Hai con người, một niềm tin

Bà Hương, ông Bao âm thầm đi thu gom những sinh linh bị từ chối, đặt tên và chôn cất chúng cẩn thận. Với họ, đơn giản đấy là vì tình thương.

Nơi khai tử những sinh linh bé nhỏ

Tôi thực sự “choáng” khi nghe ông Vũ Văn Bao – một nhân vật trong phóng sự nói rằng: “Trung bình mỗi ngày ông phải chôn cất 3 – 4 thai nhi, còn ngày nhiều thì phải đến 9 – 10 cái”. Chẳng lẽ chỉ ở một xã ven biển như Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng – Nam Định), có nhiều người nạo phá thai đến như vậy?

Ở thị trấn Đông Bình, nhiều người biết đến bà H không chỉ giỏi đỡ đẻ mà còn rất tài trong nghề … phá thai. Bà H đã ngoài 60 tuổi, trước đây vốn là bác sĩ khoa Sản của một bệnh viện huyện, nghỉ hưu, với kinh nghiệm công việc sẵn có, bà mở một trung tâm riêng. Cách làm việc của bà H cũng khá đặc biệt, bà không dùng những dụng cụ hiện đại mà chủ yếu làm thủ công, nhưng bí mật và nhất là giá thành chỉ bằng một nửa so với các bệnh viện đúng tuyến. Không chỉ giới chị em trong xã mà cả những vùng xa như ở thị trấn Liễu Đề, có khi tận thành phố Nam Định cũng lặn lội về đây. Khách của bà mỗi người một hoàn cảnh, có người do tình yêu lỡ dở, có người do cuộc sống đẩy đưa, cũng có người do muốn kế hoạch hóa gia đình.

Gần như ngày nào là bà cũng có khách, họ cứ lặng lẽ đến, lặng lẽ đi và bỏ lại những thai nhi không được quyền sống để làm người. Với những thai nhi chừng 6 – 7 tháng tuổi, khi làm xong, nếu cẩn thận bà H nhờ người chôn cất, còn những thai nhi mới chỉ 1 – 2 tháng tuổi, đa số được cho vào trong túi bóng màu đen, cứ thế mà vứt thẳng ra sông. Những sinh linh ấy, may mắn thì theo dòng nước trôi ra biển, còn không ở lại cũng làm thức ăn cho lũ chó mèo. Đã có giai đoạn, cống tiêu nước Quần Vinh là nơi ô nhiễm nặng, một phần cũng là do rác thải từ trung tâm nạo phá thai này.

Mỗi thai nhi, một con người

Việc ô nhiễm của cống tiêu nước rồi đến chuyện những thai nhi bị thả sông, cho vào thùng rác đã là câu chuyện của thời gian cách đây 3 năm vì ở thôn Quần Vinh (xã Nghĩa Thắng) giờ đây xuất hiện hai con người. Họ gom nhặt những sinh linh bé bỏng ấy, làm lễ rửa tội, đặt tên và an táng cho chúng một cách cẩn thận. Trong tâm họ chỉ nghĩ rằng, dù không có may mắn được sống thì mỗi thai nhi vẫn phải được xem là một con người.

Từ khi làm công việc nhặt thai nhi, bà Nguyễn Thị Hương có rất ít thời gian nghỉ ngơi

Tôi ấn tượng ngay lần đầu tiên gặp bà Nguyễn Thị Hương, một trong hai con người đi làm công việc kỳ lạ nói trên. Đấy là một người phụ nữ đã 72 tuổi, mái tóc bạc như cước, làn da ngăm đen, cùng đôi mắt sâu, ngập tràn tình thương. Giọng bà không được khỏe lắm, nhưng dáng người vẫn còn rất cứng cỏi. Bà thở dài: “Dạo này tôi cũng đau ốm luôn, chỉ mong các cháu phù hộ cho tôi có sức khỏe để tiếp tục làm những việc nhân đức”. Trước đây, công việc chủ yếu của bà Hương là bán rau ở chợ thị trấn.

Bà Hương vẫn còn nhớ rất rõ một buổi sáng sớm tháng 3/ 2006, hôm ấy như thường lệ, bà đi chợ bán rau, bỗng nhìn thấy một bọc nilông to vứt chỏng trơ ở bãi rác đang cựa quậy. Tò mò, bà nhặt lên và không khỏi bàng hoàng. Đấy là một thai nhi đã có hình hài, đang thoi thóp thở, thân thể của thai nhi kiến bu đầy, nhưng mắt thì vẫn mở nhìn chằm chằm. Bà đem nó về nhà, lau rửa sạch sẽ, xin sữa cho đứa bé ăn. Nhưng cũng chỉ được lúc sau, đứa bé tắt thở, con mắt ấy vẫn cứ trợn ngược nhìn bà vừa thiết tha, vừa căm phẫn. Ánh mắt ấy, theo bà qua bao đêm, nó ảm ánh bà trong giấc ngủ. Không phải vì nỗi sợ hãi mà là niềm thương xót. Tại sao những thai nhi bé bỏng, chúng không có tội gì mà người ta lại vứt bỏ nó một cách tội nghiệp đến như vậy.

Từ lòng thương cảm, đã thôi thúc bà quyết tâm làm một công việc, đó là đi góp nhặt những thai nhi bị bỏ rơi và không nơi nào nhiều bằng cơ sở nạo hút thai của bà H. Bà Hương đứng phía sau bức rèm, khi một thai nhi được lấy ra, bà nhanh chóng dùng hai bàn tay hứng lấy, làm lễ rửa tội cho chúng. Theo tín ngưỡng của người công giáo, những thai nhi dù sống hay chết, khi được rửa tội đã là thành viên của họ và như vậy chúng đã được công nhận là người. Công việc mới này khiến bà mất rất nhiều thời gian, không chỉ ban ngày mà có những hôm tờ mờ sáng, một mình với chiếc xe đạp cà tàng chạy đến trung tâm. Không quản thời tiết nắng mưa hay rét mướt, với bà chỉ cần đến kịp một ca nạo hút thai là cái tâm bà đã cảm thấy bình an lắm rồi. “Cũng lạ, từ khi làm công việc này, đi đêm về khuya nhưng tôi vẫn chưa gặp bất cứ rủi ro nào. Có lẽ tôi được các cháu phù hộ”, bà Hương tâm sự.

Công việc chính của bà là rửa tội, và đưa những thai nhi đến treo vào cây nhãn của người đồng nghiệp già Vũ Văn Bao. Nhiệm vụ của ông Bao là đem những thai nhi ấy đi chôn cất thật cẩn thận.

Cây nhãn, nơi bà Hương thường treo các thai nhi để ông Bao lấy vào chôn cất

Người cứu rỗi linh hồn những thai nhi

Có thể gọi ông Vũ Văn Bao là người thích làm những nghề đặc biệt. Từ khi mới hơn 30 tuổi ông đã làm một cái nghề mà không ai dám nhận là đi khâm liệm và bốc mộ. Ông tâm sự: “Có người hỏi tôi, còn trẻ sao ông lại làm cái nghề chẳng giống ai thế, việc ấy chỉ dành cho những người già và những kẻ hay rượu làm thôi”. Ông không phải là kẻ hay rượu, nhưng ông vẫn làm vì nghĩ rằng, chỉ có những người tỉnh táo, trẻ trung mới có thể làm cẩn thận và chu đáo. Khâm liệm người chết đã được xem là cái nghề ghê lắm rồi, giờ lại đi chôn những thai nhi vất vưởng, mọi người càng sợ ông hơn.

Biết vậy, nên ông làm cũng rất kín đáo. Đêm đêm, khi thôn xóm đã đi vào giấc ngủ, ông lại ôm đống thai nhi ra cái nhà kho bỏ hoang trong làng, cho vào tiểu và trát xi măng lại kín mít, sạch sẽ. Mỗi cái tiểu như vậy, ông đựng được vài chục thai nhi nhỏ, còn thai nhi lớn, ông để trong tiểu lớn. Chưa có chỗ chôn cất, ông để tạm trong nhà kho. Rồi công việc lén lút của ông cũng “lòi ra”, chuyện ông Bao “râu bạc” hằng đêm lọ mọ ra nhà kho chăm sóc những thai nhi cũng đến tai mọi người. Người dân trong thôn sợ hãi, xua đuổi, ra mé làng cất giấu người ta cũng tìm thấy. Bí quá ông đem về nhà. Từ con, từ vợ ông trong nhà phản đối kịch liệt, ai lại đem cái của “nợ đời” ấy vào nhà bao giờ. Nhưng dần dần, cái sự phản đối ấy cũng nguôi ngoai vì mọi người đều nghĩ, đấy là một công việc nên làm, nhất là khi con cái trong nhà thấy cha luôn nghĩ tới công việc thiện. Khi gia đình đã bình an thì hàng xóm lại dần xa lánh, khách đến chơi nhà cũng thưa vắng dần vì họ sợ trong nhà ông nhiều âm khí, ra đường thấy ông họ thụt ngay vào ngõ. Họ không cho trẻ em lại gần ông vì sợ chúng bị sài, bị ghẻ.

Hai lăng mộ chưa hoàn thành nhưng đã xếp được 5 lớp tiểu thai nhi


Mặc cho thiên hạ xa lánh, xì xào ông vẫn làm cái việc mà theo ông phải làm. Ông làm hết sức cẩn thận, mỗi thai nhi nhặt được ông ghi ngày sinh, ngày mất rõ ràng. Những thai nhi lớn thì ông đặt tên cho chúng một cái tên theo họ của mình như Vũ Tam Hải, Vũ Tứ Hải….  Ông bảo: "Mấy năm rồi tôi mới đặt tên được cho 9 cháu có tháng tuổi từ 7 trở lên, biết đâu một ngày nào đó bố mẹ chúng đến nhận con cho chúng đỡ hờn đỡ tủi”.

Ba năm miệt mài với công việc chẳng giống ai, rồi mọi người cũng dần hiểu, các sơ, cha xứ và người dân trong thôn đóng góp tiền cho ông mua tiểu, xây cho ông hai cái lăng mộ để chôn cất những hài nhi. Hai cái lăng đang xây dở nhưng cũng đã bỏ được năm lớp tiểu. Ông giở sổ nhẩm tính, gần 3 năm nay cũng đã chôn cất được hơn 2400 thai nhi. Nhìn những con số cứ ngày một lớn lên ông không khỏi giật mình: “Khi chưa làm thì không biết, làm rồi mới thấy sao thiên hạ lắm người nhẫn tâm đến thế”. Thiên hạ nhẫn tâm, nhưng ông không phải là người vô tâm. Thỉnh thoảng trong đêm, ông vẫn ngồi tâm sự với những thai nhi được ông khâm liệm một cách cẩn thận trong tiểu. Ông bảo: “Nhiều lúc cũng nên nói chuyện cho các cháu đỡ cô quả, vì trên đời vẫn còn nhiều người quan tâm đến chúng”.

Để các thai nhi ở trong nhà đã trở thành thói quen khó bỏ của ông Bao


Đến giờ, mọi người đã nhìn ông với ánh mắt thiện cảm hơn, họ khâm phục những việc ông, bà đang làm. Họ gọi ông Bao, bà Hương là “cha mẹ của những thai nhi bị bỏ rơi”, nhưng còn để gần gũi, có lẽ cần phải có thêm một thời gian dài./
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên