Quay quắt Hang Kia

Kỳ I: Đột nhập “thung lũng ma tuý”

Buôn bán ma tuý đang trở thành vấn nạn ở Hang Kia với danh sách người trẻ tuổi rơi vào vòng lao lý ngày một nhiều hơn. Nhiều người bị lĩnh án tử hình, chung thân; có gia đình cả bố và con dắt díu nhau vào tù…

Xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình trước đây từng được mệnh danh là “thủ phủ của cây thuốc phiện”, nay có thêm địa danh “thung lũng ma tuý” ở Tây Bắc. Buôn bán ma tuý đang trở thành vấn nạn ở Hang Kia với danh sách người trẻ tuổi rơi vào vòng lao lý ngày một nhiều hơn. Nhiều người bị lĩnh án tử hình, chung thân; có gia đình cả bố và con dắt díu nhau vào tù…

Sự giàu có tội lỗi 

Thuộc tỉnh Hoà Bình, nhưng xã Hang Kia nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá cao sừng sững của cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cơn mưa nặng hạt khiến cả thung lũng chìm trong sương khói huyền ảo. Những ngôi nhà gỗ nằm dưới tán vườn đào, khung cảnh chẳng khác gì một khu nghỉ dưỡng. Nhưng với chúng tôi, vẻ bình yên đó bỗng trở nên đáng ngại khi bắt gặp những ánh mắt sắc lẹm của trai bản ném về phía chúng tôi.

Ở Hang Kia lúc này không còn hoa anh túc nữa, thay vào đó là ma tuý và những bản án. Bên bậu cửa, tôi bắt gặp nhiều ánh mắt nhìn về những đỉnh núi xa mờ, cùng những mong ngóng điều gì đó thật vô vọng.
Tạt vào quán nước bên đường, thấy mấy đứa trẻ vào mua kẹo. Mỗi đứa cầm vài tờ giấy bạc một trăm nghìn trên tay. “Chúng lấy đâu ra nhiều tiền thế?”. Câu hỏi của tôi được bà chủ quán đáp lại bằng một cái nguýt rõ dài: “Chúng còn tiêu cả tiền đô ấy chứ!”. Đang uống giở cốc nước, tôi giật mình khi nghe thấy tiếng xe hơi chạy qua quán. Ông chủ của chiếc xe là một chàng trai người Mông tuổi đời còn rất trẻ. Bà chủ quán bảo: “Xe của trai bản này cả đấy. Ở dưới xuôi có loại ô tô nào xịn thì ở đây có cả. Nhiều tay chơi ngông, sáng đến còn chở vợ con ra thị trấn Mộc Châu để ăn sáng...”.

Quá trưa chúng tôi vào một quán bên đường ăn tạm bát mỳ. Ngồi chưa ấm chỗ đã thấy đôi vợ chồng người Mông trẻ dắt nhau vào quán. Người chồng hất hàm bảo chủ quán: “Làm cho hai bát phở nhiều thịt và cả trứng!”. Tiếp đó, một chàng trai khác phóng xe máy đến quán, xách đôi cân thịt rồi rút tiền ra trả mà không thèm lấy lại tiền thừa.

Phở đến tận nhà. Bia và nước ngọt tràn ngập. Hàng quán phục vụ suốt ngày đêm. Thức ăn chín đựng trong túi giấy bóng, người Mông chỉ việc mua xách về. Những cây rau cải to và ngọt nổi tiếng của đồng bào Mông được thay thế bằng những loại rau bó sẵn mang từ nơi khác đến. Gà và cá mang từ miền xuôi lên. Cứ như người Mông không biết nuôi gà, trồng rau vậy. Đó là một sự lạ ở nơi đây.

Sự sung túc, giàu có đó, ai nhìn thấy chẳng thích. Nhưng không ai giải thích nổi vì sao nhiều người dân nơi đây lại giàu có đến thế. Chỉ biết rằng ở Hang Kia, ngoài nghề làm nương, một năm trồng một vụ ngô, một vụ lúa nương… thì làm sao đủ tiền để mua một chiếc ô tô trị giá tiền tỷ. Lạ hơn, theo thống kê của xã, Hang Kia còn 70% hộ nghèo. Nếu cứ hiểu theo điều kiện thực tế và con số thống kê trên có lẽ các chàng trai không tiêu pha như “phá mả”. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy lời giải thích của bà chủ quán hay chuyện lúc sáng càng thêm thuyết phục: “Giàu là nhờ ma tuý cả đấy!”

Bản “cáo bạch” buồn

Ông Khà A Ga, Trưởng Công an xã Hang Kia lật giở cuốn sổ công tác mà cứ thở dài thườn thượt. Chả là danh sách những người vào tù ra tội ở xã ngày một nhiều hơn. Ông đếm sơ sơ toàn xã có 36 người bị bắt, trên nửa số đó bị kết án tù chung thân, một phần còn lại bị tử hình. Buồn hơn là những người này đang ở độ tuổi còn rất trẻ. Người cao tuổi nhất mới ngoài bốn mươi, trẻ nhất mới hai mươi. “Đấy là chưa kể những đối tượng mà công an chưa bắt được”, ông Ga nói. Cũng theo ông Ga, ở xã còn một số đối tượng bị truy nã vẫn lẩn trốn trong rừng, còn số thanh niên đi theo con đường xấu thì không thể thống kê nổi. Đưa ánh mắt buồn nhìn về những đỉnh núi đã giăng màn sương mỏng, ông Ga nén tiếng thở dài rồi bắt đầu hồi tưởng về “lịch sử” hình thành “rốn” ma tuý ở xã mình.

Ông Ga: "Danh sách những thanh niên  bị bắt vào tù ở xã ngày một nhiều"
Hang Kia từng được coi là “thủ phủ” của hoa anh túc. Vào đầu mùa xuân hoa anh túc nở rộ khắp cái nương, cái rẫy... Người dân thu hoạch cây thuốc phiện như thu hoạch lúa nương bây giờ. Giờ đây cây thuốc phiện đã bị xoá bỏ, thế hệ những người nghiện thuốc phiện đã mất dần, chỉ còn sót lại vài người. Giới trẻ tuy không dùng thuốc phiện, nhưng lại nhảy sang buôn ma tuý.

Khi những đồng tiền của các ông trùm ma tuý rót về Hang Kia, nhiều người tự dưng giàu có một cách bất thường. Tiền tiêu như nước. Nhiều nhà  sắm ô tô con, ti vi và những tiện ghi sinh hoạt đắt tiền khác. Thấy kiếm đồng tiền quá dễ, nhiều trai bản khác cũng nhảy vào cuộc. Họ sẵn sàng chở đôi bánh hê-rô-in cho các ông trùm để nhận được vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Số tiền này làm nương cả đời không ra. Hơn nữa, từ nhiều năm nay Hang Kia đã hình thành những đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia. Việc “kết nạp” thêm những thành viên trong bản vào đường dây này không có gì là lạ.

Vụ điển hình gần đây nhất là vào ngày 8/5/2008, Công an huyện Mộc Châu phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Sơn La phát hiện, bắt quả tang Vàng A Dơ và cháu ruột là Vàng A Sùng cùng trú tại xã Hang Kia đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Trên chiếc xe ôtô 4 chỗ, biển kiểm soát 29Y-1024 mà hai đối tượng này điều khiển, có 30 bánh hê-rô-in, 1 khẩu súng K59. Ngay sau đó, lực lượng công an đã khám xét khẩn cấp nhà ở của Vàng A Sùng, ở tại bản Hang Kia. Bất ngờ từ trong nhà, hai đối tượng đã dùng súng AK và súng ngắn bắn thẳng vào lực lượng công an và tẩu thoát.

Một vụ khác, lực lượng công an đã bắt quả tang vụ vận chuyển ma tuý trên chiếc xe chở khách mang biển số 28H- 2535 đang trên đường từ Mai Châu về Hà Nội, bắt 4 đối tượng đều là người Mông ở xã Hang Kia là Hờ A Dế (SN 1962), Khà A Giàng (SN 1969), Khà A Lếnh (SN 1975) và Sùng A Giàng (SN 1962), thu 64 bánh hê-rô-in.

Nước mắt chảy ngược

Chị Xông đang mong ngóng ngày chồng hết hạn tù
Căn nhà lợp ngói thấp thoáng dưới tán những cây đào của chị Vàng Y Xông trông thật yên bình. Chị và 2 cô con dâu đang may váy. Giọng chị buồn rầu khi kể về hoàn cảnh gia đình mình. Vừa chớm tuổi con gái chị đã bị anh Chứ bắt về làm vợ. Ngày đó anh cũng hiền lành chịu khó, vợ chồng lo toan làm ăn. Khi nhắc tới chồng, đôi mắt chị đỏ hoe, ống tay áo ướt đẫm lệ. Chị bảo: “Anh ấy bị bắt vào tù cách đây 3 năm rồi. Mấy đứa nhỏ mới vào thăm bố, từ hôm về cứ khóc suốt. Riêng thằng út, năm nay mới 7 tuổi, vẫn chưa biết rõ mặt bố”. Chị Xông cũng không hiểu chung thân là gì, chỉ biết chồng chị bảo, còn phải đợi rất nhiều mùa hoa đào nở nữa chồng chị mới về.

Cách nhà chị Xông không xa là gia đình bà Khà Y Phánh cũng có chồng bị bắt vì ma tuý. Nỗi đau của gia đình này truyền qua 2 thế hệ. Ông Vàng A Khua cùng bà có với nhau 4 người con. Ông nghe lời kẻ xấu đi xách ma tuý thuê. Không những vậy, ông còn lôi kéo cả đứa con trai là Vàng A Tú vào cuộc. Kết cục, ông bị bắt được vài bữa thì đến lượt đứa con trai. Bố con cùng dắt nhau vào tù, đều án chung thân. Bên ngôi nhà đất, 2 mẹ con bà Phánh còm cõm nuôi nhau và mấy đứa cháu nhỏ. Chiều chiều bà và cô con dâu lại ngồi bên bậu cửa nhìn về những đỉnh núi xa mờ, mong ngóng một điều gì đó thật vô vọng. Không biết ở trong tù ông Khà và đứa con trai có nghĩ tới cảnh này?

Chiều xuống nhanh, mây mù vần vũ phủ cả miền sơn cước. Trưởng bản Hang Kia Vàng A Chớ tiếp chúng tôi lạnh nhạt: “Có gì đâu mà các anh viết”. Ông thực sự buồn rầu khi nhắc tới tình hình của bản mình. Bản có 100 nóc nhà thì có tới 20 thanh niên bị bắt và giờ đang thụ án trong tù, tất cả đều đã có vợ, có con. Họ ra đi để lại gánh nặng cho bao người. Buồn hơn là tình trạng buôn bán ma tuý bản không thể ngăn nổi. Nó vẫn tiếp diễn…./.

Kỳ sau: Những cái nhất đáng lo

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên