Kiếm cơm từ tay… tử thần

Rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra với dân rà tìm phế liệu, thế nhưng nhiều người vẫn lý sự “sinh nghề tử nghiệp” để che đậy nỗi sợ hãi và liều lĩnh của mình.

Ở miền Trung, rà tìm phế liệu chiến tranh đang được nhiều người coi như là một nghề kiếm sống hàng ngày.

Người người tìm phế liệu

Nếu như trước đây công việc này được tiến hành bằng các công cụ thô sơ như cuốc, xà beng, xăm xỉa đào bới một cách mò mẫm, thì nay, 100% dân rà tìm phế liệu được trang bị máy dò tìm kim loại các kiểu gọn nhẹ tiện lợi, dò được những độ sâu khác nhau. Loại dò được độ sâu trong lòng đất 0,6 - 1m, giá bán trên thị trường chỉ 500.000 - 600.000 đồng; loại 1 - 1,5m, từ 1- 1,5 triệu đồng.

Nhờ trang bị tiên tiến hơn, nên không nhiều thì ít, khi thì vài kg sắt, khi thì ít nhôm, đồng, thu nhập của người dân nhờ vậy ổn định hơn rất nhiều. Tìm hiểu qua một vài tay săn phế liệu ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, chúng tôi được biết, mỗi ngày bình quân thu nhập 60.000 - 70.000 đồng, nếu trúng ổ, thì có khi ôm bạc triệu. Nhiều người đã đã vớ bẫm khi dò được hầm đạn củ bán được cả chục triệu đồng... Với mức giá hiện nay, sắt 3.000 đồng/kg, nhôm 12.000 đồng/kg, đồng 15.000 đồng/kg, sáng mang cơm đi, chiều chở hàng về bỏ mối, tiền tươi cầm tay...

Từ vùng núi đến đồng bằng, đâu đâu cũng gặp những tốp người mang vác, nai nịt như công nhân mỏ lùng sục rà tìm, đào bới đến tận các hang cùng ngõ hẻm. Tập trung số lượng người sống bằng nghề rà tìm phế liệu chiến tranh nhiều nhất hiện nay là ở các huyện Phong Điền, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), Cam Lộ, Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị)... Thậm chí ở Cam Lộ còn hình thành cả những làng rà tìm phế liệu, với đủ thành phần nam, nữ, thanh niên đến ông già, con trẻ tham gia.

Một điểm thu mua phế liệu

Ở căn cứ Vũng Bồng (Phong Điền - Thừa Thiên Huế), tại một doanh trại thiết giáp cũ của Ngụy ngày xưa, có ngày tôi đếm được trên 50 người thay nhau đào bới. Ở đây đã hình thành cả một làng thu mua và rà tìm phế liệu, quanh năm người dân chỉ săn tìm phế liệu kiếm sống, những nghề khác hầu như bị xem nhẹ. Còn lên Cam Lộ (Quảng Trị), “phong trào” này càng sôi động hơn, bởi vùng đất này đã từng nổi tiếng với những căn cứ tập trung khí tài, bom, đạn phục vụ cho chiến tranh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tà Cơn, Khe Sanh... Mỗi ngày có hàng tấn phế liệu được gom nhặt chất đống dọc Đường 9 cho các đại lý thu mua.

Nuôi sống và làm giàu trên mồ hôi thậm chí cả máu của dân phế liệu lại chính là các đầu nậu mua bán phế liệu. Họ có các đại lý vệ tinh lưu động thu mua khắp mọi nơi, tận dụng cả những bà đồng nát vào tận các thôn bản gom nhặt. Trên đoạn đường từ Huế ra thị trấn Phong Điền chưa đầy 30 km, tôi đã đếm được 10 điểm thu gom sắt thép phế liệu. Trên tuyến Đường 9 từ Quốc lộ 1 đến hết địa phận huyện Cam Lộ chưa đầy 30 km, cũng có tới 15 điểm thu mua tập kết phế liệu.

Ghé vào một đại lý sắt vụn bên đường ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), dù đã từng là lính, tôi vẫn không dám sờ vào những đầu đạn 75 ly, 105 ly vứt bừa bãi ngổn ngang, có quả vẫn còn nguyên cả thuốc nổ. Chị chủ đại lý cho biết, với loại đầu đạn 75 ly không còn thuốc nổ, giá mua vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, nếu còn nguyên thuốc, giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Loại 105 ly có giá từ 120.000 -150.000 đồng/kg, loại còn thuốc giá từ 250.000 - 350.000 đồng/kg...

Mỗi năm, mỗi đại lý cũng thu mua được tối thiểu 15-20 tấn sắt, thép, bom, đạn phế liệu. Sự cạnh tranh mua bán giữa các điểm thu mua cũng rất gay gắt. Để lôi kéo dân phế liệu bán cho mình, các đại lý thường cho ứng trước tiền cả tháng, người rà tìm được chỉ việc đem hàng về cân đong trừ dần vào tiền ứng trước.

Bất chấp hiểm nguy vì miếng cơm manh áo

Kinh doanh phế liệu chiến tranh cũng có vẻ là nghề ăn nên làm ra, nên mấy năm nay các điểm thu mua phế liệu mọc lên ngày một nhiều, bất chấp những khuyến cáo của các cấp chính quyền cơ sở về ô nhiễm môi trường và mất an toàn trong khu dân cư. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ kẻ mua, người bán coi như một nghề kiếm cơm đơn thuần thì không nói làm gì. Đằng này, những người dân phế liệu chiến tranh, cũng như các đại lý thu mua hiểu rõ hơn ai hết những tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào từ đống phế liệu ấy. Biết bao thảm cảnh đã xảy ra từ những nhát cuốc đào bới trong vòng tay của tử thần, hàng trăm người đã bỏ mạng từ cái nghề kiếm cơm có một không hai này. Nhưng những cái chết được báo trước ấy vẫn không ngăn được cái lợi ít bé nhỏ trước mắt và những đồng tiền nóng hổi trên tay.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, ở Thừa Thiên-Huế từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 100 vụ nổ xảy ra, cướp đi sinh mạng của 115 người. Còn ở Quảng Trị, theo con số thống kê của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen), từ năm 1975 đến nay, đã có khoảng 6.848 người chết và bị thương, trong đó phần lớn là những người làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh. Con số thống kê tiếp tục tăng lên khi nhiều người vì miếng cơm manh áo vẫn bất chấp nguy hiểm dấn thân vào. Đau lòng hơn là trong “đội quân” đi rà tìm phế liệu chiến tranh ấy có không ít trẻ em. Ngay giữa thành phố Đông Hà, khu phố 2, phường 4 là nơi có rất nhiều người làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh. Cả khu phố 300 hộ đã có 29 người đã thiệt mạng, gần 40 người bị thương nặng vì mìn nổ trong lúc rà tìm phế liệu chiến tranh.

Trẻ em cũng tham gia săn tìm phế liệu

Tôi về Phong Điền nơi có lượng người tham gia đào bới phế liệu nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế, được mọi người kể cho nghe câu chuyện thương tâm của anh Q, một trùm khai thác phế liệu, sành sỏi nhưng liều lĩnh. Khi đầu đạn được đào lên phát nổ, anh bị thương được bạn bè đưa về nhà, biết mình không qua khỏi, anh dặn vợ ở vậy nuôi con. Nhưng lấy gì để nuôi, thế là chị vợ trẻ với máy rà, cuốc, xẻng tiếp bước chồng vào con đường... rà tìm phế liệu.

Rất nhiều câu chuyện đau lòng như thế đã xảy ra, nhưng với dân rà tìm phế liệu, nhiều người vẫn lý sự “sinh nghề tử nghiệp”, nghề nào chẳng đổ mồ hôi và máu để kiếm miếng cơm, nhằm che đậy nỗi sợ hãi và liều lĩnh của mình. Có người khi lên đường hành nghề sáng nào cũng đốt nén hương khấn vái trời đất cầu an, cầu phúc, nhưng ngăn làm sao được bóng dáng tử thần rình rập mọi lúc, mọi nơi.

Cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, nhưng những cái chết từ bom đạn chiến tranh vẫn xảy ra đâu đó không chỉ trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, cướp đi sinh mạng của con người, trong đó đa số là những người khai thác, kinh doanh phế liệu chiến tranh.

Vẫn biết sự đòi hỏi bức bách của miếng cơm manh áo hàng ngày đè nặng lên đôi vai của họ. Nhưng không thể vì thế mà những người chưa có một chút kiến thức sơ đẳng nào về bom đạn lại tiếp tục lăn mình vào vòng tay thần chết. Các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần phải có những giải pháp tích cực hơn trong tuyên truyền, giáo dục, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân, hạn chế bớt những mất mát không đáng có./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên