Ốc đảo không bình yên

Kỳ I: Đi qua cơn lũ vàng

Nhìn bề ngoài, “ốc đảo”, Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) mang một vẻ đẹp yên bình, thơ mộng. Nhưng thực ra, người dân nơi đây lại đang sống trong hoang mang, lo sợ bởi những con nghiện nhiễm HIV

Ở một vùng quê bốn bề sóng nước, người dân xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã quen đối mặt với những trận lũ dữ. Nếu lũ sông Hồng đi qua để lại phù sa màu mỡ cho “ốc đảo”, thì dư âm của trận “lũ đào vàng” cách đây gần 30 năm đang gây sự hoang mang, kinh hoàng cho cuộc sống hiện tại của người dân nơi đây.

Cả xã đi đào vàng

Những cơn gió lạnh trên dòng sông Đường (một nhánh của sông Hồng chảy qua huyện Ba Vì) được sự cộng hưởng với khí trời u ám làm không gian từ bến đò xã Chu Minh (huyện Ba Vì) sang “ốc đảo” Minh Châu thêm phần hiu quạnh. Con đò - phương tiện duy nhất qua lại của xã đảo với đất liền, chỉ thưa thớt vài bóng người. Là xã duy nhất ở Hà Nội không có đường bộ đi vào đất liền, bốn bề sông nước nên người ta vẫn gọi Minh Châu với cái tên như: xã Đảo, ốc đảo, bãi nổi…

Bước chân chúng tôi hơi ngập ngừng khi đò cập bến. Thú thực chúng tôi cũng hơi rờn rợn khi đặt chân lên xã Đảo nhỏ bé này, nơi được đồn thổi là điểm tụ tập của dân nghiện, buôn bán ma túy, và kể cả căn bệnh thế kỷ AIDS.

Con đường được bê tông hóa từ bến đò dẫn chúng tôi đến trụ sở UBND xã Minh Châu. Nó nằm trơ trọi trên một khu đất trống với hai dãy nhà cấp bốn toềnh toàng. Thấy nhà báo đến, chẳng hỏi thì ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Công an xã cũng biết vì chuyện gì, buông một tiếng thở dài, ông nói như than: “Câu chyện ma túy, hút chích ở trên đảo bắt nguồn từ cơn sốt đào vàng cách đây đã gần 30 năm”.

Nguyên nhân tạo nên cơn sốt đào vàng ở xã cách đây gần 30 năm, thật trớ trêu, lại từ… tin đồn. Đồn rằng ở khúc sông gần Minh Châu, có người hút được cục vàng nặng gần 1 kg. Dù thực hay hư thì đó cũng là cái cớ để thanh niên Minh Châu lũ lượt kéo nhau rời đảo với giấc mơ đổi đời. Với hơn 6.000 dân sống dựa vào hơn 200 ha đất canh tác, lại thêm chuyện sinh đẻ nhiều, người dân ở đây sống rất chật vật để kiếm từng bữa cơm hằng ngày. Giấc mơ vàng đã thổi bùng khát khao thoát nghèo của họ.

Trong những nghề như đi làm công nhân mỏ than, làm phụ hồ xây dựng thì số người đi chọn nghề đào vàng vẫn chiếm đa số, bởi đây là nghề có thu nhập cao. Ước tính khoảng đầu những năm 80, có gần 500 nam thanh niên trong xã kéo nhau đi đãi vàng. Người có nhiều vốn thì đầu tư mua thuyền hút vàng làm ông chủ, người không có tiền thì đi làm công nhân. Khắp các bãi khai thác vàng từ Nghệ An, Lai Châu, Sơn La… ở đâu cũng có dấu chân của người dân ốc đảo.

Thời gian đầu, cuộc sống của người dân xã Đảo có nhiều thay đổi, cũng giàu có hơn, sung túc hơn. Trong xã, người ta vẫn kể nhau nghe câu chuyện về ông Phạm Văn Tề. Cứ mỗi chuyến đi về là ông mang cả ba lô vàng. Cả xã, chỉ có mình ông có chiếc xe máy lượn khắp đảo, ai cũng ao ước và muốn được giàu nhanh như ông Tề.

 

Vàng ít, nghiện nhiều

Nhưng trường hợp như ông Phạm Văn Tề chỉ là cá biệt. Đa số thanh niên đi đào vàng về, thay cho những đồng tiền, họ trở về với thân hình tiều tuỵ, xanh xao bởi những cơn nghiện ma túy, đáng sợ hơn là căn bệnh thế kỷ AIDS.

Cuộc sống yên bình của người dân Minh Châu bỗng nhiên bị xáo trộn. Nếu trước đây, trẻ con có thể chơi bất cứ nơi nào trên đảo, thì giờ đây, người dân xã Đảo trở nên thận trọng hơn vì ở đâu cũng nhan nhản kim tiêm của bọn chích hút. Không còn cái cảnh đêm ngủ không cần khóa cửa, cài then, khắp “ốc đảo”, đi đâu cũng gặp phải ánh mắt hoang mang, sợ hãi. Gặp nhau người ta chỉ dám thì thầm to nhỏ với nhau về những kẻ nghiện, về những cái chết do bị bệnh AIDS.

Để có tiền chích hút, bọn nghiện trên ốc đảo không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, từ trộm đồng hồ điện, trâu bò, đến dây cáp điện… chỉ mong thỏa mãn cơn thèm thuốc.

Ông Lê Viết Niệm, công an phụ trách xã (Công an huyện Ba Vì) cho biết: “Ở xã đảo Minh Châu, hàng năm Công an phải bắt được vài vụ trộm cắp lớn. Lớn nhất là vụ công an huyện Ba Vì kết hợp với công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bắt gọn một nhóm buôn bán ma túy trên đảo vào năm 2004. Còn những vụ trộm cắp “vặt” thì xảy ra như cơm bữa”.

Theo thống kê của chính quyền xã, cuối năm 2008, dù rất nhiều con nghiện đã nằm lại ngoài bãi tha ma do bị AIDS, song trên toàn xã đảo vẫn còn hơn 60 con nghiện. Nhưng đó chỉ là con số thông kê chính thức, có hồ sơ rõ ràng, còn những con số nằm ngoài hồ sơ theo dõi của chính quyền xã thì còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Với địa hình bốn bề sông nước, nên những con nghiện ở đây ngày càng lộng hành.  Chúng ngang nhiên phá rào vào vườn lấy rau màu, bắt trộm gà, lợn ngay giữa ban ngày, chủ nhà có biết cũng phải tảng lờ cho qua chuyện. Bởi nếu kêu lên sẽ bị chúng đánh lại hoặc dùng kim tiêm dính máu đe dọa. Đã có trường hợp người dân đứng lên tố cáo kẻ trộm, dân nghiện hút thì bị chúng nhổ hết mấy sào ngô ngoài ruộng.

 

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng công an xã than thở: “Cả xã chỉ có tổng cộng 7 công an viên. Nếu đem so với số lượng con nghiện trên ốc đảo thì đây chỉ là con số quá nhỏ. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động người  nghiện đưa đi cai, vì nhà nào cũng muốn che dấu người thân mình mắc nghiện”.

Có lẽ cũng không có xã nào mà Chủ tịch UBND xã cũng được phân công vào tổ tuần tra, canh gác an ninh cho xã đảo. Một lần, chính ông Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Tài Thân bắt một đối tượng đang chích hút thì bị tên này lao vào cắn vào bả vai để tìm đường thoát thân.

Nghiện nhiều là vậy, nhưng đáng sợ mà không chỉ lực lượng an ninh trong xã lo lắng mà nó còn làm cho người dân ở đây hoang mang chính là cơn lốc ADIS. Nó đã làm tan vỡ bao nhiêu mái nhà, khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh mẹ góa con côi. Có lẽ đấy mới là “tâm lũ” làm náo loạn cuộc sống trên ốc đảo nhỏ bé này./. 

Kỳ 2: Câu chuyện của những nấm mồ

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên