Miền Trung nhức nhối nạn phá rừng:

Kỳ 1: Phá rừng vì vay nặng lãi

Thiếu tiền - vay lãi, vay không trả được - bán đất, hết đất - phá rừng. Cái vòng luẩn quẩn đó đang tàn phá rừng đặc dụng tại Phú Yên

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền Trung tình trạng phá rừng ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, huỷ hoại hàng ngàn ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn.

Một trong những "điểm nóng” về tàn phá rừng là Phú Yên. Tại địa phương này, dư luận rất bất bình vì chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc dụng KrongTrai, vận chuyển chuyển gỗ trái phép, liều lĩnh chống người thi hành công vụ. Đằng sau những vụ phá rừng ồ ạt là tình trạng cho vay nặng lãi của thị trường tín dụng đen mà nạn nhân là những đồng bào người dân tộc thiểu số phải bán đất để trả nợ.

Cây bị chặt hạ ngổn ngang

Thiếu tiền thì… đi vay

Miền Tây tỉnh Phú Yên đang vào mùa khô, đâu đâu cũng một màu xám ngắt, bụi mù. Ngang qua khu bảo tồn thiên nhiên KrongTrai, thuộc địa bàn các xã KrongPa, EaChaRang, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) - nơi giáp ranh với tỉnh Gia Lai, đất trời như nóng thêm lên bởi những đám cháy rừng, khói bay mù mịt. Xa xa tiếng cây đổ xào xạc, tiếng máy cưa ầm ĩ. Đây đó, những khoảnh rừng vừa bị cạo trọc, tạo thành những mảng cháy da beo nham nhở trên các triền dốc...

Đang là mùa đốt rẫy, không buôn nào có một bóng đàn ông vì cả làng bận vào rừng bao chiếm đất, cày ải trồng sắn. Những người ở nhà tính toán chuyện vay mượn tiền bạc, thuê người cày đất. Hỏi chuyện nhiều người dân, ai cũng bảo ở đây cứ thiếu tiền là người ta đi vay. Thiếu tiền mua gạo ăn, chữa bệnh - đi vay; cần tiền thuê người cày đất - đi vay; Lễ tết, cưới hỏi, mua xe máy, điện thoại… cũng vay. Chủ nợ của bà con là những hộ kinh doanh trong xã lúc nào cũng mở rộng hầu bao. Điều kiện vay dễ dãi, lãi suất thỏa thuận, không ai ép ai nhưng lãi cao ngất ngưỡng. Mức phổ biến là cứ vay 1 triệu, sau 3 tháng phải trả 1,5 triệu cả gốc lẫn lãi. Mùa này không trả được thì cho nợ sang mùa rẫy sau, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con. Người vay có thể trả tiền mặt hoặc nông sản, nếu mất mùa thì trả bằng đất.

“Khi ốm đau, bệnh tật, hay thiếu cá mắm muối thì mượn. Mình mượn 1 triệu thì trả 1,5 triệu. Mượn của Tuyết Anh, Túc Tươi đó, muốn mượn ai thì mượn. Năm nay cả tiền cày nữa, em mượn 10 triệu, trả 15 triệu. Nếu không trúng mùa thì mình trả bằng đất” -  Ma Ting, người Ê đê ở buôn Khăm, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa kể vậy.

Nhiều người cho rằng, ngân hàng chính sách xã hội không thiếu tiền, nhưng muốn vay phải có mục đích rõ ràng, giấy tờ đầy đủ, đến hạn phải trả. Còn vay của người buôn, lãi nặng nhưng rất dễ vay.

Một xe máy, một cưa máy, sẵn sàng vào rừng triệt hạ gỗ

Già làng Ma Gia, buôn Độc Lập C, xã EaChaRang không khỏi xót xa: “Vay tiền ngoài cứ 1 triệu trả 1,5 triệu đó. Không có tiền thì bán đất. Ở buôn này, người dân bán đất nhiều lắm. Mượn 1 thành 2, tới mùa không có trả thì phải bán đất. Bán đất thì phải đi kiếm đất. Kiếm đất thì phải phá rừng chứ sao!”.

Đã có nhiều người vay tiền của Nhà nước, lãi suất ưu đãi rồi dùng vào việc khác, đến hạn phải đi vay nóng để trả. Người dân ở vùng này bị trói buộc trong cái vòng lẩn quẩn đi vay - trả nợ, trả không nổi thì viết giấy bán đất. Hết đất sản xuất lại đi phá rừng.

Bán đất, rồi phá rừng… trả nợ

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Thống Nhất, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng KrôngTrai kể chuyện buồn: Hơn chục năm trước đây, người dân vùng này đều có của ăn của để, ngô lúa lúc nào cũng đầy bồ. Bây giờ, bà con có xe máy, ti vi nhiều hơn, nhưng lại  thiếu cái ăn. Do chi tiêu không hợp lý, thiếu kế hoạch phòng khi giáp hạt, mất mùa nên hộ nào cũng lâm cảnh nợ nần, lại thêm chuyện con cái đòi mua sắm điện thoại di động, xe máy đời mới nên hầu hết phải đi vay nặng lãi.

“Trước đây, con buôn lấy gốc và lãi vay bằng nông sản nhưng bây giờ khắt khe hơn. Mỗi khi cho vay đều bắt con nợ phải viết giấy hẹn, nếu không trả được thì thu hồi đất. Khi bị thu hồi đất thì anh phải tác động đến rừng bằng nhiều hình thức, cụ thể nhất là phá rừng làm rẫy”, ông Nguyễn Văn Dũng phàn nàn.

Tình trạng đi vay nóng nặng lãi dẫn đến cảnh thiếu nợ, bán đất rồi phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra ngày càng phổ biến ở các xã trong vùng rừng đặc dụng KrôngTrai từ năm này sang năm khác. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho rừng đặc dụng KrôngTrai bị tàn phá. Cán bộ kiểm lâm nhiều lần báo cáo với huyện, nhưng huyện bảo còn phải chờ. Trong khi đó, chính quyền địa phương vô tư ký giấy cho người dân sang nhượng đất.

“Nợ rồi, bà con phải chuyển đất qua cho con buôn. Cứ đến chính quyền địa phương thì người ta nói thiếu tiền phải sang nhượng để lấy tiền. Mình cũng không sâu sát lắm”, ông Thái Hồng Tân, Phó Chủ tịch UBND xã EaChaRang, huyện Sơn Hòa biện bạch. Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận rằng: “Mình ký sang nhượng rồi thì bà con lại phá rừng làm rẫy. Nạn phá rừng cũng vì lý do đấy”.

Phá rừng làm rẫy

Người dân thiếu đất sản xuất kéo nhau đi phá rừng. Đã vậy, ngay trong vùng đệm, vùng lõi của rừng đặc dụng lại có đến 55 xưởng cưa được tỉnh Phú Yên cấp phép hoạt động. Điều này càng tạo điều kiện cho người dân vô tình trở thành “lâm tặc”. Hậu quả nhãn tiền là rừng đặc dụng KrôngTrai ngày càng bị thu hẹp. Năm 2002, rừng Krông Trai có 22.900 ha, nay chỉ còn chưa tới 13.000 ha. Một vài con số rất đáng lo ngại: năm 2010 tại đây đã xảy ra 116 vụ phá rừng với diện tích gần 50 ha; 78 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, nạn phá rừng đặc dụng Krông Trai càng dữ dội hơn với 277 vụ, gây thiệt hại hơn 100 ha rừng và đất rừng.

Trước tình trạng rừng ngày càng cạn kiệt, UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa rà soát, xác định cụ thể diện tích rừng bị khai phá trái phép để có kế hoạch quản lý, khôi phục lại. Đồng thời, Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cùng với lực lượng kiểm lâm tiến hành truy quét ít nhất hai tuần một lần, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Lại một mệnh lệnh hành chính được ban ra, còn rừng thì chưa biết bao giờ mới hết “chảy máu” nếu nguyên nhân sâu xa không được giải quyết từ gốc./.

Kỳ 2: Tan hoang những cánh rừng Quảng Nam

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên