Khổ vì nhà tái định cư: Khi lời hứa chỉ là lời hứa

Không chỉ có những lời hứa không được thực hiện, những kiến nghị cấp thiết của người dân sống tại các khu tái định cư này cũng “bặt vô âm tín”

LTS: Sự xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng không chỉ xảy ra tại các khu chung cư cao tầng cũ ở Hà Nội. Ngay tại những tòa nhà tái định cư vừa đưa vào sử dụng một, hai năm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người dân ở đó đang phải đối mặt với khó khăn như thế nào, và tại sao những tòa nhà gần như mới toanh ấy, lại xuống cấp, xập xệ nhanh đến thế?

Trong loạt phóng sự về nỗi khổ của người dân thành phố tại những tòa nhà tái định cư, phóng viên VOV sẽ đề cập đến vấn đề này.

Nhiều người tưởng đây là nhà hoang hơn là khu tái định cư Đồng Tàu (Ảnh: Dân trí)

Lún nứt, nhem nhuốc, mất mỹ quan - là thực trạng đang diễn ra tại nhiều khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Điển hình trong số đó là khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt; khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai; khu tái định cư Nam Trung Yên, Cầu Giấy; khu tái định cư Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Dù mới đưa vào sử dụng, nhưng thật khó để nhận ra đó là những tòa nhà vừa được xây dựng vài ba năm về trước.

Tại khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai - nơi được coi là “tai tiếng” nhất về thực trạng nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Hầu hết các tòa nhà đều bị sụt lún, hỏng hóc đường nước, chập chờn đường điện. Từ khi chuyển về khu tái định cư Đồng Tàu (năm 2007), chưa một lần người dân nơi đây an tâm về chỗ ở của mình.

Ông Trần Văn Quỳnh, trú tại nhà N6 bức xúc: “Gia đình tôi được chuyển về đây từ năm 2007 đến nay. Như anh nhìn thấy đấy, điện nước, an ninh trật tự luôn là nỗi bức xúc, chưa bao giờ chúng tôi yên tâm. Thay vào đó là tâm trạng bất an”.

Sự bất an của người dân là điều dễ hiểu. Bởi ngay sau khi đưa vào sử dụng, tại chân các tòa nhà liên tiếp xuất hiện nhiều hố sâu do sụt lún, bộ khung của tòa nhà nhiều nơi bị nứt toác, có chỗ rộng cả gang tay. Trước tình trạng đó, đơn vị quản lý tòa nhà đã “chữa cháy” bằng cách đổ cát, trát xi măng vào các hố sâu. Tất nhiên, sự cải tạo tạm bợ, cẩu thả đó cũng chỉ tính được bằng ngày.

Không chỉ sụt lún, hệ thống điện, nước, cầu thang của tòa nhà lúc nào cũng trong tình trạng có “vấn đề”. Do hệ thống cấp nước lên mái và cấp xuống cho từng căn hộ cùng một đường ống, nên khi vận hành, áp lực bơm quá lớn đã phá hỏng toàn bộ hệ thống vệ sinh, đường nước của các hộ dân, làm nước thấm vào tường và chảy vào nhà lênh láng (điều này đã được Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thừa nhận).

Hệ thống điện cũng chập chờn không kém, đặc biệt là điện chiếu sáng công cộng. Đã 5 năm, kể từ khi khu chung cư đưa vào sử dụng, hệ thống điện chiếu sáng xung quanh các tòa nhà cũng chỉ là những cột điện trơ trọi, không bóng, không dây. Lợi dụng sự tăm tối này, các đối tượng nghiện ma túy tụ tập tại đây để hút, chích. Điển hình, là đầu tháng 8 vừa qua, một thanh niên, quê ở Thanh Hóa đã bị sốc thuốc, chết ngay dưới tòa nhà N4.

Ông Trần Văn Sáu, Tổ trưởng Tổ 30B, phường Thịnh Liệt ngán ngẩm: “Chúng tôi đề nghị phải giải quyết ngay hệ thống chiếu sáng cho bà con. 4 năm nay, bà con rất bức xúc, đường sá tối om, khi đêm xuống, người dân không dám ra đường. Hệ thống nắp hố ga cũng chưa được hoàn chỉnh, đã có trường hợp trẻ con đi chơi thụt xuống đấy rồi”.

Sự nhếch nhác tại khu tái định cư Đồng Tàu cũng là thực trạng chung của một số khu tái định cư khác trên địa bàn Hà Nội. Tại khu tái định cư Đền Lừ II, dù mới được xây dựng, nhưng tình trạng “chuồng cọp” đã mọc lên nhan nhản, cầu thang bị chiếm dụng, sân chơi biến thành nơi để ô tô của những người từ đâu đến mà người dân trong tòa nhà không hay biết.

Hiện tượng sụt lún nghiêm trọng tại các toà nhà của khu tái định cư Đồng Tàu

Đặc biệt, do lỗi kỹ thuật khi xây dựng, nước thải của một số tòa nhà đã tràn ra ngoài, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tại khu để xe của nhà A1, A4, có tháng nước thải ngập ngụa hai ba lần, người dân đành chấp nhận sống chung với mùi hôi thối. Còn hệ thống thang máy thì người dân kháo nhau rằng: Đây là thang máy rẻ tiền nhất trong các loại thang máy, bởi thường xuyên rơi vào tình trạng lúc chạy lúc không.

Bà Hoàng Lan Anh, trú tại nhà A4, khu tái định cư Đền Lừ II hoài nghi: Không hiểu vì sao trước khi bàn giao mặt bằng nơi ở cũ tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), cơ quan chức năng thành phố, quận Thanh Xuân lại hứa nhiều đến thế?. “Trước khi chúng tôi về đây, họ hứa là yên tâm về đây đâu sẽ có đó. Nhưng ở đây 4 năm chẳng có điều gì hứa được thực hiện cả. Mọi chuyện cứ ngược lại. Nước thải ngập ngụa khắp nơi rất mất vệ sinh… Không hiểu vì sao họ hứa nhiều đến thế”, bà Anh đặt câu hỏi.

Đúng là lời hứa chỉ là lời hứa? Những người có trách nhiệm không chỉ “nuốt lời” khi từng hứa: bà con chuyển đến nơi ở mới sẽ tốt, thuận tiện hơn nơi ở cũ… Ngay khi phải sống chung với “sự đã rồi”, những kiến nghị hết sức cấp thiết như: bảo dưỡng đường điện, đường nước, vệ sinh môi trường… cũng “bặt vô âm tín”.

Các chuyên gia xây dựng và những người có trách nhiệm của thành phố Hà Nội nói gì? Đó là nội dung mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau của phóng sự này./.

Kỳ tiếp: Người dân không được quyền chọn lựa

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên