Hổ quyền trong tâm thức người Việt

Từ xa xưa, con người đã mơ ước chinh phục và làm chủ được những đỉnh cao của thế giới tự nhiên như sức mạnh của “chúa sơn lâm”. Và hổ quyền đã ra đời như một sự khẳng định sức mạnh và khả năng to lớn ấy của con người.  

Hổ quyền - bài tập đầu tiên của Vĩnh Xuân Nội gia

Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia (29 Hàng Cót, Hà Nội) vào một buổi tối cuối tuần cũng như bao buổi luyện tập khác - không ồn ào, không có những sự thể hiện quá nhiều của cơ bắp mà lặng lẽ, sâu lắng và đầy nội tâm bởi những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng vẫn mạnh mẽ, dứt khoát. Cái giá lạnh của những ngày đầu năm dường như không là trở ngại với những người luyện tập.

Và trong không gian lặng lẽ, mỗi đường quyền được thể hiện với bao suy tư, trăn trở, bao đam mê và khát vọng gửi gắm trong đó. Những môn sinh phần lớn trong độ tuổi ngoài 30, và đa phần là những trí thức, công chức, viên chức và những người làm văn phòng. Thậm chí, có những gia đình cả hai vợ chồng trẻ đều tham gia luyện tập ở võ đường. Đặc biệt, trong võ đường còn có nhiều thành viên là nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu trong độ tuổi từ thanh niên tới trung niên.

Chính sự thâm trầm, kín đáo của Vĩnh Xuân Nội gia đã thôi thúc tôi tìm hiểu, khám phá những bí ẩn và độc đáo của môn phái võ này: Điều gì đã khiến môn võ này có sức cuốn hút lòng người đến thế? Vì sao người ta vẫn gọi môn Vĩnh Xuân là “môn võ của mùa xuân”? Và vì sao hổ quyền lại được lựa chọn là tiêu chí đầu tiên trong luyện tập của Vĩnh Xuân Nội gia?

Truyền thuyết kể rằng, người sáng tạo ra môn võ Vĩnh Xuân là một nhà sư nữ - Ngũ Mai Sư Bá. Dựa trên tố chất của nữ giới, bà đã xây dựng nên một môn võ mới với nhiều tính ưu việt, đạt hiệu quả cao trong giao đấu. Người học trò đầu tiên mà bà truyền thụ là một người con gái có tên Nghiêm Vĩnh Xuân, một cái tên rất phù hợp với nhiều mặt của môn võ mới mà bà sáng tạo ra. Và khi được học trò hỏi tên môn võ của mình, bà đã dùng ngay tên của người học trò đặt tên cho môn võ: Vĩnh Xuân. Môn Vĩnh Xuân đòi hỏi sự mềm mại, nhẹ nhàng nhưng hàm chứa bên trong là một sức sống mạnh mẽ như sự sinh trưởng, phát triển của mùa xuân.

Như vậy, Vĩnh Xuân là một môn phái võ thiên về nhu. Nhưng trong số Ngũ hình quyền là hổ quyền, báo quyền, hạc quyền, xà quyền long quyền, hổ quyền lại là bài tập cơ bản đầu tiên của môn phái võ này. Trong khi, hổ quyền là biểu tượng cho sức mạnh, uy lực và khả năng chiếm lĩnh giới tự nhiên của chúa sơn lâm. Đây chính là một trong những cách vận dụng rất uyển chuyển, linh hoạt của Vĩnh Xuân Nội gia đối với hổ quyền.

Theo giải thích của võ sư Nguyễn Ngọc Nội - Trưởng môn phái Vĩnh Xuân Nội gia, hổ quyền là bài tập luyện tốt cho hệ thống cơ, cốt, do đó, tập luyện hổ quyền có ý nghĩa rất lớn trong việc rèn luyện sức khỏe - yêu cầu đầu tiên và bắt buộc với việc luyện tập bất cứ môn võ nào. Chính từ sự đề cao vai trò của sức khỏe mà Vĩnh Xuân Nội gia đã lấy hổ quyền là bài tập cơ bản đầu tiên đối với việc luyện tập.

Thầy và trò Vĩnh Xuân Nội Gia trong một buổi tập (ảnh: Quang Trung)

 

Cũng có thể nhận thấy sự khác nhau trong bản chất và mục đích, ý nghĩa tập luyện của các bài quyền ngay từ sự thể hiện của các động tác khác nhau trong Ngũ hình quyền. Hổ quyền luyện “cơ, cốt” nên quyền đi uy dũng, đòn đánh trung thực; Báo quyền luyện “gân, lực” nên quyền đi nhanh mà dứt khoát; Hạc quyền luyện “tinh” nên quyền đi khoáng đạt, thanh cao, nhanh mà vững; Xà quyền luyện “khí” nên quyền đi mềm mại, uyển chuyển, tinh nhanh; Long quyền luyện “thần” nên quyền phải thể hiện được bản chất và sự kết hợp của bốn hình quyền trên.

Khám phá vẻ đẹp của hổ quyền

Võ là sản phẩm của trí tuệ, tinh hoa văn hóa của con người nên trong quá trình phát triển, có những sự thay đổi, bồi đắp theo quá trình phát triển của con người. Từ xa xưa, đã hình thành hai dòng võ là nội gia và ngoại gia. Dòng võ ngoại gia thiên về những sự thể hiện của cơ bắp, hình thể. Còn dòng võ nội gia lại thiên về những vận động và nội lực bên trong của con người. Vì vậy, việc áp dụng những linh vật trong tự nhiên vào các dòng võ này cũng khác nhau.

Hổ quyền trong nội gia cũng khác với hổ quyền trong ngoại gia. Tuy nhiên, theo võ sư Nguyễn Ngọc Nội, dù có khác nhau trong việc vận dụng hổ quyền thì về bản chất, cách luyện tập, cách cảm và ý nghĩa của hổ quyền vẫn phải được giữ nguyên. Người ta tìm đến hổ quyền với mong ước và khát vọng chinh phục những đỉnh cao và đạt đến những khả năng kỳ diệu của một linh vật xưa nay vẫn được suy tôn là chúa tể của muôn loài.

Cũng bởi là sản phẩm của trí tuệ con người nên trong quá trình lưu truyền, hổ quyền không nằm ngoài quy luật chung của sự vận động, phát triển. Hổ quyền xưa, lượng đòn thế không nhiều như bây giờ. Cùng với thời gian, hệ thống quyền thuật mang tính hổ quyền được bồi đắp nhiều hơn, có nhiều dạng thức của đòn thế hơn nhưng bản chất của hổ quyền vẫn được giữ nguyên.

Và một điều đáng tiếc là do những đặc điểm của quá trình lưu truyền chủ yếu là truyền miệng từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác nên những tinh hoa của môn võ này có thể ít nhiều cũng bị mất đi. Võ sư Nguyễn Ngọc Nội tâm sự, do nhiều lý do khách quan, ngay bản thân những người như ông và nhiều đồng môn của ông, có những tinh hoa về hổ quyền nói riêng và hệ thống quyền thuật nói chung mà bản thân ông cũng chưa có nhiều điều kiện để tiếp thu. Và điều ông vẫn ngày đêm trăn trở là làm sao để cho những tinh hoa ấy được gìn giữ và không bị mất đi cùng với thời gian.

Đối với Vĩnh Xuân Nội gia, việc luyện tập hổ quyền có ý nghĩa rất quan trọng. Nó tạo nền tảng cho việc tập luyện những bài quyền khác. Tuy nhiên, hổ quyền không phải là bản chất của Vĩnh Xuân Nội gia. Môn phái võ này đòi hỏi những kỹ năng vận động uyển chuyển, mềm mại đến độ tinh tế, khả năng tư duy cao nên hổ quyền khi đi vào môn võ Vĩnh Xuân cũng có những biến đổi, vận dụng mềm mại, uyển chuyển hơn.

Hổ quyền nói riêng cũng như võ thuật nói chung có ý nghĩa rất lớn đối với con người, đặc biệt là lớp trẻ. Với Vĩnh Xuân Nội gia, võ sư Nguyễn Ngọc Nội cho rằng, người tập võ không phải là để tập luyện chân tay mà là tập làm chủ chính bản thân mình. Điều này tưởng dễ mà thực tế lại không hề đơn giản. Nó đòi hỏi con người không chỉ khả năng vận động mà cả khả năng tư duy, ứng xử. Đến với võ, người ta không chỉ có cơ hội rèn luyện sức khỏe mà quan trọng hơn là để rèn luyện một bản lĩnh, một nghị lực để vững vàng trước cuộc sống. Đó chính là lý do để nhiều người tìm đến với võ nói chung cũng như Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng.

Hơn 30 năm gắn bó với võ thuật, dường như, từng đường quyền, ngón võ đã đi vào trong con người võ sư Nguyễn Ngọc Nội như một phần của cuộc sống. Nhưng có lẽ, điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là ông đã tìm thấy ở đó niềm vui sống, nghị lực và bản lĩnh để vượt qua bao thăng trầm trên những chặng đường đời đã qua.

Người đàn ông đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy ấy vẫn khoẻ mạnh, sung sức với nước da hồng hào và giọng nói sang sảng. ở cái tuổi ấy, ông vẫn sống và cống hiến hết mình cho cuộc sống. Dù đã nghỉ hưu với công việc là kỹ sư ở Công ty xây dựng công nghiệp Hà Nội cách đây 5 năm nhưng chưa phút giây nào ông ngơi nghỉ công việc.

Cũng từ ngày ấy, ông có nhiều điều kiện hơn để gắn bó với võ, để truyền nghị lực và tâm huyết cho những học trò của mình. Điều ông vẫn nhắn gửi với các học trò là hãy đến với võ bằng những suy nghĩ mang tính thiện, đừng lấy học võ là một cách để “thể hiện” bản thân mình. Đó cũng chính là hành trang để những bạn trẻ vững vàng hơn khi bước vào đời, có bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống và niềm tin, sức mạnh để vượt qua những thất bại trên những chặng đường đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên