Châu - nơi có độ cao trung bình trên 1.050m so với mực nước biển ngay giữa những ngày đông cũng hừng hực oi nồng như lò bánh nướng. Thời tiết nóng bức tới 34 - 350C, không gian mù mù một màu khói bụi. Anh Hoàng Văn Tuấn, cán bộ kiểm lâm huyện Mộc Châu, gạt mồ hôi trán: “Gió mạnh thế này, nói dại, chỉ cần một tàn lửa vô tình rớt không đúng chỗ thì khốn! Kiểm lâm bọn tôi có nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng khó nhất vẫn là lo phòng chống cháy rừng (PCCR) mùa gió Lào”.
Chỉ vào những quán ăn hai bên quốc lộ 6, anh Tuấn cho biết thêm: “Chẳng phải tự nhiên mà họ phải bỏ ra hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để làm lớp cửa kính phía ngoài quán ăn kia đâu. Làm như vậy vừa tốn tiền, vừa hạn chế tâm lý thuận tiện của khách nhưng quả thật không có lớp kính ấy thì đến ngồi ăn cũng không yên với gió bụi”.
Chống cháy bằng... nhận thức!
Rời bàn máy tính với nét mặt nhẹ nhõm, anh Đào Mạnh Phong, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu thở phào: “Từ sáng đến giờ an toàn”. Theo anh Phong, vào những ngày gió Lào này, kể cả buổi tối nếu không có việc thật sự cần phải rời trụ sở thì anh hầu như chẳng dám rời bàn máy tính và điện thoại ở cơ quan để trực thông tin về cháy trên mạng và điện thoại. ảnh vệ tinh chỉ cung cấp được thông tin nghi vấn, có khi lao hộc tốc đến nơi lại chỉ là đám rác bà con đốt khi làm vệ sinh nhà cửa. Mệt, bực nhưng lại vui ngay vì không phải cháy rừng. Với gần 100.000ha rừng, Mộc Châu là một trong những “vựa” rừng của Sơn La, từng là nguồn cung cấp gỗ lớn nhất trong xây dựng thuỷ điện Hoà Bình 30 năm trước.
Thời gian gần đây, tuy trữ lượng gỗ đã giảm nhưng rừng Mộc Châu vẫn là “niềm tự hào” của đất núi Tây Bắc. Nơi đây lại án ngữ quốc lộ 6 và đường thuỷ trên sông Đà nối Sơn La với các tỉnh miền xuôi nên việc quản lý, bảo vệ rừng và tuần tra, kiểm soát lâm sản càng gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng với mức quản lý bình quân hơn 30.000ha rừng/kiểm lâm viên (vượt hơn 300% so với mức định biên của ngành) thì bài toán an toàn cho rừng Mộc Châu luôn là thách thức.
Anh Phong cho rằng, cái khó nhất là ở đây hầu hết bà con nông dân là người dân tộc thiểu số; trình độ dân trí và đời sống kinh tế thấp, sinh nhai chủ yếu dựa vào rừng, nương rẫy. Bởi thế, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCR rất khó khăn. Ngay khi bà con vi phạm, xử lý rồi cũng khó mà thu được tiền phạt vì dân rất nghèo. Nhiều năm gắn bó với nơi này, anh Phong nghĩ mãi và quyết định phải PCCR từ trong nhận thức và đối tượng trước hết là cán bộ, đảng viên các cấp... Nói thì dễ nhưng làm thì chẳng dễ chút nào. Các cán bộ kiểm lâm Mộc Châu phải vắt óc nghĩ cách tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định liên quan tới công tác PCCR, kiện toàn ban chỉ đạo PCCR các cấp; khoanh vùng các điểm nóng dễ xảy ra cháy; cấp trang thiết bị và tập huấn, hướng dẫn PCCR; ký hợp đồng với bộ đội, đoàn viên thanh niên, dân quân, biên phòng... tham gia PCCR.
Kiểm lâm Mộc Châu cũng có nhiều sáng kiến bảo vệ rừng: In sao nhiều băng đĩa, tài liệu tuyên truyền về PCCR để cấp phát cho các xã, bản, chủ rừng; đưa lên hệ thống truyền thông huyện, xã, bản phát liên tục. “Cứ hướng loa về khu dân cư mà phát, nói mãi người ta cũng phải nhập tâm và làm theo” - anh Phong chia sẻ. Với chính quyền cấp xã, nếu phát hiện, thu giữ được lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép thì sau khi đấu giá xong sẽ cho vào ngân sách xã sử dụng nên xã cũng vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn. Lâm tặc khi vào rừng, mỗi đợt chỉ cùng lắm hạ được vài chục cây gỗ nhưng chỉ một tàn lửa mà chúng nấu nướng để lại vô tình gặp lá cây khô thì chỉ còn nước “cầu giời cứu giúp”.
Nhiều giải pháp xã hội hoá công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng đã được chúng tôi vận dụng. Tuy gánh nặng trách nhiệm vẫn còn rất lớn; mỗi vụ việc liên quan đến rừng thì kiểm lâm vẫn là mũi nhọn chủ công nhưng ít nhất thì bây giờ, mỗi khi xảy ra cháy rừng, người ta cũng không còn chỉ đổ lỗi cho ngành kiểm lâm mà mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người, nhất là các chủ rừng phải đều thấy trách nhiệm của mình trong đó”.
Rời Hạt kiểm lâm Mộc Châu vào đầu buổi chiều, những ngọn gió chướng mặc sức tung hoành khi cái nóng trong ngày đang lên tới đỉnh điểm. Biển báo nguy hiểm cháy rừng trước cửa hạt kiểm lâm huyện đang chỉ cấp độ 4. Lại chợt nhớ lời tâm sự của lão nông Hà Văn Ton ở xã Vân Hồ, Mai Châu: “Bây giờ mới thấy cán bộ kiểm lâm nói đúng. Rừng đã giao cho dân, cho bản, phải tự giữ lấy thôi. Nếu cháy rừng thì dân mình là người thiệt hại trước mà”!./.