Bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 10 tại Kim Sơn (Ninh Bình):

Khiếu nại và sự thật

Nhận thấy trong nội dung khiếu nại của người dân có nhiều tình tiết đáng chú ý liên quan đến chính sách đền bù, phóng viên VOV đã về huyện Kim Sơn để tìm hiểu. Và sự thật không phải hoàn toàn đúng như đơn khiếu nại…

Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 10, đoạn qua huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được đánh giá sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực về kinh tế, xã hội cho người dân trong và ngoài vùng dự án. Tuy vậy, xung quanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để lấy đất thực hiện dự án đã và đang có nhiều ý kiến khác nhau của các hộ dân ở ven quốc lộ 10 tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn.

Lấy đất của dân sao không bồi thường?

Trong đơn phản ánh đến Báo TNVN, hơn 40 hộ dân của xóm 3, 4, 5 và xóm 10 của xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn cho biết: diện tích đất mà họ đang sinh sống hiện nay có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được cha ông để lại, nằm mép chân quốc lộ 10. Diện tích đất trên của họ đã được thừa nhận, ghi tên diện tích đất đai rõ ràng tại bản đồ 299 năm 1987.      

Tháng 12/1990, thực hiện Quyết định 449 của UBND tỉnh Hà  Nam Ninh về cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường quốc lộ 10 và thông báo về giải phóng mặt bằng hành lang khu vực quốc lộ 10 của UBND huyện Kim Sơn, các hộ dân đã chấp hành nghiêm chỉnh, tháo dỡ nhà cửa, lều quán, phát quang cây cối… tính từ tim đường ra 2 bên là 9m. Nhiều năm trôi qua, các hộ dân vẫn sinh hoạt trên diện tích đất trên. Đến khi dự án mở rộng quốc lộ 10 triển khai thì phần diện tích đất này bị lấy phục vụ dự án nhưng người bị mất đất lại không nhận được tiền bồi thường.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tài, xóm 5, xã Ân Hòa đại diện cho hơn 40 hộ dân bày tỏ bức xúc:  “Không hiểu sao, đến năm 1995, khi tiến hành xác định mốc giới để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chính quyền xã, huyện đã tự ý không đưa diện tích phần hành lang trên vào giấy chứng nhận. Rồi khi làm đường, chính quyền cũng không ra quyết định thu hồi phần diện tích đất trên, còn bồi thường thì chỉ tiến hành bồi thường cho tài sản trên đất. Thật bất công vì đất của chúng tôi có nguồn gốc từ thời cha ông để lại, là đất thổ cư, không tranh chấp, không khiếu nại thì tại sao lại không được cấp GCNQSDĐ? Tại sao chúng tôi lại không được bồi thường khi Nhà nước lấy diện tích đất trên?”.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, cũng ở xóm 5 nói: “Cũng giống chúng tôi, tại sao có hộ lại được cấp GCNQSDĐ ra tận mép  đường, có hộ lại được cân đối từ diện tích đất nông nghiệp sang diện tích đất ở như hiện nay? Phải chăng chính quyền đã có sự ưu ái riêng biệt? Khi cấp GCNQSDĐ, người dân cũng không hay biết một phần diện tích của mình đã không được đưa vào, cũng như chẳng biết lý do tại sao. Đến nay, khi có dự án này, những người dân như chúng tôi mới té ngửa ra mình đã mất đất từ bao giờ”…

Đó cũng là những nội dung chủ yếu mà trong đơn gửi Báo TNVN, các hộ dân ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn đã phản ánh, mong mỏi được làm sáng tỏ.

Có lý nhưng dân chưa thấu?   

Để làm sáng tỏ sự việc trên, ngày 25/12/2009, phóng viên Báo TNVN đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn. Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Dự án quốc lộ 10 là một công trình trọng điểm được huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đặc biệt quan tâm. Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 10 đi qua xã Ân Hòa liên quan đến gần 500 hộ dân. Việc giải phóng mặt bằng tại xã Ân Hòa được UBND huyện Kim Sơn thực hiện công khai, dân chủ. Lãnh đạo huyện và Hội đồng Giải phóng mặt bằng đã trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân nên cơ bản được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Tuy nhiên, dù đã tăng cường đối thoại trực tiếp, nhưng đến nay, một số hộ dân tại xã Ân Hòa vẫn chưa đồng tình với phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khiến dự án phải đình trệ trong một thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án, cũng như tiến độ giải ngân của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Những hộ dân xã Ân Hoà trong buổi tiếp xúc với phóng viên

Cũng theo ông Quảng, với quan điểm luôn đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân, bản thân ông cùng Hội đồng Giải phóng mặt bằng đã nghiên cứu rất kỹ toàn bộ hệ thống văn bản theo đúng qui định của pháp luật để đảm bảo nhân dân không bị thiệt và cán bộ chính quyền cũng không làm sai. Tuy nhiên, việc bồi thường diện tích đất ven quốc lộ 10 theo yêu cầu của các hộ dân là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những cơ sở pháp lý mà Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn dẫn chiếu là có căn cứ.

Thứ nhất, Quyết định 06-CT ngày 3/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thực hiện Nghị định số 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về Điều lệ bảo vệ đường bộ đối với các quốc lộ, tại Mục 2 của phần “Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm điều lệ bảo vệ đường bộ trên Quốc lộ 1 và các quốc lộ khác” có quy định: “Trên các quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, tất cả các công trình như đường điện, đường bưu điện, mương máng thủy lợi, các công sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, lều, quán của tư nhân… đã làm trong khu vực lưu không do các cấp chính quyền, phường xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký Quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hành lang của lưu thông. Nhà nước miễn phạt và không đền bù”. Trên cơ sở đó, ngày 31/7/1990, UBND tỉnh Hà Nam Ninh đã ban hành Quyết định 499/QĐ/UB về hành lang bảo vệ đường bộ và chỉ giới xây dựng là 18m, theo đó hai bên đường sẽ lấy ra 9m, tính từ tim đường.

 Thứ hai, ngày 13/10/1995, Tổng cục Địa chính đã ban hành Công văn số 1427 CV/ĐC về hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp GCNQSDĐ, trong đó có nội dung cần xem xét khi tiến hành cấp GCNQSDĐ, đó là: Đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, được chính quyền xã, phường, thị trấn xác nhận và làm đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước.

Như vậy, đối chiếu với các văn bản pháp luật của Nhà nước và của UBND tỉnh, thì diện tích đất mà các hộ dân thắc mắc không được làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cũng như không được bồi thường lại chính là diện tích đất nằm trong chỉ giới hành lang lưu không đường bộ. Chính vì nằm trong diện tích đất bị điều chỉnh bởi các qui định pháp luật nêu trên nên năm 1996, UBND huyện Kim Sơn đã không thể cấp GCNQSDĐ cho người dân đối với diện tích đất nêu trên.

Đến nay, khi triển khai dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 10, diện tích đất nêu trên đương nhiên là không thuộc đối tượng được bồi thường khi giải phóng mặt bằng. Bởi theo qui định tại Quyết định 06-CT của HĐBT (đã dẫn) thì đây là đất của Nhà nước, các cơ quan, cá nhân có công trình, nhà ở… phải tự di chuyển, trả lại mặt bằng, Nhà nước không đền bù. Chính vì vậy, việc người dân đòi hỏi phải có quyết định thu hồi và bồi thường là không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Đúng như ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã nói: “Không thể có chuyện đất của Nhà nước, thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nay Nhà nước lấy làm dự án lại bỏ tiền ra bồi thường cho chính Nhà nước!...”.

UBND xã Ân Hòa phải chính thức xin lỗi dân    

Ông Trần Hồng Quảng cũng thẳng thắn thừa nhận, sở dĩ có những thắc mắc, thậm chí phản đối, khiếu kiện trong một bộ phận dân cư tại xã Ân Hòa là do khi thực hiện các quyết định lấy đất phục vụ cho hành lang bảo vệ đường bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là thiếu sót lớn nhất của chính quyền cơ sở trước nhân dân. Chính vì không phổ biến cặn kẽ đến từng người dân, nên khi triển khai dự án, người dân mới ngạc nhiên khi biết đất đó không còn là của mình, dẫn đến bức xúc là điều hoàn toàn dễ hiểu. Và cũng vì lý do đó mà các ban, ngành không chỉ của huyện Kim Sơn mà cả tỉnh Ninh Bình đang phải tập trung giải quyết để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề trên, từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án đúng tiến độ được giao.

Về việc cấp GCNQSDĐ cho một số hộ ra tận mép đường; việc cân đối đất 5% vào diện tích đất ở được cấp GCNQSDĐ nay lấy phục vụ dự án lại không có quyết định thu hồi, ông Quảng cũng thừa nhận đó là sai sót trong công tác tham mưu, quản lý của cán bộ UBND xã Ân Hòa. Để khắc phục những sai sót trên, đồng thời đảm bảo sự công bằng, UBND huyện Kim Sơn đã yêu cầu xã Ân Hòa cân đối đúng diện tích đất 5% cho các hộ dân, yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường thu hồi lại những GCNQSDĐ đã cấp sai. Riêng UBND xã Ân Hòa phải chính thức xin lỗi nhân dân trong việc cấp GCNQSDĐ sai đối tượng, sai diện tích.

Đúng - sai phải rõ ràng, lý tình phải trọn vẹn - Với phương châm chỉ đạo đó của UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi tin rằng việc khiếu nại đông người ở xã Ân Hòa sẽ nhanh chóng được giải quyết dứt điểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên