Về chuyện “áp vong tìm mộ”:

Kỳ 1: Bùng phát “Trung tâm” tìm kiếm mộ liệt sĩ

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 15 “Trung tâm” tự xưng và tự nhận là có khả năng tìm kiếm được mộ liệt sỹ

LTS: Tìm được hài cốt liệt sỹ còn nằm lại nơi chiến trường xưa là mong mỏi, khát vọng của đồng đội và thân nhân liệt sỹ; đồng thời là việc làm được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn luôn coi trọng. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với những chiêu lừa đảo quanh chuyện tìm mộ liệt sỹ. Việc tự xưng là “nhà ngoại cảm” để mở ra hàng loạt “trung tâm” tìm kiếm mộ liệt sỹ đang diễn ra ở Nghệ An là rất đáng quan tâm. Càng đáng quan tâm hơn, sau khi nhiều người đến các “trung tâm” để “áp vong tìm mộ” đã phải nhập viện vì rơi vào trạng thái tâm thần, hoảng loạn. Phóng viên VOV đã thâm nhập thực tế và cảnh báo hiện tượng này.

Ngóng chờ áp vong liệt sỹ ở Trung tâm của cô Lê Thị Hoà

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 15 “Trung tâm” tự xưng và tự nhận là có khả năng tìm kiếm được mộ liệt sỹ. Đã có hơn 15.000 người đến đăng ký tìm kiếm, nhưng mới chỉ có vài trăm người tìm được hài cốt và độ xác thực vẫn chưa được kiểm chứng. Trong khi đó, nhiều biểu hiện lợi dụng, "ăn theo" đã phát sinh, khiến cơ quan chức năng phải ra tay chấn chỉnh.

Tự xưng

Trong tiết trời nóng như thiêu như đốt, chúng tôi có mặt tại Trung tâm tìm mộ liệt sỹ của cô Phan Thị Hạnh, xóm Hòa Hội, xã Nam Cát (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Vào tháng 10/2010, gia đình cô Hạnh đến nhà ông Tuấn ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) để nhờ tìm kiếm mộ liệt sỹ Phan Văn Dũng (là chú ruột của Hạnh) bằng phương pháp ngoại cảm. Theo trình bày của Hạnh, sau khi tìm được mộ chú trở về, vong của liệt sỹ Dũng tiếp tục ứng vào và yêu cầu Hạnh giúp đỡ tìm gặp người nhà của đồng đội liệt sỹ Dũng để đưa về quê an táng. Vẫn theo cô Hạnh ngày 15/12/2010, vong của liệt sĩ Dũng đã ứng vào Hạnh, hướng dẫn cô lập bàn thờ và mở Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ tại nhà.

Vừa chớm bước qua lối rẽ nhỏ vào nhà cô Hạnh, chúng tôi chững lại trước cảnh người tìm kiếm mộ liệt sĩ ngồi ken kín khắp cả khoảng sân chật hẹp, được che bằng mái tôn. Sau những giờ ngồi thiền mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Minh (TP Vinh) tranh thủ ra lấy ghế nhựa, ngồi tạm ngay trên lối đi nhỏ hẹp. Bà cho biết, gia đình bà đã đăng ký tìm mộ liệt sỹ Đào Xuân Đắc, em chồng bà từ trong Tết và đến đầu tháng 7 mới đến lượt áp vong tìm mộ.

Sau 6 ngày ngồi thiền, do vong lên chưa sâu nên chưa hỏi được thông tin đáng kể gì. Hằng ngày, cứ sáng sớm, con cháu lại tập hợp đông đủ, rồi đánh xe đến nhà cô Hạnh ngồi thiền, chờ áp vong, tối lại về. “Dù tốn kém bao nhiêu, gia đình tôi cũng phải chờ áp vong cho bằng được”, bà Minh nói. Ngay lúc đó, một người cháu của bà Minh uể oải bước ra phàn nàn: ngồi tê hết cả tay chân và đau lưng, rồi vặn vẹo mình mẩy.

Qua quan sát của phóng viên, mỗi gia đình ngồi thiền chờ áp vong được “Trung tâm” của cô Hạnh bố trí chiếu và 1 bàn nhựa nhỏ để đặt bát hương và làm lễ chờ áp vong. Số lượng người mỗi gia đình trực tiếp làm lễ áp vong rất lớn (thường từ 5 - 15 người), phần lớn đang trong độ tuổi đi học và lao động; thời gian chờ để áp vong lại lâu (có gia đình ngồi chờ áp vong đến 2 tháng rưỡi vẫn không có kết quả). Dù được cho biết là số người đến áp vong đã giảm phân nửa, nhưng trong sân nhà cô Hạnh cũng có trên 30 gia đình đang ngồi chờ. Tính ra, mỗi ngày có khoảng trên dưới 200 người đến chờ áp vong. 

Trong không khí ngột ngạt, hương khói bốc lên nghi ngút, nhiều người được cho là đã có biểu hiện nhập vong. Ở khoảng giữa sân, một người đàn ông tuổi trung niên đang rung lắc toàn thân, người đảo liên hồi. Trước những câu hỏi của người nhà, ông chỉ ậm ừ gật hoặc lắc đầu, chứ không nói được. Mọi người trong gia đình xúm quanh để hỏi thông tin và bình phẩm theo biểu hiện của người đàn ông được cho là “vong nhập”. Xung quanh đó, nhiều phụ nữ nằm vạ vật ra chiếu, người thì ú ớ khóc lóc, người thì cười nói lung tung. Mỗi khi vong nhập, người nhà liệt sỹ lại lấy điện thoại, máy ảnh ra ghi lại để không bỏ sót những gì mà người bị "vong nhập" nói ra.

Tôi cũng giơ máy ảnh ra chụp. Ngay khi ánh đèn máy ảnh lóe sáng, lập tức có lời cảnh báo: “Ghi hình thì được, chứ không được chụp ảnh!”. Một bà ngồi ngay cạnh phụ họa: “Ma sợ ánh sáng, nên cậu không nên chụp ảnh với đèn như thế!”. Chúng tôi tắt đèn và cố chụp thêm mấy tấm hình nữa, rồi đi tìm cô Hạnh để hỏi chuyện. Nhưng tìm khắp mọi nơi đều không thấy cô Hạnh. Có người bảo cô đang ngủ. Rất nhiều người khác, vẫn đến ngồi thiền, khi được hỏi đều nói không biết mặt mũi cô Hạnh. Họ chỉ đăng ký, khi tới lượt thì ngồi thiền, chờ áp vong.

Rời “Trung tâm” tìm mộ liệt sỹ nhà cô Hạnh, chúng tôi đi tiếp đến điểm nhà cô Lê Thị Hoà ở Xuân Hoà, Nam Đàn. Theo phản ánh của người dân, điểm của cô Hòa “ăn lộc” từ chính điểm của cô Hạnh và bắt đầu hoạt động từ ngày 20/3/2011. Do không có cơ sở nên cô Hòa thuê địa điểm, vốn trước đây là garage sửa chữa ô tô. Địa điểm thuê, cô chia ra làm hai nửa: Một nửa gia đình cô Hòa làm nơi ở, buôn bán và đặt bàn đăng ký; còn nửa kia, đặt bàn và trải chiếu để các gia đình, thân nhân liệt sỹ đến làm lễ, chờ áp vong.

Trong khi hàng trăm người đang ngồi thiền, chờ áp vong dưới tiết trời nắng nóng thì cô Hòa lại nghỉ ngơi tại một căn phòng nhỏ ở nửa đối diện. Gõ cửa vào hỏi chuyện, chúng tôi được cô Hòa hướng dẫn ra ngoài bàn đăng ký. Khi nào đến lượt, Trung tâm sẽ gọi điện thông báo để gia đình đến và phải đi ít nhất là 5-6 người, chứ một người thì không thể áp vong được.

Nếu điểm nào, trung tâm nào đảm bảo đưa hài cốt liệt sĩ về và gia đình đó tự nguyện thì chúng tôi sẵn sàng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người kiểm chứng giúp. Còn nơi nào có biểu hiện lợi dụng và người dân nhận diện ra thì chúng tôi chấn chỉnh lại để người dân đỡ ảnh hưởng sức khỏe, tiền của. Ông Nguyễn Thanh Phùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An.

Khi tôi tỏ ý băn khoăn, không biết có tìm được mộ liệt sỹ của cụ thời chống Pháp hay không thì cô Hòa trấn an: “Mới hôm qua, có gia đình vừa tìm được mộ từ thời Phục Hưng...”! Tôi lại gặng hỏi, cụ tôi mất do Pháp bắn rồi thả xác trôi sông, liệu có áp vong được không? Cô Hòa bảo: Cứ ra đăng ký đi, khi đến lượt cô sẽ triệu vong về. Nếu có cơ duyên, vong nhập vào cho biết thông tin thì có thể tìm thấy hài cốt, bằng không thì cũng được vong thông báo về tình hình hiện nay và gia đình có thể bốc nắm đất đen về thờ!

Lấy lý do ở xa, ngoài Bắc Ninh, tôi muốn xin cô ưu tiên, tạo điều kiện để được làm lễ, chờ áp vong trước thì được cô đồng ý và bình phẩm thêm: “Hiện nay, đã có trên 2.000 người đến đăng ký tìm mộ liệt sĩ, nếu cứ gọi theo danh sách thì phải chờ 2 năm nữa mới đến lượt!”.

"Vong nhập", người thân vây quanh hỏi thông tin

Sẽ mời Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đánh giá

Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, đến đầu tháng 7/2011, trên địa bàn tỉnh có 15 điểm tự xưng là có khả năng tìm hài cốt liệt sỹ. Tuy nhiên, các điểm này có tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ hay không, còn phải qua kiểm chứng. Nhưng, cho đến nay Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng chưa đánh giá được.

Trước sự xuất hiện các điểm tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp áp vong, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, đồng thời phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng khảo sát nắm tình hình và mời Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam kiểm tra đánh giá tính xác thực của các điểm tìm mộ. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức 2 cuộc họp về vấn đề nhạy cảm này.

Theo số liệu mới nhất của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, tính đến nay đã có trên 15.000 gia đình, thân nhân đến các điểm tìm kiếm để đăng ký tìm mộ liệt sỹ. Kết quả, đã tìm kiếm, cất bốc và di dời về quê hương 810 mộ, song hầu hết chưa được kiểm chứng. “Việc tìm kiếm mộ bằng con đường tâm linh hay ngoại cảm là thế nào chưa ai khẳng định được. Ở Nghệ An, những điểm này đều tự phát và sau khi khảo sát, các trung tâm, các điểm này thực sự có những biểu hiện cần phải chấn chỉnh. Ví dụ, có người ngồi rất lâu để chờ áp vong mà vẫn không có thông tin gì về hài cốt, hay các dịch vụ “ăn theo”...” - ông Nguyễn Thanh Phùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết.

Trước những băn khoăn của dư luận về khả năng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của các trung tâm, ông Nguyễn Thanh Phùng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ không để phát sinh các điểm tự phát mới. Đối với các trung tâm đang hoạt động, chủ cơ sở phải báo cáo với chính quyền địa phương như xã, phường, thị trấn. Thân nhân người quản lý trung tâm phải được báo cáo và phải có cam kết với xã hội./.

Kỳ 2: Có dấu hiệu lừa đảo?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên