Hậu sóng thần Nhật Bản: Mang nụ cười trở lại

Có việc làm không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống mà quan trọng hơn họ có thể đóng góp vào quá trình tái thiết lại quê hương.

Trong quá trình tìm hiểu cuộc sống của người dân các tỉnh vùng đông bắc Nhật Bản 1 năm sau thảm họa động đất sóng thần, chúng tôi ghi nhận được mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là có việc làm.

Chúng tôi muốn được làm việc
Trong gian nhà sinh hoạt cộng đồng của một khu nhà tạm dành cho các nạn nhân của thảm họa động đất sóng thần tại thành phố Ishinomaki, tỉnh Miaygi, chừng hơn 20 phụ nữ từ trung niên trở lên đang ngồi quanh một chiếc bàn dài. Vừa cắm cúi đan những vật trang trí nhỏ xíu hình trái tim, hình bông hoa, các bà các cô vừa tíu tít trao đổi về cách làm, về cuộc sống gia đình. Đây là một trong những nơi dự án tạo việc làm cho phụ nữ vùng bị thiên tai có tên gọi East Loop đang được triển khai.

Bà Tamae Takatsu, người sáng lập ra dự án East Loop cho biết một nửa doanh thu bán hàng sẽ được đưa lại trực tiếp cho những phụ nữ tham gia dự án. Nửa còn lại được dùng để mua nguyên vật liệu, thiết kế mẫu, bán hàng... Hiện các sản phẩm của dự án đang được bày bán rộng khắp tại nhiều nơi ở Nhật Bản.

Tính đến tháng 11/2011, đã có hơn 10.000 sản phẩm được tiêu thụ, đem lại doanh thu 11 triệu yên (gần 3 tỷ đồng).

Bà Tazuko Suda, năm nay 61 tuổi là một trong những người đầu tiên tham gia dự án East Loop từ tháng 6/2011. Trung bình một tháng bà Suda làm được 100 sản phẩm đem lại thu nhập 40.000 yên (hơn 10 triệu đồng). Mặc dù chỉ là số tiền nhỏ nhưng khoản thu nhập này cũng đáng quý đối với những gia đình đã bị sóng thần cuốn trôi toàn bộ nhà cửa tài sản.

Để làm được một sản phẩm hình trái tim, những người thành thạo như bà Suda cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ. Cũng không ít lần bà Suda phải tháo ra làm lại. Bà Suda cho biết mỗi mẫu thiết kế đều có tiêu chuẩn cụ thể về cách làm, quy cách. “Cũng không quá khó nhưng không phải đơn giản. Nhưng đây là công việc rất thích hợp với chị em phụ nữ. Chúng tôi có thể làm lúc rảnh rỗi.”, bà Suda nói.

Cẩn thận đính hai trái tim vừa hoàn thành lên tấm bìa có ghi tên người làm, bà Suda chia sẻ “Quan trọng là tôi được làm việc, cảm thấy mình có giá trị”.

Hiệu quả xã hội
Không chỉ tạo ra thu nhập, dự án East Loop còn hướng đến mục tiêu đem lại nụ cười cho phụ nữ vùng bị thiên tai. Trên mỗi sản phẩm được làm ra đều ghi rõ tên người làm. Khách hàng sau khi mua sản phẩm có thể gửi lời nhắn trực tiếp đến cho từng người qua trang mạng xã hội Facebook.

“Tôi đã mua 2 hình trái tim do chị Kosmos làm. Tôi luôn thấy ấm áp khi giữ chúng bên mình. Xin hãy cố lên”. Rất nhiều những lời nhắn nhủ như vậy của khách hàng đang trở thành nguồn động viên to lớn cho chị em phụ nữ vùng đông bắc. Bà Takatsu, chủ nhiệm dự án, cho rằng những lời nhắn nhủ qua trang mạng xã hội sẽ giúp phong trào giúp đỡ nạn nhân thiên tai lan rộng và duy trì lâu dài.

Không chỉ vậy, theo bà Takatsu, công ăn việc làm còn tạo ra những hiệu quả xã hội rất lớn đối với vùng đất bị thiên tai. Theo các nghiên cứu xã hội mới nhất của Nhật Bản, các khu nhà tạm đã giải quyết tạm thời nơi ăn chốn ở các các nạn nhân thiên tai nhưng chính các khu nhà tạm cũng đang tạo ra một số vấn đề xã hội.

Nhiều thị trấn, làng xóm bị sóng thần cuốn trôi làm phá vỡ cộng đồng dân cư trước đây tạo ra cộng đồng mới trong các khu nhà tạm. Nhưng nhiều người đã không kịp thích nghi với cộng đồng mới, sống khép kín. Hơn nữa, chính khái niệm “tạm” đã khiến nhiều người không muốn mở lòng đối với những người hàng xóm mới của mình.

Bà Suda cho biết công việc đan lát này giúp bà thường xuyên được nói chuyện với những người phụ nữ khác. “Tôi cảm thấy được giải tỏa, được chia sẻ khi tham gia dự án này”, bà Suda bày tỏ.

Cho đến nay, dự án đã thu hút gần 150 chị em phụ nữ tham gia. Bà Takatsu, chủ nhiệm dự án bày tỏ hy vọng sẽ mở rộng được kênh bán hàng ra cả nước ngoài để có thể tạo việc làm cho nhiều chị em nữa. Bà Takatsu bày tỏ “Tôi mong muốn người dân các nước cũng sẽ góp phần đem lại thu nhập và nụ cười cho chị em phụ nữ ở đây”./.

 

Khu nhà tạm ở thành phố Ishinomaki tỉnh Miyagi

Quang cảnh một buổi làm việc của dự án East Loop

Chị em tham gia dự án

Thông điệp chia sẻ yêu thương trên tường của khu nhà tạm
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên