Khát khao một cây cầu

Với người dân ở xã Vân Am (Ngọc Lặc, Thanh Hoá), có một cây cầu đến nay vẫn chỉ là ước mơ. Cảnh học sinh đùm cơm muối, cá khô đi học, dân không thể lấy luồng, mía hay không thể đi chợ để mua gạo vẫn cư tiếp diễn hàng ngày.

Hơn 20 năm nay, cứ đến mùa lũ, người dân xã Vân Am, Ngọc Lặc (Thanh Hoá) lại phải sống trong cảnh lo lắng. Học sinh lo không thể đến lớp, nông dân lo không thể chuyển mía, luồng qua sông để bán hay đi chợ mua những đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống.

Gập ghềnh con đường tìm chữ

Chúng tôi phải đánh vật gần 3 giờ đồng hồ trên con đường đất độc đạo chạy ngoằn ngoèo để đến trung tâm xã Vân Am, một trong hai xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Ngọc Lặc. Nhìn thấy người chúng tôi phủ một lớp đất đỏ, mặt mũi phờ phạc, một cán bộ xã cười cảm thông: “Con đường này chưa ăn thua gì đâu, cách đây 500m là một con đường đất nhão nhoét, với nhiều sông suối vắt ngang, đi lại khó khăn hơn nhiều, vậy mà hơn 20 năm nay, các cháu học sinh hàng ngày vẫn phải vượt qua để đến trường”. Xã Vân Am đất rộng người thưa, địa hình bị chia cắt thành 3 phần theo hình chữ T bởi hai con sông Xạo và sông Chu, gây khó khăn cho việc đi lại của vùng 135 vốn đã khó khăn này. Dẫn chúng tôi đi một đoạn khá dài dọc bờ sông Âm, chị Lê Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Vân Am, cho biết: “Đây mới chỉ là đầu mùa lũ mà nước sông đã đục ngầu, chảy cuồn cuộn, bè mảng không dám qua sông. Cảnh học sinh, giáo viên đi học đến bến phải quay trở về là chuyện thường ngày”.

Mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng khoảng 15m, nhưng khi mưa lớn, sông có thể rộng đến 100m, lên tận khu dân cư. Anh Phạm Văn Niên, người chống mảng gần 5 năm, cho biết: “Chỗ sâu nhất của dòng sông dễ tới 6 - 7m, dòng nước chảy xiết cuốn trôi bất cứ chướng ngại vật nào”.

Từ 10 năm nay, giáo viên, học sinh từ mầm non, tiểu học đến THCS của xã Vân Am được nghỉ học theo thời tiết. Cứ trời mưa, nước sông dâng lên hay nước lũ từ thượng nguồn đổ về là các em học sinh phải nghỉ học bởi không thể chống mảng qua sông. Vất vả nhất là các em học sinh ở làng Bà, làng Đắm, mỗi khi đến trường, các em phải lội qua bốn con suối và hai con sông. Trường mầm non Vân Am ở trung tâm xã hiện có gần 300 em đang theo học, trong đó có tới 50% học sinh ở bên kia sông Âm. Mỗi sáng, các bậc phụ huynh phải “hộ tống” các em tới lớp, khi đi làm nương rẫy lại qua đón con về. Chính quyền và nhân dân chỉ còn một cách khắc phục đó là “biên chế” hai người phụ trách mảng luồng, với khoản trợ cấp 200.000 đồng/tháng và được thu thêm (trừ đối tượng là học sinh). Được biết, khi chưa có người chống mảng, mỗi năm khúc sông đều có 1 - 2 học sinh chết vì nước cuốn trôi.

Tiếng trống khai giảng năm học mới 2009 - 2010 đang đến gần, phụ huynh lại thấp thỏm lo lắng cho số phận con em mình khi phải vượt sông tìm chữ…

Ước mơ có một cây cầu

Xã Vân Am rộng gần 4.500ha, gồm 17 làng với hơn 6.000 nhân khẩu, 90% là đồng bào Mường, đã nhiều năm nay bị cô lập với thế giới bên ngoài mỗi khi mùa mưa đến. Anh Nguyễn Văn Trúc, một người dân ở làng Đắm, cho biết: “Chuyển một xe mía hay luồng qua sông phải mất một buổi sáng, bởi phải bó từng bó nhỏ cho lên mảng đưa qua sông”. Hiện 7 làng trong xã ở bên kia sông, chiếm 1/3 dân số và 1/2 diện tích toàn xã với 700ha trồng mía đang trong độ thu hoạch nhưng rất khó khăn trong việc vận chuyển mía qua sông. Những người đau ốm phải cấp cứu cũng khó lòng qua sông vào ban đêm vì không có mảng.

Được biết từ năm 2000, Ban Dân tộc tỉnh đã khảo sát nhu cầu thực tế địa phương cũng như địa hình sông Âm để đề xuất các cấp thẩm quyền việc xây dựng cầu. Tuy nhiên, kinh phí xây cầu kiên cố dự kiến khoảng 7 tỷ đồng,  trong khi nguồn vốn 135 chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Vì thế, cây cầu đến nay vẫn còn là ước mơ của người dân. Cảnh học sinh đùm cơm muối, cá khô đi học, dân không thể lấy luồng, mía hay không thể đi chợ để mua gạo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Để rồi cứ đầu mùa lũ, người dân nơi đây lại khao khát: giá như có một cây cầu!./.    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên