Khi thợ gặt dùng di động…

“Có gì thay đổi, chị phải alô cho em ngay đấy không nhỡ 5h sáng mai em đến ruộng nhà chị rồi mới nói là dở hết việc…Nhớ số của em chưa? Lụa thợ gặt nhé, 0169158…”.  

Cách “giao dịch” như thế chẳng còn lạ đối với những người thợ gặt thuê khi họ dùng điện thoại di động để làm ăn.

“Cứ gọi điện, em có mặt…”

Trước đây, khi muốn gặt thuê hay thuê gặt, cả thợ và chủ đều phải đi từ sớm tinh sương rồi tìm nhau để mặc cả giá khiến không khí nơi đầu làng, bờ ruộng xôn xao. Nhưng nay, thời buổi “điện thoại di động về làng” thì việc các thợ gặt “xài di động” đã góp phần làm cho cách “thỏa thuận” có phần đổi khác.

Chưa cần biết mặt chủ, chưa cần thấy mặt thợ, nhưng bằng những thỏa thuận nhanh gọn qua điện thoại di động, chủ và thợ đã có “hợp đồng gặt thuê” để đôi bên cùng có lợi.

Chị Nguyễn Thị Phương (quê Tượng Lĩnh - Kim Bảng – Hà Nam) khoe: “Tiện lắm. Ai cần thuê gặt, a - lô cho em, được giá, em có mặt và làm thôi”. Thấy người ta dùng di động liên lạc để tìm mối gặt thuê tiện quá, chị Phương cũng “đầu tư” 150.000 đồng mua chiếc điện thoại SAMSUNG C100 để “làm ăn” vụ gặt mùa này.

Chị Hoa đang nói chuyện với chủ thuê gặt

Cách mà chị Phương cũng như các thợ gặt khác tự “quảng bá” là giới thiệu số điện thoại di động của mình tới nhiều người để nếu ai có nhu cầu thuê gặt thì “Cứ a- lô là xong!” Đồng thời, những chủ ruộng muốn thuê thợ thì hỏi nhau số điện thoại của cánh gặt thuê và cũng “chỉ cần a- lô là xong”! Thế nên, giờ đây, sáng sớm ở đầu xóm không mấy khi thấy cảnh chủ và thợ phải chực chờ hay đi tìm nhau nữa.

Chị Phương bảo: “Bây giờ mà còn lon ton đạp xe hay chạy bộ đi tìm mối có mà người ta tranh hết. Muốn cạnh tranh được với những cánh thợ khác thì cứ “rải” số điện thoại hoặc nghe thấy mánh, đang ngoài ruộng cũng chủ động gọi ngay cho chủ ruộng xin đám mà làm…”. Đang nói, bỗng chị Phương hơi giật mình khi có tiếng xè xè của điện thoại di động rung rung trong túi áo lao động của mình, rồi chuông đổ reng… reng …. Chị vội móc chiếc điện thoại ra, giơ lên nhìn rồi bấm nút trả lời: “A – lô. Đúng, Phương thợ gặt đây mà…Yên tâm... Sẽ chở lúa về tận nhà. 4 giờ sáng mai làm luôn đấy nhé”. Tôi không nghe được đầu dây bên kia nói gì, chỉ biết sau cuộc gọi, vẻ mặt chị vui hẳn lên. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, chị cười: “Mai qua làng bên. May quá, lại được 4 sào nữa. Phải gọi thêm vài đứa nữa đánh một ngày cho gọn…”.  Ngay lập tức, chị lại mò mẫm với cái máy một lúc rồi tiếp tục “giao dịch” với “đồng nghiệp”. Xong chuyện, chị bỏ cái điện thoại vào chiếc làn đựng đồ lặt vặt để ngay đầu bờ ruộng rồi tất tưởi đi xuống ruộng.

Các “đồng nghiệp” của chị Phương, chị Nguyễn Thị Vui và Trần Thị Nho (quê Thi Sơn – Kim Bảng – Hà Nam) vừa kéo bè lúa qua mương và xếp đống lên bờ. Quần áo ướt sũng, mặt đỏ lừ, hai chị cùng ngồi phệt ngay bên vệ đường cầm chai nước ngửa cổ làm một hơi rồi cởi cái khăn che mặt ra, giơ cái nón phe phẩy quạt. Tôi tò mò hỏi: Vất vả thế này, ngày kiếm được bao nhiêu chị? Chị Vui cười nói:  “Cứ từ sáng sớm đến trưa, rồi lại từ một rưỡi chiều đến sáu giờ, được trăm ngàn đồng. Nhưng có hôm xong sớm, chủ khó tính thì họ trừ đi đôi ba chục”. 

 - Những công việc cụ thể của mấy chị là gì? – Tôi hỏi. 

- Làm tất. Cắt. Khuân vác. Tuốt. Đóng bao. Chở về nhà cho họ. – Chị Nho nói và giải thích thêm: “Mà nếu mình trả tiền “phụt”(thuê máy tuốt) chủ họ trả thêm lên thành trăm mốt, lúc khan thợ, họ trả trăm hai/người. Còn nếu chủ trả tiền phụt thì cao nhất cũng chỉ được trăm ngàn/người thôi”.

Bỗng chị Vui khẽ đập vào tay chị Nho và chỉ về phía cây nhãn trước mặt – “Điện thoại kìa…!”-. Chị Nho nhổm dạy, xổm người khom khom bước đến gốc nhãn, lau lau tay vào cái khăn bịt mặt, rồi cầm lên cái áo bộ đội cũ cạnh chai nước. Chị móc vội vào túi và kéo ra chiếc điện thoại Sony cũ mèm rồi: “A – lô. Dạ. Sắp xong rồi, bà cứ yên tâm. Lát nữa chúng cháu “phụt” xong rồi chở lúa về tận sân nhà bà cho. Vâng. Chắc khoảng 12h trưa là về đấy…”

Nói chuyện xong, chị Nho lại để điện thoại vào chỗ cũ. Vừa chít khăn bịt mặt vừa bảo: “Để đây không thì ướt hết. Mua cái này 200.000 đấy. Từ đầu vụ đã nạp thẻ 50.000 và được khuyến mãi thêm 50.000 nữa, cố gắng cầm cự đến hết vụ thì nghỉ…”.

“Không nhanh thì đói”

Một đám thợ gặt đang ngồi trò chuyện rôm rả trên bờ ruộng ở một cánh đồng của xã Tượng Lĩnh, trong đó có người đang nhí nhoáy với cái điện thoại. Họ vừa cắt xong ruộng lúa và đang ngồi chờ máy tuốt đến. Chị Nhàn đang tranh thủ tập nhắn tin. Chị kể: “Mua điện thoại gần 3 tháng rồi mà chưa biết nhắn tin. Mấy đứa nhỏ nó dạy mãi mà vẫn cứ quên”.  

Theo chị Minh, người cùng nhóm chị Nhàn kể: Có hôm tham việc, về muộn, vừa về đến nhà chồng mắng cho một trận té tát vì tội không chịu nghe điện thoại, nhắn tin không trả lời. Chị bảo chẳng thấy ai gọi. Lúc này, chồng chị mới giằng cái điện thoại, giơ ra cho chị xem và bảo: Không gọi mà có 10 cuộc gọi nhỡ, có tin nhắn “về nhanh, con ốm” à? Lúc đó chị mới biết là điện thoại di động hiện đại thật, lại còn có cả tin nhắn và biết ai gọi đến nữa. Bởi trước đó chị chỉ biết có chuông thì bấm nút nghe, muốn gọi ai thì bấm số, chứ chẳng biết cách nhắn tin hay xem có ai gọi nhỡ không.

Chị Liên, một thợ gặt trên Mỹ Đức (Hà Nội) đến gặt thuê tại xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng – Hà Nam) kể: “Em mới mua điện thoại 300.000 đồng để liên hệ gặt thuê cho tiện. Hôm qua, gặt xong, chở lúa về nhà cho chủ, lấy được 100.000 đồng tiền công thì phát hiện đã mất điện thoại. Chạy quay lại mấy ruộng tìm mà chẳng thấy. Tiếc đứt ruột.. Phen này phải cày thục mạng vài hôm nữa để bù lỗ…”(!).

 

Chị Nhàn đang tập... nhắn tin, còn chị Vui tranh thủ nghe điện thoại ngay trên bờ ruộng

Những thợ gặt thuê  dùng điện thoại vừa để thuận lợi cho việc “giao dịch”, liên lạc với người khác kể cả khi đang tất bật trên đồng ruộng, mà còn bởi hiện nay đi gặt thuê cũng lắm cạnh tranh. Chị Phương chia sẻ: “Giờ cầm điện thoại di động theo đi gặt, nghe nói ai định thuê gặt là mình tìm đến nhà họ hay gọi điện cho họ xin đám mà gặt thuê. Phải biết chớp cơ hội chứ không thì “đói việc” vì nhiều mối cạnh tranh”.

Những thợ gặt thuê đều là nông dân. Họ cũng có ruộng đồng, cũng phải thu hoạch đúng thời vụ. Nhưng vì điều kiện kinh tế không mấy khá giả, con cái học hành tốn kém nên họ phải dốc sức làm việc nhà cho thật nhanh rồi đi làm thuê, thậm chí có người phải để ruộng nhà mình gặt sau và tranh thủ đi gặt thuê trước để lấy tiền.

Hiện nay, thợ gặt thuê thủ công đang lo lắng mất việc vì cánh gặt máy nhanh hơn, tiện hơn đang chiếm thị trường nên nhiều chủ ruộng chuyển sang thuê gặt máy. Gặt thủ công như họ chỉ được cái là rẻ hơn chút ít và phù hợp với những ruộng nhỏ. Trung bình, những ngày thu hoạch mùa vụ chỉ diễn ra dồn dập trong vòng 10 ngày là xong. Vậy nên thợ nào không nhanh để chớp cơ hội thì “đói”. Bình quân mỗi thợ gặt thuê, dù khỏe, chịu khó thì cả vụ cũng chỉ kiếm được không quá một triệu đồng. Và, nhiều thợ, hết vụ thu hoạch là điện thoại di động lại “…không liên lạc được”./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên