Hé lộ đường dây lậu thuế lớn

Bằng hình thức ghi chênh lệch cao gấp nhiều lần thuế giá trị gia tăng, số tiền hơn 7 tỷ đồng của Nhà nước đã bị rút khống qua chính sách hoàn thuế

Bằng hình thức ghi chênh lệch cao gấp nhiều lần thuế giá trị gia tăng giữa liên 2 (giao cho khách hàng) với liên 1 (người bán giữ), chỉ tính riêng trong 2 năm (từ năm 2007 đến năm 2009), kế toán một cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiếp tay cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rút khống của Nhà nước hơn 7 tỷ đồng thông qua việc khấu trừ thuế đầu vào theo Luật Thuế giá trị gia tăng. Vụ án đang gây nên sự quan tâm của dư luận xã hội về quản lý ngân sách Nhà nước trong bối cảnh cả nước đang gồng mình thắt chặt tài chính, tiền tệ, chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội…

“Danh tiếng” cô kế toán dễ dãi                      

Theo trình bày của Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1978), quê quán xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), là kế toán Cửa hàng Xăng dầu Cửa Lò (thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh), năm 2007, có một số lái xe vào đổ nhiên liệu tại cửa hàng đặt vấn đề với Thảo mua hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) để về thanh toán và hứa hẹn sẽ trả thù lao theo số lượng hoá đơn mua được. Thấy có nguồn lợi và nghĩ rằng không ai có thể phát hiện được việc làm sai trái của mình, Thảo nhận lời và tìm cách hợp thức hoá hồ sơ, chứng từ để tuồn hoá đơn cho các đối tượng.

Với chiêu thức, khi ghi hoá đơn, liên 1 và liên 3 trùng nhau và đúng với lượng hàng thực tế bán ra, còn liên 2 (giao cho khách hàng) được Thảo rút ra và ghi cao gấp nhiều lần so với thực tế rồi đem giao cho các đối tượng. Trong số những hoá đơn này, có không ít hoá đơn mà trong liên 1 và liên 3 ghi là mua xăng nhưng liên 2 lại ghi là dầu và ngược lại. Theo Thảo, sở dĩ có sự khác biệt như vậy là vì khi đã rút liên 2 ra, khách hàng yêu cầu ghi gì thì ghi đúng như thế bởi tất cả các hoá đơn này đều được ghi theo yêu cầu của bên mua thông qua điện thoại sau đó gửi qua đường bưu điện hoặc khách hàng đến lấy trực tiếp. “Tiền trao, cháo múc”, mỗi hoá đơn như vậy Thảo được trả “thù lao” 100.000 đồng.

“Danh tiếng” cô kế toán dễ dãi, linh hoạt đồn xa, nhiều doanh nghiệp vận tải dù ở tỉnh ngoài, không lưu thông trên tuyến đường có Cửa hàng Xăng dầu Cửa Lò vẫn bảo nhau tìm đến và đều dễ dàng mua được hoá đơn nơi đây để rút tiền Nhà nước.

7 tỷ đồng và ông Cửa hàng trưởng “cả tin”?

Người giao dịch đầu tiên với Thảo là ông Lê Văn Lợi (sinh năm 1980) quê quán xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá), Phó Giám đốc Công ty Vận tải thương mại và xuất nhập khẩu Ngọc Thảo, có trụ sở tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) đã mua cho Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Đại Phát 94 hoá đơn với tổng số tiền kê khai là 268 triệu đồng.

Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 - 12/2009, Phó Giám đốc Lê Văn Lợi còn được Giám đốc Công ty Vận tải thương mại và xuất nhập khẩu Ngọc Thảo là ông Lê Văn Thảo giao cho trách nhiệm phụ trách, điều hành xe, tiền, mua nhiên liệu và tập hợp chứng từ. Thông qua Thảo, Lợi đã lấy 298 hoá đơn trị giá tiền hàng 12,868 tỷ đồng, khấu trừ 10% thuế GTGT, Công ty Vận tải thương mại và xuất nhập khẩu Ngọc Thảo được hoàn thuế 1,286 tỷ đồng.

Bằng hình thức này, từ năm 2007 - 2009, Nguyễn Thị Phương Thảo đã bán cho 68 đơn vị làm nghề kinh doanh vận tải trong cả nước (gồm Thanh Hoá, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) trên 3.100 hoá đơn GTGT. Từ những hoá đơn này, các doanh nghiệp nói trên đã rút khống của Nhà nước hơn 7 tỷ đồng thông qua chính sách hoàn thuế GTGT của Nhà nước.

Tiếp xúc với chúng tôi, Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng để xảy ra sự việc là do bản thân thiếu hiểu biết về luật pháp, một phần phía cơ quan thiếu sự thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở (?)

Còn ông Nguyễn Viết Dũng, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Cửa Lò thừa nhận, vụ việc diễn ra trong một thời gian dài (từ năm 2007 - 2009) nhưng lãnh đạo đơn vị không hề hay biết. Theo ông Dũng, sai sót của ông là đã quản lý con dấu lỏng lẻo, cụ thể là ông đã cho đóng dấu treo vào các hoá đơn khống chỉ, thậm chí còn giao con dấu cho kế toán giữ. Ông không ngờ kế toán đã lợi dụng sự “cả tin” của ông để làm bậy (?)

Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã phạm vào tội “Tàng trữ, lưu hành giấy tờ có giá giả”  theo Điều 181 Bộ luật Hình sự. Với số tiền chiếm đoạt của Nhà nước quá lớn, thủ đoạn phạm tội đơn giản nhưng ngang nhiên diễn ra trong một thời gian dài mà không bị phát hiện, vụ án đang gây sự chú ý của dư luận với nhiều câu hỏi cần được làm rõ đối với các cơ quan chức năng: Có hay không những đồng phạm đang giấu mặt trong vụ án này? Liệu có còn những “cô kế toán dễ dãi” và “cán bộ cả tin” tại các cửa hàng xăng dầu nào nữa hay không? Đây là bài học đắt giá trong công tác quản lý ngân sách Nhà nước hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên