Du lịch Ninh Bình trước nguy cơ tụt hậu:

Kỳ cuối: “Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”

Việc phát triển song song cả công nghiệp và du lịch để khai thác triệt để tiềm năng núi đá vôi đã không đem lại mối lương duyên như ý

Việc các nhà máy xi măng bủa vây, nằm xen kẽ với các khu di tích, du lịch nổi tiếng của Ninh Bình đã và đang gây ô nhiễm nặng môi trường sống của người dân và môi trường du lịch nơi đây. Sự chồng chéo giữa quy hoạch xi măng và quy hoạch du lịch khiến nhiều người đặt ra vấn đề: Dù vô tình hay hữu ý, thì các nhà quy hoạch và quản lý đã dùng quy hoạch chuyên ngành phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch.

Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ngập chìm trong khói bụi

Mối cơ duyên bẽ bàng

Theo sách “Địa chí Ninh Bình” của (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2010), núi đá vôi ở Ninh Bình phân bố trên diện tích 12.000 ha, kéo dài từ huyện Nho Quan, Gia Viễn qua thị xã Tam Điệp, huyện Hoa Lư xuống huyện Yên Mô. Đá vôi ở Ninh Bình có hai loại: Đá vôi xây dựng và đá vôi xi măng với tổng trữ lượng lên tới hàng chục tỷ tấn.

Khai thác triệt để tiềm năng và phát huy lợi thế so sánh của địa phương, tỉnh Ninh Bình đã định hướng phát triển hai ngành kinh tế: du lịch - ngành công nghiệp không khói và xi măng - ngành công nghiệp có khói chung nhau khai thác tài nguyên vùng đá vôi với yêu cầu cùng phát triển nhanh, bền vững và trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, thực tế diễn ra không như ý muốn. Mối cơ duyên giữa du lịch với xi măng trong vùng núi đá vôi tưởng đằm thắm hóa ra bẽ bàng, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Ngành xi măng càng “ăn nên làm ra” bao nhiêu thì càng gây cho du lịch khốn khổ, lao đao bấy nhiêu. Nếu như trước năm 2000 mới chỉ có 1 nhà máy xi măng lò đứng Hệ Dưỡng với công suất 160.000 tấn/năm, thì đến năm 2010, Ninh Bình đã có tới 6 nhà máy xi măng, tổng công suất hơn 10 triệu tấn năm, là địa phương có sản lượng xi măng lớn nhất nước.

Thấy công nghệ “phá núi nghiền đá” hái ra tiền, các doanh nghiệp xi măng tấp tểnh mở rộng quy mô, nâng công suất lớn hơn nữa. Trong khi đó, du lịch Ninh Bình không tạo được bước đột phá nào và cũng không thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mong muốn. Trái lại, do thiếu vốn đầu tư nên Ninh Bình không mở mang được khu du lịch mới, chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư đáng kể nào từ bên ngoài tỉnh.

“Chưa có công nghiệp thì người dân sở tại là người chịu thiệt thòi vì vùng chiêm trũng, đầu tư kém. Nay có công nghiệp, chịu ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi thì họ lại càng thiệt thòi. Nhà máy cải tạo công nghệ chỉ phần nào đó thôi, còn muốn phát triển du lịch thì phải tách bạch riêng và phải đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp” (Ông Đinh Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải)

Khu Tam Cốc - Bích Động được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 với diện tích 155ha thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tháng 12/2006, nhằm tăng tốc phát triển ngành du lịch, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch mở rộng khu du lịch này lên tới 350ha thuộc 4 xã: Ninh Hải, Ninh Vân (huyện Hoa Lư), Sơn Hà (huyện Nho Quan), Yên Sơn (thị xã Tam Điệp). Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp (2007 - 2008), tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt hàng loạt văn bản cho 2 nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và Duyên Hà liền kề ngay Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động mở rộng sản xuất, nâng công suất lên gấp nhiều lần. Xi măng Duyên Hà tăng từ 0,56 triệu tấn/năm lên 2,5 triệu tấn/năm. Xi măng Hệ Dưỡng từ 160.000 tấn/năm lên 1,8 triệu tấn/năm. Đưa công suất lên gấp từ 5 - 10 lần đồng nghĩa với việc các nhà máy xi măng hun khói độc hại lên gấp từ 5 - 10 lần. Tất cả đều đổ xuống đầu người dân xã Ninh Vân và tuôn vào khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Tại xã Ninh Vân, khói bụi mù mịt cả ngày lẫn đêm. Người dân ở các thôn Phúc Long, Tân Dưỡng 1, Tân Dưỡng 2 quanh năm phải che bạt, đóng cửa để tránh khói, bụi. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khẩu trang bán chạy như tôm tươi, khách du lịch “một đi không trở lại”. Tương tự, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long - 1 trong 7 khu du lịch lớn, trọng điểm của tỉnh Ninh Bình cũng đang chịu sức ép tàn phá từ nhà máy xi măng The Vissai, nằm ngay bên cạnh, được khởi công tháng 9/2005, công suất 1,2 triệu tấn/năm. Năm 2008, nhà máy này lại được phép tiến hành mở rộng giai đoạn 2, nâng tổng công suất lên 3,6 triệu tấn/năm.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Lê Phương Trình, Bí thư Đảng ủy xã Gia Vân cứ than phiền về chuyện Khu du lịch Vân Long bị Nhà máy xi măng The Vissai hun khói quanh năm. Theo ông Trình, chỉ nhìn nhà máy xi măng đứng bên cạnh Khu du lịch Vân Long, ai cũng thấy quy hoạch như thế chẳng khác gì đem xi măng đến làm hỏng du lịch.

Ham “ăn xổi”

Cũng là hòn đá vôi mà thân phận xem ra khác nhau nhiều lắm. Có hòn đá được ngành du lịch “trưng dụng” đàng hoàng để mọi người ngắm vẻ đẹp của nó. Lại có hòn đá bị nghiền nát làm xi măng, tạo ra ô nhiễm khói bụi. Và dường như ngành xi măng đang ở thế thắng, ai cũng ham làm vì khả năng sinh lời cao.

Chuyện không ổn giữa quy hoạch phát triển xi măng và quy hoạch phát triển du lịch ở Ninh Bình là sự đã rồi. Liệu có thể tháo dỡ hoặc ngưng hoạt động các nhà máy xi măng? Càng không thể di dời Khu du lịch đi nơi khác.

Xin dẫn lời ông Nguyễn Phúc Khôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình để tham khảo: “Xi măng là người duyệt cũng ăn ngay và tổng thu nhập quốc dân của tỉnh ăn ngay, còn thế hệ sau, khóa sau thì mặc kệ. Một tỉnh có 6 nhà máy xi măng như thế này phá mấy chốc chả hết, dày đặc, sai lầm”.

Thực tế đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi tỉnh Ninh Bình cần thực hiện những giải pháp đồng bộ để khắc phục có hiệu quả tình trạng phát triển sản xuất xi măng tác động tiêu cực tới ngành du lịch. Về quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy mô, công suất nhà máy xi măng phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong khu du lịch. Xác định ranh giới, quản lý chặt chẽ vùng núi đá vôi nguyên liệu xi măng và vùng núi đá vôi phục vụ du lịch, ngăn chặn tình trạng tranh chấp, xâm hại lẫn nhau.

Về khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để xử lý, làm giảm lượng bụi khói độc hại của khí thải từ ống khói nhà máy xi măng. Kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy xi măng, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện phương pháp kỹ thuật khai thác khoáng sản phù hợp với môi trường, góp phần tạo điều kiện cho du lịch Ninh Bình phát triển bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên