Ốc đảo không bình yên

Kỳ 2: Câu chuyện của những nấm mồ

Những cái chết do bệnh AIDS của thanh niên trên “ốc đảo” Minh Châu đang gây ra hệ lụy khó lường với người đang sống

Kỳ I: Đi qua cơn lũ vàng

Những nấm mồ cô đơn

Nghĩa địa xã Minh Châu khá khang trang với nhiều ngôi mộ được ốp đá hoa cương một cách kiên cố. Nghĩa trang được chia làm hai khu vực, một dành cho người chết bình thường, một là khu vực “cách li”, dành cho người chết do bị AIDS.

Len lỏi qua rừng cây hoa dại, cây cỏ may cao ngập đầu gối, anh Phạm Văn Chỉnh, công an viên mới tìm ra được những nấm mồ chôn nạn nhân chết trẻ do HIV/AIDS. Đó là những ngôi mộ được đắp bằng đất, cây cối mọc um tùm. Nếu không nằm trong khuôn viên của nghĩa trang, người ta dễ nhẫm lẫn đây là bãi đất hoang với những gò đất nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện dưới đám cây hoang dại. Vừa đi trước dẫn đường, anh Chính vừa quay lại dặn dò: “Anh, chị đi cẩn thận, kim tiêm ở đây nhiều lắm”. Dùng tay rẽ từng cánh hoa dại, những nấm mồ bắt đầu xuất hiện trong tầm quan sát của chúng tôi. Bia mộ được làm đơn sơ bằng những tấm bê tông thô ráp với những dòng chữ ngoệnh ngoạc N.D.S (Nguyễn Danh Sự) hay H.V.K (Hoàng Văn Khởi). “Nhìn vậy thôi, bên dưới được kiên cố bằng bê tông hoàn toàn, được khử trùng bằng vôi bột đấy” - anh Chỉnh cho biết.

Ở nghĩa trang, gia đình nào cũng có một phần lăng mộ riêng, nhưng những đứa con chết do HIV không được an táng trong đó. Nhìn những nấm mồ nằm trơ trọi giữa những đám cây hoang dại, anh Chỉnh thở dài: “Đúng là đến khổ, sống thì tha phương cầu thực, nằm xuống phải chịu cảnh cô đơn”.

Góa phụ tuổi đôi mươi

Trong căn nhà nhỏ bên cạnh dòng sông, có một người phụ nữ đang vừa cặm cụi, tay tỉa ngô, còn ánh mắt lúc lúc phải quay sang quan sát đứa con thơ dại. Chị là Phạm Thị Tuyết, một người phụ nữ mới 24 tuổi, nhưng đã có hai mặt con. Trước đây, chồng chị, anh Nguyễn Danh Sự cũng là người hiền lành, chất phác. Cuộc sống với mấy mảnh ruộng trồng ngô không đủ cho hai vợ chồng có cuộc sống no đủ. Được mấy năm, sau khi sinh đứa con thứ nhất, anh quyết định tìm lên bãi đào vàng để kiếm kế sinh nhai. “Từ ngày chồng tôi ấy lên bãi vàng tưởng cuộc sống thay đổi nhưng đợi mãi chẳng thấy. Rồi một ngày, anh ấy trở về với cơ thể lở loét, bao nhiêu tiền nong trong nhà cứ thế trôi theo căn bệnh của chồng tôi cho đến chết” - Chị Tuyết nghẹn ngào.

 

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ chật hẹp ven sông (do đoàn thể trong xã và anh em trong nhà gom góp xây dựng), chỉ còn liêu xiêu bóng một người phụ nữ với hai đứa con thơ dại. Căn nhà ở ven sông ấy, cứ đến mùa lũ, nước lại tràn bờ. “Ngày anh còn sống, cứ đến mùa nước anh lại quay về lo lắng cho mẹ con tôi. Giờ không có chồng, tôi không biết có xoay sở được vào nổi mùa nước này không. Mỗi khi đứa con lớn bám vào cổ tôi thì thầm: “Sao bố chưa về hả mẹ” thì lòng tôi lại thấy tan nát” - Chị Tuyết nghẹn ngào trong tiếng nấc.

“Đau lòng lắm, xin các anh đừng gợi lại làm gì”, bà Nguyễn Thị Tâm - mẹ của anh Nguyễn Hoàng Trung, 31 tuổi (vừa mất cách đây 3 tháng do bị nhiễm HIV) quay đi cố dấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Phải một lúc, bà Tâm mới chịu kể đôi chút về hoàn cảnh gia đình mình. Nhà bà có hai đứa con trai, đều theo bố đi đào vàng kiếm sống. Ban đầu cuộc sống nhờ đào vàng cũng khá sung túc, gia đình bà xây được ngôi nhà ngói vào năm 1990. Nhưng chẳng được bao lâu, cả hai đứa con đều sa vào nghiện hút. Chồng bà Tâm quyết tâm cho vào trại cai nghiện nhưng cứ ra khỏi trại là lại nghiện trở lại. Bao nhiêu của cải cứ thế đội nón ra đi. Năm ngoái, Trung không đi đào vàng nữa mà đổ bệnh nằm ở nhà, chạy chữa mãi không khỏi. Đến khi ông Nguyễn Hoàng Đáng, bố Trung quyết tâm đưa con đi viện thì cũng là lúc Trung cũng trút hơi thở cuối cùng.

Lau dòng nước mắt đang lăn dài trên má, bà Tâm thở dài: “Chồng tôi đã gần 60 tuổi rồi mà vẫn phải lặn lội lên Lai Châu đi làm thuê để lấy tiền về lo đám ma cho con. Khổ nhất là vợ nó mới 26 tuổi mà đã có 3 mụn con, giờ không biết nương tựa vào đâu”.

Nghe mẹ nhắc đến chồng, chị Phương Thị Nhung ôm đứa con nhỏ vào lòng quay mặt nghẹn ngào: “Chúng em lấy nhau năm 2004, từng có một thời gian hạnh phúc với ba đứa con bụ bẫm, ngoan ngoãn. Từ ngày sa chân vào nghiện hút, tài sản trong nhà nhanh chóng tan theo khói thuốc. Đến con chó mới đẻ được vài ngày, anh ấy cũng đem đi bán. Trong nhà, giờ không có một vật dụng nào đáng giá hết. Vừa rồi, em bán được ít rau cho đứa con nhỏ nhất đi xét nghiệm HIV. Cũng mừng là cháu không bị nhiễm. Em và hai đứa còn lại chưa có tiền đi xét nghiệm”.

Trường hợp như chị Phương Thị Nhung, chị Hoàng Thị Tuyết không phải là ít. Anh Chỉnh là một phép tính đơn giản: “Ở nghĩa trang cứ 10 ngôi mộ chết do HIV thì cũng có thêm 8 người vợ góa trẻ”.

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Công an xã Minh Châu cho biết: “Hiện trong xã có hơn 36 trường hợp bị nhiễm và nghi nhiễm HIV, đã có hơn 25 trường hợp chết do phát bệnh. Điều nguy hiểm nhất là những người vợ, người thân của người bệnh lại không ý thức hết được sự nguy hiểm của căn bệnh này cũng như cách phòng tránh lây lan, họ lại dấu bệnh vì sợ người khác xa lánh, nên cũng gây khó khăn cho việc vận động trong việc phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này”.

 

Ông Nguyễn Danh Hà, Trưởng trạm y tế xã Minh Châu cho biết thêm: “Hiện nay công tác về phòng, chống bệnh HIV mới chỉ thực hiện bằng hình thức tuyên truyền vận động, còn việc xét nghiệm bệnh thì trạm vẫn chưa có khả năng. Dù được vận động rất nhiều nhưng người dân vẫn không đi khám bệnh. Có trường hợp nghi bị nhiễm HIV, khi cán bộ xã đến vận động còn bị chủ nhà vác dao ra đuổi. Người muốn đi kiểm tra lại không có tiền. Bởi vậy nỗi lo sợ của người dân trên xã đảo vẫn sẽ còn kéo dài”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên