Trăn trở "vàng trắng" Tây Bắc!

Kỳ 2: Nhựa đắng!

Việc góp đất, công sức vào trồng cao su đại điền đang mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hiểu và hưởng ứng chủ trương ấy.

Án tù thương tâm

Bản Nà Hý, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biện, tỉnh Điện Biên) nằm cách triền đồi trồng cao su khoảng 100m. Bản có những thửa ruộng nhỏ hẹp. Cuộc sống của người dân trong bản chủ yếu dựa vào những ruộng lúa nước và chăn nuôi. Khi gần 40ha nương trồng lúa, ngô, sắn được huy động góp cổ phần vào Công ty cao su với giá trị 10 triệu đồng/ha thì cuộc sống hàng ngày đã bị đảo lộn và ảnh hưởng nhiều.

“Vườn cao su trồng ngay sát bản nên bây giờ con trâu, con bò không có chỗ chăn thả. Giờ muốn nuôi trâu, bò thì chỉ còn nước đi chăn dắt thôi. Sản lượng lương thực của người dân trong bản cũng giảm khoảng 1/3 so với trước kia” -  Trưởng bản Lò Văn Trung cho biết. Trong khi đó, những thanh niên trai tráng vào làm công nhân cao su với mong muốn thoát nghèo nay đã nghỉ gần hết. Cả bản có 92 hộ dân, nay chỉ có 2 người làm công nhân cho Công ty CP cao su Điện Biên.

Cách nhà Trưởng bản Lò Văn Trung không xa là ngôi nhà sàn của bà Lê Thị Inh. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nằm ở giữa bản trông khá bình yên. Sự bình yên này trái hẳn với những âu lo, buồn rầu của các thành viên trong gia đình. Chồng mất sớm, một mình bà Inh phải vất vả làm lụng nuôi 4 đứa con thơ dại. Khi cây cao su được đưa vào trồng ở dãy núi phía sau bản, cả 3 đứa con trai của bà đều tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cây cao su. Lòng bà vui như trảy hội. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Ông Tạ Quốc Văn cung cấp thong tin về những vụ phá hoại, ngăn cản trồng cao su

Do không được lĩnh lương đều hằng tháng, đi hỏi nhiều lần không được trả nên đứa con trai thứ ba là Quàng Văn Thủy, sinh năm 1989, đã rủ 2 người bạn là Lò Văn Sinh và Lường Văn Vui đi nhổ phá khoảng 1.400 cây cao su. Bị kết tội “Hủy hoại tài sản”, Quàng Văn Thủy phải chấp hành hình phạt tù 36 tháng; Lò Văn Sinh: 32 tháng và Lường Văn Vui: 30 tháng. Đồng thời, 3 người này phải bồi thường cho Công ty CP Cao su Điện Biên hơn 134 triệu đồng (Lường Văn Vui phải bồi thường hơn 38 triệu đồng, còn Lò Văn Sinh, Quàng Văn Thủy bồi thường số tiền gần 48 triệu đồng).

Trong khi người em đang chấp hành hình phạt tù, người anh cả là Quàng Văn Khánh cũng xin nghỉ, không làm công nhân cao su nữa. “Làm công nhân phải đóng rất nhiều khoản tiền như: tiền điện, tiền nước, tiền khấu hao máy, tiền xà phòng... nên tiền đem được về nhà chỉ khoảng 500.000 - 600.000 đồng. Bên cạnh đó, tiền bảo hiểm tháng nào cũng đóng đều khoảng 170.000 đồng, nhưng sổ bảo hiểm chẳng có nên tôi thấy chán và nghỉ làm” - Khánh lý giải.

Do ảnh hưởng của những lần phun thuốc trừ cỏ khi còn làm ở công ty nên thỉnh thoảng Khánh vẫn bị đau đầu. Đấy là còn nhẹ, có trường hợp còn ngất xỉu, phải gọi xe cấp cứu. Người anh thứ hai là Quàng Văn Thành, nhận khoán chăm sóc 8ha cao su cũng cho biết đang có ý định trao trả vườn cao su cho công ty vào cuối năm nay. Giấc mơ thoát nghèo, làm giàu từ cao su của gia đình bà Inh cứ xa dần.

Cũng phá hoại vườn cây cao su, nhưng 17 người ở xã Mường Toong (Mường Nhé, Điện Biên) lại không trực tiếp phá nhổ mà chỉ dỡ bỏ hàng rào dây thép gai để trâu, bò vào phá hoại 25,35ha cao su, gây thiệt hại ước trên 644 triệu đồng. Họ lý giải, do không có địa điểm chăn thả trâu, bò nên mới hành động như vậy. Vụ việc này đang được giải quyết theo hướng những người vi phạm khắc phục, bồi thường thiệt hại đã gây ra và cam kết không có hành vi phá hoại nữa, phía công ty sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, dân nghèo lấy đâu ra tiền để bồi thường? Ngay cả khi phía Công ty CP Cao su Điện Biên đồng ý giảm 30% số tiền thiệt hại, nhưng 5-6 tháng trôi qua, họ vẫn không thể đáp ứng. Thay vào đó, có người vi phạm đề nghị, cho khắc phục hậu quả bằng hình thức trồng cây cao su (góp công) vì không có tiền để bồi thường!

Hàng trăm hecta cao su bị xâm lấn

Một vướng mắc chung mà các tỉnh Tây Bắc gặp phải khi phát triển cây cao su là ở khâu thực hiện cơ chế, chính sách giữa địa phương với người dân tham gia phát triển cây cao su. Hầu hết các tỉnh đều rơi vào tình trạng đo đạc địa chính, quy hoạch trồng cao su chậm, ảnh hưởng đến việc thanh toán, hỗ trợ theo chính sách của tỉnh chưa kịp thời, khiến nông dân hoài nghi về hiệu quả của dự án trồng cao su...

Tại thời điểm này, vướng mắc trong quá trình phát triển cây cao su tại tỉnh Điện Biên khá nổi cộm như: Việc nông dân ngăn cản, giữ đất không cho công nhân của Công ty CP Cao su Điện Biên trồng cao su; tình trạng người dân phá hoại vườn cây.

Làm việc với chúng tôi, ông Tạ Quốc Văn, Trợ lý Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên vác ra một tập tài liệu dày chừng 10 phân để cung cấp thông tin về những vụ phá hoại vườn cây cao su hay những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với người dân cũng như chính quyền cấp xã, huyện.

“Tại xã Ẳng Tở, khi công nhân tiến hành trồng cao su trên những khu đồi, núi được giao từ năm 2009 thì một số người đã vác dao ra đe dọa: nếu không hỗ trợ kịp thời sẽ phá nhổ cao su, chiếm lại đất nương. Nhiều nơi khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Nên năm nay may lắm thì chỉ trồng được 1.000 ha” - ông Văn than thở.

Theo kế hoạch, năm 2010, Công ty CP Cao su Điện Biên được UBND tỉnh giao trồng 436,77ha cao su tại 3 xã Mường Đăng, Ngối Cáy, Ẳng Tở của huyện Mường Ẳng. Song, kết thúc 6 tháng đầu năm 2010, công ty mới hạ băng đào hố 45ha diện tích khai hoang của năm 2009.

Tại huyện Mường Nhé, cùng với tình trạng phá hoại vườn cây cao su, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, nhiều hộ dân còn chiếm hàng trăm hecta vườn cao su để trồng lúa. Tại tiểu khu 151, bản Huổi Trạ (xã Nậm Vì, Mường Nhé), các hộ dân đã giữ 25ha vườn cây cao su trồng trong 2 năm 2009 và 2010. Tại diện tích này, các hộ dân đã trồng xen canh lúa và đã xẩy ra nhiều vụ phá nhổ cây cao su, tỷ lệ sống của vườn cây cao su là rất thấp. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, có nguy cơ vườn cây cao su bị mất trắng. Hàng trăm hecta vườn cao su ở các xã Mường Toong, Mường Nhé cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Khương, quyền Giám đốc Nông trường cao su Hoa Ban Mường Nhé, vườn cây chăm sóc năm thứ hai tỷ lệ trồng dặm là rất lớn 37,4%, trong đó vườn cây trên địa bàn xã Mường Toong trồng dặm tới 40,65%./.

Kỳ cuối: Để người dân đổi đời từ “vàng trắng”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên