Kiếp chồng chung

Lanh ôm con gái ngồi bên bậu cửa đưa đôi mắt xa xăm về phía đại ngàn mà lòng buồn tê tái. Mấy năm trước cũng cảnh ấy, vật ấy, nhưng tâm trạng của Lanh tràn đầy hạnh phúc, vì có chồng ở bên cạnh

Tuy nhiên, giờ đây anh ấy đã ở bên người khác, không còn quan tâm đến mẹ con Lanh nhiều như trước nữa. Từ ngày anh ấy lấy vợ hai, Lanh có chồng cũng như không. Cũng giống như Lanh nhiều phụ nữ ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chịu chung một nỗi đau: Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng!

Thích thì lấy

Đến ngày hôm nay, Chin vẫn không tin là chồng bỏ mình. Khi Chin mới ở tuổi trăng rằm đẹp như bông hoa rừng giữa đại ngàn thì Páo đã yêu Chin say đắm. Mối tình đẹp của Chin và Páo là niềm mong ước của bao người. 20 mùa trăng, mùa rẫy đã trôi qua Chin cùng chồng chung sống hạnh phúc. Họ sinh hạ được mấy mặt con. Tình nghĩa phu thê những tưởng gắn bó keo sơn, không có gì chia tách được. Vậy mà đùng một cái, Páo bỏ đi lấy vợ hai. Vợ chồng vốn không có mâu thuẫn gì lớn, nhưng theo lý giải của Chin: “Mình đã già rồi, anh ấy không còn yêu Chin nữa!”. Buồn hơn là Páo còn đưa luôn vợ hai về nhà ở.

Đang ngồi nói chuyện với Chin thì anh Páo về. Mới ngoài bốn mươi tuổi, nhưng Páo còn phong độ lắm. Vòm ngực nổi cuồn cuộn như trai bản ngoài đôi mươi. Páo nói chuyện về người vợ hai không hề ngượng ngùng. Páo bảo: “Cây lim, cây nghiến trên rừng còn sức sống thì tán phải lan rộng. Mình cũng vậy thôi mà. Còn sức thì mình phải lấy vợ hai”. Páo còn kể, theo phong tục của các cụ, “kéo vợ” hai về nhà vẫn ở chung được đấy thôi. Nghe Páo nói vậy, Chin không lấy gì làm ngạc nhiên. Suốt mấy năm qua, Chin “ngậm đắng nuốt cay” nhiều rồi. Chin nói ví von rằng: “Phụ nữ ở đây lấy chồng như cá chậu, chim lồng, biết thuở nào ra”.

Chung đụng gì, chứ chung đụng một người đàn ông quả là điều khó. Chắc ở đời, không một phụ nữ nào muốn thế. Hàng ngày ra vào gặp nhau, chẳng ai chịu nổi. Thế mà đã mấy mùa trăng đi qua, Chin vẫn phải sống trong tình cảnh “khó chịu” đó.
Không riêng gì các chàng trai Mông, nhiều người có chức tước hẳn hoi cũng bất chấp dư luận để đi lấy vợ hai. Ông Thào A So, trưởng bản Huổi Tao, xã Chiềng Cang cũng có 2 người vợ. Đầu đã hai thứ tóc, có nhà cửa, con cháu đề huề rồi, đáng nhẽ ở tuổi này ông phải là người làm gương cho con cháu. Vậy mà ông vẫn đi lấy vợ hai. Người vợ hai của ông còn rất trẻ, chưa đến tuổi băm. Ông Thào A So khoe: “Nó trẻ bằng đứa con đầu của mình. Mình còn khoẻ mà, cô ấy cũng ưng mình đấy chứ ”. Mặc cho gia đình khuyên ngăn, ngay cả xã cũng phản đối, nhưng ông không nghe. Giờ cô bé vẫn về sống với ông như một người trong gia đình.

Chuyện của ông So vẫn còn chưa hết râm ran, lại đến chuyện một thầy giáo có thâm niên ở Mường Lầm cũng tự “sắm” cho mình một cô vợ hai. Ông đã có mấy mặt con rồi. Không hiểu sao, tình yêu trong ông còn nảy nở khi đã ở cái tuổi ngũ thập. Người ta thì vui thú điền viên, lo cho con cháu dựng vợ gả chồng, ông lại lao vào chinh phục thêm một sơn nữ. Hôm ông “kéo” vợ về, ông ra chợ mua vài cân thịt rồi tổ chức liên hoan. Ông giới thiệu với bạn bè, hàng xóm cô vợ hai chỉ bằng tuổi cô con gái đầu của mình.

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Xã Huổi Một được coi là mảnh đất “phát” của những chàng trai thích lấy vợ hai. Thống kê sơ sơ của Hội phụ nữ xã, có tới 12 người lấy vợ hai. Đa phần họ là những người đã đứng tuổi có con cái đề huề rồi. Không giống như ở dưới xuôi, muốn lấy vợ khác, ít nhất cũng phải ly dị rồi mới được tái hôn. Đằng này các ông chồng chỉ cần ưng ai rồi đưa về nhà. Nghiễm nhiên người đó là vợ của mình rồi. Các thành viên trong gia đình phải công nhận điều đó. Theo cái lý của các ông chồng “nhà của mình, thích dẫn ai về là việc của mình”.

Chị Tòng Thị Ăn, Chủ tịch Hội phụ xã Huổi Một nói khái quát về thân phận những phụ nữ có chồng lấy vợ hai bằng hai câu thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương nghe thật chua xót: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng. Phần đông chị em ở đây không ai dám phản kháng. Đành ngậm ngùi với số phận hẩm hiu”.

Một cán bộ Hội phụ nữ kể về một chuyện xảy ra ở vùng sơn cước nghe xong vừa buồn cười và đau xót. Có một đôi vợ chồng đưa nhau ra toà án để ly dị. Khi toà hỏi đến giấy đăng ký kết hôn, lúc này họ mới giật mình hoá ra mình chẳng có giấy tờ gì liên quan đến chuyện lấy nhau. Thế là họ tự bỏ nhau, chẳng phải ra toà nữa. Đương nhiên, chỉ có người vợ là thiệt thân. Bao nhiêu năm làm lụng, vun vén, xây dựng gia đình giờ ra đi tay trắng.
Đang tiết mùa thu, nhưng trời Huổi Một mưa tầm tã. Mẹ con chị Lanh ở bản Hội Hợp đang trú mưa bên hiên nhà. Năm nay mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng chị già hơn tôi tưởng. Lanh mỉm cười mà đôi mắt đượm buồn. Đã mấy năm nay Lanh và cô con gái phải ở riêng nhà. Cách chỗ mẹ con chị ở không xa là nhà của chồng chị và cô vợ hai ở. Trước đây, anh chị từng sống hạnh phúc ở chính căn nhà đó. Chị đã có bao kỷ niệm đẹp: cày ruộng, phát rẫy, đi nương, làm gì anh chị cũng có nhau. Tuy nhiên, từ ngày lấy cô vợ hai là Vàng Thị Chư, anh Cha (chồng chị) bỏ mặc mẹ con chị ngoài căn nhà này. Thỉnh thoảng đứa con gái nhớ bố quá, nó lại chạy lên nhà trên. Riêng chị Lanh thì không dám lên. Tự nhiên ngôi nhà đó quá đỗi xa lạ với chị. Mỗi lần chạm trán cô vợ lẽ, chị cứ thấy ngượng ngượng. Mang tiếng là vợ cả, nhưng chị chẳng có tý “quyền” gì. Hơn nữa, anh ấy rất chiều vợ hai, chị phản đối thì chỉ chuốc lấy những trận đòn mà thôi.

Những phụ nữ bị phụ bạc mà tôi đã từng gặp ở Sông Mã mỗi người, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng họ có chung nỗi ưu phiền là bị chồng khinh miệt, lạnh nhạt. Như trường hợp chị Vàng Thị Si cũng ở bản Hội Hợp đã bao lần chị định quyên sinh cho đời bớt khổ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mấy đứa con còn nheo nhóc, chị lại từ bỏ ý nghĩ đó. Lao động vất vả, cuộc sống khổ sở đến đâu chị cũng chịu được. Vậy mà cảnh “chung chồng” sao mà khó sống đến vậy. Cứ mỗi khi chiều về, ánh hoàng hôn buông xuống, chị lại sợ cảnh đó đến thế. Một nỗi cô đơn lại ùa về bên chị. Chị và chồng đã từng có quãng thời gian hạnh phúc “má ấp vai kề” và anh chị đã có với nhau tới 7 mặt con. Giờ đây với chị cảnh đó chỉ còn là kỷ niệm. Chị đành ngậm ngùi để anh ấy chung vui với người khác.

Ngăn kiểu gì cũng khó

Trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi miền sơn cước, tôi đã từng chứng kiến bao cặp vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau. Đặc biệt là những phụ nữ người Mông, họ đã lấy chồng là sống hết lòng vì chồng, vì con cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Sự chung thuỷ của các cô gái người Mông đáng được trân trọng. Vậy mà, trong chuyến đi Sông Mã lần này gặp những trường hợp “chung chồng” thấy họ thật tội. Theo chị Tòng Thị Tiện, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Sông Mã, gần 30 trường hợp lấy vợ hai. là những con số do Chi hội cơ sở báo cáo. Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều, vì không thông kê hết được.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên của tình trạng này là các ông chồng được toàn quyền quyết định mọi chuyện trong gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn mang dấu ấn nặng nề ở miền sơn cước này. Vấn đề bất bình đẳng giới ở các xã vùng cao vẫn diễn ra. Phụ nữ không dám phản kháng và càng không nghĩ đến chuyện đưa nhau ra toà để ly dị. Viết đơn ly dị là việc ngoài tầm tay họ.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề đăng ký kết hôn ở nhiều xã vùng cao vẫn là việc nan giải. Trai gái ưng nhau thì về ở với nhau, trong khi họ chưa đủ tuổi kết hôn. Hiếm khi họ đưa nhau xuống xã đăng ký kết hôn. Đặc biệt là với những đôi vợ chồng đã ở cái tuổi ngũ thập - thuộc về thế hệ trước. Do vậy, khi các ông đòi lấy vợ hai thì các bà vợ đều lép vế cả về lý lẫn về tình. Hơn nữa, phụ nữ ở đây lại hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng. Do vậy, đa phần họ cam phận sống cảnh “chồng chung”, rất ít phụ nữ dám bước qua cái bậu cửa của nhà chồng để tìm một cuộc sống mới cho mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên