Huyền thoại một tình yêu

Câu chuyện về nữ Phó Bí thư huyện Đoàn Hải Lăng kiên trung bị địch bắt vào những năm 1960 ấy, nhiều người còn nhớ.

Người con gái gan dạ

Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1948 trên mảnh đất Quảng Trị đau thương nhưng anh dũng kiên cường. Cô là con của một gia đình “nòi” Cách mạng. Mẹ cô là nữ cán bộ huyện bị giặc bắn năm 1952, cha bị giặc tra tấn đến chết năm 1968, để  lại 7 anh em (5 trai 2 gái). Những người con lớn lên đều tham gia kháng chiến, hai người anh của cô đã trở thành liệt sĩ.

Năm 1960 khi mới 12 tuổi, Hoa trốn nhà đi hoạt động Cách mạng. Là một chiến sĩ tích cực, gan dạ, từ năm 1964 đến năm 1966, cô luôn dành được danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn miền.

Bọn mật thám lùng bắt cô bằng mọi cách. Chúng giăng lưới nhiều lần, nhưng cô đều thoát được nhờ sự thông minh, khôn khéo và nhạy bén.

Trưa 16 tháng 4 năm 1968, khi đi vận động bà con vừa về gần tới hầm thì quân địch bất ngờ ập tới. Được cấp báo, cô và chị liên lạc- Võ Thị Chuyên nhanh chóng xuống hầm bí mật trú ẩn.

Bọn địch dùng chiêu bài kêu gọi, dụ dỗ. Chúng dùng xà beng xăm khắp mọi nơi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ngồi dưới hầm mà cát cứ lở xuống mù mịt, hao chị em xác định với nhau là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng chứ nhất định không chịu ra đầu hàng.

Khi bọn địch chỉ còn cách nơi hầm bí mật hai chị em đang ngồi vài chục mét, hai người bất ngờ xông lên. Cô tung lựu đạn vào đám địch rồi chạy. Có hai tên bị thương, những tên còn lại bắn xối xả. Cô bị một viên đạn găm vào đầu gối, máu ra rất nhiều, nhưng vẫn cố chạy được gần 500 mét thì gục ngã. Cả 2 chị em đều bị bắt…

Địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man để moi thông tin, nhưng trước sau đều thất bại. Chúng càng tra tấn, cô càng thách thức, “Bởi lúc đó đã xác định vào tay chúng là chết”.

Chúng đưa cô về bệnh viện Quảng Trị, cưa mất chân phải. Và rồi trong những tháng ngày nằm viện này, chính tên cố vấn Mỹ ra lệnh cưa chân cô lại tới thăm cô vào những chiều thứ bảy. 

Tình yêu không dành cho kẻ thù

Không nhớ tên của hắn ta là gì, nhưng tuần nào cũng vậy, ít nhất là một lần vào chiều thứ 7, tên cố vấn kia lại tới thăm cô. Hắn  mang theo thông dịch viên, kể với cô rằng hắn sang Việt Nam từ cuối năm 1960, đã có vợ người Sài Gòn, nhưng chị ta đã chết, để lại cho hắn một đứa con trai nhỏ dại. “Không biết hắn lừa hay thật, nhưng cứ thấy hắn là tôi la hét chửi bới thậm tệ, nhưng hắn lại dịu dàng, từ tốn. Hắn nói vợ hắn rất giống tôi, nên bây giờ nhớ lắm. Cứ thấy tôi là hắn như thấy một cái gì đó thân quen là lạ”- Cô Hoa, nay là bà Hoa, kể.

Dù cho tên Mỹ dụ dỗ thế nào cô cũng chửi bới. “Bọn bay là đồ ác ôn. Chúng mày đi giết dân tao, làm khổ dân tao. Tao nhất định không đội trời chung…”.

Bà Hoa nhớ lại: “Vì tôi chỉ có một bộ đồ bận đi bận lại, nên có hôm hắn mua một túi đồ đắt tiền, đến bên tôi, hắn nói muốn đưa tôi về Mỹ. Tôi điên máu lại chửi cho hắn một trận té tát... Nhưng hắn vẫn đều đặn nhẹ nhàng đến thăm tôi. Mọi người xung quanh cho rằng thằng Mỹ bị điên. Bọn canh gác kháo nhau: Có lẽ thằng đó điên rồi. Thiếu gì gái đẹp mà chiều nào cũng mò tới thăm con cụt này để hắn chửi cho như chó!”.

Một ngày cuối năm 1968, lúc đó đã 11 giờ đêm, hắn lại tới và nói chân thành với bà Hoa: “Em theo anh về Mỹ nhé. Hình ảnh vợ anh làm anh không thể không có em…”.

Tất nhiên bà không đời nào đồng ý. Hắn quay ra buồn rầu, còn mấy tên lính đi theo thì nói “Không đi cũng bắt đi. Mang lên máy bay là xong…”. Bà Hoa kể: “Tôi hét lên: tao là Việt cộng thì mãi là Việt cộng. Có chết cũng làm ma Việt cộng. Nếu mang tao lên máy bay là tao nhảy xuống cho chết!”.  

Duyên nợ cuộc đời

Ra tù năm 1972, cô về lại quê nhà trong hình hài ốm yếu, cụt một chân. Cô không ngờ tình yêu lại đến với mình. Hồi đó ông Ngô Văn Phú quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh vào đóng quân ở Quảng Trị và sống trong nhà cô. Ngày đó cô gái ấy mặc cảm với bản thân lắm. Khi anh bộ đội miền Bắc này rời Quảng Trị để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có tặng lại cô một chiếc bút máy Kim tinh và một lá thư dài bày tỏ tình cảm. Còn Hoa cũng đáp lại bằng quà tặng là một chiếc lược nhôm khắc dòng chữ “Kỷ niệm nhà tù Côn Đảo”. Bà nói: “Chỉ nghĩ đó là kỷ niệm với đồng chí, đồng đội chứ không nghĩ là yêu đương gì cả”. Kể từ đấy 2 người xa nhau và không còn liên lạc...

Sau giải phóng, bà được đi học và điều dưỡng ở Hà Nội. Học xong khóa học, bà chuẩn bị về Quảng Trị thì viết một lá thư thăm hỏi sức khỏe của ông Phú vì đã gần 10 năm không gặp không biết còn sống hay đã hy sinh.

Trong lá thư đó bà không đề địa chỉ nơi ở, không bày tỏ tình cảm hay ý gì, mà chỉ hỏi thăm đồng đội. Không ngờ trong chuyến nghỉ phép, ông Phú nhận được lá thư, vậy là ông lần mò theo dấu bưu điện bắt xe về Hà Nội tìm bà rồi ngỏ lời.

“Có người chạy vào báo cho tôi là có chú bộ đội tới thăm. Tôi ngạc nhiên, bởi nếu có thì cũng chỉ là anh trai tôi đến cho tôi ít tiền để bồi dưỡng, mà hàng tuần anh vẫn tới; nhưng người hàng xóm khẳng định rằng đó không phải anh tôi. Và rồi ông Phú đã bước vào…”

Ngày ấy ông ngỏ lời nhưng bà không dám nhận vì mặc cảm. Ông đi hỏi anh, chị của bà, họ cũng can ngăn vì sợ bà không còn lành lặn, không đem lại hạnh phúc cho ông… Thế nhưng ông nhờ bạn bè, cơ quan thuyết phục, quyết xin cưới người phụ nữ mất một chân về làm vợ.

Tuy cụt chân, nhưng bà vẫn nhận 4 sào ruộng rồi tự cày bừa, cấy hái chăm bón rất tốt tươi, làm nhiều người phải ngạc nhiên. Một chân, nhưng bà vẫn một mình đi nhặt đá, xúc cát bồi về mượn người xây ngôi nhà 3 gian để ở. Ông vẫn phục vụ trong quân đội, bà ở nhà nuôi đứa con đầu sinh năm 1978 mà ông bà đặt tên là Ngô Thuận Lăng. Cái tên này mang ý nghĩa của quê hương nội và ngoại.

Hàng ngày, bà vun vén chăm chút cho từng cây cảnh

Vợ chồng bà trong một lần đi thăm nghĩa trang liệt sĩ

Tình yêu của ông bà kết trái là 3 đứa con ngoan hiền. Giờ đây hai thương binh trong gia đình ấy đều đã ngoài 60 tuổi, nhưng họ vẫn luôn dắt tay đi bên nhau rất tình cảm. Khi mệt lại ngồi dưới hàng cây cảnh xanh mát kể lại những kỷ niệm ngày xưa...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên