Nơi bản nghèo heo hút

Kỳ 1: Nhức nhối vùng vàng

Mang tiếng nằm trong tâm bãi vàng, nhưng xã Pắc (Ta Tân Uyên, Lai Châu) vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nghèo đói, bệnh tật và tệ nạn xã hội đang tác động dữ dội đến nhiều gia đình nơi đây…

Đi vào vùng đất chết

Khoảng 3 năm trước, bãi vàng Pắc Ta được nhiều doanh nghiệp, tư nhân vào thăm dò, khai thác. Tiếng gọi của vàng đã hút hàng ngàn người và các phương tiện đổ về dãy núi K2 - mỏ vàng sa khoáng. Họ dựng lán, lều, xây nhà lớn cho công nhân ở; đào đắp, khoan, gạt, biến thân núi thành một đại công trường. Nhịp sống vốn bình yên của những bản làng nghèo heo hút này như bị dựng dậy.

Theo phản ánh của người dân, khu vực bản K2 hiện nay có khoảng 200 máy xát vàng của tư nhân đặt rải rác ở ven suối và máy khai thác của các doanh nghiệp chạy ầm ầm suốt ngày đêm, xả ra không biết bao nhiêu hóa chất độc hại. “Đấy anh xem, bãi vàng ở trên lưng chừng núi, đầu nguồn nước của mấy bản ở đây. Dân làm vàng toàn dùng những chất độc hại như xyanua thì làm gì mà không ô nhiễm. Dân bản giờ phải mua đường ống dài hàng trăm mét để lấy nguồn nước khác sinh hoạt. Những người làm vàng vừa xây thêm hàng chục cái bể ủ vàng ngay trên núi kia. Khi họ cô vàng thì khói, khét không ai chịu được” - ông Đặng Văn Dậu, Trưởng bản Hoàng Hà vừa nói vừa chỉ tay lên dãy nhà lán, bạt nhấp nhô.

Dòng nước thải từ bãi vàng

Cũng từ khi xuất hiện tình trạng khai thác vàng, hệ thống nước tưới tiêu bị phá hỏng, những giếng nước sạch được tài trợ cũng tan hoang. Dẫn chúng tôi đi thăm bản, ông Lý A Chài, Trưởng bản K2, không giấu nổi bức xúc: “Nước từ bãi vàng chảy đến đâu cây cỏ chết đến đó. Dòng suối Nậm Mít Nọi trước đây nước trong và nhiều cá lắm. Giờ nước suối đỏ quạch, tịnh không còn một con cá nào có thể sống nổi. Người dân nuôi con vật gì mà không may để uống phải nước suối hay những vật dụng có chứa hóa chất xyanua là chết liền sau 3 - 5 phút. Ngay cả những hòn cuội, hòn đá ven suối cũng bị nhuộm bởi một màu vàng của đất núi”.

Ông Phùng Văn Ất, chủ hộ nuôi trâu ở bản Hoàng Hà vẻ bức xúc: “Nói có sách, mách có chứng nhá. Con trâu nhà tôi đang khoẻ mạnh như thế, chỉ liếm phải bãi nước ủ vàng của nhà hàng xóm mà ít phút sau đã giãy chết đành đạch như cá rô đồng. Thú y mổ khám, kết luận trâu chết do ngộ độc hoá chất. Khỏe như trâu còn thế, gia đình chúng tôi biết sống thế nào”. Tiếp lời chồng, bà Vũ Thị An cho hay: “Mỗi khi phải lội qua dòng suối để làm ruộng, khi về chân ngứa, mẩn đỏ hết”.

Theo phản ánh của người dân, trước khi triển khai việc thăm dò, khai thác vàng, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện về họp với dân hứa rằng, không để ô nhiễm môi trường và chỉ khai thác ở đây, còn vận chuyển đi nơi khác chế biến, nhưng cuối cùng, họ xây bể ủ hóa chất, chế biến vàng ngay trên đỉnh núi, khiến hàng trăm người dân ở phía dưới phải gánh chịu hậu họa.

Không thấy vàng, chỉ thấy tệ nạn

Phong trào khai thác vàng chỉ rộ lên một thời gian ngắn rồi lụi dần do lượng vàng nơi đây ngày càng ít đi. Ngay cả lúc cao điểm có tới 7 doanh nghiệp hoạt động với vài ba nghìn lao động hay lúc thoái trào như hiện nay khi mỗi doanh nghiệp chỉ duy trì con số khiêm tốn 30-40 người thì người dân địa phương cũng không được hưởng lợi gì từ bãi vàng. Mang tiếng là sống trên vùng vàng nhưng đổi lại họ chỉ thấy đói nghèo, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Bởi, từ lúc vùng vàng đi vào hoạt động, nhiều đối tượng nghiện ngập, ăn chơi cũng tụ tập về bãi vàng với hi vọng “lọc lại vàng” từ tay người có vàng bằng tất cả các ngón nghề tích cóp được. Vậy là tình trạng hút xách, rượu chè, cờ bạc bắt đầu du nhập vào Pắc Ta, cuốn theo cả một lớp thanh niên trai tráng trong bản rơi vào vòng xoáy tệ nạn.

Những lán ủi vàng

Ông Đặng Văn Dậu than vãn: “Bây giờ chỉ cần buông lỏng quản lý con cái là chúng nó hư hỏng nhanh lắm. Dọc những đồi thông nhỏ ven Quốc lộ 32, kim chích, kim tiêm vứt loạn cả lên…”. Ông Dậu nhẩm tính sơ sơ cả bản có 75 hộ mà có tới 15 người nghiện nặng. Từ nghiện hút ắt sinh ra trộm cắp. Trước đây, người dân đi ngủ chẳng cần đóng cửa thì nay hở cái gì ra là mất. Con gà, con chó trong bản không cánh mà bay. “Mất trộm liên khúc chú à. Bà con thường xuyên đến nhà tôi trình báo hôm nay mất con gà, mai mất con lợn… Tôi cũng không biết trả lời ra sao vì chưa lần nào bắt được thủ phạm”- ông Dậu cho biết.

Theo ông Lý Phủ Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Pắc Ta, tại các bản K2, Thanh Sơn, Hoàng Hà có tới 50% số thanh niên “dính” nghiện ma túy. Tại bản K2, theo phản ánh của người dân, hầu như gia đình nào cũng có con cái mắc nghiện. Hôm chúng tôi đến Pắc Ta cũng là lúc dân làng tiễn đưa người thanh niên xấu số Lò Văn Đôi, con ông Lò Văn So, về bên kia thế giới. Giọt nước mắt của những bậc sinh thành cứ lặng lẽ rơi. Nỗi đau xót đó còn bao trùm khắp xã, bởi cách đây một tuần, một thanh niên trẻ khác trong bản cũng vĩnh viễn ra đi vì mắc nghiện. Cái chết của 2 chàng trai trẻ như báo hiệu những chuyện chẳng lành trên đất vàng Pắc Ta.

Nạn đói rình rập

Việc khai thác vàng của các doanh nghiệp không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn gây ra nhiều khó khăn khác cho cuộc sống người dân. Chỉ tay vào đoạn mương đã bị đất đá lấp đầy, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng bản Thanh Sơn tỏ ra chán ngán: “Trước đây, khi chưa làm vàng thì đoạn mương này cung cấp đủ nước cho gần 10ha ruộng của hai bản Thanh Sơn và K2. Thế nhưng, từ khi bãi vàng đi vào hoạt động, phần lớn ruộng nương ở nơi đây đã phải bỏ hoang vì kênh dẫn nước đầu nguồn đã bị đất, đá từ bãi vàng xô xuống vùi lấp. Xót ruột vì kế sinh nhai, các trưởng bản và chính quyền xã đã lên đặt vấn đề với các doanh nghiệp khai thác vàng, nhưng hầu như không gặp được vì chủ doanh nghiệp lẩn trốn hoặc thoái thác trách nhiệm”.

Ruộng nương bỏ hoang hoá không thể canh tác được, giờ đây, hàng trăm hộ dân ở bản Thanh Sơn, bản K2... đang phải đối mặt với cái đói rình rập. Mấy chục hecta ruộng lúa sau bao nhiêu đời người Mông, người Thái mới tạo dựng được, vậy mà giờ đây nó đang bị bãi vàng xoá sổ. Anh Sầm Văn Đồi có nhà ở gần mỏ vàng đang lo sắp tới nhà mình không biết lấy gì để ăn. Đứng trước thửa ruộng tốt tươi năm nào giờ đất, đá, cát, sỏi phủ đầy, xóa sổ, anh Đôi bảo: “Trước đây, mỗi vụ tôi thu được gần tấn thóc, giờ thì không sao cày cấy được nữa…”.

Thiệt hại về ruộng chỉ là một phần, đến đàn lợn của gia đình anh cứ chết dần, chết mòn. Làm ăn thì thất bát, ngay cả tính mạng của cả gia đình anh cũng đang bị đe doạ. Cứ mỗi khi nghe dự báo thời tiết, khu vực Lai Châu có mưa to là gia đình anh phải di cư. Bởi lẽ trời động mưa là đá, sỏi, đất… cứ nối nhau chảy ùn ùn qua nhà anh. Nhiều gia đình lo sợ đã phải chuyển đi chỗ khác, chứ sống ở đây chẳng biết chết lúc nào./.

Kỳ sau: Mắc nợ vì xóa nhà dột nát

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên