Khắc khoải Pom Loi

Nhiều người trong bản lo sợ mình mắc HIV/AIDS nhưng chẳng dám đi xét nghiệm vì xấu hổ, ngại người khác dị nghị nên cứ nghi ngờ, dằn vặt chính mình.  

“Nhưng đau đớn nhất vẫn là cả chục đứa trẻ - con của các đối tượng nghiện ma túy trong bản - đã đói ăn, thất học lại chẳng biết mình có mắc bệnh hay không” - Trưởng bản Lù Chí Cu nói về ảnh hưởng của "bão" HIV/AIDS đang ngấm ngầm hủy hoại cuộc sống của hàng chục hộ dân nghèo ở Pom Loi.

Những thân phận đắng cay

Là cô gái xinh đẹp nhất nhì bản Pom Loi khiến bao chàng trai theo đuổi, đêm đêm đến chọc sàn, nhưng Quàng Thị Liên vẫn chẳng ưng ai. Run rủi chị gặp anh Lò Văn Lả, chàng trai hiền lành, chất phác ở xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) và chị đem lòng yêu mến. Sau thời gian tìm hiểu chưa đầy nửa năm, chị quyết định theo chồng về bản dưới.

Khung cảnh xơ xác tại Pom Loi

Những ngày hạnh phúc ngọt ngào trôi nhanh. Ở với nhau chưa đầy 3 tháng, chị phát hiện anh nghiện thuốc đen (thuốc phiện). Giận lắm, chị muốn bỏ về nhà mẹ đẻ, nhưng đúng lúc này chị phát hiện mầm sống mới đang lớn từng ngày trong cơ thể mình.

Tình mẫu tử trào dâng, chị quyết tâm thuyết phục anh cai nghiện. Chật vật lắm, chị đã thành công sau nhiều tháng không thấy anh lên cơn đói thuốc. Vợ chồng chị chăm chỉ lên nương từ khi ông mặt trời chưa thức dậy, đến lúc nhập nhoạng tối mới về đến nhà. Mùa nương ấy, anh chị đã dựng cho mình căn nhà sàn nho nhỏ cùng một số vật dụng trong gia đình.

Những tưởng anh lấy đó làm bài học để cuộc đời anh sẽ tránh xa “nàng tiên nâu”. Nhưng cuộc đời lắm lúc éo le, thời gian chị sinh con cũng là lúc chị phát hiện anh nghiện lại và nghiện ngày càng nặng hơn. Từ hút thuốc đen, anh chuyển sang sử dụng ma túy. Không có tiền mua ma túy, anh bán dần những vật dụng trong nhà và anh sa lưới pháp luật, bị kết án 2 năm tù do tham gia mua bán sử dụng chất ma túy.

Mình chị xoay xở đủ nghề nuôi con và mong rằng ngày ra tù anh hối cải, quay về sống những ngày bình yên. Nào ngờ khi ra tù, anh lại tái nghiện. Lần này, đồ đạc trong nhà đội nón ra đi và “tổ ấm” của chị cũng bị bán đi để thoả mãn cơn nghiện của anh. Không chỗ nương thân, chị về bản Pom Loi ở tạm ngôi nhà hoang mượn của đôi vợ chồng đang phải thi hành án trong tù. Còn anh, dặt dẹo đến khi hết tiền thì quay về xin chị tha thứ và hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy. Một lần nữa chị chấp nhận anh...

Thế nhưng, “ngựa quen đường cũ”, anh không những chẳng chí thú làm ăn mà hằng ngày theo những người

Theo thống kê của Công an phường Nam Thanh (thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên), riêng năm 2008 đã có 20 người chết vì HIV/AIDS và hiện nay toàn xã còn trên 60 người nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Đây là những đối tượng bị bắt, đưa đi xét nghiệm mới phát hiện được. Buồn hơn, trong số đó có nhiều phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng.

không nghề nghiệp trong bản ra thành phố làm thuê. Chẳng biết có kiếm được đồng nào, nhưng điều chị nhận thấy ở anh là cơ thể hao gầy, tiều tuỵ. Và chưa đầy 1 tháng kể từ khi phát bệnh nặng, anh qua đời.

Điều làm chị suy sụp, khổ đau nhất là các bác sỹ kết luận: Anh chết vì nhiễm HIV/AIDS. Đến lúc này, chị vẫn không có đủ can đảm đến cơ sở y tế để xét nghiệm. “Hận mà lại thương. Nếu chẳng may mình bị lây từ anh thì đứa con chưa đầy 5 tuổi biết dựa vào đâu mà sống, ai sẽ nuôi nó học hành...” - Nói rồi, chị oà khóc.

Không phải riêng gì chị Liên mà hơn chục cô gái khác trong bản như: Cà Thị Thủy, Lò Thị Niên, Tòng Thị Tiên, Lường Thị Oanh, Quàng Thị Hính… cũng đang sống trong thắc thỏm, lo âu sau cái chết “vì bệnh xã hội” của những ông chồng trong thời gian gần đây.

Nỗi lo sợ mắc HIV/AIDS đang trùm Pom Loi bởi bản hiện vẫn còn tới 7 đối tượng tiêm chích ma túy và hàng chục đối tượng có chồng hoặc vợ, bạn tình đang thi hành án trong tù hoặc đã chết trong tù.

Trên khuôn mặt nổi đầy những mụn đỏ như trứng cá mà 5 tháng trước, khi đưa chồng đi khám bệnh và điều trị tại bệnh viện tỉnh, chị Thủy (sinh năm 1980) đã biết chồng mình ở vào giai đoạn cuối của căn bệnh xã hội nan giải HIV/AIDS. Ậm chặt đứa con trai út vào lòng, Thủy rưng rưng lệ: “Chồng em mất cách đây vài tuần sau hơn 4 tháng trời đau ốm, tiền của ra đi theo anh ấy hết rồi. Giờ em chỉ còn 2 đứa con trai…”.

Ma túy thì gần, con chữ rời xa

Giờ đây, tình trạng buôn bán ma tuý ở Nam Thanh đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, hậu quả của cơn bão trắng tràn qua đây còn dai dẳng và để lại bao nỗi đau trong nhiều gia đình. Nếu như việc dẹp bỏ những tụ điểm buôn bán ma tuý khó một thì việc tổ chức cai nghiện còn khó hơn nhiều lần.

Nhiều em nhỏ ở Pom Loi phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình

Đến nay, toàn phường chỉ còn lại 4 điểm bán lẻ, giảm 43 điểm so với năm 2003 trong khi hiệu quả cai nghiện cho 152 đối tượng nghiện của phường gần như bằng không. Đây cũng là nguyên do giải thích vì sao số người ra tù lại tiếp tục lao vào con đường buôn bán ma tuý nhiều hơn. Rất nhiều người đã từng vào tù, ra tội vài lần.

Chồng mất vì bị nhiễm HIV/AIDS, hai đứa con là nguồn an ủi duy nhất của chị Thủy. Thế nhưng, nhắc tới con chị lại không thấy vui. “Giờ em chỉ còn 2 đứa con trai nhưng chẳng đứa nào học hành nên hồn. Thằng út này (Lò Văn Thưởng, 8 tuổi) học lớp 2 rồi mà chẳng biết chữ nào nên đã bỏ học. Thằng anh lớn 10 tuổi cũng đã bỏ học rồi. Còn em thì chẳng biết sống được bao lâu nữa” - Thủy buồn bã nói.

Chúng tôi rời Pom Loi trong ánh chiều chạng vạng. Bên con mương nhỏ cạnh bản, rất nhiều đứa trẻ vẫn phải dầm mình dưới nước để bắt từng con hến. Không ít em trong số đó đã phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ kiếm tiền. Rồi đây tương lai của các em sẽ đi về đâu khi con chữ xa rời tầm tay, ma tuý lại ở gần?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên