Hai số phận thương tâm

Khi mới chào đời, hai đứa trẻ ấy vốn đẹp đẽ như hài đồng. Bỗng vào một ngày u ám, cơn bạo bệnh ập tới, khoác lên mình chúng một hình hài đau khổ

Nếu ai nghĩ ông trời bất công với mình, hãy đến gặp chúng để thấy mình đã vô cùng may mắn. Nếu ai nghĩ mình đang tột cùng đau khổ, hãy đến gặp chúng sẽ thấy đời mình vợi bớt khổ đau. Còn nếu ai nghĩ mình đang ở hố sâu bất hạnh, hãy đến gặp chúng để biết đời mình còn phơi phới tương lai.

Hai đứa trẻ ấy đã phải khoác trên mình kiếp phận bi thương đến cùng cực. Căn bệnh nan y quái ác đã phủ lên chúng một hình hài dị hợm. Xót xa thay, chúng lạc loài ngay trong chính cái xác thân tội nghiệp của chính mình.

Căn bệnh nan y quái ác đã phủ lên An - Khánh một hình hài đau khổ

Kiếp phận bị “quỷ ám”

Khi mới chào đời, hai đứa trẻ ấy vốn đẹp đẽ như hài đồng. Bỗng vào một ngày u ám, cơn bạo bệnh ập tới vò xé, khoác lên mình chúng một hình hài đau khổ. Dân trong làng, người cảm thông thì ngậm ngùi chia sẻ, kẻ ác khẩu nói chúng bị “quỷ ám”. Thảm thương hơn, những lời đồn thổi ác tâm đầy màu sắc ma quỷ cũng rủ nhau ập tới khiến cha mẹ chúng phải nhẫn tâm chối bỏ, dứt lòng gửi chúng cho xã hội.

“Chúa trời đã dang tay cứu vớt hai sinh linh bé nhỏ ấy và đưa chúng trở lại với đời” - những bệnh nhân phong ở đó đã nói về sự hồi sinh của hai đứa trẻ như vậy. Quả đúng thế, chỉ có “tấm lòng vàng” của các thầy thuốc nơi đây mới có thể giúp hai đứa trẻ đó tồn tại trên cõi đời này.

Bác sĩ Bùi Huy Thiện, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Văn Môn (huyện Vũ Thư, Thái Bình) kể lại: Nguyễn Văn Khánh - Nguyễn Thị An (tên hai đứa trẻ ấy) hơn 2 năm trước khoảng chừng 9, 10 tuổi, chúng được hai sơ dòng Đa Minh (Thái Bình) đưa về đây từ một tỉnh miền núi xa xôi. Bác sĩ Thiện bảo, khi nhận hai đứa trẻ này, chúng đã rất yếu cả ngày chỉ nhè nhẹ đưa ánh mắt vô hồn ngơ ngác dõi theo cảnh vật xung quanh.

Bệnh viện Phong và Da liễu Văn Môn là nơi điều trị, sinh sống của rất nhiều thế hệ người mắc bệnh phong ở khắp các tỉnh phía Bắc. Bởi thế, những thầy thuốc ở bệnh viện này, trong con mắt bao dung, họ đã quá đỗi thân quen với những hình hài xấu xí do căn bệnh nan y quái đản này gây nên. Thế nhưng, khi An và Khánh xuất hiện thì ai cũng thảng thốt hãi hùng. Hai đứa giống nhau như tạc. Khi mới về, toàn thân chúng lở loét đến bung cả máu tươi. Mặt biến dạng hệt như người bị tạt a xít. Vài cọng tóc phải nhọc nhằn lắm mới nhú lên từ lớp sừng sần sùi thô nhám trên đầu. Đáng thương hơn, khi ấy, mắt trái của Khánh đã bị hỏng, mỗi lúc một lồi ra, không còn thấy gì nữa.

An và Khánh không rời nhau nửa bước

Sau này, khi được điều trị, được sống trong sự đùm bọc thương yêu của các thầy thuốc ở bệnh viện, đặc biệt là sự chăm sóc của các sơ trong giáo xứ Trà Vi (thuộc xã Vũ Công, huyện Vũ Thư) cùng sự sẻ chia của những người mắc bệnh phong sinh sống trong bệnh viện, An và Khánh đã như cây úa gặp dòng nước mát. Chúng hồi sinh từng ngày, ký ức của chúng cũng mờ tỏ hiện về qua những lời kể ngấp ngứ. Từ những lời kể ấy, chắp nối thêm những thông tin thu thập được, bệnh viện đã có được “bản lý lịch” của hai đứa trẻ này.

Theo đó, hai đứa trẻ quê ở Thái Nguyên. Khi cất tiếng khóc chào đời, An - Khánh đã từng là điểm tựa hạnh phúc cho cả gia đình bởi chúng là cặp song sinh bụ bẫm, hồng hào, tràn trề sinh khí. Thế nhưng, chúng như vướng vào cuộc chơi cay nghiệt của số phận, bạo bệnh ập đến với cả hai đứa trẻ vốn đẹp như hài đồng ấy. Khắp người Khánh và An bỗng dưng mọc vảy. Những lớp vảy như sự rạn nứt chân chim ở người già mỗi ngày một cứng. Khi lớp này rụng thì lớp khác lại mọc lên. Chỉ một thời gian ngắn, từ hai đứa trẻ bụ bẫm, An và Khánh bỗng chốc hoá thành hai người già nua, xấu xí. Hãi hùng nhất là đôi mắt. Đôi mắt thuở trước trong như ngọc, giờ bỗng đỏ ngầu, khiến ai nhìn cũng rùng mình khiếp sợ.

Ngôi nhà nhỏ bé của Khánh, An cũng từ đó tràn ngập nỗi buồn cùng sự sợ hãi. Những lời đồn thổi đầy màu sắc dị đoan của dân làng về căn bệnh kỳ lạ của hai đứa con mình khiến trái tim người cha vốn cứng rắn đã vỡ thành trăm mảnh. Dứt ruột đẻ con, nên mẹ của An - Khánh vẫn cắn răng chịu đựng, cắn răng nuôi con với một hi vọng rất đỗi mong manh: Giời, Phật thương, cho phép nhiệm màu để hai đứa con tội nghiệp được hồi sinh với hình dáng của con người…

Bác sĩ Bùi Huy Thiện đang nỗ lực dạy chữ để An - Khánh hoà nhập cộng đồng

Thắp lửa niềm đau

Bàn tay bao bọc của người mẹ tội nghiệp ấy cũng chẳng thể khiến mọi chuyện tốt hơn. Sống bằng nghề làm thuê, nhưng rồi, chẳng ai muốn thuê người đàn bà ấy nữa bởi cái tiếng đã sinh ra ma, ra quỷ. Đau đớn, tủi hờn, người đàn bà ấy chỉ biết ôm con mà khóc. Nước mắt hằng đêm chẳng làm vơi đi niềm đau, mà chỉ khiến người mẹ khốn khổ ấy thêm phần khô héo. Cuối cùng, dù đau đớn đến cắt ruột, cắt gan, người đàn bà ấy cũng nghĩ đến phương án để giải thoát cho cả ba người. Chết sẽ kéo đau thương này chui vào lòng đất. Thế nhưng, các con mình nào có mang tội tình gì mà bắt chúng phải chết! Thôi thì giời mang chúng đến thì giời mang chúng đi. Chúng sống, chúng chết do giời định đoạt. Nghĩ vậy, một sáng, dậy từ tinh mơ, tay bế tay bồng, người đàn bà ấy mang con ra phố thị. Chọn nơi đông người, đặt hai đứa con ngồi đó rồi cắm đầu chạy chối bỏ dĩ vãng.

Bị bỏ rơi, tưởng như Khánh và An đã ở ngay sát bờ vực của cái chết. Khi ấy, chẳng ai dám lại gần các em, chẳng ai dám cho các em một nắm cơm, hớp nước để trái tim thoi thóp còn có thể duy trì nhịp đập. Hôm đó, trong lần đi giảng đạo, tận thấy nỗi bất hạnh của hai đứa trẻ, các nữ tu mở lòng bác ái đón Khánh, An về.

Khu nội trú của bệnh viện cũng là mái ấm của những người mắc bệnh phong, hai chị em được ở trong gian nhà rộng rãi, thoáng mát. Chăm lo cho cuộc sống của các em là một sơ tận tụy ở giáo xứ Trà Vi. Những ngày đầu mới về, hai chị em chỉ ru rú trong nhà. Những “hàng xóm” đến chơi cũng khiến hai chị em sợ hãi. Những khi ấy, hai chị em Khánh - An cứ bìu ríu bấu chặt lấy nhau, những con mắt đỏ ngàu mờ đục cứ thế nhìn mọi người đầy cảnh giác.

Hai em mắc một căn bệnh mà y học gọi là Ichiose - bệnh vảy cá. Bệnh gây ra thương tổn ở khắp người, cũng có khi ở một số vùng như chỗ nếp gấp, vùng da mỏng. Có trường hợp da dày rõ rệt, có thể gây co kéo, những mảnh vảy dày, to bao phủ gần khắp cả người, hạn chế cử động, lớp vảy màu đỏ có chỗ nứt nẻ nhất là ở các khe, kẽ. Có chỗ tạo thành vảy giống vảy cá, các vảy này co kéo mi trên làm lộn kết mạc ra ngoài. Bệnh gây cảm giác ngứa ngáy toàn thân. (Bác sỹ Bùi Huy Thiện)

Làng bệnh phong ở ngay sát nhà thờ. Dân trong làng đa phần theo đạo. “Ở trong lòng Chúa thì phải phụng lệnh của Ngài là yêu thương lẫn nhau”, những điều có trong kinh Thánh này - đã hiển hiện trong mỗi phận người nơi đây tự lâu lắm rồi. Chính niềm thương yêu vô hạn ấy đã góp phần giúp An, Khánh hồi sinh. Hai chị em được mọi người dạy chữ, dạy hát, đặc biệt hơn là được chữa trị căn bệnh quái ác đang đêm ngày vò xé hai thân xác non nớt kia. Ngay khi đón hai chị em về đây, các y bác sĩ ở bệnh viện đã lăn lộn tìm nơi để tiến hành phẫu thuật mắt trái bị hỏng của Khánh. Hành trình gian khổ đó đã được đền đáp. Tháng 6/2008, Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội đã về Văn Môn phẫu thuật mắt trái (đã hỏng) cho Khánh. Ca mổ diễn ra thành công, con mắt trái của Khánh đã nhìn thấu tỏ cảnh sắc quanh em.

Mùa đông sắp về. Mỗi khi cái rét len lỏi từng thớ thịt, bệnh tình của Khánh, An lại phát tác mạnh hơn. Sống ở trại phong, sống trong tình người nhân ái, hai em đã thấy muôn phần ấm áp. Tuy nhiên, để đẩy lùi căn bệnh quái ác, hai em vẫn cần lắm những sự sẻ chia, giúp đỡ của những tấm lòng bao dung. Những trái tim nhân ái hãy dang rộng vòng tay để An và Khánh có cơ hội một lần nở nụ cười rạng rỡ trên môi khi chúng đã được sinh ra trên cõi đời này.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên