Không còn lênh đênh

“Được lên bờ” - cái tin ấy khiến những cư dân vạn đò mừng lắm. Mai này đây, cuộc đời của những đứa trẻ vạn đò sẽ khác, không còn thất học, không lo đuối nước và được bình yên mỗi khi trời giông gió, sụt sùi…

Theo con số thống kê mới nhất, toàn thành phố Huế có 1.069 hộ vạn đò với tổng số 6.136 nhân khẩu, tập trung tại các phường Vĩ Dạ, Phú Hiệp, Phú Bình, Kim Long... Họ sống chủ yếu bằng các nghề khai thác cát sạn, đánh bắt, nuôi cá, đạp xích lô và buôn bán nhỏ. Dù những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ cuộc sống của người dân, song cho đến nay, những tiêu chí tối thiểu vẫn còn là điều xa lắc.

“Bản trường ca” nghèo đói, thất học

Trong lòng thuyền vỏn vẹn 15m2, bà Hà Thị Son (phường Phú Hiệp) bó gối ngồi nghe những hạt mưa dấm dứt, gõ nhịp khoan nhặt trên mái tôn. Những chiều mưa thế này, tâm trạng bà lung lắm, lan man nơi nào xa lắc… Thế rồi, khi những giọt mưa bắt đầu rớt loang lổ trong lòng thuyền, bà mới giật mình, trở về thực tại, cuống cuồng hô hào cậu con út tìm nồi xoong hứng dột…

Toàn thành phố Huế có 1.069 hộ vạn đò với tổng số 6.136 nhân khẩu

Sau một hồi xoay sở, mệt lừ, bà cười nói với chúng tôi mà như mếu: “Ở thuyền đò như ri khổ lắm cô ơi. Nước trên trời đổ xuống, nước dưới sông đùn lên. Vài năm lại phải bỏ vài triệu sửa chữa mà chẳng ăn thua…”.

“Ngôi nhà” của gia đình bà chẳng khác nào chiếc áo con nhà nghèo được vá chằng, vá đụp. Dù cho bà và đám con có khéo khâu vá đến mấy thì những ngày mưa thế này, tìm được góc khô ráo là chuyện may.

Đã 60 tuổi có lẻ, bà cũng như những cư dân vạn đò không còn nhớ gốc tích mình ở đâu. Chỉ biết rằng, đời cha, đời ông rồi đến đời con, cháu mình sinh ra và lớn lên trên dòng sông này và cũng bấy nhiêu đời quanh quẩn với cái vòng tròn: nghèo - đông con - thất học. Như gia đình bà, chồng đạp xích lô, vợ buôn thúng, bán mẹt, nuôi được ngày 2 bữa cho 14 đứa con đã là chuyện lạ, nói gì đến chuyện cho chúng học.

Bà buồn buồn, tâm sự: “Có mô xa, cách đây mấy năm vẫn đói ròng. Trong 3 ngày, cả nhà chỉ có 2 lon gạo nấu cháo, nói chi chuyện học cho xa vời. 14 đứa con tui, đứa mô giỏi lắm là học hết lớp 5. Ở sông nước học lớp mô hay lớp đó, biết cái chữ là được rồi…”.

Đông con nên cái việc tưởng là đơn giản, tối thiểu nhất là nhớ tên đám con với bà đã là chuyện khó. 14 đứa con, bà Son chỉ còn nhớ được tên và năm sinh của 3 đứa!!!

16 con người sống trong lòng thuyền chật hẹp, sự vất vả, cực khổ dường như đã đi đến tận cùng, thế nhưng, những cư dân vạn đò như bà Son còn canh cánh nỗi lo. Ban ngày sấp ngửa lo miếng cơm, đêm về ngủ trên chiếc thuyền trống hoác với nơm nớp nỗi lo mất con, mất cháu do đuối nước. Cách đây nhiều năm, bà Son đã bị mất đi một đứa con do đuối nước, sáng ngủ dậy đau đớn vớt xác con. Rồi cũng trên chiếc thuyền này, mới cách đây chưa đầy 2 năm, bà gạt nước mắt khi dòng sông ấy lại cướp đi thằng cháu nội. Chỉ cần một đêm ngủ say, một chút lơi là, một con thuyền chạy ngang, sóng nước bập bềnh... là cuộc đời con trẻ vạn đò lại mong manh, chấp chới!

Những cư dân vạn đò sống trên dòng sông Đông Ba, sông Hương không chỉ đối mặt với những nỗi lo cơm áo, mà ở họ, sự mặc cảm luôn hiện hữu vì là “một góc lặng buồn” của xã hội.

Nơi quán cóc buồn tênh ngay phía trên của “ngôi nhà” thuyền chài, chị Hà Thị Khôi ở thuyền 068 vừa sắp xếp lại những gói kẹo lèo tèo, vừa buồn buồn nói: “Chuyện chi xấu, bẩn, gây mất vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội cũng đều đổ cho dân vạn đò… Buồn lắm cô ạ!”

Theo thống kê, hiện có tới gần 2.000 dân vạn đò mù chữ (chiếm 32%), trong đó trẻ em trong độ tuổi từ 7 - 10 là 77 em. Với anh Huỳnh Văn Tuấn, đời cha thất học mà đời con học đến hết cấp 1 là “ác liệt” lắm rồi. “Miếng ăn không đủ, nói chi chuyện học cô ơi! Cho bọn hắn học, biết cái chữ ra đời mà quăng quật, tự lo như rứa là hết sức rồi!”, anh Tuấn than thở.

Khao khát lên bờ

Nếu như nghèo đói, thất học, những “trường ca” khiến nỗi buồn của cư dân vạn đò thêm dai dẳng bao nhiêu thì nỗi khát khao được lên bờ, được có ngôi nhà trên đất liền lại càng lớn bấy nhiêu.

Do bức xúc về cuộc sống của bà con, từ năm 2004, lãnh đạo thành phố Huế đã đề nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án tái định cư và ổn định cuộc sống cho dân vạn đò với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.

Ngày 22/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 117/TTg/KTTH đồng ý cho phép UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế được tạm ứng từ vốn ngân sách Trung ương để triển khai dự án trong năm 2008. Theo đó, trong 2 năm 2008 - 2009, Trung ương đã cấp 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn thành lập “Quỹ xây dựng chung cư, nhà liên kế hỗ trợ dân tự làm nhà”.

Hiện nay, thành phố đã triển khai xây dựng khu định cư tại Phú Mậu (Phú Vang) và đang xây dựng 420 nhà liên kế, một số công trình công cộng và phúc lợi. §ã triển khai xây dựng khu định cư tại Hương Sơ, dự kiến làm 336 nhà liên kế. Tại phường Phú Hậu sẽ xây dựng 8 chung cư 3 tầng để bố trí 208 hộ. Trước mắt, thành phố tập trung bố trí tái định cư cho hộ dân vạn đò các phường Vỹ Dạ, Phú Hiệp, Phú Bình, Kim Long, Hương Sơ và phường An Hoà... Hiện nay, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để trong quý  II/2009 công tác di dân có thể bắt đầu.

Tại phường Phú Hiệp, một trong những phường có số hộ dân vạn đò lớn nhất, với 173 hộ, 1.309 nhân khẩu sống trên sông nước, công tác chuẩn bị cho cuộc di dời, tái định cư cho dân vạn đò đang được triển khai.

Ông Trần Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch phường Phú Hiệp cho biết: “Cho đến nay công tác chuẩn bị của chúng tôi đã hoàn tất. Từ tuyên truyền, vận động, họp dân, nắm bắt nguyện vọng của họ để báo cáo lên thành phố để có những giải pháp an sinh phù hợp cho nhóm dân cư. Hiện các hạng mục điện, đường, trường, trạm đã hoàn tất. Tháng 5 này, chúng tôi bắt đầu di dời những hộ đầu tiên, dự kiến đến hết năm 2009 sẽ tái định cư, ổn định cuộc sống cho 100% dân vạn đò trên địa bàn phường”.

Từ ngày nghe tin được “lên bờ”, bà Son cũng như những cư dân vạn đò mừng lắm. Sống sắp trọn kiếp người nên sự vui mừng đó không chỉ bởi cho tuổi già bớt cực khổ mà còn bởi tương lai của cháu con, vậy là từ nay có cơ hội chấm dứt cảnh lênh đênh trên sông nước. Rồi mai này, cuộc đời của những đứa trẻ vạn đò sẽ khác, chúng không còn thất học như những thế hệ đi trước, nỗi lo đuối nước cũng không còn đe dọa. Rồi cuộc sống của người dân cũng sẽ bớt đi những khó khăn cực nhọc, và trước hết, họ không còn nữa những nỗi buồn, nỗi lo lắng mỗi khi trời giông gió, sụt sùi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên